Từ những vụ án mạng trong gia đình

VHO- Trong một thời gian ngắn đã liên tiếp xảy ra những vụ án nghiêm trọng gây nên cái chết của nhiều người, đáng nói hơn nữa, những vụ án này xảy ra giữa những những người có quan hệ hoặc huyết thống hoặc tình cảm thân thiết gần gũi.

Đầu tháng 9, dư luận bàng hoàng sau vụ anh trai mâu thuẫn từ tranh chấp đất đai, cầm dao truy sát cả nhà em ruột gây nên cái chết của 4 người ở Đan Phượng (Hà Nội).  Sau đó ít ngày là vụ thảm sát tại Thái Nguyên khi anh trai dùng dao đâm chém cả nhà em gái khiến 2 người chết, một người trọng thương.

Riêng ngày 16.9 vừa qua, xảy ra đến 2 vụ án mạng trong đó nam thanh niên dùng dao tước đoạt mạng sống người yêu của mình, thậm chí tại vụ việc xảy ra ở Nghĩa Đô (Hà Nội) sau khi giết bạn gái, nghi phạm còn tiếp tục đoạt mạng bạn cùng phòng của người yêu và truy sát cả 3 cô gái hàng xóm.

Tới ngày 19.9 tiếp tục xảy ra vụ em trai cầm súng bắn chết chị dâu và khiến anh ruột trọng thương ở Bình Phước.

Phải khẳng định rằng dù với động cơ gì, lý do gì, thì việc tước đoạt mạng sống của người khác là không thể chấp nhận được. Vấn đề đặt ra là, nguyên nhân gì đã khiến những người này “xuống tay” hạ sát cả những người thân?

Hành vi ứng xử của con người là kết quả từ sự tương tác giữa các đặc điểm tâm lý cá nhân và môi trường sống. Một nhân cách được hình thành trong một quá trình lâu dài và cũng dưới sự tác động của môi trường sống xung quanh họ.

Từ thời điểm đất nước đổi mới, những quan hệ xã hội mới mẻ đa chiều và phức tạp hơn trước rất nhiều đã xuất hiện. Đương nhiên trong quá trình phát triển, ngoài những yếu tố tích cực, cũng không thể tránh khỏi những yếu tố tiêu cực nhất định, mà trước hết phải kể đến ảnh hưởng xem ra ngày càng lan rộng của lối sống coi trọng giá trị vật chất, ích kỷ. Trong nhiều vụ án, người ta thấy những lý do như tranh chấp đất đai, tiền bạc nổi lên là lý do hàng đầu gây ra những mâu thuẫn không thể hòa giải, dẫn tới những nhát dao oan nghiệt.

Bên cạnh sự phát triển về kinh tế, ở một số khía cạnh, văn hóa giáo dục đã không có những bước chuyển mình đổi mới thích ứng kịp thời, có những thang bậc giá trị truyến thống đã tỏ ra không còn phù hợp với những thay đổi chóng mặt của kinh tế xã hội.  Không còn quá ngạc nhiên khi thời điểm hiện tại những đối tượng “bất hảo” như Khá Bảnh, Diệp Minh Tuyền, Huấn Hoa Hồng... trở thành hình mẫu thành đối tượng được hâm mộ của một bộ phận giới trẻ.

Nhưng không phải chỉ giới trẻ, cả những lớp người cao tuổi hơn ở mức độ nào đó cũng mất phương hướng cũng “chông chênh” khi những giá trị xã hội thay đổi quá nhanh và mỗi người không dễ để trả lời câu hỏi: phải thích nghi thế nào. Cùng với đó là một câu hỏi cũng rất khó khăn với không ít người: Mục đích sống là gì? Đời sống không mục đích không mầu sắc khiến con người dễ bị lệch lạc, bị hất đẩy ra khỏi “quỹ đạo” thường ngày chỉ từ những biến động những khó khăn của cuộc sống.

Từ sự lệch lạc đáng buồn đó, những tác động như thất tình, ghen tuông, khó khăn tài chính, tranh chấp tài sản... có thể khiến nhiều cá nhân thường ngày được đánh giá là  “hiền lành” như biến thành một con người khác, dám giết nhiều mạng người không ghê tay. Và chỉ khi sự việc đau lòng đã xảy ra những người hàng xóm mới ngỡ ngàng bàng hoàng về một người thường ngày “ít nói”, “hiền lành”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nhấn mạnh, cần tập trung phát triển kinh tế nhưng không thể bỏ quên các vấn đề xã hội bức bối. Nhìn xa hơn, nếu coi nhẹ vấn đề xã hội thì tới một lúc nào đó kinh tế cũng không phát triển được. Tuy nhiên, với các vấn đề xã hội, bên cạnh những giải pháp đồng bộ, lâu dài từ phía các cơ quan nhà nước, không thể thiếu sự nỗ lực của mỗi gia đình, mỗi cộng đồng và nhất là của mỗi cá nhân, đặc biệt là trong việc tự hoàn thiện nhân cách, dần xóa bỏ những điều xấu, điều chưa tốt trong mỗi cá nhân. Suy cho cùng, có lẽ cách tốt nhất để đẩy lùi cái xấu, cái ác là tạo điều kiện, khơi gợi những điều tử tế trong đời sống hằng ngày để cái tốt, cái thiện, cái đẹp được nhân lên không ngừng. 

CHINHPHU.VN

Ý kiến bạn đọc