Giáo dục con trẻ từ lời hát ru
VHO- “Tôi rất thích hát ru con, ru cháu; những lời ru của bà, của mẹ, của chị, kể cả của ông, của cha như dòng sữa mát lành nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ, giúp củng cố sợi dây liên kết vững bền giữa các thế hệ. Qua lời ru, đứa trẻ cảm nhận được sự quan tâm, bao bọc, chở che, nhờ đó nó sẽ lớn lên với một tâm hồn cao đẹp, hành vi văn hóa, ứng xử nhân văn... Tôi rất buồn là hiện nay, nhiều người mẹ trẻ lại không biết ru con, nhiều người không chịu mua những cuốn sách hay cho con mình đọc...”.
Lời ru êm dịu, tha thiết gieo vào tâm thức trẻ những hạt giống tốt lành và hình ảnh đẹp đẽ về lòng nhân ái, đạo lý làm người (ảnh minh họa)
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương đã chia sẻ như vậy, khi thời gian qua, dạo quanh các trang mạng xã hội, ta gặp vô vàn những lời than thở của không ít bà mẹ trẻ, bất lực không biết làm sao để ru cho con ngủ. Có mẹ không thể hát nổi một bài hát ru, hoặc lại có người cho rằng hát ru đã quá lỗi thời, cổ hủ... Họ đâu biết, tác dụng của những lời ru êm dịu, tha thiết, gần gũi, thân thương không những giúp trẻ đi vào giấc ngủ mà còn gieo vào tâm thức trong trẻo những hạt giống tốt lành và hình ảnh đẹp đẽ về lòng nhân ái, đạo lý làm người.
“Tra tấn” bằng nhạc rap, rock...
Thời nay, rất nhiều bà mẹ thế hệ 8X, 9X đã chọn cách ru con bằng nhạc trẻ hoặc những bài hát thời thượng. Câu chuyện của gia đình chị N.A (Hà Nội) là một ví dụ điển hình, N.A ru con bằng những bản nhạc rap, nhạc rock... Cứ mỗi lần nghe tiếng nhạc rap, nhạc rock ầm ầm thì hàng xóm hiểu ngay là chị N.A và người giúp việc đang “vật vã” ru con ngủ. Đứa bé mới 2 tháng tuổi, bị ẵm và nhảy lắc, giật theo những giai điệu nhạc chát chúa... Người mẹ trẻ cho rằng, tần suất âm thanh ngày càng lớn thì bé càng chịu ngủ nhanh hơn!
Lại có một số bà mẹ trẻ tập tành hát ru con nhưng chỉ biết có vài ba câu chứ không thể hát trọn vẹn một bài, dẫn tới việc họ hát đi, hát lại một vài câu nhàm chán, hát trong tuyệt vọng khi mãi không thấy con ngủ. Không thuộc hát ru nên không ít bà mẹ “biến tấu” những từ ngữ vô nghĩa, nực cười, may mà đứa trẻ còn quá nhỏ chưa hiểu, không thì chưa biết những lời ru ngô nghê sẽ gây tác hại như thế nào đối với chúng. Thậm chí, nhiều bà mẹ trẻ cũng chẳng có thời gian, tâm trí và cả sự kiên trì để ngồi hát ru con, thế là họ “mượn” các ca sĩ hát ru con mình bằng cách thu các bài hát vào di động.
Hiện nay, có một số phương pháp hiện đại để ru con ngủ được các bà mẹ trẻ áp dụng, đó là sử dụng tiếng ồn trắng hay âm thanh trắng gọi là “white noise” tạo tiếng mưa, tiếng sóng vỗ, tiếng máy sấy tóc, tiếng tivi nhiễu sóng... để che lấp những tiếng ồn khác cho trẻ sơ sinh dễ ngủ, nhưng việc sử dụng quá giới hạn âm thanh cho phép sẽ gia tăng nguy cơ về rối loạn ngôn ngữ ở trẻ. Cùng với đó, việc sử dụng “white noise” sẽ trở thành phản xạ có điều kiện, lúc nào trẻ cũng phải có máy đi kèm để bật lên mới chịu ngủ; và cũng có những bé không thích âm thanh này nhưng bố mẹ vẫn cứ áp dụng khiến lợi bất cập hại.
Giáo sư, Tiến sĩ cũng hát ru...
Hình ảnh người ông, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ bế cháu và cất lời ru ngọt ngào được ông đăng trên Facebook cá nhân, khiến nhiều người ngạc nhiên, bởi ai cũng nghĩ rằng người bận rộn suốt ngày với công việc và vị trí Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương lại vẫn có thể dành thời gian để hát ru cháu một cách dịu dàng đến vậy.
Lời ru với ca từ rất mộc mạc nhưng đằng sau là những triết lý nhân sinh, dạy con trẻ đạo lý làm người, truyền cho chúng tình yêu quê hương đất nước, biết ơn những bậc sinh thành ra mình. Lời hát ru của mẹ, của ông, của bà và những lời hát dạy bảo khác, không hiểu con có nghe không, nhưng tất cả đều là lời hay lẽ phải, những ước mong để con giữ mãi trong lòng và mang theo suốt cả cuộc đời. Lời ru truyền cho con sự yên bình, con ngủ rồi mẹ vẫn ru để đưa con vào giấc ngủ sâu hơn, ngon hơn.
Theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình, người phụ nữ hiện đại không còn bị giới hạn trong công việc nội trợ hay ở nhà nuôi dạy con cái nữa. Khi họ bước ra bên ngoài xã hội, cùng chồng gánh vác bao bộn bề của cuộc sống, thì cũng là lúc họ trút bớt bổn phận làm mẹ cho xã hội. Trẻ được đưa đến nhà giữ trẻ hoặc gửi người giúp việc, ít được gần gũi với hơi ấm của mẹ, và dĩ nhiên là cũng xa rời với những lời mẹ ru ngọt ngào. Ông Trịnh Hòa Bình cho rằng: “Đối với trẻ con, cứ êm ái là chúng ngủ được, nhưng chỉ có lời ru là đi vào tâm thức của chúng. Lắng tai nghe những lời mẹ ru êm ả nồng nàn ấy, đứa trẻ sau đó sẽ bước ra đời với hành trang yêu người, yêu đời ăm ắp trong tim. Các bà mẹ nên nhớ rằng, việc mở nhạc cho con nghe chỉ là những biện pháp tạm thời. Những bài hát ru vẫn là sợi dây thiêng liêng gắn kết tình mẫu tử, cho con sự nuôi dưỡng tâm hồn tốt nhất mà không một phương pháp hiện đại nào thay thế được”.
Gia đình là trường học đầu tiên, nơi hình thành nhân cách của cuộc đời một con người. Con người từ lúc sinh ra, cất tiếng khóc chào đời, được hưởng dòng sữa mẹ, nghe tiếng ru hời của mẹ là bắt đầu tiếp thu văn hóa gia đình, văn hóa dân tộc. Từng phút từng giây, cha mẹ truyền cho con những tình cảm, nhận thức ý nghĩa của cuộc đời và những ước mơ cho con trưởng thành, khôn lớn. Tiếc rằng, trong đời sống hiện nay, thật khó để những khúc hát ru tiếp tục được cất lên trong những gia đình nhỏ. Hãy để những đứa trẻ thời hiện đại được lớn lên trong sự ngọt ngào, êm ái của những lời ru.
THÚY HIỀN