Tình người trong Ngôi nhà Ánh Dương
VHO- Sau hơn 2 năm ra đời, Ngôi nhà Ánh Dương (Quảng Ninh) đã tiếp nhận và hỗ trợ 23 chị em là nạn nhân bạo lực gia đình, trong đó có 13 chị em phải ở lại tạm lánh. Việc cung cấp dịch vụ hỗ trợ (miễn phí) cho nạn nhân bạo lực đã giúp chị em không phải nhắc lại nhiều lần làm tổn thương thêm nỗi đau của mình.
Chị Đỗ Hà Lệ chăm sóc các nạn nhân Ả: H.VÂN
Ngôi nhà Ánh Dương là đơn vị trực thuộc Trung tâm Công tác xã hội Quảng Ninh - Sở LĐ,TB&XH tỉnh Quảng Ninh, thuộc dự án phối hợp giữa Chính phủ Việt Nam - Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) về “Xây dựng mô hình phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam” đi vào hoạt động từ tháng 4.2020.
Những tổn thương
Chị Đỗ Hà Lệ, nhân viên công tác xã hội của Ngôi nhà Ánh Dương cho biết, thời gian làm việc tại đây chị đã tiếp xúc hỗ trợ tham vấn cho rất nhiều nạn nhân qua đường dây nóng 18001769 hoặc hỗ trợ trực tiếp khi họ đến tạm lánh. Khá nhiều nạn nhân sau một thời gian dài hứng chịu bạo lực gia đình họ gần như mất hết niềm tin vào cuộc sống, vào bản thân. Có người khi bước chân vào Ngôi nhà Ánh Dương, chỉ nghĩ tới cái chết. Có chị đã không thể cất nên lời, chỉ ứa nước mắt khi cán bộ hỗ trợ tham vấn. Sau vài ngày im lặng có nạn nhân mới dám kể lại những lần bị chồng bạo hành và những uất ức mà họ phải chịu đựng. “Tôi đã phải rất cố gắng giữ bình tĩnh khi lắng nghe câu chuyện của một nạn nhân bị bạo hành. Chị kể bị chồng đánh, túm tóc rồi dí đầu xuống đất, dùng giày giẫm lên đầu lên mặt. Lúc ấy chị thậm chí còn chẳng thấy đau chỉ cảm thấy mất hết niềm tin vào cuộc sống, thấy thân phận của mình chẳng khác gì một con kiến”, chị Lệ kể lại.
Theo chị Lệ, nạn nhân bạo lực ngoài cộng đồng rất nhiều nhưng đôi khi họ không muốn tìm đến hỗ trợ của Ngôi nhà Ánh Dương vì họ còn nhiều rào cản, nhiều người đến đây vì xác định mình ly hôn. Có chị từ Hải Phòng đến cần trợ giúp, chị không có nhu cầu ly hôn mà chỉ muốn có không gian yên tĩnh và tìm giải pháp vì còn lo lắng cho con. Chị ở đây 7 ngày nhưng mỗi lần kể về câu chuyện của mình thì tới 6 ngày chị khóc, nước mắt chảy dài cả tiếng. Vậy mà khi người chồng gọi điện vẫn luôn quát mắng: “Mày đi với thằng nào, tao giết cả mày và nó”. Cuối cùng chị vẫn phải trở về ngôi nhà đó vì chị nghĩ tới con, nếu mang theo con thì con bị gián đoạn học tập.
“Những nạn nhân của bạo lực đa phần đều gặp phải các tổn thương từ: Thể chất tới tinh thần. Nhiều người còn đối mặt cả với các vấn đề bạo lực về kinh tế, sống kham khổ. Những vết thương về thể chất có thể lành nhưng lại tạo ra hệ quả về mặt tâm lý vô cùng nghiêm trọng. Chính bởi điều đó, việc trị liệu, hỗ trợ cho các nạn nhân bạo lực gia đình thường trải qua một thời gian dài, bền bỉ. Việc đầu tiên là phải giúp họ tìm lại được ý nghĩa của cuộc sống, cảm thấy tự tin hơn vào bản thân, trân trọng bản thân hơn. Chúng tôi mong những nạn nhân tới với Ngôi nhà Ánh Dương sớm tìm lại được chính mình, vượt qua được những khổ đau để sống hạnh phúc. Chỉ cần mọi người có nghị lực, có niềm tin vào bản thân thì khổ đau nào cũng phải qua đi”, chị Lệ nhắn nhủ.
Lắng nghe và thấu hiểu
Trong thời gian qua, ngôi nhà Ánh Dương tiếp nhận, hỗ trợ 23 trường hợp nạn nhân bị bạo lực gia đình, trong đó có 13 người có nhu cầu tạm lánh tại ngôi nhà Ánh Dương, có những nạn nhân tạm lánh tới 30 ngày. Trước diễn biến tâm lý phức tạp, mâu thuẫn của nạn nhân như đau đớn vì bị bạo hành, cuộc sống khổ cực, sợ hãi người chồng, lo lắng vì thương con… nhân viên của Ngôi nhà Ánh Dương phải ăn, ngủ cùng để thấy họ được quan tâm, san sẻ, tin tưởng thì việc hỗ trợ mới hiệu quả. Khi đến đây, nạn nhân được đánh giá, khám ban đầu nếu tổn thương nặng được chuyển tuyến đến điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh; nếu không được tư vấn, ổn định tâm lý và tham vấn về giải pháp, nếu có nhu cầu sẽ kết nối với các cơ quan tư pháp, hành pháp để giải quyết. “Đặc biệt, chúng tôi cung cấp dịch vụ hỗ trợ nạn nhân một đầu mối tức là khi tham vấn thay vì mỗi nạn nhân phải chia sẻ lại nỗi đau của mình với các cán bộ của Phòng LĐ,TB&XH, công an, y tế… nhiều lần ở nhiều thời điểm khác nhau thì chúng tôi mời các cán bộ tới cùng một lúc để nạn nhân chỉ cần chia sẻ 1 lần. Để nạn nhân có thể trải lòng một cách tự nhiên, chúng tôi bố trí 2 phòng riêng và thông nhau bởi tấm kính một chiều - chỉ các cán bộ mới nhìn được nạn nhân, còn nạn nhân không nhìn thấy các cán bộ”, chị Đỗ Hà Lệ chia sẻ.
Theo bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam cho biết, hơn 2 năm qua, các dịch vụ đường dây nóng hoạt động miễn phí 24/7 đã tiếp nhận hơn 15.300 cuộc gọi trợ giúp. Phần lớn nạn nhân của bạo lực từng gọi đến đường dây nóng là phụ nữ (chiếm 93,6%) và hầu hết nạn nhân của bạo lực giới đều ở độ tuổi 16 - 59. Tỉ lệ trẻ vị thành niên dưới 16 tuổi từng gọi đến đường dây nóng chiếm 10%. Khoảng 20% các cuộc gọi đến từ tỉnh Quảng Ninh và 80% từ các tỉnh khác. Ngoài ra, gần 500 nhân viên cung cấp dịch vụ thuộc ngành công an, tư pháp, y tế và công tác xã hội cấp tỉnh và cấp cơ sở tại tỉnh Quảng Ninh đã được tập huấn cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho nạn nhân của bạo lực giới. Với hỗ trợ kỹ thuật của UNFPA, Ngôi nhà Ánh Dương đã được nhân rộng tại Thanh Hóa, TP.HCM và Đà Nẵng.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Bộ LĐ,TB&XH và các đối tác tại Việt Nam để triển khai các hoạt động trong giai đoạn chuyển tiếp trong khuôn khổ dự án “Xây dựng mô hình phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam” trên toàn quốc và tại tỉnh Quảng Ninh. Mục tiêu “Không còn bạo lực giới và các hành vi có hại” là một trong ba trụ cột chính trong Kế hoạch chiến lược mới của UNFPA giai đoạn 2022 - 2025 và là ưu tiên trong chương trình quốc gia mới của UNFPA Việt Nam giai đoạn 2022 - 2026”, bà Naomi Kitahara chia sẻ.
THẢO LAM