Túp lều tranh sẽ không đủ che chở trái tim vàng?
VHO- Ngày nay, đã có lúc người ta nghĩ rằng kinh tế thị trường và sự tự do cạnh tranh lợi nhuận đã có thể đưa con người vượt ra ngoài những sự kìm toả của gia đình để tìm thấy một thứ hạnh phúc khác gắn liền với các điều kiện vật chất, sự sang giàu về tiền bạc, sự “giải phóng” về tình dục, sự xoá bỏ các mối ràng buộc về huyết thống, thế hệ và giới tính...
Với nhiều người, hạnh phúc gia đình không phải cứ những điều to tát mà thật sự rất đỗi giản dị. Trong ảnh: Vợ chồng chở con cháu dạo phố Ảnh: NGỌC HÀ
1. Thực tế cho thấy, trong những năm gần đây, sự tôn trọng gia đình ở nhiều tầng lớp xã hội, nhất là thế hệ trẻ đang bị giảm sút mạnh mẽ. Nếu xem xét gia đình với tư cách là một giá trị thì giá trị đó đang có xu hướng ngày càng bị xem nhẹ. Điều này có những nguyên nhân từ cơ sở xã hội, từ sự nhận thức và cũng từ chính bản thân sự kém bền chặt của gia đình.
Về mặt khách quan, chúng ta cần phải làm cho gia đình không phải là một thứ quán trọ, một nhà tập thể của những người có chung huyết thống và giấy đăng ký kết hôn, mà là một nơi nương tựa về vật chất, tinh thần và tình cảm không thể thiếu được của mỗi cá nhân trong xã hội. Mỗi người có thể tìm thấy ở gia đình mình niềm vui, ý nghĩa trong sáng của cuộc sống, điểm tựa vững vàng và nguồn sinh lực mạnh mẽ để bước vào xã hội. Sự tồn tại đẹp đẽ, trong sáng, lành mạnh của gia đình sẽ là những giá trị khách quan đối với cuộc sống của mỗi người. Trong bối cảnh này chính quan hệ gia đình, tình cảm gia đình sẽ có giá trị như một góc nhỏ yên bình, đầy yêu thương, làm dịu đi những căng thẳng gay gắt từ cuộc sống hiện đại ngoài xã hội
Để củng cố và nâng cao hệ giá trị gia đình hiện nay, trách nhiệm của cộng đồng và xã hội là rất lớn. Chúng ta phải xây dựng được những nguyên tắc cơ bản cho việc hoạch định các chính sách và hành động hướng vào việc đảm bảo cho các gia đình những điều kiện thiết yếu nhất để duy trì các chức năng của mình. Kinh tế gia đình phải đảm bảo được các nhu cầu về dịch vụ vật chất, văn hoá và sinh hoạt gia đình, các điều kiện cần thiết để chăm sóc người già, nuôi dạy con cái... phải được quan tâm một cách tương xứng. Ngày nay, chỉ có “túp lều tranh” không thôi, chắc chắn nó sẽ không có đủ sức mạnh để che chở cho các “trái tim vàng” trước những giông bão phũ phàng của xã hội hiện đại.
Phải có các chính sách và cơ chế để bảo vệ gia đình, chống lại những thách thức từ xã hội và từ chính gia đình. Ngăn chặn các sai lệch chuẩn mực gia đình là biện pháp vừa phòng ngừa vừa nâng cao vị thế và giá trị gia đình. Thực tế những điều tra của chúng tôi đã cho thấy rất nhiều thanh thiếu niên ở nhóm vi phạm pháp luật đã cho rằng sở dĩ họ phạm tội là vì cảm thấy không được thương yêu, chăm sóc và bảo vệ trong gia đình, không có gia đình. Đối với nhiều trẻ em lang thang, trẻ em lao động kiếm sống thì gia đình trong nhiều trường hợp còn là một nơi bất an, không thể sống được, thậm chí còn là một thứ địa ngục. Chúng không tìm thấy tình thương yêu, sự che chở và vì vậy không cảm thấy hạnh phúc khi sống trong gia đình. Với những đứa trẻ này, khi gia đình hiện tại không có ý nghĩa như một giá trị thì lớn lên, khi lập gia đình, cái gia đình mới mẻ đó cũng có thể sẽ tiếp tục không mấy có ý nghĩa.
2. Bên cạnh việc đảm bảo những điều kiện vật chất và tinh thần tối thiểu cho cuộc sống gia đình, chúng ta cũng phải tạo điều kiện để mỗi gia đình tự vươn dậy, củng cố những yếu tố tích cực của mình trong việc chăm lo tới đời sống của mỗi thành viên, giúp gia đình tự khẳng định giá trị của mình. Một khi đã trở thành tổ ấm cho mỗi thành viên, bản thân gia đình có thể vừa là nơi liên kết chặt chẽ các thành viên với nhau, lại vừa thông qua hoạt động của mỗi cá nhân tự củng cố và phát triển chính mình.
Phải chuyển tiếp cho thế hệ trẻ truyền thống tôn trọng gia đình của người Việt Nam, tình cảm yêu thương đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ, trên cơ sở đó biết yêu thương đồng bào, Tổ quốc. Ngày nay cái không khí “râu tôm nấu với ruột bầu, chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon” có vẻ như không còn hợp nữa với một gia đình đầm ấm và khá giả của cuộc sống hiện đại, nhưng cái tình cảm gia đình, tình cảm vợ chồng, sự nhân ái và nhân đạo trong quan hệ gia đình ở bát canh tôm ruột bầu đó, thì vẫn là một giá trị không gì sánh được. Cần phải giáo dục cho thế hệ trẻ không phải để họ tiếp tục nấu canh “ruột bầu” mà để họ biết đến những giá trị quý báu mà không phải cứ món “sơn hào hải vị” nào cũng có thể mang lại được- giá trị về gia đình.
Tình cảm là nhân tố quan trọng tạo nên giá trị gia đình. Nhưng tình cảm không phải lúc nào cũng là cái không dễ đổi thay trong xã hội hiện đại. Bởi vậy tình cảm phải gắn liền với những nhân tố về đạo đức và trách nhiệm. Những nhân tố này tác động lẫn nhau, gắn kết với nhau đa dạng và phong phú trong các mối quan hệ gia đình. Tình cảm là nền tảng cho luân lý và đạo đức. Tình cảm cũng là cơ sở cho nghĩa vụ và trách nhiệm. Ngược lại, việc tuân thủ những chuẩn mực đạo đức, những nghĩa vụ và trách nhiệm gắn liền với vị thế và vai trò của mỗi thành viên gia đình lại là yếu tố cần thiết để duy trì tình cảm.
Thực tế cho thấy, người ta sẽ yêu thương nhau hơn nếu họ cùng có trách nhiệm với nhau. Chính việc duy trì được một cách hài hoà giữa tình cảm, đạo lý và trách nhiệm đã góp phần tạo nên một đặc trưng cơ bản của gia đình Việt Nam truyền thống, đặc trưng của những mối quan hệ tình nghĩa. Cái tình và cái nghĩa đã gắn kết gia đình, tạo điều kiện để gia đình ổn định vượt qua mọi khắc nghiệt của cuộc sống, vươn lên như một giá trị quý báu, góp sức vào sự tồn tại và phát triển của cộng đồng và Tổ quốc. Điều này vẫn hoàn toàn đúng trong xã hội hiện đại
3. Về điểm này, để nâng cao giá trị gia đình trong xã hội hiện đại chúng ta phải giáo dục cho các thế hệ mai sau những nguyên tắc “tình nghĩa” trong việc xử lý những mối quan hệ gia đình. Cần phải có các hình thức biểu dương những tấm gương gia đình tình nghĩa, xây dựng những chuẩn mực văn hoá gia đình mới, đưa những chuẩn mực này lên các phương tiện truyền thông đại chúng. Ngày xưa, những gia đình hạnh phúc, sống êm ấm, có đóng góp cho cộng đồng đều được nêu gương và khen thưởng. Những gia đình hoà thuận với nhau đến “ngũ đại đồng đường” có thể được coi là phúc đức lắm và thường được đích thân Nhà vua ban thưởng.
Chẳng hạn, Vua Minh Mạng đã ra lệ rằng : “Gia đình nào được năm đời ở cùng một nhà thì được Vua thưởng bạc 20 lạng, vải 20 tấm, đoạn một tấm. Trích ở số bạc nói trên ra 10 lạng để quan sở tại dựng một cái phường (nhà vuông nhỏ) chế một cái biển khắc bốn chữ “Dịch diệp diễn tường” (mấy đời liên tiếp hưởng sự tốt lành) treo ngang cao để nêu rõ sự khen thưởng”. Chính những sự biểu dương khen thưởng này đã là những hình thức tôn vinh gia đình, nâng cao ý nghĩa và giá trị của gia đình.
Chúng ta cũng cần phải đưa những nội dung giáo dục gia đình vào hệ thống giáo dục phổ thông, phải truyền dạy những kiến thức về tình cảm, đạo đức và nghĩa vụ gia đình cho con trẻ ngay từ những bài học đầu tiên khi chúng tới trường. Trong khi đó, ngày xưa, ngay từ những buổi đến trường đầu tiên, chưa biết hết mặt chữ, cha ông chúng ta đã phải học những tấm gương hiếu thảo với cha mẹ trong sách “Nhị thập tứ hiếu” rồi.
Rất tiếc ngày nay, chịu ảnh hưởng của phương thức giáo dục phương Tây hiện đại, chúng ta dường như lại chú ý nhiều tới những nội dung giáo dục về sức khỏe sinh sản, về tình dục hơn là giáo dục về gia đình, về tình cảm và đạo lý của tình dục, về những nguyên tắc ứng xử cơ bản trong các mối quan hệ gia đình. Sự thiên lệch này có thể vô tình làm cho giới trẻ dễ nhầm lẫn, coi tình dục cao hơn tình yêu, đặt nặng những lợi ích của bản thân và xem nhẹ những lợi ích của gia đình...
Chúng ta cần phải làm cho gia đình không phải là một thứ quán trọ, một nhà tập thể của những người có chung huyết thống và giấy đăng ký kết hôn, mà là một nơi nương tựa về vật chất, tinh thần và tình cảm không thể thiếu được của mỗi cá nhân trong xã hội. |
GS ĐẶNG CẢNH KHANH