Gia đình hạnh phúc giúp giảm vấn nạn mua bán người
VHO- Như nhiều thiếu nữ dân tộc thiểu số ở vùng núi phía Bắc, cô bé Dang (người Mông, Yên Bái) không được đi học. Hoàn cảnh quá khó khăn nên ước mơ cắp sách đến trường của Dang phải nhường chỗ cho trách nhiệm với gia đình từ rất sớm. Mười mấy tuổi đầu Dang đã bước chân đi lấy chồng, nhưng cuộc sống không hạnh phúc khiến cô trở thành nạn nhân mua bán người…
Tăng cường tuyên truyền về phòng, chống mua bán người ở khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống Ảnh: THANH THUỶ
Tiếng Mông là ngôn ngữ duy nhất để Dang có thể kết nối với mọi người xung quanh, vì thế, cô gặp rất nhiều khó khăn và buộc phải phụ thuộc vào chồng mỗi khi cần giao tiếp hay đi ra ngoài. Được thể, người chồng cho rằng anh ta có quyền lực và chỉ cần không hài lòng điều gì là sẽ thẳng tay đánh mắng, chửi bới vợ. Bạo lực cứ thế phủ kín cuộc sống khiến từng ngày của Dang trôi qua trong bức bối và tuyệt vọng.
Giữa lúc bế tắc, Dang được hàng xóm giới thiệu cho một người đàn ông lạ mặt, anh ta hứa hẹn sẽ mang đến cho cô một công việc tốt hơn để cải thiện cuộc sống. Dang không mảy may nghi ngờ và quyết định đi theo vì cô hy vọng “đây là cơ hội giúp gia đình mình khá hơn”. Không biết chữ nên chỉ đến khi xe dừng ở một nơi xa lạ, Dang mới nhận ra mình đã bị lừa đưa sang Trung Quốc.
Lúc đầu, cô bị chúng bán cho một người phụ nữ Việt Nam để làm “ô sin”. Chưa được bao lâu, người phụ nữ này lại bán Dang cho một người đàn ông để làm vợ. Nếu không vì nỗi nhớ, tình thương yêu đối với các con ở Việt Nam thì có lẽ Dang đã từ bỏ hy vọng sống và buông xuôi số phận. Khát khao trở về gặp con ngày càng mạnh mẽ, Dang tìm mọi cách cố gắng thoát khỏi nơi này. May mắn thay, cô được công an Trung Quốc phát hiện và đưa về nước. Công an Việt Nam cũng nhận được tố cáo của Dang và tiến hành điều tra, xử lý vụ việc.
Dù phải chịu quá nhiều tổn thương khi bị lừa bán và gian nan khi về với gia đình, nhưng nhà chồng lại đổ mọi tội lỗi lên đầu cô, thậm chí còn muốn lấy lại ngôi nhà cô và các con đang sống. “Tôi thực sự rơi vào ngõ cụt. Tôi cố gắng tìm kiếm công việc nhưng lần nào cũng bị từ chối. Không nói được tiếng Kinh, tôi chỉ có thể chăn nuôi và may vá ở nhà. Con còn nhỏ quá nên cũng không đi xa được”.
Thông qua Hội LHPN huyện Mù Cang Chải, Dang đã tiếp cận được dự án “Hỗ trợ nạn nhân mua bán người vượt qua đại dịch Covid-19” do tổ chức Hagar Việt Nam triển khai. Cô được hỗ trợ bò giống, chuồng nuôi, thu nhập đảm bảo được cuộc sống cho 3 mẹ con. “Có quần áo ấm mới, bạn trẻ sung sướng lắm. Mùa đông này cũng khổ hơn rồi”, Dang chia sẻ và cho biết đã bắt đầu đi học tiếng Kinh để có thể dễ dàng giao tiếp và liên lạc với mọi người.
Cùng quê với Dang là Sùng, cũng sinh ra trong một gia đình khó khăn, cô không được đi học như các bạn cùng trang lứa. Năm 2017, Sùng quen một người đàn ông qua điện thoại, sau thời gian ngắn trò chuyện, họ quyết định gặp mặt nhau. Hắn mời Sùng uống nước và cô mê man lịm đi, lúc tỉnh dậy mới biết mình đã bị bán sang Trung Quốc. Suốt 2 năm sống trong “địa ngục trần gian”, Sùng bị nhốt trong nhà, bị hành hạ, đánh đập, lạm dụng tình dục và bị mua đi bán lại cho 5 người đàn ông. Sau đó, nhờ một gia đình người Việt giúp đỡ, cô bỏ trốn thành công và được đưa tới cửa khẩu biên giới Việt Nam.
Khi trở về, không thể xóa mờ đi nỗi đau, ký ức kinh hoàng đã trải qua, những ám ảnh khiến Sùng luôn mặc cảm và suy sụp. Nhưng rồi, một người đàn ông tốt đã xuất hiện, chia sẻ và động viên, giúp cô hòa nhập với cuộc sống và họ đã cùng nhau xây dựng một gia đình hạnh phúc. Sùng còn nhận được sự trợ giúp sinh kế của dự án Hagar, có vốn làm ăn và đang ngày càng ổn định với công việc chăn nuôi dê, con cái tự tin đến trường. “Tôi đã từng đối mặt với rất nhiều sự kỳ thị và phân biệt đối xử. Giờ đây, nhờ được hỗ trợ vốn, gia đình tôi đang dần tốt hơn, tôi đã tìm lại được hy vọng sống”, Sùng chia sẻ.
Ở Việt Nam, theo thống kê của Bộ Công an từ năm 2015 đến năm 2020, lực lượng chức năng đã phát hiện gần 3.000 nạn nhân mua bán người. Qua thực tiễn đấu tranh cho thấy, các đối tượng hình thành nhiều đường dây, băng nhóm tội phạm hoạt động liên tỉnh, xuyên quốc gia với phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Nạn nhân hiện nay không chỉ là phụ nữ, trẻ em mà đã xuất hiện tình trạng mua bán nam giới, mua bán trẻ sơ sinh, bào thai, mua bán nội tạng, đẻ thuê…
ĐỂ BỘ TIÊU CHÍ ỨNG XỬ TRONG GIA ĐÌNH THỰC SỰ ĐI VÀO ĐỜI SỐNG Hiệu quả của Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình đã thấy rất rõ trong năm 2021 khi Bộ VHTTDL triển khai trên khắp các tỉnh, thành cả nước. Tuy nhiên, để Bộ tiêu chí thực sự đi vào cuộc sống thì cơ quan quản lý nhà nước cần có hướng dẫn thật cụ thể cho các tỉnh, thành phố cũng như các cơ quan, đoàn thể để có sự phối hợp kịp thời. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đánh giá cao sự nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước, tuy nhiên cơ quan quản lý nhà nước cần có sự nghiên cứu, xây dựng mô hình thực hiện có hiệu quả để phổ biến rộng khắp và tạo sự lan toả hơn, đặc biệt là ở các tỉnh vùng núi, vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. (Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương) |
Về nguyên nhân khiến tình trạng mua bán người vẫn diễn biến phức tạp, bà Hoàng Phương Thúy, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Yên Bái nhận định: “Qua các nghiên cứu và thực tiễn rút ra từ hoạt động của dự án Hỗ trợ nạn nhân mua bán người vượt qua đại dịch Covid-19, các thông tin ghi nhận chỉ ra rằng, người dân trở nên dễ bị tổn thương hơn do ảnh hưởng từ áp lực kinh tế, nhu cầu tìm kiếm việc làm và các vấn đề liên quan đến bạo lực gia đình, tảo hôn”. Do đó, nhằm chấm dứt nạn mua bán người dưới mọi hình thức, Hội LHPN tỉnh Yên Bái đã phối hợp với tổ chức Hagar Việt Nam và một số tổ chức quốc tế khác thực hiện nhiều sự kiện truyền thông trực tiếp và trên mạng xã hội, nhằm nâng cao nhận thức về các dấu hiệu, hình thức mua bán người cũng như những kênh liên hệ hỗ trợ đã tác động được tới hàng chục nghìn người ở các thôn, bản. Đồng thời, hỗ trợ chị em phụ nữ và nam giới xây dựng hạnh phúc gia đình, giảm bạo lực gia đình và hỗ trợ kinh tế, nâng cao vị thế của phụ nữ, tiến tới xóa bỏ nạn mua, bán người.
NGUYỆT MINH