Tạo lập thế hệ thích đọc sách trong tương lai

VHO- Để phát triển văn hóa đọc, vấn đề gốc rễ là phải xây dựng được thói quen đọc sách từ khi còn nhỏ. Do đó, bắt nguồn từ việc giáo dục của mỗi gia đình, cha mẹ nên dành thời gian đọc sách cùng con, đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện, giúp con hình thành thói quen này một cách lâu dài, bền vững.

Tạo lập thế hệ thích đọc sách trong tương lai - Anh 1

 Tạo lập thói quen thích đọc sách cho trẻ từ môi trường gia đình Ảnh: ITN

Tạo lập thói quen đọc từ nhỏ

“Báo cáo tổng kết hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023” của Cục Xuất bản, In và Phát hành vào tháng 2.2023 cho thấy, lần đầu tiên ngành Xuất bản cán mốc mục tiêu 6 bản/người/năm (trong đó có 3,04 bản là sách giáo khoa, giáo trình, bài tập, giáo viên; 2,98 bản là các loại sách khác). Tổng doanh thu toàn ngành đạt 3.994,09 tỉ đồng, trong khi người Việt chi 4 tỉ USD/năm cho việc tiêu thụ rượu bia và 49.000 tỉ đồng cho thuốc lá (sốliệu thống kê năm 2022).

Theo một nghiên cứu vào năm 2019 của nhóm nghiên cứu thị trường Picodi.com thực hiện khảo sát việc người Việt mua sách và đọc sách: Người Việt không có thói quen mượn sách, sốlượng người mượn sách từ thư viện chỉ chiếm khoảng 8%; 17% mượn sách từ bạn bè; 21% người tham gia khảo sát nói rằng họ không thích đọc sách cũng như không hề quan tâm đến sách. Picodi.com đã khảo sát 41 quốc gia về vấn đề mỗi người mua ít nhất một cuốn sách trong một năm, Việt Nam… đứng thứ 35.

Từ báo cáo khảo sát Niềm tin - Thói quen đọc trong giới trẻ tại TP Hồ Chí Minh do Công ty TNHH Đường Sách TP Hồ Chí Minh thực hiện từ tháng 4 - 6.2019, với 1.600 phiếu, trong đó có 400 học sinh cấp 1; 400 học sinh cấp 2; 200 học sinh cấp 3; 400 sinh viên đại học - cao đẳng và 200 phiếu dành cho phụ huynh, giáo viên. Kết quả cho thấy, ở độ tuổi tiểu học có 35% học sinh không thích đọc sách; 42% thích đọc và 23% thỉnh thoảng mới đọc (tương tự con số16% - 36% - 48% đối với học sinh cấp 2). Từ kết quả đó, nhóm nghiên cứu đưa ra nhận định: Đây là hai nhóm đối tượng cần được quan tâm đầu tư nhiều trong việc tạo lập cảm xúc yêu thích đối với việc đọc sách từ môi trường gia đình, nhà trường...

Dẫn chứng những nghiên cứu trên, bà Huỳnh Thị Thanh Thúy, Văn phòng Hội Xuất bản Việt Nam phía Nam cho rằng: Trước xu thế phát triển về công nghệ và các nền tảng mạng xã hội hiện nay, có rất nhiều phương tiện để phục vụ nhu cầu giải trí, tìm kiếm thông tin, do vậy, thói quen đọc sách phần nào bị lấn át. Để phát triển văn hóa đọc, nên bắt nguồn từ tạo lập niềm tin, thói quen đọc sách ngay từ khi còn bé trong gia đình, nhà trường một cách thường xuyên. Cần làm cho người đọc hiểu rằng, việc đọc là cần thiết, đọc sách góp phần tạo nên giá trị cá nhân, nâng cao tri thức, giúp ích cho quá trình học tập, làm việc và đóng góp cho xã hội.

Tạo lập thế hệ thích đọc sách trong tương lai - Anh 2

 Khuyến khích trẻ đọc sách mọi lúc, mọi nơi để các em hình thành thói quen đọc sách Ảnh: H.H

Để sách luôn hiện hữu trong mỗi gia đình

Ông Lê Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH Đường Sách TP Hồ Chí Minh cho rằng: Văn hóa đọc của các quốc gia lân cận phát triển hơn so với Việt Nam. Họ đã có nhiều biện pháp gây dựng nên thói quen đọc sách cho cộng đồng trong môi trường gia đình và nhà trường. Ví dụ Malaysia, Indonesia đều có tiết đọc sách dành cho học sinh mỗi ngày 15 phút được bốtrí trong khung chương trình; Hàn Quốc đã hình thành được nề nếp cha mẹ đọc sách cùng con mỗi tuần ít nhất 3 lần, mỗi lần là 30 phút; Thái Lan trong cuộc điều tra 55.920 gia đình vào năm 2015 cho thấy: Trẻ em dưới 6 tuổi đọc 71 phút/ngày, thanh niên đọc 94 phút/ngày, người ở độ tuổi lao động 61 phút/ngày và người già 44 phút/ngày.

Hơn 15 năm công tác trong ngành sách, tìm hiểu, nghiên cứu thị trường sách cũng như thực trạng văn hóa đọc ở Việt Nam, bà Nguyễn Kim Thoa, CEO của Tân Việt Books chia sẻ: Để phát triển và xây dựng văn hóa đọc, điều trước tiên là chúng ta cần xây dựng thói quen đọc sách cho trẻ từ tuổi ấu thơ. Bởi theo nghiên cứu của các nhà khoa học, đây là thời kỳ mà trẻ có thể phát triển ngôn ngữ mạnh nhất, cũng là thời điểm định hình các thói quen một cách thuận lợi và dễ dàng nhất. Do đó, các bậc phụ huynh nên chủ động xây dựng cho con cái thói quen đọc sách, từ đó con sẽ luôn khát khao khám phá và tìm hiểu thế giới xung quanh.

Cũng theo bà Nguyễn Kim Thoa, để xây dựng văn hóa đọc trong gia đình, chúng ta cần giải quyết nhiều vấn đề. Thứ nhất, cần thay đổi nhận thức của cha mẹ về sự cần thiết của việc đọc sách cho con và dạy con đọc sách từ sớm. Hiện nay, hầu hết cha mẹ còn chưa ý thức được điều này và cho rằng đọc sách là không cần thiết, không ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ. Thay đổi nhận thức của những người làm cha làm mẹ là một việc lớn, cần có sự chỉ đạo quyết liệt từ các cấp Bộ, ban, ngành trung ương. Cụ thể, cần tạo ra một chương trình lớn mang tầm quốc gia về hành động; phát động mỗi gia đình một tủ sách, mỗi doanh nghiệp một tủ sách để sách luôn hiện hữu ở mọi lúc, mọi nơi.

Mặt khác, các cơ quan, doanh nghiệp, các hội, tổ chức, đoàn thể... cần có hoạt động đầu tư, ưu tiên cho việc đọc sách, truyền bá và lan tỏa văn hóa đọc đến từng cán bộ, nhân viên, người lao động để văn hóa đọc thật sự thẩm thấu vào bên trong suy nghĩ của mỗi người, khi đó hành động đọc trong mỗi gia đình sẽ tự được hình thành và phát triển.

“Gia đình là tế bào của xã hội. Phát triển văn hóa đọc là một công cuộc lớn của quốc gia. Cần phát triển từ bên trong mỗi gia đình để tạo nên những gốc rễ cần thiết cho sự trưởng thành và phát triển tương lai của đất nước”, bà Nguyễn Kim Thoa nói.

Bà Huỳnh Thị Thanh Thúy cũng góp ý: “Ngoài sách giáo khoa, học sinh nên đọc sách gì, đọc sách như thế nào để vừa phục vụ việc học, vừa phục vụ cho việc nuôi dưỡng tâm hồn và phát triển tri thức - đó là vấn đề mà gia đình, nhà trường và cả giới xuất bản cần quan tâm để cùng chung tay tạo lập nên thế hệ thích đọc sách trong tương lai”. 

 TRUNG NGHĨA

Ý kiến bạn đọc