Vì sao không nên cho trẻ dưới 6 tuổi sử dụng thiêt bị công nghệ?
VHO - Mặc dù được khuyến cáo không nên cho trẻ tiếp xúc với các thiết bị công nghệ từ sớm, nhưng vì nhiều nguyên nhân, các bậc cha mẹ vẫn cho trẻ dưới 6 tuổi vẫn thường xuyên sử dụng điện thoại, ipad, xem tivi hàng giờ liền mà bỏ qua những nguy cơ, tác hại của nó.
Mỗi lần đón con ở lớp mẫu giáo về lúc 16h30, anh V.V.H (quận Thanh Xuân, Hà Nội) lại đưa smartphone (điện thoại thông minh) hoặc ipad cho con chơi cho đến lúc ăn cơm. Dù vợ anh nhiều lần nhắc nhở nhưng thói quen không được thay đổi, vì anh cho biết, con chơi điện thoại thì anh mới làm được công việc của mình.
Về vấn đề này, các bác sĩ ở Bệnh viện Mắt Sài Gòn cho rằng, không phải ai cũng biết đến tác hại của điện thoại thông minh với đôi mắt, nhưng không phải ai cũng biết tác hại đó nguy hiểm như thế nào. Màn hình thiết bị điện tử chứa một lượng lớn ánh sáng xanh. Đây là loại ánh sáng gần giống với tia cực tím, là nhân tố vô hình làm hỏng võng mạc của mắt.
“Ánh sáng xanh có bước sóng ngắn, mang mức năng lượng cao vì thế khi đi qua giác mạc ánh sáng xanh sẽ gây tổn thương các tế bào võng mạc. Tiếp xúc lâu ngày với ánh sáng xanh trong cường độ cao có thể gây chết các tế bào thị giác, gây rối loạn điều tiết mắt, nhức mỏi mắt, lâu ngày có thể gây suy giảm thị lực thậm chí mù lòa”, các bác sĩ cho biết.
Thống kê cho thấy, số học sinh bị mắc tật khúc xạ ngày càng tăng, nguyên nhân chính là do tiếp xúc quá nhiều với màn hình smart phone. Cùng với đó, các ký tự hay chữ trên màn hình điện thoại nhỏ, trẻ cần mắt tập trung ở cường độ cao. Điều này khiến thủy tinh thể phải làm việc liên tục để giữ đôi mắt điều tiết ánh sáng, lâu ngày sẽ dẫn đến nhức mỏi mắt, đau đầu.
Lâu dần có thể gây hội chứng thị giác màn hình, tăng nguy cơ mắc các tật khúc xạ. Thêm nữa do thao tác kéo lướt liên tục khiến mắt phải điều tiết liên tục dễ gây khô mắt, đẩy nhanh quá trình lão hóa mắt.
Bên cạnh đó, trẻ ở độ tuổi 0 - dưới 6 tuổi là giai đoạn trẻ cần được quan tâm, yêu thương của cha mẹ, người chăm sóc dù ở mỗi độ tuổi có tâm sinh lý và nhu cầu khác nhau nhưng cần tạo môi trường sống lành mạnh để trẻ phát triển tốt.
Theo các chuyên gia tâm lý, trẻ ở giai đoạn 0 – dưới 3 tuổi là giai đoạn trẻ tích cực thăm dò thế giới xung quanh bằng cách tiếp xúc với đồ vật và vận động. Trẻ chủ động tiếp xúc với người lớn vừa nói vừa làm, trẻ hiểu lời nói trước khi biết nói. Do đó, ở giai đoạn này, trẻ em không cần và không nên tiếp xúc với các thiết bị kỹ thuật số dù với bất kỳ lý do gì. Đây là giai đoạn trẻ cần được sự quan tâm, yêu thương, tương tác thực tế, để phát triển ngôn ngữ, giao tiếp, vận động.
Việc tiếp xúc thiết bị công nghệ giai đoạn này còn có thể gây ra hiện tượng mất cân bằng trong quá trình phát triển trí não của trẻ nhỏ. Trẻ tiếp cận nhiều thiết bị điện tử, tiếp xúc mạng quá sớm có thể bị chậm phát triển ngôn ngữ, có các vấn đề về khả năng tập trung và phản xạ khi lớn lên.
Ở giai đoạn 3 – dưới 6 tuổi, trẻ khám phá thế giới xung quanh một cách nhanh chóng, tiếp xúc với xung quanh bằng các giác quan khác nhau, phát triển ngôn ngữ. Trẻ thích thú trong các hoạt động trò chơi, khám phá thế giới xung quanh và đặt các câu hỏi tại sao và bắt đầu đưa ra các ý kiến.
Giai đoạn này cái tôi của trẻ được hình thành, trong quan hệ tình cảm trẻ tiến tới nhận ra vị trí của mình với mọi người. Đây được coi là độ tuổi vàng để phát triển trí tuệ, kỹ năng cho trẻ. Vì vậy, để trẻ phát triển toàn diện và vượt bậc trong giai đoạn này, người lớn cần nhiều thời gian tổ chức các hoạt động vui chơi, khám phá môi trường xung quanh thay vì việc dành thời gian cho trẻ tiếp xúc quá nhiều với các thiết bị công nghệ.
Ngoài ra, việc để trẻ tiếp xúc với các loại thiết bị công nghệ sớm và không có theo dõi, giám sát của người lớn cũng có thể gây ra những rủi ro cho trẻ. Chẳng hạn, do trẻ không biết chữ mà chỉ nhìn những hình ảnh hấp dẫn, những câu nói lôi kéo nên dễ click vào những thông tin độc hại, không phù hợp như phim hoạt hình có nội dung ma quái, chém giết hay khiêu dâm, hình ảnh tàn ác với động vật hoặc các nội dung chỉ thích hợp cho trẻ lớn hơn. Điều này khiến trẻ cảm thấy bất an, sợ hãi, hoang mang.
Thậm chí, trẻ em có thể bắt chước theo các hướng dẫn tiêu cực gây tổn hại cho bản thân và/hoặc làm tổn thương người khác. Ví dụ: bắt chước các trò chơi, thử thách nguy hiểm như trốn vào tủ lạnh, máy giặt, treo cổ... hay phá hủy trò chơi, ứng dụng của người khác tạo nên...
Để trẻ phát triển tốt, các bác sĩ đưa ra lời khuyên cha mẹ không nên cho trẻ xem truyền hình nhiều, với trẻ dưới 6 tuổi chỉ được xem 1 giờ/ngày và tối đa dưới 3 giờ/ngày, đặc biệt không cho trẻ dưới 2 tuổi xem truyền hình. Chơi iPad, iPhone và các thiết công nghệ cũng nên được áp dụng chỉ định như với việc xem truyền hình.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, ở độ tuổi nhỏ, các giác quan của trẻ cần được phát triển một cách toàn diện. Các sản phẩm công nghệ thường chỉ đáp ứng thị giác và thính giác, các giác quan khác của trẻ gần như không có cơ hội phát triển. Do đó, trong giai đoạn này cha mẹ cần dành nhiều thời gian để chơi, trò chuyện với con vừa gắn kết tình cảm, vừa là lúc để dạy, rèn luyện cho con phát triển trí não, ngôn ngữ, vận động, hình thành những thói quen tốt.