Game show Việt đang giảm dần “tuổi thọ”

BÁ TRƯỜNG

VHO - Thành công rực rỡ của mùa đầu tiên luôn vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho các ê kíp sản xuất game show hiện nay. Nhiều trường hợp “thừa thắng xông lên” vội vã sản xuất tiếp mùa mới mà không chuẩn bị kỹ lưỡng, dẫn đến tác dụng ngược, khiến “tuổi thọ” của game show Việt chỉ dừng lại ở vài ba mùa, rồi… chết yểu!

Game show Việt đang giảm dần “tuổi thọ” - ảnh 1
Ca sĩ mặt nạ” mùa đầu tiên được bàn tán sôi nổi, rộng khắp trên mạng xã hội

 Gió đã đổi chiều

Từ lâu, game show đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của đông đảo công chúng. Để đáp ứng nhu cầu giải trí, nhà sản xuất liên tục cho ra mắt các chương trình đa dạng thể loại như âm nhạc, thời trang, ẩm thực, hẹn hò..., hầu hết đều tạo được cơn sốt và bùng nổ trong mùa đầu tiên. Tuy nhiên, sau thành công rực rỡ lúc ra mắt, phần lớn game show đều có dấu hiệu “đuối sức” ở các mùa tiếp theo.

Ngoài một số cuộc thi nhảy như Bước nhảy hoàn vũ, Đảo thiên đường hay 2 ngày 1 đêm đang rục rịch trở lại, game show về ca hát hiện vẫn áp đảo, không chỉ về số lượng mà còn về tỷ lệ rating trên sóng truyền hình. Các chương trình “Anh trai” và “Chị đẹp” tạm thời vẫn là những từ khóa hot, vì đây là những món ăn mới, chỉ trải qua 1-2 mùa, vẫn giữ được sức hút nhất định. Hơn nữa, việc tập trung nhiều gương mặt nổi tiếng trong một chương trình đã kéo theo lượng fan đông đảo, tạo ra chỉ số rating cao và tương tác lớn. Tuy nhiên, sự áp đảo này cũng bộc lộ dấu hiệu thiếu bền vững, đồng nghĩa với việc các game show đi đến mùa 3 là hạ nhiệt, khó có thể cạnh tranh được với các chương trình khác.

Một ví dụ điển hình phải kể đến Rap Việt, game show siêu hot trong những năm vừa qua, đã đưa giới rapper và rap Việt lên một tầm cao mới. Tuy nhiên, đi đến mùa 4, chương trình đã chững lại. Khi Rap Việt 1 lên sóng, sức hút của chương trình nhanh chóng được chứng minh khi mọi nhân vật, tiết mục đều trở thành chủ đề bàn tán trên các phương tiện truyền thông và đêm chung kết đã thu hút hơn 1 triệu lượt xem trực tiếp trên YouTube. Nhưng đến mùa 2023, đêm chung kết chỉ còn hơn 400.000 lượt xem. Và trong mùa 4 mới nhất, chỉ sau chưa đầy một tuần, tập 15 đã nhanh chóng rơi khỏi “top trending” và chung kết cũng không còn thu hút được lượng người xem lớn. Rõ ràng, Rap Việt 4 thiếu đi nhiều tiết mục đặc sắc, khan hiếm bản hit, nhưng lại ngập tràn “drama”. Mặc dù nhà sản xuất đã nỗ lực làm mới format, nhưng hiệu quả vẫn chưa đạt được như kỳ vọng.

Ca sĩ mặt nạ cũng là một ví dụ điển hình về “lời nguyền mùa đầu tiên”. Khi mới xuất hiện, chương trình được coi là tín hiệu đáng mừng sau một thời gian dài các game show âm nhạc rơi vào tình trạng thoái trào. Sức hút của Ca sĩ mặt nạ đến từ những phần trình diễn live độc đáo, sự tò mò về danh tính nghệ sĩ đằng sau lớp mascot, cùng màn tương tác hài hước của Ban cố vấn. Tuy nhiên, khi bước sang mùa 2, sức hút của chương trình đã giảm rõ rệt. Các tiết mục không còn được chia sẻ rộng rãi như mùa đầu; lượng bàn luận cũng rất thưa thớt; mascot mùa 2 bị chê thiếu đầu tư, sơ sài và không bắt mắt… Điều này đã khiến các tập phát sóng gặp khó khăn trong việc lọt vào top trending.

Trong khi các game show âm nhạc vẫn còn “đất diễn”, thì các game show hài, dù đã “làm mưa làm gió” trong một khoảng thời gian dài, nay đã rơi vào tình trạng “đóng băng”. Một thời, chỉ cần ngồi ở nhà, khán giả đã có thể thưởng thức những màn tung hứng của các nghệ sĩ hài từ Nam ra Bắc. Không chỉ thu hút người xem nhờ tài năng của các nghệ sĩ tên tuổi, nhiều chương trình còn là nơi để các gương mặt trẻ trưởng thành. Tuy nhiên, dần dần, số lượng game show hài đã giảm đi rõ rệt, những chương trình từng gây bão như Ơn giời cậu đây rồi, Thách thức danh hài, Đấu trường tiếu lâm, Hội ngộ danh hài... đến nay vẫn chưa quay lại. Nguyên nhân một phần là do game show hài chiếm sóng quá nhiều, dẫn đến tình trạng bội thực. Phần nữa, việc sản xuất nhiều mùa với các mảng miếng, format cũ kỹ đã khiến chương trình mất đi sự mới mẻ và không còn gây được ấn tượng với người xem.

Game show Việt đang giảm dần “tuổi thọ” - ảnh 2
Chung kết Rap Việt mùa 4 không còn hút khán giả

Vì đâu nên nỗi?

Việc game show “bội thu” ở mùa đầu là điều dễ hiểu, bởi hầu hết các chương trình đều được mua bản quyền từ nước ngoài, với format đã thành công và thu hút một lượng khán giả lớn. Khi được Việt hóa, chúng ngay lập tức hấp dẫn người xem; đồng thời, trong mùa đầu, các nhà sản xuất và đài truyền hình thường dốc hết tâm huyết và chất xám, vì đây là nền tảng quyết định sự sống còn của một thương hiệu. Ngoài ra, mùa đầu luôn có sự góp mặt của những giám khảo, huấn luyện viên và các thí sinh xuất sắc nhất trong lĩnh vực đó.

Và sau khi đã thành công ở mùa đầu, các nhà đài thường lao vào cuộc chiến rating và dần có xu hướng bỏ qua chất lượng để tập trung vào những nội dung dễ tiếp cận hơn, mang tính đại chúng. Từ đó, họ tạo ra “drama” và chiêu trò để thu hút sự chú ý của công chúng. Bên cạnh đó, sự cạn kiệt tài năng cũng là một yếu tố khiến các mùa sau của game show không còn thu hút khán giả như trước. Việc quay lại của những gương mặt cũ từ ghế huấn luyện viên, ban giám khảo, thậm chí là thí sinh, khiến khán giả không còn cảm thấy bất ngờ, làm giảm sức hấp dẫn của chương trình. Thậm chí, việc thí sinh tham gia vì sự nổi tiếng nhất thời mà không có sự chuẩn bị kỹ càng về chuyên môn hay chiến lược truyền thông bài bản, cũng khiến họ trở nên mờ nhạt khi rời khỏi chương trình, dù lúc tham gia có thể rất hot. Đây chính là một điểm trừ lớn, khiến công chúng dần mất niềm tin vào giá trị thực sự mà chương trình mang lại.

Rõ ràng, để giữ chân khán giả lâu dài, ê kíp sáng tạo cần phải hiểu rõ thị hiếu của người xem, biết họ cần gì và mong muốn gì. Điều quan trọng là phải có sự đầu tư nghiêm túc, sáng tạo không ngừng và tạo ra những sản phẩm chất lượng, không chỉ để thu hút mà còn để duy trì sự quan tâm của công chúng. Chính từ sự đổi mới và kiên trì này, game show mới có thể khẳng định được tầm ảnh hưởng của mình đối với cộng đồng, đồng thời kéo dài “tuổi thọ” và phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai. Hơn thế, một game show thành công không chỉ là cú hích nhất thời mà còn là một phần không thể thiếu trong nền giải trí, góp phần nâng cao chất lượng và tạo ra những giá trị bền vững.