Vai trò của báo chí trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em

VHO- Truyền thông, báo chí tại Việt Nam có vai trò vô cùng quan trọng trong lĩnh vực bảo vệ quyền trẻ em và phòng chống xâm hại trẻ em. Tuy nhiên, đưa tin vấn đề xâm hại trẻ em hiện nay đang là một thách thức không nhỏ đối với các cơ quan báo chí, truyền thông cũng như mạng xã hội.

Vai trò của báo chí trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em - Anh 1

 Tác phẩm đoạt giải tại Cuộc thi sáng tác truyền thông “Không đổ lỗi” do Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) tổ chức

Trong nhiều nghiên cứu, khảo sát và các cuộc hội thảo, trao đổi, đại diện các cơ quan trách nhiệm đều có kết luận: Tình trạng xâm hại trẻ em ở nước ta trong những năm gần đây có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, gây bức xúc, nhức nhối trong dư luận xã hội.

Thiếu những bài viết có sức thuyết phục

Việc trẻ em bị xâm hại không chỉ diễn ra trong cộng đồng hay tại nơi làm việc mà còn diễn ra ngay tại gia đình, nhà trường và các cơ sở chăm sóc trẻ em. Các bạo lực, xâm hại trẻ em thường thấy bao gồm xâm hại tính mạng, sức khoẻ, bóc lột tình dục. Trong đó xâm hại tình dục trẻ em diễn ra thường xuyên và gây hại nhiều nhất.

Từ trước đến nay, tại Việt Nam các hoạt động và điều luật hướng tới bảo vệ trẻ em luôn được chú trọng và được dư luận ngày càng quan tâm. Các tin bài về giáo dục trẻ, sự chăm sóc và quyền lợi của trẻ hay những vấn đề mà trẻ em đang gặp phải luôn là chủ đề bất tận, góp phần không nhỏ giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ trẻ em, hướng đến những điều tốt đẹp nhất cho trẻ. Tuy nhiên, vì đây là vấn đề được dư luận xã hội quan tâm, nên đôi khi việc áp lực đưa tin nhanh, nóng để đáp ứng nhu cầu cộng đồng có thể khiến báo chí vô tình xâm hại trẻ em thay vì bảo vệ trẻ em. Ngoài ra, trong thời đại mạng xã hội, cạnh tranh với mạng xã hội cũng khiến việc truyền thông bảo vệ trẻ em trong giai đoạn mới cũng gặp rất nhiều thách thức. Vào google, gõ cụm từ “Phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em” sẽ có hàng triệu kết quả trong 1 giây. Điều này chứng tỏ vấn đề phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em đã được truyền thông đặc biệt quan tâm, trong đó báo chí và mạng xã hội phản ánh hằng giờ, hằng ngày. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng, cơ bản nhất vẫn chỉ là cách đưa tin, phản ánh, tuyên truyền, giáo dục chứ chưa thật sự có những bài viết mang tính phát hiện, có tác dụng mạnh đến nhận thức của người đọc.

Điều đáng nói hiện nay là không ít những bài báo, sản phẩm truyền thông đã vô tình hay cố ý vi phạm quyền bí mật đời sống riêng tư của trẻ khi đưa tin bằng việc sử dụng ngôn ngữ thiếu tính nhạy cảm hay hình ảnh thiếu tính chọn lọc. Điều này đã gây tác động rất lớn đến tâm lý và quá trình phát triển của trẻ cũng như dư luận xã hội.

Đổi mới ngay từ tư duy khai thác

TS Hồ Bất Khuất cho rằng, trước hết báo chí và mạng xã hội cần sử dụng chính xác một số thuật ngữ liên quan khi đề cập tới vấn đề xâm hại trẻ em. Ví dụ như thuật ngữ “ấu dâm” được dùng nhiều khi nói tới vụ việc trẻ em bị xâm hại tình dục. Thuật ngữ này thường để chỉ một loại bệnh chứ không phải dùng để chỉ một hành vi phạm pháp. Nhiều bài báo dùng cụm từ “lạm dụng tình dục trẻ em” là chưa chuẩn xác nếu với trường hợp “không lạm dụng” thì hợp pháp? Vì vậy nên dùng cụm từ “xâm hại tình dục trẻ em” mới thực sự có sức chiến đấu cao.

Công bằng mà nói, báo chí thời gian qua đã làm khá tốt, hiệu quả trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em, đặc biệt là nhiều vụ xâm hại trẻ em đã bị phanh phui, đưa ra xử lý trước pháp luật. Tuy nhiên, cũng có những luồng thông tin phản ánh trên báo chí và mạng xã hội không được kiểm chứng nên đã gây tác động không nhỏ trong hướng dẫn dư luận xã hội. Nên xây dựng một số cơ quan báo chí có chức năng chuyên biệt về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, đồng thời kết nối những cơ quan báo chí này cùng lên tiếng, tạo thành một tiếng nói thống nhất để tạo sự chú ý của dư luận, tạo áp lực buộc các cơ quan chức năng phải vào cuộc, bởi lẽ nếu chỉ để một hai tờ báo lên tiếng đơn lẻ thì nhiều vụ việc sẽ rơi tõm vào sự thờ ơ, lãng quên. Về phía các cơ quan báo chí cũng cần sử dụng những nhà báo ngoài những phẩm chất nghề nghiệp thì cũng phải thực sự yêu nghề, chịu khó lăn lộn thực tế và phải có những hiểu biết nhất định về lĩnh vực này.

Việc kết hợp giữa báo chí và mạng xã hội trong phòng chống xâm hại trẻ em cũng rất quan trọng. Mạng xã hội phát huy thế mạnh của mình là lực lượng đông đảo, có mặt ở khắp mọi nơi, có nhiều tin tức và đưa tin nhanh chóng. Còn báo chí phát huy thế mạnh là tính chuyên nghiệp, tính chính xác của mình để đưa tin và bình luận. Kết hợp những điều này lại với nhau sẽ tạo nguồn tin đầy đủ, nhanh chóng, đáng tin cậy để làm tốt công tác phòng, chống xâm hại trẻ em.

Tại hội thảo về “Sự tham gia của truyền thông, báo chí trong công tác bảo vệ trẻ em”, Cục trưởng Cục trẻ em (Bộ LĐ,TB&XH) Đặng Hoa Nam khẳng định, báo chí đóng vai trò rất quan trọng và đã tham gia tích cực trong việc truyền thông về các vấn đề trẻ em và tham gia bảo vệ trẻ em. Để chức năng này được thực hiện một cách có hiệu quả, lại không vi phạm các quyền riêng tư của trẻ em, báo chí cần được trang bị thêm các kiến thức và chia sẻ các giá trị đạo đức cụ thể trong truyền thông bảo vệ trẻ em và vì lợi ích tốt nhất của trẻ .

Chia sẻ thách thức của báo chí trong việc tôn trọng và bảo vệ trẻ em hiệu quả, phóng viên Nguyễn Ngân, Đài truyền hình Việt Nam đã nêu lên những khó khăn, trở ngại, các nguyên tắc và cả các lỗi của báo chí trong truyền thông, đưa tin về trẻ em. Bà Ngân cũng nhấn mạnh có các “ranh giới” rất mong manh và các tranh luận trong nghiệp vụ báo chí và nguyên tắc bảo vệ trẻ em, không có gì hoàn toàn đúng hay hoàn toàn sai, nhưng nhà báo có tâm cần phải đặt lên trên hết lợi ích của trẻ để có thể viết bài có trách nhiệm, để tránh tình trạng trẻ em “vô tình” bị xâm hại một lần nữa bởi nhà báo”.

Tình trạng xâm hại trẻ em ở Việt Nam đang diễn biến phức tạp và gây ra những tác hại không nhỏ. Đảng, Nhà nước đang tìm mọi cách để phòng, chống tệ nạn này. Trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em hiện nay, báo chí và mạng xã hội có vai trò đặc biệt quan trọng. Vấn đề đặt ra là các cơ quan báo chí truyền thông cần làm rõ vai trò của báo chí trong truyền thông “Bảo vệ trẻ em” trong thời đại số. Các nhà báo viết về trẻ em và viết cho trẻ em cần phải đứng trên cơ sở tiếp cận dựa trên Quyền trẻ em, luôn vì lợi ích tốt nhất của trẻ. Các nhà báo cần phải hiểu các đặc điểm phát triển về tâm lý của trẻ, cách suy nghĩ của trẻ, biết cách lắng nghe, tôn trọng quyền được lắng nghe và quyền tham gia của trẻ và khuyến khích trẻ tham gia vào những vấn đề liên quan đến trẻ em. 

 NGUYỄN SƠN

Ý kiến bạn đọc