Trân trọng tình cảm thiêng liêng giữa cha và con gái
VHO - Từ xa xưa, người Việt đã coi trọng văn hóa gia đình và các mối quan hệ ruột thịt, trong đó, mối quan hệ giữa cha và con gái mang một sắc thái đặc biệt. Cha được ví là người hùng đầu tiên trong mắt con gái, là người sẵn sàng đứng lên bảo vệ và che chở con trước sóng gió cuộc đời. Giống như truyện cổ tích, mỗi người con gái đều là nàng công chúa nhỏ của cha mình. Trong trái tim cha, con gái không chỉ là một phần, mà là cả thế giới…
Nhân Ngày Gia đình Việt Nam (28.6), Tạp chí Gia đình Việt Nam đã tổ chức cuộc trao giải cuộc thi viết Cha và con gái lần thứ 2. Cuộc thi đã nhận được hàng ngàn bài viết cả trong và ngoài nước, với đủ lứa tuổi, thành phần xã hội. Qua đó, các tác giả đã kể những câu chuyện của chính mình với tình cảm yêu thương của cha dành cho con gái, hay con gái dành cho cha.
NSND Hoàng Cúc với bài viết Cha tôi, người quan trọng nhất trên con đường nghệ thuật của tôi đã đoạt giải Nhì. Bà kể về những thăng trầm của gia đình và người cha luôn động viên, bảo vệ con trong mọi tình huống. Bước ngoặt lớn nhất là ông đã đồng ý để con gái đi theo con đường nghệ thuật. NSND Hoàng Cúc kể: “Nhiều chục năm qua rồi, tôi vẫn nhớ như in lời cha nói khi biết tôi trúng tuyển cuộc thi hát: Phải đi chứ. Thoát ly gia đình mà đi. Chỉ có nghệ thuật mới khiến cho tâm hồn của con được tự do. Con mới được sống đúng là mình”. Nữ nghệ sĩ biết rằng, cha đã hiểu được khát vọng theo đuổi con đường nghệ thuật trong bà. “Trước sự nổi loạn của tôi, cha đã một mình một ý, cưỡng lại cả người vợ mà cha luôn nể vì để đi một bước quyết định cho cuộc đời tôi”, NSND Hoàng Cúc chia sẻ.
Đi học rồi, nhưng cô gái nhỏ vẫn chưa yên tâm về cha ở nhà: “Tôi nhớ cha. Tôi đi rồi, ai sẽ ở bên cha những buổi chiều ngồi bên cánh võng, lặng lẽ đợi mẹ đi từ cánh đồng xa trở về nhà”. Hiện tại, bà vẫn canh cánh nỗi trăn trở, tiếc nuối vì người cha đi xa mà chưa kịp chứng kiến sự trưởng thành của mình trong nghệ thuật.
Với tác giả Phương Thúy, một cô gái bị liệt toàn thân phải ngồi xe lăn, mọi hoạt động đều nhờ cậy đến sự giúp đỡ của người khác. Cha của Phương Thúy đã một tay nuôi nấng con gái của mình. Đã 10 năm kể từ ngày cha đi xa, nay Phương Thúy mới có dịp cởi mở nỗi lòng. Đó là chất chứa những sự nhớ thương từ tận tâm can và những mảnh ghép còn lại của hình ảnh cha, như động lực giúp cô cố gắng mỗi ngày.
Huỳnh Thanh Thảo cũng là một hoàn cảnh tương tự. Thảo mang trong mình căn bệnh xương thủy tinh quái ác, mọi hoạt động đều gắn liền với chiếc xe lăn, cha chính là đôi chân đưa Thảo đi muôn nơi. Với Thảo, cha không chỉ là người sinh ra và nuôi dưỡng cô, mà còn là gia tài quý giá mà cô có được.
Thời ấy, người đời cứ thổi vào tai gia đình Thảo những lời nói khó nghe, nhưng cha cô đã chọn cách nuốt ngược vào trong và lơ đi tất thảy, cố gắng vun bồi cho tổ ấm của mình. Ông đáp lại thế gian bằng sự thinh lặng, cam chịu những lời cay độc, dù trong lòng vô cùng đau đớn. Điều khiến ông có thể tiếp tục đối mặt với cuộc sống và kiên trì vượt qua khó khăn chính là tình yêu dành cho con gái.
Nhờ có cha mà Thảo đã được dưỡng nuôi, che chắn trong tình yêu thương vô bờ bến. Nhờ có cha mà thế giới của cô rộng mở những chân trời mới lạ. Và cũng nhờ có cha mà cô thêm ý chí ngoan cường để sống trọn vẹn như hôm nay. Thảo hăng hái tham gia phong trào, nỗ lực mang về cho cha mẹ những phần thưởng nho nhỏ từ các cuộc thi viết, các buổi vinh danh ghi nhận sự lan tỏa và đóng góp tích cực của cô với cộng đồng.
Còn đại tá Nguyễn Phú Thọ, nguyên Phó Tổng biên tập Báo Quân đội Nhân dân lại cảm thấy áy náy vì suốt cuộc đời cống hiến cho Tổ quốc nhưng những điều nhỏ nhặt, bình thường nhất ông lại không làm được cho con gái mình. Tác phẩm Con là mặt trời bốn mùa sưởi ấm trái tim cha đã giúp ông bày tỏ tình cảm như lời xin lỗi tới con. “Lúc con chào đời, tôi vì nhiệm vụ phải đi công tác xa, không thể có mặt trong giây phút thiêng liêng, hạnh phúc mà người làm cha nào cũng ao ước, đó là được nhìn, được bế trên tay cô con gái bé bỏng. Hay những hành động tưởng chừng như đơn giản là đưa con đi học, ở bên động viên những lúc con thi cử, hoặc chia vui cùng con ngày sinh nhật… tôi cũng không có cơ hội để làm, bởi đối với người sĩ quan quân đội, nhiệm vụ đất nước phải đặt lên trước tình yêu gia đình”, đại tá Nguyễn Phú Thọ nhớ lại.
Vì vậy mà con gái dù đã hơn 30 tuổi, nhưng đến nay có những điều ông vẫn không thể nói được với con. “Không phải một mình tôi mà rất nhiều cán bộ trong lực lượng vũ trang cũng đều có chung tâm trạng như vậy”, tâm sự của ông cũng chính là tiếng lòng của rất nhiều cán bộ, chiến sĩ trên khắp các mặt trận, vì nhiệm vụ mà phải xa gia đình, gác lại tình cảm riêng tư.
Những người cha dù là người nông dân chân chất, thợ hồ quần áo đầy vôi vữa hay là trí thức, có địa vị xã hội… đều là những “người hùng” trong mắt con gái. Mỗi người, mỗi gia đình sẽ có những cách biểu hiện tình cảm khác nhau. Trái ngược với sự dịu dàng, ân cần của mẹ, người cha thường nghiêm khắc và kiệm lời, do đó, có những yêu thương vì ngại ngùng mà chưa thể cất lên thành lời. Sự hy sinh và tình yêu thương của cha dành cho con tuy thầm lặng nhưng luôn hiện hữu, tạo nên giá trị nhân văn cao đẹp về tình cảm gia đình.