Gia đình đa thế hệ:
Sống chung hay ra riêng?
VHO - Trong nhịp sống hiện đại, lựa chọn sống chung hay ra riêng với cha mẹ không chỉ là chuyện chỗ ở, mà còn là bài toán về yêu thương, trách nhiệm và ranh giới cá nhân.

Ở chung – Gắn bó nhưng cũng nhiều mâu thuẫn
Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới năm 2023, có tới 62% hộ gia đình ở thành phố lớn từng gặp xung đột khi sống chung, trong đó phổ biến nhất là mâu thuẫn về cách dạy con và tài chính.
Chị Hồng Nhung, 35 tuổi, nhân viên ngân hàng tại Hà Nội, từng sống chung với bố mẹ chồng suốt 5 năm đầu hôn nhân. “Ban đầu nghĩ ở cùng cho vui, ông bà phụ chăm cháu. Nhưng lâu dần, khác biệt nếp sinh hoạt, quan điểm nuôi dạy con cái khiến mâu thuẫn nảy sinh,” chị kể.
Mẹ chồng muốn chăm cháu theo cách truyền thống - chiều chuộng và bảo bọc, trong khi vợ chồng chị lại muốn rèn cho con tính tự lập. “Mẹ chồng nghĩ mình khắt khe, còn mình thì cảm thấy bất lực khi không thể dạy con theo cách mình mong muốn,” chị nói thêm.
Sự khác biệt giữa hai thế hệ không chỉ là chuyện ăn mặc hay công nghệ, mà còn là cách nhìn nhận về quyền kiểm soát trong gia đình.
Khi ông bà vẫn quen giữ vai trò “người lớn trong nhà”, sự tham gia quá mức vào đời sống vợ chồng con cái dễ tạo ra những vết rạn tinh tế nhưng sâu sắc.
Anh Minh, 32 tuổi, nhân viên IT tại Hà Nội, cũng đã từng trải qua cảm giác mất đi không gian riêng khi sống chung với gia đình vợ.
Anh chia sẻ: “Chúng tôi cưới nhau được 3 năm và ngay sau đó dọn về sống chung với bố mẹ vợ. Mới đầu, tôi nghĩ việc ở chung sẽ giúp gia đình gần gũi. Tuy nhiên, khi thời gian trôi qua, tôi bắt đầu cảm thấy ngột ngạt”.
Anh kể rằng, những buổi tối khi anh chỉ muốn thư giãn, ngồi xem TV hay lướt điện thoại một chút, thì mẹ vợ lại bước vào phòng, hỏi về đủ thứ chuyện, từ công việc đến gia đình, kế hoạch tương lai.

Ra riêng – Tự do nhưng trĩu nặng lo toan
Sống tự lập là ước mơ của nhiều người trẻ, nhưng thực tế lại không dễ dàng như họ tưởng. Áp lực tài chính, nỗi lo về sức khỏe của cha mẹ, và cả sự thiếu vắng hỗ trợ từ gia đình khiến họ đôi khi cảm thấy mình đang “chạy trốn” khỏi trách nhiệm thay vì tận hưởng sự tự do.
Anh Minh Quân, kỹ sư 35 tuổi ở TP.HCM, chia sẻ: “Chúng tôi ra riêng ngay sau cưới. Bố mẹ buồn, mình cũng áy náy. Nhưng ở riêng giúp hạn chế xung đột. Dù vậy, mỗi lần ông bà ốm đau, hai vợ chồng lại tất tả chạy qua chạy về.”
Áp lực của cuộc sống riêng không chỉ nằm ở chuyện chạy tới lui giữa hai nhà.
Quân kể, căn hộ nhỏ hai phòng ngủ là thành quả của nhiều năm tích góp và vay mượn: “Chi phí sinh hoạt đủ thứ, từ tiền nhà, học cho con đến ăn uống hàng ngày, nên hai vợ chồng luôn phải cân nhắc kỹ càng trong chi tiêu.”
Nhiều lúc, Quân tự hỏi liệu lựa chọn ra riêng có thật sự “giải phóng” được anh khỏi căng thẳng hay chỉ chuyển căng thẳng từ một dạng này sang dạng khác.
Ngoài ra, sự thiếu gắn kết hàng ngày cũng dễ khiến cha mẹ cảm thấy cô đơn, nhất là khi Việt Nam đang bước vào giai đoạn dân số già.
Theo Tổng cục Thống kê, hiện Việt Nam có hơn 14 triệu người từ 60 tuổi trở lên. Dự kiến con số này sẽ lên tới 18 triệu vào năm 2030.
Mỗi gia đình giờ chỉ có một hoặc hai con, việc chăm sóc cha mẹ ngày càng trở thành gánh nặng tâm lý lớn cho thế hệ trẻ.
Bà Vũ Thị Hà, 62 tuổi, ở Hà Nội chia sẻ: “Ngày xưa nhà đông anh em nên dễ san sẻ. Giờ mỗi nhà một, hai con, mình cũng không muốn làm phiền tụi nhỏ. Miễn là chúng quan tâm tới cha mẹ, ở đâu cũng được.”

Ở nông thôn – Sống chung vẫn là lựa chọn phổ biến
Khác với các đô thị lớn, nơi người trẻ thường lựa chọn ra riêng để theo đuổi lối sống tự lập và riêng tư, tại nhiều vùng nông thôn, mô hình gia đình tam đại đồng đường vẫn rất phổ biến.
Ông Đào Văn Khánh, 68 tuổi, nông dân tại Thái Bình, chia sẻ: “Ở quê, con cái lấy vợ lấy chồng thì vẫn ở nhà, cùng chăm nom cha mẹ, làm nông, nuôi con. Sống chung là chuyện bình thường. Tôi có tuổi rồi, chỉ mong con cháu ở gần cho vui cửa vui nhà.”
Nhiều người lớn tuổi ở nông thôn vẫn xem việc sống cùng con cái là một phần trách nhiệm tự nhiên, không chỉ để nương tựa lúc già yếu mà còn duy trì sự gắn bó gia đình.
Ngược lại, người trẻ ở nông thôn cũng thường không có nhiều lựa chọn để ra riêng do điều kiện kinh tế còn hạn chế, và đôi khi là do quan niệm truyền thống vẫn coi việc sống cùng cha mẹ là bình thường.
Dù chọn sống chung hay ra riêng, điều quan trọng nhất là mỗi gia đình cần học cách dung hòa giữa yêu thương và tự do, giữa trách nhiệm và tự do cá nhân.
Chỉ khi những người trong gia đình thấu hiểu, tôn trọng ranh giới và biết chia sẻ, gia đình mới có thể trở thành nơi ấm áp, nơi mọi người luôn tìm thấy sự yên bình dù ở gần hay xa.