Chương trình truyền hình mua bản quyền nước ngoài:

Hút khách nhờ lồng ghép văn hóa Việt

ĐÌNH TOÁN; ảnh: NSX

VHO - Nhìn lại mảng chương trình giải trí trên sóng truyền hình thời gian qua, không khó để nhận thấy các gameshow “ngoại nhập” đang chiếm sóng màn ảnh nhỏ. Chị đẹp đạp gió rẽ sóng, Anh trai vượt ngàn chông gai, 2 ngày 1 đêm... hiện đang “làm mưa làm gió” đều là những chương trình truyền hình được mua bản quyền từ Trung Quốc, Hàn Quốc và thực hiện Việt hóa.

Hút khách nhờ lồng ghép văn hóa Việt - ảnh 1

 Danh thủ Hồng Sơn, nghệ sĩ Bằng Kiều, Tự Long, Tuấn Hưng trình diễn nhóm trong “Anh trai vượt ngàn chông gai”

 Đáp ứng sự “dịch chuyển” của khán giả

Có thể nói, việc làm lại các chương trình truyền hình mua bản quyền từ nước ngoài đang được nhiều công ty, nhà đài đầu tư mạnh mẽ. Đa số những chương trình được mua bản quyền về Việt Nam đều đã thành công ở nước ngoài, được “thử lửa” về độ hấp dẫn công chúng. Đến khi phát sóng trong nước, chương trình thường được khán giả mong chờ vì đã có thương hiệu, tiếng tăm từ phiên bản gốc. Do đó, việc lựa chọn gameshow có bản quyền nước ngoài rồi Việt hóa có thể nói là nước đi an toàn trong bối cảnh các đơn vị phải chịu áp lực doanh thu như hiện nay. Cùng với đó, sau một thời gian xem nhiều nội dung mang đậm tính tương tác, trải nghiệm, kết hợp với yếu tố hài hước, khán giả dường như có sự “dịch chuyển” gu thưởng thức sang những dạng chương trình này.

Anh trai vượt ngàn chông gai phát sóng trên VTV3 đang nhận được sự quan tâm của khán giả. Chương trình quy tụ 33 sao nam nổi tiếng ở nhiều lĩnh vực như NSND Tự Long, cựu cầu thủ Hồng Sơn, ca sĩ Bằng Kiều, Tuấn Hưng, diễn viên Tiến Luật, rapper Binz, võ sĩ Duy Nhất... Đây là phiên bản Việt hóa từ show truyền hình Call me by fire đình đám của Trung Quốc, vì vậy cũng đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm, bàn luận sôi nổi của khán giả nước nhà.

Theo định dạng cuộc thi, 33 nghệ sĩ nam trên 30 tuổi sẽ tạo nên chân dung chân thực nhất của mỗi người, vượt qua giới hạn an toàn, khẳng định thế mạnh bản thân. Ngoài format hấp dẫn, chương trình còn khiến khán giả bất ngờ khi công bố dàn khách mời, trong đó có NSND Tự Long vốn xuất thân là một diễn viên chèo. Điều khiến khán giả tò mò là NSND Tự Long sẽ vượt qua “chông gai” mà một chương trình tạp kỹ đặt ra như thế nào. Ngoài những phần trình diễn âm nhạc, vũ đạo “bắt tai, mãn nhãn”, chương trình cũng tập trung khai thác sự hài hước, duyên dáng của các “anh trai” khi tham gia. Qua đó, giúp khán giả có những phút giây giải trí sảng khoái sau thời gian học tập, làm việc căng thẳng...

Cũng là một trong những chương trình thành công khi đạt được sự cân bằng giữa yếu tố văn hóa và giải trí, 2 ngày 1 đêm đã duy trì phát sóng qua 3 mùa trên kênh HTV7 và thu hút lượng người xem đông đảo trên các nền tảng số. Phiên bản Việt Nam được mua lại format từ gameshow cùng tên do Đài Truyền hình KBS (Hàn Quốc) sản xuất. Theo dõi hành trình của dàn khách mời, khán giả sẽ cùng khám phá các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trải dài khắp đất nước Việt Nam và trải nghiệm văn hóa, ẩm thực độc đáo của từng vùng miền qua màn ảnh nhỏ…

Thành công của 2 ngày 1 đêm được cho là đến từ việc ê kíp sản xuất nhanh chóng nắm bắt được thị hiếu của người xem. “Thoát” ra khỏi studio, trường quay, chương trình “rong ruổi” trên khắp các chặng đường, đến với mọi miền tổ quốc. Bên cạnh yếu tố giải trí, chương trình cũng cung cấp nhiều thông tin bổ ích về đất nước, con người Việt Nam; khơi dậy niềm tự hào về nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc trong lòng mỗi người con đất Việt.

Chú trọng yếu tố văn hóa

Trong quá trình làm lại các chương trình truyền hình mua bản quyền từ nước ngoài, việc bản địa hóa là điều cần thiết để phù hợp với thuần phong mỹ tục, thu hút khán giả. Mặc dù đã có nền là format gốc nhưng ê kíp sản xuất vẫn phải “cân đo đong đếm” để khán giả trong nước dễ tiếp cận.

Trên thực tế, đã có nhiều chương trình khiến công chúng phẫn nộ vì đội ngũ sản xuất thể hiện sự cẩu thả trong khi thực hiện, cố tình giữ nguyên những tình tiết giật gân, phản cảm, không phù hợp để tăng tỷ suất người xem. Như với The Face Việt Nam hay Vietnam’s Next Top Model, chương trình có mục đích tìm kiếm người mẫu tài năng nhưng đọng lại duy nhất lại là chiêu trò tạo drama, những màn “kèn cựa”, tranh cãi như chợ vỡ đến từ các huấn luyện viên. Đây vốn là “đặc sản” hút khách của nhiều phiên bản The Face, Next Top Model quốc tế, tuy nhiên khi phát sóng trong nước, chương trình lại khiến dư luận bất bình vì không phù hợp văn hóa ứng xử của người Việt.

Ngoài ra, việc vừa phải thu hút khán giả nội địa, lại vừa phải làm “mát lòng” ông chủ bản quyền khiến việc Việt hóa các chương trình truyền hình mua bản quyền quả không dễ dàng. Theo giới nghề, nhiều đơn vị nắm giữ format gốc có những ràng buộc rất khắt khe khi gameshow được nội địa hóa. Một số chương trình phải trải qua quá trình đàm phán rất lâu mới nhận được cái gật đầu đồng ý cho thay đổi nội dung nhằm phù hợp với khán giả Việt Nam. Chưa kể, một số chương trình phát song song trên cả sóng truyền hình lẫn nền tảng số, xuyên biên giới nên nội dung cũng phải đảm bảo tuân thủ tất cả quy định của những nền tảng này.

Sau khi mua được bản quyền, từ format gốc, ê kíp sản xuất phải họp bàn để lồng ghép các yếu tố văn hóa, con người Việt Nam, đảm bảo phù hợp với thuần phong mỹ tục. Việc sản xuất các chương trình truyền hình nổi tiếng trên thế giới ngoài giúp khán giả trong nước có thêm món ăn tinh thần mới lạ, còn khẳng định năng lực sản xuất nội dung của nhiều đơn vị tại Việt Nam. Thế nhưng, không thể cứ mải “chạy đua”, thấy chương trình nào ăn khách cũng mua bản quyền mà phải tính toán, xem nội dung có thật sự phù hợp với khán giả nước nhà hay không. Nếu Việt hóa không đúng cách, chú trọng khai thác những yếu tố đặc trưng trong văn hóa Việt, chương trình rất dễ có sự lai căng, kệch cỡm, không đảm bảo chất lượng. Nguy hiểm hơn là khiến khán giả hiểu sai về văn hóa, thuần phong mỹ tục, đất nước, con người của chúng ta.