Nhà là an toàn và yêu thương

VHO- “Cha mẹ là ánh trăng, còn con là những vì sao, luôn hạnh phúc, luôn bên nhau vì luôn được gắn kết bởi sợi dây vô hình, vững chắc”; “Lời nói hay giống như hoa thơm, còn những lời không hay, đôi khi chỉ vô tình cũng như chiếc gai nhọn đâm vào cơ thể mình”… là những bày tỏ, khát khao của các em nhỏ gửi tới cha mẹ, người lớn thông qua cuộc thi vẽ tranh Gia đình trong mắt em.

Nhà là an toàn và yêu thương - Anh 1

Góc nhìn của trẻ về gia đình hạnh phúc (Nguyễn Quảng Gia Định) và bạo lực gia đình (Trần Việt Minh)

 Cuộc thi nằm trong chiến dịch truyền thông Nhà = An toàn + Yêu thương? được thực hiện vào tháng 8 và 9.2021 nhằm nâng cao nhận thức về phòng, chống bạo lực gia đình và vận động sửa đổi Luật phòng, chống bạo lực gia đình do Mạng lưới Quản trị quyền trẻ em tổ chức.

Cha mẹ là ánh trăng, còn con là những vì sao

Cuộc thi đã nhận được sự tham gia tích cực của gần 100 em thiếu nhi trên toàn quốc. Chủ đề được các em lựa chọn rất phong phú, như: Hình ảnh gia đình hạnh phúc; Bạo lực gia đình dưới góc nhìn của trẻ em; Ước mơ về mái nhà yên ấm…

Là người làm công tác quản lý nhà nước về gia đình, đồng thời là thành viên Ban Giám khảo, ông Khuất Văn Quý chia sẻ: “Những bức tranh của các em tuy rất thơ ngây, trong sáng nhưng có tính sáng tạo, khả năng hội họa và đặc biệt truyền đạt được những thông điệp rất ấm áp, nhân văn cũng như mơ ước về một gia đình hạnh phúc. Qua đó, thôi thúc các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, các bên liên quan cần phải hành động để hướng tới xây dựng gia đình hạnh phúc đúng như nguyện vọng của các em. Về phía Vụ Gia đình (Bộ VHTTDL), chúng tôi đang nỗ lực trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW năm 2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác xây dựng gia đình và xây dựng Dự thảo Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), mong rằng có thể tiếp nhận nhiều ý kiến đóng góp từ các bên để hướng tới xây dựng một văn bản luật hoàn chỉnh, toàn diện, góp phần xây dựng những mái nhà an toàn, hạnh phúc cho các em”.

Giải Nhất cuộc thi thuộc về em Nguyễn Quảng Gia Định, 11 tuổi, đến từ Làng Trẻ em SOS Quảng Bình với thông điệp: Trẻ em luôn mong muốn có một gia đình hạnh phúc. Trong bức tranh của em có hình ảnh cả nhà giúp nhau nấu ăn, quây quần quanh mâm cơm, xem ti vi và cùng vui chơi... Còn giải Nhì thuộc về em Trần Việt Minh, 7 tuổi (TP.HCM) thì truyền tải mong muốn: Đừng để nhà là ngọn lửa, là hỏa ngục trần gian thiêu rụi những giấc mơ hồng của tuổi trẻ thơ. Bạn Nguyễn Vũ Mai Anh (14 tuổi, Hà Nội, cũng đạt giải Nhì) lại so sánh: Cha mẹ là ánh trăng, còn con là những vì sao. Chúng ta luôn tỏa sáng dù bất kì nơi đâu, luôn hạnh phúc, luôn bên nhau vì luôn được gắn kết bởi sợi dây vô hình, vững chắc…

Ngoài ra, cuộc thi còn trao 12 giải Ba và Khuyến khích cho các em có tác phẩm mang tính sáng tạo, có nội dung thông điệp rõ nét, lan tỏa những góc nhìn, suy nghĩ của mình về thực trạng bạo lực gia đình và những cách thức để chấm dứt vấn nạn này... Như chia sẻ của bé Nguyễn Bảo Huy (6 tuổi - Hà Nội) trong bức tranh của mình: Lời nói hay giống như hoa thơm vì khi được ngắm nhìn và hít hà chúng ta sẽ cảm thấy rất sảng khoái vui vẻ. Nhưng những lời không hay, đôi khi chỉ vô tình cũng như chiếc gai nhọn đâm vào cơ thể mình.

Lan tỏa những yêu thương

Tại lễ trao giải và tọa đàm Nhà = An toàn + Yêu thương để phát động chiến dịch Lan toả yêu thương 2021, em Nguyễn Vũ Mai Anh cho rằng, các bậc phụ huynh, thầy cô giáo và người lớn cần có sự phối hợp để cùng nhau giải quyết các vấn đề bạo lực gia đình. “Trước hết, các bậc phụ huynh cần thấu hiểu và bình tĩnh nếu con mắc sai lầm, cần trò chuyện và chia sẻ để hiểu con hơn. Thầy cô giáo và các bên liên quan cần tổ chức các buổi như họp hay các chương trình để cha mẹ nhìn nhận rõ về bạo lực gia đình và có phương án khắc phục. Ngoài ra, con nghĩ bản thân chúng con cũng nên thường xuyên nói chuyện cùng cha mẹ để hiểu nhau thêm và chủ động chỉ ra lỗi sai của cha mẹ bằng sự thông cảm thay vì trách móc, biết sửa sai và khắc phục để hạn chế bạo lực gia đình”, tác giả đoạt Nhì bày tỏ quan điểm.

Ở góc độ một người mẹ, bà Nguyễn Thị Thu Hà bày tỏ suy nghĩ: “Trong quá trình nuôi con, tôi nhận ra khi mình mắng con, con thường nói là con buồn, điều này thực sự khiến tôi suy nghĩ và dần dần tôi cũng cố gắng kiềm chế, nhẫn nại với con hơn”. Theo chuyên gia Nguyễn Hải Anh, Quản lý chương trình Viện Nghiên cứu Quản lý phát triển bền vững, tiếng nói của các em qua các bức tranh rất đa dạng, nhiều khi là tiếng nói lớn và trưởng thành hơn cả suy nghĩ của người lớn, khiến chúng ta phải suy nghĩ. Việc lắng nghe tiếng nói của trẻ em là vô cùng cần thiết, để người lớn soi chiếu lại mình và biết cách đồng hành với trẻ hiệu quả nhất, để nhận ra rằng thứ trẻ cần nhất trong ngôi nhà của mình không phải vật chất, không phải những kỷ niệm của bạo lực... mà chính là thời gian của cha mẹ, sự an toàn và yêu thương.

Chiến dịch Lan toả yêu thương 2021 sẽ được thực hiện từ nay đến ngày 15.11.2021 với chủ đề Giáo dục không bạo lực, tập trung vào nâng cao nhận thức của cha mẹ, người chăm sóc trẻ, thầy cô giáo, các bên liên quan và công chúng về việc loại bỏ những hình thức trừng phạt thể chất, tinh thần với trẻ em; tạo môi trường an toàn và tích cực để trẻ bày tỏ ý kiến và cùng giải quyết những vấn đề có liên quan đến trẻ; thúc đẩy phương pháp giáo dục không bạo lực trong quá trình nuôi dạy trẻ.

Chia sẻ về chiến dịch, bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng MSD cho biết: “Năm 2021 này thực sự là năm đầy thử thách bởi đại dịch Covid-19 và trẻ em là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất. Có một thực tế là nhiều cha mẹ lên án, tức giận hành vi dùng bạo lực với con, đánh con tới tử vong của ông bố bà mẹ nào đó, nhưng lại thấy chuyện đánh mắng con của mình là chuyện bình thường, nhân danh để giáo dục con, rèn nề nếp, hay ủng hộ những quan điểm phi khoa học phải trừng phạt trẻ. Bạo lực hay kỷ luật, ranh giới ấy rất mong manh, nếu cha mẹ thầy cô chúng ta có khái niệm kỷ luật và bạo lực, thì đáp án chỉ có 1, đó là bạo lực”.

Tuy nhiên, không có phương pháp giáo dục nào gọi là giáo dục bằng bạo lực, cũng không có phương pháp nào là giáo dục bằng nuông chiều, nhưng có phương pháp giáo dục kỷ luật tích cực để xây dựng nề nếp, tính tự chủ, tự tôn của trẻ xuất pháp từ tình yêu thương của cha mẹ. Trẻ học được từ cha mẹ mình sự tự trọng, tự tôn, nề nếp, kỷ luật và biết tự ý thức, nhận biết đúng sai, và có thể trẻ vẫn sẽ sai nhưng ít nhất là biết mình sai và sửa đổi chứ không phải bị trừng phạt. 

THẢO LAM

Ý kiến bạn đọc