Tình cảm gia đình trong xã hội hiện đại
VHO- Những người trong một gia đình quan hệ với nhau không chỉ giản đơn là tuân theo các chỉ thị từ bản năng sinh học mà còn bằng sự kết hợp giữa tình cảm và nhận thức, bằng các giá trị văn hóa và đạo lý, bằng những nguyên tắc của tập tục về gia phong, gia giáo, gia lễ…
Tình cảm ấm áp của gia đình vợ chồng nghệ sĩ Nguyệt Hằng - Anh Tuấn khiến nhiều người ngưỡng mộ (ảnh do nghệ sĩ cung cấp)
Việt Nam chúng ta, thời đại nào cũng vậy, hai từ gia đình thường được nhắc đến với những gì thân thương nhất. Gia đình là ngọn lửa ấm áp, là chỗ dựa tinh thần cho mỗi con người. Điều đó xuất phát từ chỗ, gia đình luôn có một chức năng cơ bản, đó là chức năng tình cảm. Nhưng điều đáng tiếc là ngày nay chúng nói nhiều đến việc nâng cao vị trí và vai trò gia đình nhưng lại chưa quan tâm đúng mức đến việc thực thi tốt hơn chức năng tình cảm của gia đình.
Trên thực tế, gia đình không chỉ là chỗ dựa về mặt vật chất mà còn là nơi nương tựa về mặt tinh thần. Rất nhiều người đã gọi gia đình là “tổ ấm trong thế giới vô tâm”, coi đó là chốn đùm bọc, giúp đỡ, sẻ chia trong một thế giới luôn đầy những khó khăn, trắc trở. Bởi vậy, những người được sống cùng gia đình bao giờ cũng sung sướng và hạnh phúc hơn những người phải sống cô đơn một mình. Trong nhiều trường hợp, nỗi cô đơn của những kẻ không gia đình còn khủng khiếp hơn nỗi cô đơn của những kẻ bị lưu đày biệt xứ.
Con người, cho đến khi qua đời vẫn còn mong muốn được sống bên cạnh những người thân yêu của mình. Mồ mả cũng cần phải được quy tập lại một chỗ để những người ở “thế giới bên kia” có thể gần gũi, quây quần trong họ tộc và huyết thống. Thực tế cho thấy, cái nhóm nhỏ những con người liên kết với nhau thành một gia đình cũng có biết bao nhiêu mối quan hệ không kém phần phức tạp. Dù cho đôi lúc có thể sẽ cơm chẳng lành canh chẳng ngọt, có thể sẽ không chỉ là những vấn đề thuần túy nội bộ mà còn phải đưa ra xử lý bằng pháp luật, nhưng quan hệ gia đình vẫn là những mối quan hệ nặng về tình cảm nhất so với các quan hệ xã hội khác.
Theo nhiều nhà nghiên cứu, trong xã hội đương đại hiện nay cần phải nâng cao chức năng tình cảm gia đình. Trong ảnh: Cặp đôi khuyết tật trao nhau nụ hôn hạnh phúc tại lễ cưới tập thể Giấc mơ có thật. Ảnh: THÀNH ĐẠT
Phân tích cấu trúc của chức năng tình cảm trong gia đình, chúng ta có thể thấy các dạng quan hệ được biểu hiện như sau:
Thứ nhất là những tình cảm trong mối quan hệ giữa các thế hệ, như ông bà đối với cháu chắt, cha mẹ đối với các con, cô bác chú dì đối với các cháu… Những tình cảm này được xây dựng thành các chuẩn mực xoay quanh khái niệm về “chữ hiếu” truyền thống. Cơ sở của những tình cảm trên là trách nhiệm chăm lo cho nhau giữa các thành viên: Cha mẹ nuôi dưỡng, dạy dỗ con cái thành người, con cháu quan tâm chăm sóc người ông bà cha mẹ. Điều đó giải thích tại sao ngày xưa gia đình Việt có nhiều thế hệ cùng chung sống. Người cao tuổi thường sống cùng với ít nhất là một trong số những người con của mình. Trên thực tế, họ đòi hỏi về tình cảm nhiều hơn là về vật chất. Chính quan hệ tình cảm tốt đẹp với con cháu là động lực khiến họ thanh thản và sống lâu hơn.
Ngày nay, tuổi thọ trung bình đã tăng lên đáng kể. Điều đó cũng có nghĩa là trong các gia đình, sự hiện diện của những người cao tuổi cũng tăng lên. Ở vào độ tuổi 50, hầu hết các bậc cha mẹ đã hoàn thành nghĩa vụ nuôi dạy con cái và họ bắt đầu được đòi hỏi sự chăm sóc. Tuy vậy, cũng có rất nhiều người ở vào độ tuổi 50 vẫn phải chăm sóc cha mẹ mình, đang ở vào độ tuổi 80 hoặc hơn. Những thế hệ đầu tiên của thời kỳ bùng nổ dân số được gọi là “thế hệ sandwich”, thế hệ bánh kẹp, bởi họ (đặc biệt là phụ nữ) sẽ phải chăm sóc cha mẹ mình cũng lâu như chăm sóc con cái mình. Mà như vậy, nếu không có tình cảm với nhau thì việc này sẽ là hết sức khó khăn và nặng nề.
Thứ hai trong chức năng tình cảm của gia đình là tình cảm vợ chồng, tình yêu và hôn nhân. Tình cảm vợ chồng bắt nguồn từ tình yêu. Ngày xưa nhiều cặp vợ chồng được “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, dù có thể không biết tới tình yêu trước hôn nhân nhưng họ vẫn sống hạnh phúc và có thể tìm thấy tình yêu, nuôi dưỡng nó trong hành trình chung sống. Ngày nay, khuynh hướng đi theo tiếng gọi của con tim, sống vì tình yêu đã thúc đẩy giới trẻ trốn tránh sự xếp đặt của cha mẹ, thoát ly nhiều nghĩa vụ và trách nhiệm để tự gây dựng một tổ ấm cho mình. Điều đó lại dẫn đến những kịch bản khác nhau cho tình cảm gia đình. Ban đầu, tình yêu và niềm đam mê thể xác sẽ giúp họ vượt qua những khó khăn của cuộc sống chung. Nhưng sau đó, trước những thách thức và trải nghiệm của thực tế, họ nhanh chóng nhận ra rằng: Tiền tài, địa vị nhiều khi quan trọng chẳng kém gì tình yêu. Tình cảm ban đầu cũng có thể nhanh chóng bay đi theo những cơn gió phũ phàng từ cuộc sống khó khăn. Tình yêu thắm thiết ban đầu bỗng trở thành nỗi thất vọng triền miên… Đây là một trong những lý do giải thích vì sao tỷ lệ ly hôn tại nhiều nước phát triển cao hơn rất nhiều so với các nước vẫn còn chịu ảnh hưởng mạnh của nền văn hóa truyền thống.
Về nguyên tắc, nếu không có trắc trở thì tình cảm vợ chồng sẽ đồng hành cùng con người ta đến hết cuộc đời. Những năm sống chung lâu dài và tuổi tác có thể làm giảm hứng thú tình dục ở các cặp đôi, nhưng bù lại họ có điều kiện để hiểu và thông cảm cho nhau hơn. Điều đó cho thấy lời cầu chúc “sống với nhau đến đầu bạc răng long” là hoàn toàn có khả năng thực tế. Thay đổi cuối cùng và cũng là khó khăn nhất của tình cảm vợ chồng trong một gia đình là khi một trong hai người qua đời.
Thứ ba trong chức năng tình cảm của gia đình là tình cảm giữa những người cùng một thế hệ như anh chị em ruột, anh chị em họ… Trước sức ép của kinh tế thị trường cùng với sự phân rã của nhiều mối quan hệ gia đình, những tình cảm anh em, chị em cũng có những biểu hiện lỏng lẻo. Trong nhiều gia đình, hiện tượng anh em bất hòa, chị em xung khắc, mâu thuẫn dâu rể, con chú con bác diễn ra ngày càng nhiều. Ở nước ta, hiện tượng kiện tụng nhau vì tranh chấp nhà cửa, đất đai, ruộng vườn…, “nồi da nấu thịt” trước mặt cha mẹ ngày càng trở nên phổ biến.
Sự khủng hoảng trong việc thực hiện chức năng tình cảm không chỉ phá vỡ gia đình mà còn là dẫn đến sự phá vỡ những quan hệ tình cảm trong xã hội. Một gia đình chỉ có thể hạnh phúc khi các thành viên cảm thấy thỏa mãn với gia đình, coi gia đình là điểm tựa vững vàng của họ. Vật chất dù quan trọng nhưng vẫn chỉ là phương tiện để đi đến hạnh phúc, nó không thể thay thế được việc thực thi chức năng tình cảm của gia đình. Sống quây quần bên nhau, cảm thấy vui vẻ, gắn bó, thoải mái trong chính gia đình mình mới là điều quan trọng nhất của hạnh phúc gia đình.
Để hỗ trợ cho việc thực thi chức năng tình cảm của gia đình, Nhà nước cần phải bổ sung chính sách về gia đình phù hợp với thời kỳ mới, xây dựng bộ máy quản lý đủ sức mạnh để giải quyết các vấn đề về gia đình. Bộ VHTTDL ban hành Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình là việc làm kịp thời, giúp chúng ta “định vị” một cách rõ ràng hơn những nội dung cụ thể với các tiêu chí của từng mối quan hệ. Cùng với đó, trên cơ sở đề cao chức năng tình cảm, chúng ta cần sớm xây dựng chuẩn mực văn hóa gia đình mới để làm cơ sở cho sự phát triển ổn định của các “tế bào xã hội”. Tăng cường giáo dục tiền hôn nhân và sau hôn nhân để các cặp vợ chồng nâng cao nhận thức, sống có trách nhiệm, có kỹ năng ứng xử, giao tiếp, kiến thức làm cha, làm mẹ để xử lý hài hòa các mối quan hệ trong gia đình…
Chúng ta cũng cần huy động sự tham gia của các đoàn thể, cộng đồng, nhà trường vào quản lý gia đình, đẩy mạnh các hoạt động “trị liệu” để góp phần bảo vệ hạnh phúc gia đình. “Trị liệu gia đình” là thuật ngữ khoa học mới mẻ, trong đó nhân viên làm công tác xã hội được đào tạo kiến thức cơ bản để làm việc riêng với từng người chồng, người vợ, tạo ra tình huống, hướng dẫn họ phải làm gì dựa trên những khía cạnh tâm lý nhất định. Những gia đình khủng hoảng có thể học được cách xử lý phù hợp để giữ được “mái ấm” của mình.
Ngọn lửa tình cảm của hạnh phúc gia đình không chỉ là chỗ dựa tinh thần cho mỗi cá nhân mà còn là nền tảng cho sự yêu thương trong cộng đồng, tạo ra sự bình ổn chung cho xã hội.
Con người, cho đến khi qua đời vẫn còn mong muốn được sống bên cạnh những người thân yêu của mình. Mồ mả cũng cần phải được quy tập lại một chỗ để những người ở “thế giới bên kia” có thể gần gũi, quây quần trong họ tộc và huyết thống. Thực tế cho thấy, cái nhóm nhỏ những con người liên kết với nhau thành một gia đình cũng có biết bao nhiêu mối quan hệ không kém phần phức tạp. Dù cho đôi lúc có thể sẽ cơm chẳng lành canh chẳng ngọt, có thể sẽ không chỉ là những vấn đề thuần túy nội bộ mà còn phải đưa ra xử lý bằng pháp luật, nhưng quan hệ gia đình vẫn là những mối quan hệ nặng về tình cảm nhất so với các quan hệ xã hội khác. |
GS ĐẶNG CẢNH KHANH