Văn hóa ứng xử trong gia đình, cộng đồng và xã hội: Gìn giữ những nét đẹp truyền thống trong mỗi gia đình

VHO- Bên cạnh những thay đổi tích cực, tính độc lập, sáng tạo của các “tế bào xã hội” trong công cuộc đổi mới, phát triển đất nước thì cơ chế thị trường, bối cảnh đời sống 4.0 cũng đang tác động tiêu cực đến đời sống của mỗi gia đình thời hiện đại.

Văn hóa ứng xử trong gia đình, cộng đồng và xã hội: Gìn giữ những nét đẹp truyền thống trong mỗi gia đình - Anh 1

 Phát huy sức mạnh văn hóa gia đình để phòng, chống dịch Covid-19 Ảnh: LÊ TUẤN

Theo nhiều chuyên gia về văn hóa gia đình thì chính bối cảnh giằng kéo giữa các hệ giá trị đang cho thấy vấn đề đạo đức lối sống, văn hóa ứng xử trong gia đình trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Sau tất bật thường nhật, những nét đẹp truyền thống được gìn giữ dưới mỗi nếp nhà luôn tạo khoảng lặng để duy trì bền vững môi trường văn hóa trong mỗi gia đình.

Nếp nhà thời 4.0

PGS.TS Đặng Thị Hoa và TS Bùi Thị Hương Trầm (Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới) trong bài viết “Một số cách tiếp cận nghiên cứu văn hóa gia đình và môi trường văn hóa gia đình” nêu, văn hóa gia đình là môi trường văn hóa đầu tiên mà mỗi cá nhân, mỗi con người tiếp xúc. Khi con người được sinh ra, môi trường văn hóa gia đình đã bao quanh họ, dạy cho họ những bài học văn hóa đầu tiên và nhào nặn, hình thành trong họ những khuôn mẫu văn hóa mang đậm màu sắc gia đình. “Văn hóa gia đình là những thực hành hằng ngày của các thành viên trong gia đình nhằm củng cố và phát triển các mối quan hệ tình cảm, đạo đức, tạo nên một gia đình bền vững”, tác giả khẳng định.

Dù ở thời đại nào thì những giá trị truyền thống như kính trên nhường dưới, ăn quả nhớ kẻ trồng cây, chị ngã em nâng… vẫn luôn bất biến. Trong những trường hợp cụ thể, nền nếp gia phong tạo nên sức đề kháng, giúp cho mỗi thành viên trong gia đình có điểm tựa, vững tin vào cuộc sống. Theo tác giả Mai Huy Bích, tất cả các hoạt động sinh hoạt trong gia đình, sự quan tâm chăm sóc, dạy dỗ, ân cần chỉ bảo của cha mẹ đã ảnh hưởng khá nhiều đến thói quen, nề nếp, tác phong sinh hoạt của con cái. Bên cạnh những yếu tố đạo đức, những ứng xử trong giao tiếp đến tác phong sinh hoạt, thói quen trong hoạt động lao động sản xuất đều trở thành những chuẩn mực mà gia đình tạo ra cho con cái của họ từ khi còn nhỏ đến khi trưởng thành. “Những sự chỉ dạy đó giúp cho con cái nhận thức được những chuẩn mực mà mình phải tuân thủ nếu muốn trở thành những con ngoan, trò giỏi, có ý thức tổ chức kỷ luật tốt. Sự coi trọng trong việc giáo dục lễ phép cho con cái đã dần hình thành nên nhân cách tốt...”, tác giả Mai Huy Bích trong tác phẩm “Xã hội học gia đình” viết.

Bà Đặng Thị Kim (Giảng Võ, Hà Nội) cho biết, nhiều năm qua gia đình bà luôn gìn giữ nguyên tắc chuẩn mực của mô hình tứ đại đồng đường. Những phép tắc ứng xử được truyền dạy qua các thế hệ luôn được gìn giữ, không xê dịch. “Chẳng hạn, vào mỗi dịp lễ Tết, con cháu trong nhà vẫn luôn giữ nếp đến chúc sức khỏe bậc bề trên. Hoặc nếu trong dịp đi công tác xa thì các cháu vẫn nhớ để gọi điện về thăm hỏi. Những thói quen dù rất nhỏ nhưng đã thành truyền thống gia đình, tạo sự gắn kết để mỗi thành viên luôn mong muốn quay trở về nhà sau những vất vả của cuộc sống”, bà Kim tâm sự.

Một trong những giá trị truyền thống phổ biến mà các gia đình Việt Nam luôn gìn giữ là việc thờ cúng tổ tiên, nhớ về nguồn cội. Theo PGS.TS Đặng Thị Hoa, trong các giá trị thì giá trị về tinh thần có thể thay đổi chậm và có tính trường tồn của nó trong mỗi nền văn hóa. Việc thờ cúng tổ tiên, có mối quan hệ tốt với cộng đồng đã trở thành yếu tố ăn sâu trong tiềm thức của mỗi con người. Các giá trị được coi trọng là mối quan hệ trong gia đình, ứng xử giữa cha mẹ và con cái; sự quan tâm chăm sóc lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình và hỗ trợ, quan tâm đến các công việc của dòng họ và cộng đồng.

Tuy nhiên, trong thời đại 4.0, các giá trị vốn được tiếp nối, bảo lưu và gìn giữ qua nhiều thế hệ dường như cũng trở nên chao đảo trước những tác động, biến đổi của bối cảnh xã hội hiện đại. Ví dụ điển hình là nhiều mối quan hệ dần trở nên lỏng lẻo, việc thăm hỏi người thân thay vì trực tiếp thì nay chỉ thông qua những cuộc điện thoại vội vàng.

Không gian văn hóa gia đình và thách thức thời cuộc

Đề cập đến vấn đề xây dựng môi trường văn hóa gia đình trong giai đoạn hiện nay, TS Nguyễn Thị Phượng (Viện VHNT Quốc gia Việt Nam) nêu rõ, không gian cư trú, cụ thể là không gian kiến trúc của mỗi gia đình là nơi phản chiếu nếp nghĩ, cách sống của mỗi gia đình, cũng thể hiện cách ứng xử của mỗi gia đình đối với môi trường tự nhiên và xã hội. Tuy nhiên hiện nay, không gian kiến trúc nhà ở cũng đã có nhiều biến đổi để phù hợp với xu thể hiện đại, thích ứng với sự biến đổi của các gia đình, từ gia đình nhiều thế hệ sang gia đình hạt nhân. Nhà ở hiện nay chịu ảnh hưởng của kiến trúc phương Tây, không gian sinh hoạt văn hóa của gia đình cũng có nhiều thay đổi. Chuyển dịch này tác động rõ nét đến sinh hoạt và đời sống văn hóa, tinh thần trong mỗi gia đình.

Trong quá trình lịch sử, gia đình Việt đã hình thành một bộ quy tắc ứng xử. Đây là những quy định, chuẩn mực mà các thành viên trong gia đình cần tuân theo để đảm bảo cho gia đình hoạt động theo một nền nếp nhất định cũng như xác định chuẩn mực cho mỗi hành vi của các thành viên. Tuy nhiên, trong bối cảnh đời sống hiện đại hôm nay, áp lực cuộc sống khiến cho những bộ quy tắc ứng xử, không gian văn hóa gia đình đối diện nhiều thách thức. Tình trạng ly hôn, bạo lực gia đình có xu hướng tăng, hiện tượng bất bình đẳng trong gia đình, những xung đột, tranh chấp cùng cảnh báo tội ác từ những mâu thuẫn gia đình cũng là hiện tượng không thể xem nhẹ.

Các chuyên gia nêu rõ, từ thực tế xuống cấp đạo đức của giới trẻ thời gian qua, trong đó có những vụ án gây rúng động xã hội, có một phần không nhỏ của việc thiếu vắng một môi trường văn hóa gia đình lành mạnh. Do vậy, để môi trường xã hội ngày càng tốt đẹp và nhân văn hơn thì việc xây dựng môi trường văn hóa gia đình cần được quan tâm hơn nữa cả ở khía cạnh quản lý và nghiên cứu. Bởi môi trường văn hóa lành mạnh chính là yếu tố nền tảng để phát triển gia đình bền vững và nhân văn, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập văn hóa hiện nay.

Thực tế cũng cho thấy rõ, những gia đình, dòng họ gìn giữ được môi trường văn hóa bền vững sẽ có thể thích ứng với nhiều hoàn cảnh cho dù ở đó có rất nhiều khó khăn thách thức. Bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành hiện nay cũng cho thấy, giữa những giá trị nứt vỡ, nhiều mái nhà gặp khó khăn thì truyền thống gia đình vẫn đang đóng vai trò là chất keo kết dính để các thành viên cùng nhau nương tựa, đồng hành chung tay với cộng đồng vượt qua thách thức. Chính trong bối cảnh này, chúng ta đã được chứng kiến vô số hình ảnh, nghĩa cử đẹp xuất phát từ các “tế bào của xã hội”. Đó là những đám cưới sẵn sàng tạm hoãn, những chia sẻ về vật chất và tinh thần, những gia đình gói ghém niềm riêng để cùng góp sức cho công cuộc phòng, chống dịch.

THẢO ANH

Ý kiến bạn đọc