Gia đình là "pháo đài​​​​​​​" phòng, chống các tệ nạn xã hội

VHO- Sau 10 năm triển khai thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam” giai đoạn 2010 - 2020”, Đắk Lắk đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình tại địa phương.

Gia đình là 

 Hội thi Gia đình hạnh phúc huyện Cư Kuin (Đắk Lắk)

Nguyên nhân chính của thành công đó là lãnh đạo tỉnh và Sở VHTTDL Đắk Lắk xác định triển khai Đề án là nhiệm vụ trọng tâm của công tác gia đình.

Phát huy hiệu quả thiết chế văn hóa thể thao

Hằng năm, Sở VHTTDL tỉnh Đắk Lắk đều xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đồng thời lồng ghép nội dung thực hiện Đề án trong các chương trình, đề án, kế hoạch và văn bản về công tác gia đình tỉnh Đắk Lắk. 15/15 huyện, thị xã, thành phố đều ban hành kế hoạch triển khai Đề án qua đó đã tạo được sự đồng bộ, thống nhất trong triển khai trên địa bàn toàn tỉnh. Triển khai thực hiện Đề án ở Đắk Lắk đã gắn với hoạt động của các Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững; Nhóm PCBLGĐ; Địa chỉ tin cây cộng đồng; Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Chương trình Quốc gia về xây dựng nông thôn mới tại cơ sở; Phát huy hiệu quả của hệ thống thiết chế văn hóa thể thao cơ sở như: Trung tâm Văn hóa Thể thao, Trung tâm học tập cộng đồng xã, phường và Nhà văn hóa thôn, buôn, tổ dân phố.

Mỗi cơ quan trong địa bàn tỉnh đều tổ chức các phong trào và hoạt động theo đặc thù riêng. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh và các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức thành viên, các ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; Xây dựng giao thông, thủy lợi, xây dựng nông thôn mới với diện mạo mới, đô thị sáng - xanh - sạch - đẹp. Nhiều hộ gia đình có người cao tuổi đang sinh sống đã tự nguyện đóng góp công sức, tài sản, đất đai, cây cối hoa màu. Hội Phụ nữ các cấp đảm nhận, thực hiện nhiều hoạt động tham gia xây dựng nông thôn mới. Hội Nông dân các cấp đã vận động nông dân tu sửa nâng cấp và làm mới đường giao thông nông thôn.

Đặc biệt, Phong trào xây dựng “Người tốt, việc tốt” đã được sự hưởng ứng triển khai thực hiện của các ngành, các cơ quan, đơn vị, các thành phần kinh tế và toàn thể người dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Phong trào đã thực sự phát huy mọi nguồn lực và sức mạnh tổng hợp, tạo sự đồng thuận xã hội, thúc đẩy tinh thần thi đua sôi nổi trong các ngành, các cấp, các đoàn thể, đơn vị, doanh nghiệp, gia đình, dòng họ và mang lại hiệu quả thiết thực như: “Đắk Lắk chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Dạy tốt - Học tốt”, “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Ngày vì người nghèo”, “Tháng hành động vì trẻ em”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”… Xây dựng được 27 mô hình “Chi hội phụ nữ 5 không 3 sạch, xây dựng nông thôn mới”. 1.631 mô hình, CLB về gia đình như: “Gia đình 5 không 3 sạch”, “Buôn tôi xanh sạch đẹp”, “Đường hoa phụ nữ”, “Tuyến đường phụ nữ tự quản”, Góc tư vấn về giáo dục đời sống gia đình, giáo dục trước hôn nhân, tư vấn tiền hôn nhân; Tư vấn, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới, nhóm cha, mẹ; Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, dịch vụ gia đình, CLB “Gia đình hạnh phúc”, CLB “Hộ gia đình phụ nữ dân tộc thiểu số bình đẳng tiến bộ”… Tổ chức diễn đàn: “Kết hôn nhanh, ly hôn sớm”, “Già thì đã sao”; “Mẫu hệ Ê đê trong đời sống gia đình xưa và nay”, “Kỹ năng kiềm chế cảm xúc trong quản lý trẻ mầm non”, “Cách mạng công nghệ 4.0 và sự cần thiết quản lý trẻ em sử dụng internet an toàn trong thời đại công nghệ số”, “Nói không với nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống”…

Phong phú các hình thức tuyên truyền

Qua 10 năm triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh gắn với việc xây dựng, duy trì và phát triển các mô hình gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; Phong trào TDĐKXDĐSVH và Chương trình Quốc gia về xây dựng nông thôn mới tại cơ sở, tính đến năm 2019, toàn tỉnh có 364.167/444.649 hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa (đạt tỷ lệ 81,9%); 73/184 xã, phường, thị trấn có Mô hình PCBLGĐ, với 611 Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, 829 nhóm PCBLGĐ, 596 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng và 468 đường dây nóng về PCBLGĐ.

Phó giám đốc Sở VHTTDL Đắk Lắk Nguyễn Văn Hà cho rằng bài học kinh nghiệm từ việc triển khai thực hiện Đề án đó là lãnh đạo các cấp ủy, chính quyền các cấp cần xác định đúng vị trí, vai trò, trách nhiệm của gia đình hiện nay; Gia đình thực sự phải là tổ ấm, hạnh phúc, trở thành pháo đài phòng, chống các tệ nạn xã hội. Trong quá trình triển khai thực hiện phải linh hoạt, sáng tạo, nội dung và hình thức phải phù hợp, công tác tuyên truyền, vận động phải được tiến hành thường xuyên, bằng nhiều hình thức phong phú để thu hút sự tham gia, hưởng ứng của mọi tầng lớp nhân dân. Đề cao và phát huy tốt vai trò của già làng, trưởng bản, các chức sắc tôn giáo và những người có uy tín trong cộng đồng dân cư trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân. Thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, trên cơ sở đó làm nền tảng cho việc giữ gìn, xây dựng các chuẩn mức đạo đức, lối sống truyền thống trong giai đoạn hiện nay. Đảm bảo nguồn kinh phí từ ngân sách trong các kế hoạch dài hạn, trung hạn, ngắn hạn từ cấp tỉnh đến cơ sở nhằm thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Đề án.

HIỀN LƯƠNG

Ý kiến bạn đọc