Viết tiếp bài "Những con thuyền không thể chia đôi": Để chặn nỗi đau

VHO- Ly hôn ở các huyện, thành phố vùng biển Quảng Ngãi ngày càng tăng. Mâu thuẫn, bạo lực gia đình nằm trong nhóm nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này. Tìm kiếm biện pháp hiệu quả nhằm giảm tình trạng bạo lực gia đình đang là thách thức của nhiều cấp, ngành liên quan.

Viết tiếp bài 

 Những mảng thâm tím ở tay, chân chị T là do người chồng đánh đập

Những năm gần đây, nghề biển ngày càng chật vật. Ngư trường hạn hẹp, thủy sản ít dần khiến làng chài, xóm ghe vùng ven biển Quảng Ngãi âm ỉ sóng ngầm. Thuyền neo đậu dày đặc bến cảng, chuyến đi khơi không đủ bù đắp phí tổn khiến ngư dân rơi vào bế tắc. Thời của làng chài tỷ phú lùi vào quá khứ vàng son. Phụ nữ vùng biển thưa dần ngóng vọng tàu về bến.

Ly hôn vẫn tăng

Bất bình đẳng giới, nghề nghiệp không ổn định, sống lệ thuộc vào gánh hàu, ghe thuyền của chồng con khiến phận chị em bế tắc khi tiền của không còn. Kinh tế vùng biển khó khăn là nguyên nhân chính mâu thuẫn gia đình, bạo lực tăng cao.

Ông Lê Thanh Tùng, Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa An xác nhận, đặc thù vùng biển Nghĩa An dân đông và kinh tế khó khăn là nguyên nhân chính khiến mâu thuẫn gia đình nhiều hơn. Hai năm qua, toàn xã hơn 500 hộ dân kê biên nhà cửa do nợ nần vì nghề biển. Chưa bao giờ xã biển chồng chất nợ nần như thế. “Túng thiếu thì sinh ra mâu thuẫn trong nhà khó tránh được. Xã quá đông dân và nghề biển không như trước nên phát sinh mâu thuẫn gia đình khó tránh khỏi. Xã sẽ vận động, làm việc với nam giới có hành động bạo hành trong gia đình để hạn chế tình trạng này”, ông Tùng giãi bày.

Sau thời gian yên ắng, những năm gần đây tỷ lệ ly hôn, vụ việc hôn nhân gia đình ở Quảng Ngãi tăng nhanh. Theo thống kê của TAND huyện Bình Sơn, tỷ lệ ly hôn tăng đột biến trong ba năm qua. Năm 2019 toàn huyện có 240 vụ việc ly hôn; năm 2020, ngành tòa án huyện miền biển này thụ lý 246 vụ việc ly hôn. Từ năm 2021 đến nay, huyện Bình Sơn thụ lý, giải quyết gần 400 vụ án hôn nhân và gia đình. Đại diện TAND huyện Bình Sơn cho biết, 50% số vụ việc ly hôn vùng biển xuất phát từ mâu thuẫn gia đình. Và 80% nguyên đơn, chủ động trước các vụ việc ly hôn, hôn nhân gia đình là phụ nữ. Sau mâu thuẫn âm ỉ, giằng co kéo dài nhiều năm, đường đến tòa án ly hôn là lựa chọn cuối cùng để chấm dứt dày vò thể xác lẫn tinh thần của những gia đình bên gành biển. “Hầu hết là phụ nữ đứng đơn ly hôn. Khi chúng tôi nỗ lực hòa giải, nhiều chị nói rằng không muốn nghe đạo đức mà đến tòa là chỉ muốn càng nhanh càng tốt. Đến tòa với nhiều cặp vợ chồng là chấm hết”, đại diện TAND huyện Bình Sơn trăn trở.

Cần có giải pháp thực tế hơn

Trong ba năm qua, TAND TP Quảng Ngãi tiếp nhận, giải quyết khoảng 1.500 vụ ly hôn. Dù ảnh hưởng dịch Covid-19 nhưng năm 2021 đến nay, đơn vị thụ lý hơn 700 vụ ly hôn. Đồng thời, xử lý 125 vụ ly hôn ở các xã vùng biển. “Trường hợp bạo lực, mâu thuẫn gia đình nhiều, nhất là vùng nông thôn, ven biển. Thụ lý đơn thì nhiều nhưng qua quá trình đó sẽ hòa giải, động viên hợp lại, không được nữa mới xử ly hôn. Tòa chỉ xử lý tranh chấp tài sản, quyền nuôi con hoặc bị đơn không hợp tác với tòa án”, bà Bùi Thị Hồng Ánh, Phó Chánh án TAND TP Quảng Ngãi chia sẻ.

Theo thống kê của Sở VHTTDL tỉnh Quảng Ngãi, năm 2021 toàn tỉnh xảy ra 123 vụ bạo lực gia đình, hầu hết là bạo lực thân thể và nạn nhân nữ. Tỉnh Quảng Ngãi thường xuyên có các hoạt động truyền thông về Ngày gia đình, tháng hành động phòng chống bạo lực gia đình, triển khai các mô hình, câu lạc bộ tại nhiều địa phương. Cho đến nay hiện có 13 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình triển khai trên 114 xã, với 91 CLB gia đình phát triển bền vững, 156 nhóm phòng chống bạo lực, 549 địa chỉ tin cậy cộng đồng và 263 đường dây nóng.

Trước thực trạng này, tỉnh Quảng Ngãi sẽ triển khai nhiều biện pháp quyết liệt hơn trong phòng, chống bạo lực gia đình. “Các nhóm giải pháp tập trung gồm tăng cường phối hợp Sở ngành, địa phương tuyên truyền sâu sắc hơn; đưa các chỉ tiêu về phòng, chống bạo lực gia đình vào đánh giá cuối năm; địa chỉ cộng đồng, tổ nhóm hòa giải củng cố, quan tâm để hoạt động hiệu quả hơn. Đồng thời, xã hội hóa lĩnh vực này với nguồn kinh phí hỗ trợ cho hội, nhóm phòng chống bạo lực; hỗ trợ phụ nữ, nạn nhân kịp thời”, ông Bùi Văn Tiến, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Ngãi khẳng định. Theo bà Lê Na, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Ngãi, hoạt động hỗ trợ cho phụ nữ, nhất là vùng nông thôn, miền biển như vay vốn làm ăn, mô hình kinh tế gia đình giúp phụ nữ chủ động cuộc sống được triển khai từ cơ sở. Tuy nhiên, tâm lý e ngại, lo sợ ảnh hưởng con cái khiến hầu hết phụ nữ bị bạo lực tinh thần, thể chất âm thầm chịu đựng. “Hội cũng cố gắng tìm hiểu, chia sẻ chị em khi nghe tin bạo lực nhưng tâm lý ngại, giấu diếm nên khó tiếp cận. Chúng tôi đang rà soát lại các mô hình, CLB nếu nơi nào không hiệu quả, hình thức thì sẽ kiến nghị thay đổi thực chất hơn. Và để giảm tình trạng bạo lực gia đình thì cần có giải pháp thực tế, làm sao kinh tế gia đình ổn hơn, phụ nữ chủ động hơn”, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Ngãi tỏ bày.

Nước mắt chảy trong đêm của đàn bà miền biển thỉnh thoảng vẫn diễn ra lặng lẽ. Không ít chị em đứng ngoài các CLB, đội nhóm phòng, chống bạo lực gia đình - nơi bảo vệ mình. Không phong trào, không hình thức mà cần có những giải pháp cụ thể, phù hợp với thực tế từng vùng để chia sẻ, hỗ trợ gần nhất cho phụ nữ nông thôn, vùng biển. 

 Để phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới, tỉnh Quảng Ngãi đề ra mục tiêu đến năm 2025 có 40% gia đình dự chuyên đề về phòng, chống bạo lực gia đình; 70% người có nguy cơ bị bạo lực gia đình được trang bị kiến thức, kỹ năng về ứng phó khi bị bạo lực gia đình; 95% những người bị bạo lực gia đình khi phát hiện được bảo vệ, trợ giúp pháp lý và chăm sóc sức khỏe; 80% những người có hành vi bạo lực gia đình khi phát hiện được tư vấn, cung cấp kiến thức, kỹ năng kiểm soát hành vi bạo lực.

90% các huyện, thị xã, thành phố có cộng tác viên dân số thực hiện các nhiệm vụ về phòng, chống bạo lực gia đình tại cộng đồng; 95% xã, phường, thị trấn duy trì mô hình phòng, chống bạo lực gia đình.

 NAM MINH

Ý kiến bạn đọc