“Thành phố an toàn cho trẻ em gái” có còn xa?

VHO- Phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam, cứ 4 người thì ít nhất 3 người đã từng bị quấy rối tình dục tại nơi công cộng, 87% phụ nữ và trẻ em gái từng bị quấy rối tình dục ở đường phố, công viên, xe buýt, nhà vệ sinh công cộng… và có 89% nam giới chứng kiến điều này.

“Thành phố an toàn cho trẻ em gái” có còn xa? - Anh 1

Trong đó tình trạng quấy rối tình dục (QRTD) phổ biến là bị huýt sáo, trêu ghẹo (28.5%), bị liếc mắt đưa tình (24.4%), bị nhìn chằm chằm vào một bộ phận trên cơ thể hoặc toàn bộ cơ thể (19.8%) và bị sờ mó đụng chạm một cách cố ý (11.6%). Và khi xảy ra tình trạng bị quấy rối và bạo lực tình dục, thì gần một nửa (47,1%) nạn nhân giữ im lặng thay vì trình báo công an hay cảnh báo người khác.

Cứ 10 em gái đi xe buýt, có 3 em bị QRTD

Đây là kết quả khảo sát tại 5 thành phố thực hiện năm 2016 của Tổ chức ActionAid Việt Nam cho thấy tình trạng QRTD ở phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam là khá phổ biến và các cơ quan của Chính phủ cùng các tổ chức xã hội đang nỗ lực các biện pháp để giảm tỷ lệ này.

Women Deliver là diễn đàn lớn nhất thế giới về bình đẳng giới, sức khỏe, quyền và phúc lợi của trẻ em gái và phụ nữ, được tổ chức ba năm một lần. Năm nay, đại diện Việt Nam là bà Ngô Thị Minh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tham gia diễn đàn Women Deliver 2019 diễn ra từ ngày 3-6.6 tại Vancouver (Canada) với cùng hơn 8.500 lãnh đạo, bao gồm các nhà hoạt động về bình đẳng giới, các cơ quan báo chí đến từ 170 nước. Trong ngày đầu tiên của diễn đàn, bà Ngô Thị Minh được mời làm khách mời danh dự, điều hành buổi chia sẻ về dự án “Thành phố An toàn và thân thiện cho trẻ em gái” của tổ chức Plan International, hiện đang được thực hiện tại 8 thành phố trên toàn thế giới, bao gồm Hà Nội (Việt Nam), Kampala (Uganda), New Delhi (Ấn Độ), Cairo (Ai Cập), Lima (Peru), Asuncion (Paraguay), Nairobi (Kenya), Honiara (thuộc quần đảo Solomon).

Phụ nữ và trẻ em gái thường là nạn nhân của các hành vi quấy rối nơi công cộng. Các hành vi này bắt nguồn từ mối quan hệ bất bình đẳng giới, những định kiến và khuôn mẫu giới trong xã hội. Theo số liệu nghiên cứu của Plan International Việt Nam tại Hà Nội, cứ 100 em gái đi đến nơi công cộng, chỉ có 13 em gái cảm thấy mình được an toàn; cứ 10 em gái đi xe buýt, có 3 em bị QRTD. Dự án “Thành phố An toàn và thân thiện cho trẻ em gái” là một trong những nỗ lực của tổ chức Plan International nhằm xây dựng môi trường an toàn hơn cho phụ nữ và trẻ em gái ở những nơi công cộng.

Chia sẻ tại diễn đàn, bà Minh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái, tham gia xây dựng thành phố an toàn cho chính các em, điều này đã được quy định rất rõ trong Luật trẻ em 2016. “Với vai trò là một đại biểu dân cử, tôi luôn ghi nhớ điều này để tích cực hơn nữa trong việc lắng nghe và ghi nhận ý kiến của các em. Thành phố an toàn cho em gái là thành phố an toàn cho tất cả mọi người!”, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nói. Không chỉ bị QRTD tại nơi công cộng, phụ nữ còn bị quấy rối tại nơi làm việc. Nhưng trên thực tế việc tố cáo hành vi này còn rất ít vì khâu tiếp nhận, xử lý những vụ việc liên quan QRTD còn rất rườm rà, khó tìm bằng chứng nên ít có kết quả, có khi còn ảnh hưởng đến công việc, gia đình của người tố cáo.

Vẫn còn những điểm cần cải tiến

Bằng chứng là, ý kiến của các nhà quản lý lao động và doanh nghiệp tại 3 tỉnh, thành phố thuộc phạm vi nghiên cứu về tình hình thực hiện các Công ước quốc tế của ILO tại Việt Nam liên quan đến các vấn đề lao động, bình đẳng giới năm 2017 tại Đồng Nai, Bình Dương và Hải Phòng đều cho rằng, các quy định về quấy rối tình dục trong Bộ luật Lao động 2012 còn mờ nhạt, thiếu chế tài xử lý. Thừa nhận vấn đề này, ông Nguyễn Văn Bình, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ,TB&XH) cho biết, một trong những cái thiếu của Bộ luật Lao động hiện hành về vấn đề phòng chống QRTD là quy định trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên trong phòng chống QRTD; thiếu các cơ chế, thủ tục khiếu nại, tố cáo về hành vi QRTD (phải là quy trình đặc thù); thiếu các quy định về chế tài, biện pháp khắc phục hiệu quả.

Được biết, trong dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, bổ sung đã được các nhà làm luật đưa ra quy định “thực hiện các giải pháp phòng chống QRTD tại nơi làm việc” vào nhóm quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động. Điều này đồng nghĩa với việc người lao động sẽ được bảo vệ bằng các giải pháp phòng chống QRTD tại nơi làm việc do người sử dụng lao động thực hiện và việc phòng chống QRTD thuộc danh mục bắt buộc trong nội quy lao động. Bên cạnh đó, người lao động nếu bị QRTD có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Tại dự thảo sửa đổi, ban soạn thảo đưa ra 2 phương án: phương án 1, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần nêu lý do, nhưng phải báo trước; phương án 2, giữ như hiện hành tức là phải có lý do và thời hạn báo trước.

Tại buổi tọa đàm về chấm dứt bạo lực và quấy rối trong công việc do Bộ LĐ,TB&XH phối hợp với tổ chức Care quốc tế tại Việt Nam tổ chức mới đây, bà Andrea Prince, chuyên gia Luật Lao động, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho rằng, trong dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi mới được công bố, chúng ta đã nhìn thấy những dấu hiệu cho thấy Việt Nam đang đẩy mạnh nỗ lực chống lại quấy rối tình dục tại nơi làm việc, với việc lần đầu tiên đưa vào luật định nghĩa về quấy rối tình dục. “Việc đưa ra định nghĩa là một bước tiến quan trọng, pháp luật cần phản ánh những yêu cầu và quyền bình đẳng tại tất cả các điều khoản. Cần nhấn mạnh rằng dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi đã có những bước tiến rõ nét theo hướng này, tuy nhiên vẫn còn những điểm cần tiếp tục cải tiến. Điều tối quan trọng là cần có giải pháp thực thi mạnh mẽ và những hình phạt thích hợp”, bà Andrea Prince nhấn mạnh. 

 XUÂN BÙI

Ý kiến bạn đọc