Tái định hình phim truyền hình Việt:
Cạnh tranh, đổi mới và giữ vững bản sắc
VHO - Năm 2025 dự báo sẽ tiếp tục là một năm đầy thách thức với phim truyền hình Việt. Trước sự cạnh tranh khốc liệt của các nền tảng giải trí trực tuyến, các đài truyền hình và nhà sản xuất trong nước buộc phải thay đổi để giữ chân khán giả trước màn ảnh nhỏ.

Đổi mới khung giờ phát sóng - bước đi chiến lược
Hồi đầu tháng 3.2024, bộ phim Mình yêu nhau bình yên thôi chính thức ra mắt, mở màn cho khung giờ phim Việt vào lúc 20h trên VTV3, từ thứ Hai đến thứ Sáu. Điểm đặc biệt của khung giờ này là mỗi tập phim chỉ kéo dài 30 phút, nhịp điệu nhanh gọn, dễ tiếp cận.
Tiếp nối thành công đó, các bộ phim như Đi giữa trời rực rỡ, Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu, Đi về miền có nắng... lần lượt nối dài chuỗi phát sóng, tạo nên thói quen mới cho khán giả.
Tuy nhiên, đến gần đây, Trung tâm Phim truyền hình - Đài Truyền hình Việt Nam (VFC) mới chính thức công bố khung giờ phim trên VTV3. Theo đó, từ thứ Hai đến thứ Sáu hằng tuần, phim truyền hình sẽ được phát sóng vào lúc 20h, nhưng với thời lượng tăng lên 45 phút mỗi tập.
Theo NSƯT Lê Mạnh, Quyền Giám đốc VFC, khung giờ buổi tối vốn đã trở thành tâm điểm giải trí đa dạng với nhiều chương trình hấp dẫn như gameshow, ca nhạc, phim truyện…
Việc mở rộng khung giờ phim trên VTV3 từ 20h - 20h45 nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khán giả. Như vậy, mỗi buổi tối, người xem có thể thưởng thức phim Việt liên tục từ 20h trên VTV3 và tiếp tục từ 21h - 21h30 trên VTV1.
Sự điều chỉnh này không chỉ giúp phim truyền hình tiếp cận nhiều đối tượng hơn mà còn mở ra cơ hội để các nhà sản xuất thử nghiệm những cách kể chuyện mới, hấp dẫn và phù hợp với thị hiếu hiện đại.
Cũng theo NSƯT Lê Mạnh, khung giờ mới không chỉ là một sự thay đổi đơn thuần mà còn được kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích cho phim truyền hình Việt. Trên thực tế, đây được xem là khung giờ vàng của hầu hết các đài truyền hình lớn trong nước và quốc tế, khi lượng khán giả theo dõi đạt mức cao nhất trong ngày. Việc mở rộng khung giờ này sẽ tiếp cận đông đảo người xem hơn, qua đó giúp nâng cao sức hút và vị thế của phim truyền hình trong lòng khán giả.
“Chúng tôi lựa chọn những đề tài có khả năng chạm đến nhiều nhóm khán giả, từ câu chuyện quen thuộc về gia đình, tình yêu, tuổi trẻ, lập nghiệp đến các vấn đề xã hội mang tính thời sự. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chủ động tìm kiếm và thử nghiệm những đề tài mới mang tính sáng tạo, đặc biệt dành cho đội ngũ đạo diễn, biên kịch, biên tập… để họ có thêm động lực và không gian sáng tạo”, NSƯT Lê Mạnh chia sẻ.
Mở màn cho khung giờ phim mới trên VTV là hai tác phẩm: Cha tôi, người ở lại của đạo diễn, NSƯT Vũ Trường Khoa và Những chặng đường bụi bặm của đạo diễn Trịnh Lê Phong.
Với hai hướng tiếp cận khác biệt, Cha tôi, người ở lại - phiên bản làm lại từ bộ phim Trung Quốc Lấy danh nghĩa người nhà, từng gây sốt khắp châu Á vào năm 2020; trong khi đó, Những chặng đường bụi bặm là một tác phẩm thuần Việt, phản ánh chân thực cuộc sống với góc nhìn và chất liệu hoàn toàn do các biên kịch trong nước xây dựng, cả hai đều được kỳ vọng sẽ mang đến những cung bậc cảm xúc đa dạng, thu hút khán giả ngay từ những tập đầu tiên.
Không chỉ VTV, Đài Truyền hình TP.HCM (HTV) cũng đang tích cực đổi mới với khung giờ phim Việt vào lúc 19h30 trên HTV7. Đặc biệt, dòng phim ngắn tập đang được đẩy mạnh, mang đến thêm nhiều lựa chọn phong phú cho người xem.
Vẫn giữ chất Việt
Phim truyền hình Việt Nam đang bước vào giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ, khi cả kịch bản thuần Việt lẫn phim remake đều có chỗ đứng riêng. Dù lựa chọn hình thức nào, phim Việt vẫn lấy bản sắc văn hóa làm kim chỉ nam, giữ vững dấu ấn riêng trước làn sóng phim ngoại.
Remake từ kịch bản nước ngoài không còn là điều xa lạ với màn ảnh nhỏ Việt Nam, nhưng thách thức lớn nhất vẫn là làm sao để “Việt hóa” một cách tự nhiên, phù hợp với bối cảnh, văn hóa và tâm lý khán giả trong nước.
Thay vì rập khuôn kịch bản gốc, các biên kịch đã khéo léo điều chỉnh, vừa giữ được tinh thần cốt truyện và tuyến nhân vật, vừa phản ánh chân thực đời sống hiện đại của người Việt. Chính sự lồng ghép yếu tố bản địa - từ bối cảnh vùng miền, ngôn ngữ đời thường, phong tục tập quán - đã giúp các bộ phim remake trở nên gần gũi và có bản sắc riêng.
Điển hình là Cha tôi, người ở lại, tác phẩm chịu áp lực không nhỏ khi bản gốc Lấy danh nghĩa người nhà từng gây sốt khắp châu Á. Tuy nhiên, phim đã nhanh chóng tạo thiện cảm với khán giả nhờ những chi tiết đậm chất đời sống Việt.
Đó là hình ảnh quen thuộc của những bà mẹ xách làn đi chợ, tranh thủ “tám” chuyện với hàng xóm trước khi vào bếp; những ông bố cẩn thận dặn con tránh ăn “xiên bẩn” gần trường học; hay những buổi sáng vội vã với bát phở nghi ngút khói nơi đầu ngõ…
Đặc biệt, sự tinh chỉnh trong kịch bản cũng góp phần tạo nên nét riêng cho phiên bản Việt. Một trong những thay đổi đáng chú ý là nhân vật người mẹ của Nguyên (Trần Nghĩa), do diễn viên Thu Quỳnh thủ vai.
Nếu trong bản gốc, nhân vật này rời bỏ gia đình vì lý do cá nhân, thì ở phiên bản Việt, biên kịch đã xây dựng thêm yếu tố dằn vặt, đau đớn vì sự ra đi của con gái. Điều này không chỉ tăng thêm chiều sâu cảm xúc mà còn khiến câu chuyện trở nên nhân văn, gần gũi hơn với tâm lý người Việt.
Theo đạo diễn, NSƯT Vũ Trường Khoa, để phim thực sự chạm đến trái tim khán giả, kịch bản không chỉ cần “Việt hóa” về mặt ngôn ngữ mà còn phải thấm đẫm hơi thở đời sống, phong tục và tâm lý xã hội.
Chính vì thế, ông yêu cầu biên kịch khai thác sâu bản sắc văn hóa Việt, từ cách ứng xử, lối sống gia đình đến những chi tiết nhỏ nhưng mang đậm dấu ấn địa phương. Chỉ khi đó, một bộ phim remake mới không đơn thuần là bản chuyển thể, mà thực sự phản ánh hiện thực đời sống, mang đến sự đồng cảm và gắn kết với khán giả.
Dù nhận được sự quan tâm lớn, nhưng Cha tôi, người ở lại - như nhiều phim remake khác - vẫn không tránh khỏi những ý kiến trái chiều. Trên một số diễn đàn và mạng xã hội, nhiều người bày tỏ lo ngại phim có thể rơi vào “vết xe đổ” của Hậu duệ mặt trời hay Gia đình là số 1 (phần 2) phiên bản Việt - những tác phẩm remake từng bị đánh giá là thiếu tự nhiên, chưa thực sự phù hợp với thị hiếu khán giả trong nước.
Bên cạnh đó, việc lồng ghép nghệ thuật chèo vào một số phân đoạn cũng gây tranh cãi. Dù ý tưởng đưa văn hóa truyền thống vào phim là một nỗ lực đáng ghi nhận, nhưng nếu không được xử lý tinh tế, rất có thể trở thành yếu tố gượng ép, thiếu sự hòa quyện với mạch phim.
Để những yếu tố bản địa phát huy tối đa hiệu quả, việc lồng ghép cần có sự chọn lọc, đảm bảo phù hợp với bối cảnh và câu chuyện thay vì chỉ mang tính điểm xuyết.
Không chỉ dừng lại ở các đô thị lớn như Hà Nội hay TP.HCM, phim truyền hình Việt ngày càng mở rộng bối cảnh, khai thác nhiều vùng miền khác nhau để mang đến hơi thở mới mẻ cho từng tác phẩm.
Những khung hình không chỉ giúp khán giả cảm nhận rõ hơn sự đa dạng văn hóa mà còn góp phần quảng bá du lịch thông qua màn ảnh nhỏ. Điển hình là Những chặng đường bụi bặm - một bước đi táo bạo khi nhà sản xuất lựa chọn thể loại “hành trình”, vốn còn khá mới mẻ với phim truyền hình Việt.
Bộ phim đưa khán giả chu du qua những miền đất hoang sơ, từ những vùng quê bình dị đến các địa danh còn ít được khai thác trên màn ảnh như Bắc Sơn (Lạng Sơn), Y Tý (Lào Cai)… Những khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, những nét văn hóa đặc trưng của từng vùng miền được khắc họa chân thực, vừa tạo cảm giác mới lạ, vừa thể hiện sự trân trọng những giá trị truyền thống.
Không chỉ tập trung ở cảnh sắc, phim còn chú trọng khai thác phong tục, tập quán và đời sống thường nhật của người dân địa phương. Thay vì đưa văn hóa vào phim một cách khiên cưỡng, Những chặng đường bụi bặm lựa chọn cách kể chuyện mộc mạc nhưng giàu cảm xúc, để mỗi chi tiết đời thường đều mang đậm hơi thở Việt.
Dù có nhiều đổi mới về hình thức, phim truyền hình Việt vẫn phải đối mặt với bài toán làm mới nội dung để tránh lối mòn. Một trong những thách thức lớn nhất chính là kinh phí sản xuất.
Theo nhiều đạo diễn, mỗi tập phim truyền hình hiện chỉ có mức đầu tư từ 400-500 triệu đồng, trong khi con số này ở Hàn Quốc lên đến hơn 500.000 USD. Sự chênh lệch lớn không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng hình ảnh, kỹ xảo mà còn tác động đến việc lựa chọn đề tài, giới hạn khả năng sáng tạo của các nhà làm phim.
Tuy nhiên, dù kinh phí hạn chế, khán giả vẫn có quyền mong đợi những tác phẩm chỉn chu, chất lượng, tránh mắc lỗi kỹ thuật hay “sạn” kịch bản. Điều này đòi hỏi sự đầu tư kỹ lưỡng từ khâu biên kịch, đạo diễn đến diễn xuất của dàn diễn viên.
Bất chấp những khó khăn, phim truyền hình nội địa đang bước vào giai đoạn tái định hình, nơi cả phim thuần Việt lẫn phim remake đều có cơ hội phát triển nếu được khai thác đúng hướng.
Điều quan trọng nhất không phải là chạy theo trào lưu mà là giữ vững bản sắc, để mỗi bộ phim không chỉ đơn thuần là sản phẩm giải trí mà còn mang trong mình tinh thần và hơi thở văn hóa dân tộc. Khi làm được điều đó, phim Việt không chỉ có thể cạnh tranh với phim ngoại mà còn tạo ra sức hút riêng, giữ chân khán giả và khẳng định vị thế trên thị trường truyền hình.