Để trẻ em có được tinh thần mạnh khỏe
VHO- Đại dịch Covid-19 đã làm dấy lên những lo ngại về sức khỏe tâm thần của trẻ em. Để phòng tránh dịch bệnh, trẻ phải ở nhà thay vì đến trường, nhịp sinh hoạt và học tập bị đảo lộn, chưa bao giờ mà trẻ em lại buộc phải ở trong nhà lâu đến vậy, trong khi các em cần được vận động và giao tiếp với bạn bè, với mọi người xung quanh để phát triển cả về thể lực, trí lực và các kỹ năng xã hội.
Các em chia sẻ về những cảm nghĩ, lo lắng trong thời gian dịch Covid-19
Tổn thương là vô cùng lớn
Em Nguyễn An Huy (Trường THCS Minh Khai, Hà Nội) chia sẻ về những trải nghiệm của bản thân: “Em bị cận và giờ đây, khi phải tiếp xúc nhiều với máy móc, em cảm thấy khá lo sợ rằng không biết mình có bị tăng độ hay không. Em thường phải dùng Zalo để giao tiếp với các bạn, chia sẻ với nhau những khó khăn, cũng như sử dụng Zoom để học Online và để trao đổi với các bạn”.
Từ góc độ của một người có chuyên môn, bác sĩ Mai Xuân Phương cho biết: “Chúng ta đang chuẩn bị bước sang năm thứ 3 đối diện với Covid-19, tổn thương đối với các em là vô cùng lớn. Đầu tiên là tổn thương về mặt tinh thần. Trẻ em là đối tượng rất hiếu động, rất muốn được quan tâm, thương yêu. Nhưng khi đại dịch diễn ra, các cháu chỉ tiếp xúc với 4 bức tường, bố mẹ dễ cáu gắt, quát mắng dẫn đến tổn thương, có thể dẫn đến những phản ứng mạnh, thậm chí là cực đoan như loạn thần, trầm cảm, tự kỷ… Đây là điều rất dễ hiểu. Bên cạnh đó, các em cũng tiếp xúc với nhiều nội dung tiêu cực trên mạng gây ảnh hưởng đến tâm lý, dễ dẫn đến một số hậu quả khó lường. Đó còn là những tổn thương về thể chất khi các em phải ngồi học quá lâu, quá nhiều, gây ảnh hưởng đến mắt, cột sống, xương khớp. Vì vậy, vai trò của bố mẹ trong việc hướng dẫn các con rất quan trọng. Chúng ta cần phải hướng dẫn cho các con rất tỉ mỉ tư thế ngồi, ánh sáng ngồi học điều chỉnh thế nào cho đúng”.
Gần hai năm sống trong đại dịch, trẻ em trên khắp thế giới đang thể hiện sự lo lắng, sợ hãi, bất an và bất ổn ở mức độ đáng lo ngại. Với áp lực từ cuộc sống, giáo dục, từ những kỳ vọng và từ các mối quan hệ, tỷ lệ những người gặp khó khăn về sức khỏe tâm thần đã trở nên đáng lo ngại trong nhiều năm qua, cha mẹ cảm thấy áp lực quá lớn và trẻ em bị cô lập do bị xâm hại, gặp khó khăn tăng lên, ở nhiều quốc gia, đại dịch đã dẫn đến tình trạng trẻ em tự làm hại mình ngày càng tăng.
Hãy trò chuyện cởi mở với con
Bộ LĐ,TB&XH và UNICEF vừa tổ chức chức kỷ niệm Ngày Trẻ em Thế giới 2021 (20.11) nhằm nêu bật tầm quan trọng của sức khỏe tâm thần khỏe mạnh cho trẻ em, kiến nghị tăng cường đầu tư và hành động nhằm hỗ trợ, nuôi dưỡng và bảo vệ sức khỏe tâm thần cho tất cả trẻ em và thanh thiếu niên. Tại sự kiện, trẻ em và thanh thiếu niên đã chia sẻ những câu chuyện của chính mình, những căng thẳng, không thấy hứng thú trong học tập, không muốn giao tiếp với người xung quanh, không biết chia sẻ với ai, lướt internet hàng giờ nhưng vẫn thấy cô đơn, bố mẹ cũng căng thẳng nên thường bị mắng lây... qua đó cho thấy các em cần nhận được những hỗ trợ cần thiết. Các em cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của đảm bảo các dịch vụ hỗ trợ sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội phù hợp cho trẻ em và thanh thiếu niên ở Việt Nam.
Trong vai trò của chuyên gia sức khỏe tâm thần, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam đã trò chuyện với trẻ em và khẳng định rằng sức khỏe tâm thần tồn tại theo một chuỗi liên tục, có thể bao gồm các giai đoạn hạnh phúc và giai đoạn đau khổ. “Tất cả chúng ta đều có những ngày tốt đẹp hơn những ngày khác. Chia sẻ về những ngày tồi tệ của mình cũng quan trọng như chia sẻ về những ngày tốt đẹp. Có thể các em thấy rất khó mở lòng để chia sẻ, ngay cả với những người mình tin tưởng, nhưng đó là bước đầu tiên để các em có thể nhận được sự hỗ trợ cần thiết”.
Là những người làm cha mẹ, nhà văn Trang Hà, MC Thảo Vân và ca sĩ Duy Khoa nhấn mạnh rằng kỹ năng làm cha mẹ tích cực, mối quan hệ thân thiết, hỗ trợ với trẻ em kết hợp với việc lắng nghe, trò chuyện cởi mở, trung thực, không phán xét và không kỳ thị là những yếu tố cần thiết để trẻ em có được sức khỏe tâm thần mạnh khỏe và hạnh phúc. Các diễn giả cũng nhất trí rằng nhiều bậc cha mẹ cần được hỗ trợ để thực hiện vai trò quan trọng này.
Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH cho rằng, chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em cần có sự tham gia của các ban, Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức và người chăm sóc trẻ để vượt qua giai đoạn khó khăn trong đại dịch Covid-19. Thường xuyên tuyên truyền, giáo dục về kiến thức, kỹ năng làm cha mẹ nhằm sớm phát hiện, giảm các sang chấn tâm lý cho trẻ em; triển khai các can thiệp về chăm sóc sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ em với cách tiếp cận đa ngành, đa lĩnh vực về cả y tế, giáo dục và bảo trợ xã hội; phát triển nghề công tác xã hội trong đó có đội ngũ làm công tác hỗ trợ tâm lý xã hội trẻ em trong hệ thống trợ giúp xã hội...
MINH HOA