Nếu nói lại thì bị cho là… cãi láo

VHO- “Đôi khi em muốn bày tỏ ý kiến của mình thì bị bố mẹ cho là “cãi láo”, bất hiếu, ép buộc em phải học trường theo ý muốn của họ...”, đó là một trong số những tâm tư, suy nghĩ được các em bày tỏ với mong muốn người lớn hiểu mình hơn, từ đó góp phần thay đổi suy nghĩ, nhận thức, hoạt động để đảm bảo quyền trẻ em trên toàn xã hội.

Nếu nói lại thì bị cho là… cãi láo - Anh 1

 Nhiều học sinh giơ tay xin được bày tỏ về Quyền tham gia của trẻ em trong cuộc sống Ảnh: HÀ LINH

“Học sinh được học về Quyền trẻ em, bố mẹ có thể biết, nhưng bố mẹ rất ít khi cho chúng em thực hiện quyền tự do ngôn luận. Em thấy quyền trẻ em chưa được lan tỏa, chưa được thực hiện”, em M.T (Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội) đã “ấm ức” nói tại Hội thảo Chia sẻ kết quả Báo cáo Tiếng nói Trẻ em Việt Nam do Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) phối hợp với Cục Trẻ em (Bộ LĐ,TB&XH) thực hiện cuối tháng 3 vừa qua tại trường THCS Nam Từ Liêm, Hà Nội. Hội thảo có sự tham gia của đại diện Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Cục Trẻ em; Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) cùng đông đảo giáo viên, phụ huynh và học sinh nhiều trường trên địa bàn.

Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng MSD nhấn mạnh: Quyền tham gia của trẻ em đã được khẳng định. Báo cáo Khảo sát tiếng nói trẻ em Việt Nam đã có được sự tham gia nhiệt thành của các em. Báo cáo đã phản ánh được thực trạng và những vấn đề các em quan tâm, mong muốn, sau đó được Quốc hội và các cơ quan quản lý nhà nước như Cục Trẻ em, Cục An toàn thông tin, các Vụ bên Bộ GD&ĐT, Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội quan tâm, lắng nghe, hành động và phản ánh…

Tại Hội thảo, các em học sinh đã đưa ra nhiều ý kiến, câu hỏi, vấn đề liên quan đến cuộc sống xung quanh mình. Người lớn hay nói “Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”, câu này đúng hay sai? Người lớn đang bảo vệ trẻ em một cách thái quá, bảo trẻ em “Mày phải học trường này, trường kia, nếu không mày tự tử luôn đi”, em H.P (lớp 9, Trường THCS Nam Từ Liêm) bày tỏ và đặt câu hỏi: “Trẻ em có quyền được tự quyết định cuộc sống của mình hay không?”.

Còn Y.T, lớp 6 Trường THCS Nam Từ Liêm thì cho rằng, bố mẹ mình hay so sánh với “con nhà người ta”, mỗi lần nghe thấy câu đấy là cậu rất ức chế và muốn cãi lại. “Bố mẹ bảo “con nhà người ta toàn được điểm 10 kìa”, nhưng khi con được 10 điểm Lịch sử, bố mẹ lại nói “Bao nhiêu người cũng được 10 kìa”, cậu bé chia sẻ. Đồng quan điểm, em T.Đ cho biết, bố mẹ nhiều khi cũng làm sai, nhưng nếu mình nói lại bố mẹ lại bảo là bất hiếu...

Nghe tâm sự của các em, nhiều phụ huynh không khỏi xúc động và cho biết sẽ dần thay đổi để hiểu con mình hơn. “Tôi thấy bóng dáng của mình trong những điều các con tâm sự. Tôi cũng mắng, thậm chí đánh con với những lời lẽ như vậy để mong con tiến bộ, nhưng tôi không nghĩ lại khoét sâu vào tâm lý các con đến thế”, chị H,Y, một phụ huynh tâm sự. Phản hồi lại các vấn đề trẻ em nêu ra, bà Nguyễn Thanh Hải, Phó trưởng phòng Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, các em hoàn toàn có quyền tham gia và thuyết phục bố mẹ lắng nghe mình. Tuy nhiên, khi thấy bố mẹ nói sai, làm sai, các em nên bình tĩnh đối thoại với bố mẹ. “Chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục lắng nghe những ý kiến của các em, sau khi chương trình hôm nay kết thúc, các em vẫn có thể bày tỏ những nguyện vọng của mình thông qua các thầy cô giáo, qua Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Đây là tổ chức đại diện cho tiếng nói của các em. Các em cũng hoàn toàn có thể gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111 để được hỗ trợ mọi lúc” , bà Nguyễn Thanh Hải nói.

Theo ông Nguyễn Quý Trang, Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Nam Từ Liêm, hiện nay các trường học đều có phòng tham vấn học đường, có các thầy cô luôn lắng nghe ý kiến của các con, sau đó trao đổi lại với cha mẹ để có thể đáp ứng được mong muốn của học sinh. Hiện tượng học sinh bị trầm cảm phần lớn là do các bạn không có cơ hội giãi bày. Do đó, các thầy cô cũng rất mong muốn các con nói ra được ý kiến của mình, tương tự, ở nhà các con cũng có thể chọn những thời điểm phù hợp để trao đổi với bố mẹ.

Chuỗi Hội thảo chia sẻ kết quả Báo cáo Tiếng nói Trẻ em sẽ tiếp tục được thực hiện tại các tỉnh thành phố: Hải Phòng, Lào Cai, Huế, Đắk Lắk, TP.HCM và Tiền Giang trong tháng 4.2021. Ý kiến của các em sẽ được thu thập, ghi nhận và đệ trình nhằm xây dựng các chương trình đảm bảo thúc đẩy sự tham gia và tiếng nói trẻ em trong các vấn đề của chính các em. Những suy nghĩ, phát biểu của các em sẽ là cơ sở để ngày càng nhiều người hiểu các em hơn, từ đó góp phần tích cực thay đổi suy nghĩ, nhận thức, hoạt động, đảm bảo thực hiện quyền trẻ em trên toàn xã hội. 

 Khảo sát Tiếng nói Trẻ em Việt Nam do MSD điều phối triển khai từ tháng 9.2019 đến tháng 2.2020 với sự tham gia của 1.692 trẻ em từ 11 đến 16 tuổi ở 7 tỉnh/ thành phố trên cả 3 miền. Mục tiêu của khảo sát nhằm thu thập ý kiến, suy nghĩ của trẻ em về những vấn đề liên quan trực tiếp, từ đó, xem xét thực trạng thực thi Quyền Trẻ em tại Việt Nam dưới góc nhìn của trẻ.

Những phát hiện nổi bật của báo cáo khảo sát là: Cứ mỗi 7 trẻ em trong nhà trường và 3 trẻ em ngoài nhà trường thì có 1 trẻ “chưa từng nghe nói đến khái niệm Quyền trẻ em”; Cứ 10 trẻ em thì có 9 trẻ cho rằng mình không có hoặc có ít cơ hội để bày tỏ ý kiến với người có thẩm quyền ra quyết định; Gần 90% trẻ em cho rằng việc người lớn lắng nghe tiếng nói trẻ em là rất quan trọng; 24% trẻ không biết phải tìm sự trợ giúp từ đâu khi trẻ gặp phải các vấn đề trong gia đình; Hơn 80% trẻ đã từng trực tiếp chứng kiến các bạn và/hoặc anh, chị, em của mình bị người lớn xử phạt khi mắc lỗi…; Cứ 5 trẻ em thì có 1 trẻ đã từng chứng kiến các hình thức trừng phạt thể chất và tinh thần tại trường học.

Ba vấn đề ưu tiên Trẻ em muốn Việt Nam hành động nhiều hơn để giải quyết và cải thiện là: Xâm hại trẻ em, Bắt nạt qua mạng, Trừng phạt thể chất và tinh thần đối với trẻ em.

 THẢO LAM

Ý kiến bạn đọc