Hãy để phụ nữ không chỉ làm việc nhà
VHO- Việt Nam nằm trong ba nước đứng đầu khu vực Nam Á và Đông Nam Á về vị thế của Trẻ em gái trong các lĩnh vực đời sống. Đó là một trong những nội dung theo báo cáo Vị thế của Trẻ em gái Châu Á năm 2020 của tổ chức Plan International.
Thi đấu bóng đá nữ, một hoạt động của dự án “Không gian thể thao an toàn, thân thiện và bình đẳng trong các trường học tại Hà Nội” Ảnh: ANH PHƯƠNG
Với nỗ lực nâng cao vị thế cho trẻ em gái và phụ nữ trẻ, tổ chức Plan International công bố Báo cáo Vị thế của Trẻ em gái Châu Á năm 2020 cùng với các chỉ số trong từng lĩnh vực đời sống xã hội.
Hãy trao cơ hội cho trẻ em gái
Đây là báo cáo lần đầu tiên được giới thiệu tới công chúng, phân tích những thành tựu của 19 nước khu vực Nam Á và Đông Nam Á về vị thế của trẻ em gái trong các lĩnh vực giáo dục, kinh tế, sức khỏe, bảo vệ trẻ em và sự tham gia của các em trong xây dựng các chính sách pháp luật có liên quan tới các em.
Tham gia vào nghiên cứu, khi được hỏi về mong muốn của mình, N.T.H, 17 tuổi chia sẻ: “Trẻ em gái chúng cháu là nguồn lực và tương lai của đất nước. Người lớn cần phải thay đổi suy nghĩ rằng trẻ em gái chẳng làm được việc gì lớn. Trẻ em gái, đặc biệt là các bạn vùng sâu vùng xa không nên bỏ học để phụ giúp cha mẹ hay chăm em. Phụ nữ không sinh ra chỉ để làm việc nhà, hãy trao cơ hội cho trẻ em gái chúng cháu được học tập và ra quyết định”.
Nghiên cứu của tổ chức Plan International chỉ ra rằng việc đầu tư vào bình đẳng giới (BĐG), đặc biệt là đầu tư cho trẻ em gái và nữ thanh niên, có thể mang lại nhiều kết quả tích cực cho tất cả mọi người. Những nghiên cứu về các chỉ số chuyên sâu trên từng lĩnh vực cho thấy thững quốc gia dù tổng thể đạt thứ hạng cao vẫn cần phải nỗ lực hơn nữa trên các lĩnh vực cụ thể. Ví dụ Singapore là nước dẫn đầu danh sách nhưng vẫn còn thiếu các luật cụ thể dành cho trẻ em. Philippines là nước đứng thứ 2 nhưng hiện còn phải đối mặt với rất nhiều thách thức về vấn đề y tế.
Cũng theo báo cáo này, tổng quan trên mọi lĩnh vực Việt Nam xếp thứ 3, đứng sau Singapore và Philippines. Đây là thành tựu lớn ghi nhận công sức của cơ quan chính phủ, các ban ngành đoàn thể, các tổ chức đang hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em và BĐG cũng như toàn thể xã hội. Bà Sharon Kane, giám đốc Quốc gia của Plan International tại Việt Nam chia cho biết: “Tôi rất vui khi thấy kết quả của báo cáo và đặc biệt là khi Việt Nam xếp thứ hạng cao trong bảng xếp hạng tổng thế. Tuy nhiên, Việt Nam lại xếp thứ hạng chưa cao ở chỉ số liên quan đến bảo vệ trẻ em khỏi xâm hại và bạo lực cũng là động lực lớn để chúng tôi và Chính phủ Việt Nam, các cơ quan chức năng nỗ lực giải quyết hiệu quả được vấn đề này. Đây cũng hiện là ưu tiên chính của Chính phủ Việt Nam và tôi tin Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững thứ hạng cao như hiện tại”.
Bình đẳng giới - yếu tố tạo ra sự thay đổi cho xã hội
Tại Việt Nam, đã có những tiến bộ rõ rệt về quyền và sự lãnh đạo của phụ nữ trong một số lĩnh vực, đáng chú ý nhất là quyền tiếp cận giáo dục, cải thiện sức khỏe bà mẹ, sự tham gia của phụ nữ trong lực lượng lao động và tăng cường khung pháp lý và thể chế về BĐG. Tuy nhiên, trong nhiều lĩnh vực, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với sự thụt lùi và tiến bộ rất chậm.
Bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng Văn phòng Cơ quan LHQ về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam cho rằng: Việt Nam đang đối mặt với những thử thách rất lớn, nhưng không có nghĩa là không thể vượt qua những thử thách này và có cơ hội cải thiện các điều kiện của phụ nữ và trẻ em gái trong xã hội. Với tư cách là Chủ tịch ASEAN năm 2020 và là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc giai đoạn 2020-2021, Việt Nam có những cơ hội hợp tác quan trọng để thể hiện vai trò đi đầu của mình trong việc thúc đẩy BĐG trong khu vực và thế giới. “Việt Nam cần thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ tại các vị trí lãnh đạo tại khu vực công và kinh doanh. Đồng thời, cần loại bỏ những định kiến, quan niệm phân biệt đối xử đã ăn sâu trong nền văn hóa và xã hội, tạo ra các sáng kiến và cam kết tài chính để làm được điều đó”, bà Elisa Fernandez Saenz nhấn mạnh.
Bình đẳng chính là việc thúc đẩy các hành động nhằm giải quyết các vấn đề của phụ nữ qua các thế hệ, từ những năm đầu cho đến những năm về sau và ở đó phụ nữ và trẻ em gái đượ đặt ở vị trí trung tâm.
NGUYỆT MINH