Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV:

Cần truy cứu trách nhiệm hình sự đối với trường hợp mua bán thai nhi

TÙNG QUANG; ảnh: Q.H

VHO - Sáng 24.6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi). Một trong những nội dung được các đại biểu Quốc hội quan tâm là hành vi mua bán thai nhi. Đây là hành vi đáng lên án và cần có giải pháp, tuy nhiên thực tế pháp luật hiện nay chưa quy định nên không có cơ sở xem xét. <

Cần truy cứu trách nhiệm hình sự đối với trường hợp mua bán thai nhi - ảnh 1
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên thảo luận

Điều hành nội dung thảo luận về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, trong phiên họp chiều 7.6.2024, sau khi nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án luật, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự án luật này. Tổng Thư ký Quốc hội đã có báo cáo tổng hợp ý kiến của các đại biểu Quốc hội, gửi đến các đại biểu Quốc hội và cơ quan hữu quan để nghiên cứu bước đầu tiếp thu, giải trình.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là đạo luật rất quan trọng, liên quan tới công tác phòng, chống mua bán người, tiếp nhận, hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân của hành vi mua, bán người, hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người. Dự án luật đã nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội. Qua tổng hợp kết quả thảo luận tổ, các đại biểu Quốc hội tán thành cao với sự cần thiết xây dựng Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), góp ý nhiều nội dung cụ thể về các vấn đề quan trọng của dự án luật. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận về các nội dung trọng tâm đã nêu trong báo cáo thẩm tra, các nội dung khác mà các đại biểu quan tâm.

Cần truy cứu trách nhiệm hình sự đối với trường hợp mua bán thai nhi - ảnh 2
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc

Một trong những vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm là hành vi mua bán thai nhi. Đại biểu Huỳnh Thị Phúc, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị dự thảo Luật cân nhắc điều chỉnh hành vi mới phát sinh trong thực tiễn về mua bán người. Đại biểu cho biết, hiện nay xuất hiện hành vi mới trong đời sống xã hội là buôn bán thai nhi trong bụng mẹ. Việc mua bán thai nhi bắt đầu diễn ra từ thời điểm mang thai đến khi đứa trẻ chưa chào đời nên chưa có hậu quả xảy ra, dẫn đến khó khăn trong công tác xử lý.

“Theo pháp luật hình sự của nước ta hiện nay, chỉ được coi là người và có quyền công dân khi đứa trẻ được sinh ra đời, còn khi vẫn đang là bào thai trong bụng mẹ thì chưa được điều chỉnh để xem xét là đối tượng của hành vi phạm tội. Cho nên cơ quan chức năng không có cơ sở, căn cứ pháp lý để xử lý hành vi mua bán thai nhi”, đại biểu nói.

Theo đại biểu, xét dưới góc độ pháp luật, hành vi của người mẹ có con rồi bán cũng là hành vi phải quy định là hành vi buôn bán người và có dấu hiệu phạm tội của mua bán người. Tuy nhiên, thực tế pháp luật hiện nay chưa quy định nên không có cơ sở xem xét. Bộ luật Hình sự 2015 cũng như pháp luật về phòng, chống mua bán người cũng chưa có quy định nào về vấn đề trên. Do đó, đại biểu cho rằng, trong lần sửa đổi Luật lần này, Ban soạn thảo cần cân nhắc, xem xét có giải pháp phù hợp đối với hành vi mua bán thai nhi đang trong bụng mẹ trước tình hình mua bán thai nhi đang diễn ra ngày càng phức tạp và tinh vi như trong giai đoạn hiện nay.

Mặt khác, hiện nay các đối tượng thực hiện hành vi mua bán người được che giấu bởi các hình thức rất phức tạp như tham quan du lịch, ký kết hợp đồng kinh tế, lao động xuất khẩu, tổ chức kết hôn thông qua môi giới, nhận con nuôi thông qua các đối tượng là pháp nhân thương mại… Do đó, đại biểu đề nghị, cần phải xem xét, cân nhắc bổ sung chủ thể chịu trách nhiệm hình sự là pháp nhân thương mại đối với tội buôn bán người nhằm kịp thời điều chỉnh phù hợp thực tiễn về tình hình mua bán người có kết cấu tổ chức chặt chẽ, đa quốc gia như hiện nay.

Cần truy cứu trách nhiệm hình sự đối với trường hợp mua bán thai nhi - ảnh 3
Đại biểu Trần Khánh Thu

Đại biểu Trần Khánh Thu, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình đồng tình với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống mua bán người cho phù hợp với thực tiễn và phù hợp với các chính sách của Đảng, Nhà nước, các quy định tại một số dự án Luật mới có liên quan đến đến việc phòng, chống mua bán người được sửa đổi, bổ sung.

Đại biểu Trần Khánh Thu cho biết, theo báo cáo của Bộ Công an, trong 5 năm từ năm 2018 đến năm 2022 cả nước đã phát hiện 394 vụ với 837 đối tượng vi phạm pháp luật và tội phạm về mua bán người. Nếu như trong giai đoạn trước đây từ 2012- 2020 mua bán người chủ yếu là mua bán người ra nước ngoài chiếm trên 80% số vụ, thì thời gian gần đây xuất hiện ngày càng nhiều vụ mua bán người ở trong nước riêng năm 2022 số vụ mua bán trong nước chiếm đến 45% tổng số vụ.

Mua bán người được Liên Hợp Quốc xác định là 1 trong 4 loại tội phạm nguy hiểm nhất thế giới. Ngày nay công nghệ phát triển các đối tượng chỉ cần ngồi tại một vị trí sử dụng mạng zalo facebook để kết nối dụ dỗ đưa người ra nước ngoài hoặc trao đổi mua bán nạn nhân ngay trong nội địa.

Chính vì vậy, đại biểu cho rằng, việc để tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người, việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống mua bán người là cần thiết. 

Về nội dung cụ thể, đại biểu cho biết, theo báo cáo của Bộ Công an, số vụ phạm tội mua bán người có chiều hướng gia tăng hằng năm, đặc biệt thời gian vừa qua đã xuất hiện tình trạng mua bán thai nhi, mua bán nam giới để cưỡng bức lao động trên tàu cá.

Theo đại biểu, hành vi mới xuất hiện là mua bán thai nhi trong bụng mẹ, việc mua bán thai nhi bắt đầu diễn ra từ thời điểm đang mang thai đến khi đứa trẻ chưa chào đời nên chưa có hậu quả xảy ra dẫn tới khó khăn cho công tác xử lý. Theo pháp luật hình sự nước ta hiện nay, chỉ được coi là con người và có quyền công dân khi đứa trẻ được sinh ra; còn khi vẫn còn đang trong bào thai bụng mẹ, chưa thể coi là con người chưa là đối tượng hành vi phạm tội. Vì vậy, cơ quan chức năng không có căn cứ để pháp lý để xử lý hình phạt hành vi mua bán thai nhi.

Trong khi đó, pháp luật hình sự Việt Nam hiện nay chưa quy định đối với trường hợp mua bán thai nhi, vì thai nhi không phải là trẻ em được sinh ra, tuy nhiên trên thực tiễn hiện nay tình trạng mua bán thai nhi đã xảy ra tại nhiều địa phương là hành vi nguy hiểm cho xã hội và vi phạm đạo đức vi phạm thần phong mỹ tục và chưa có quy định pháp luật điều chỉnh vấn đề này; do đó cần bổ sung truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp mua bán thai nhi.

Cần truy cứu trách nhiệm hình sự đối với trường hợp mua bán thai nhi - ảnh 4
Đại biểu Thạch Phước Bình

Tương tự, đại biểu Thạch Phước Bình, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh đồng tình với ý kiến của một số đại biểu Quốc hội và nhấn mạnh tính cấp thiết về việc xem xét bổ sung quy định liên quan đến hành vi mua bán thai nhi trong bụng mẹ trong dự thảo luật.

Theo đó, về căn cứ pháp lý và cơ sở thực tiễn của đề xuất này, đại biểu cho biết, theo các công ước quốc tế về quyền trẻ em, trẻ em bao gồm cả thai nhi cần được bảo vệ ngay từ khi còn trong bụng mẹ; việc mua bán thai nhi có thể xem là một hình thức vi phạm nghiêm trọng quyền con người và quyền trẻ em. Điều này đòi hỏi các quốc gia thành viên trong đó có Việt Nam phải có những quy định pháp lý cụ thể để bảo vệ thai nhi khỏi các hành vi mua bán.

Đại biểu nhấn mạnh, việc tham khảo và học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới sẽ giúp Việt Nam hoàn thiện hệ thống pháp luật của mình. Thai nhi mặc dù chưa sinh ra nhưng cần được bảo vệ như một con người với đầy đủ các quyền cơ bản. Việc mua bán thai nhi không chỉ là vi phạm quyền của thai nhi, mà còn là sự xúc phạm nghiêm trọng đến phẩm giá con người.

Việc bổ sung hành vi này vào tội mua bán người sẽ thể hiện sự tôn trọng và bảo vệ quyền lợi của thai nhi, phù hợp với các giá trị đạo đức và nhân văn. Việc không có quy định rõ ràng sẽ tạo kẽ hở cho các thành viên mua bán thai nhi diễn ra, gây ra những hậu quả tiêu cực cho xã hội và cộng đồng. Việc bổ sung quy định này sẽ giúp ngăn ngừa, ngăn chặn từ xa các hành vi vô đạo đức và bảo vệ sự an toàn cho thai nhi và bà mẹ mang thai.

Đại biểu lo ngại hành vi mua bán thai nhi có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, vì vậy, việc bỏ sung quy định này giúp các cơ quan chức năng có cơ sở pháp lý để xử lý các vụ việc có liên quan… Mặc dù bổ sung quy định này là cần thiết, nhưng cũng cần chú ý đến những khó khăn khi thực thi, việc điều tra, thu thập chứng cứ và xác định hành vi phạm tội có thể gặp nhiều thách thức. Do đó, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt pháp lý, bảo đảm quy định rõ ràng, cụ thể và có tính khả thi cao. Đồng thời, tăng cường đào tạo, trang bị cho các cơ quan chức năng để thực thi luật hiệu quả và nghiêm minh.

Vì vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung quy định về việc mua bán thai nhi trong bụng mẹ vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Phòng chống mua bán người. Điều này sẽ giúp luật bao quát và phản ánh đúng thực tế hơn; đồng thời tăng cường khả năng bảo vệ thai nhi và bà mẹ mang thai.

Đại biểu Thạch Phước Bình cũng đề nghị bổ sung điều khoản riêng biệt về mua bán thai nhi bao gồm các quy định cụ thể về hành vi mua bán thai nhi, các hình thức xử phạt và biện pháp bảo vệ. Điều này sẽ giúp các cơ quan chức năng dễ dàng áp dụng và thực thi luật; bảo đảm tính răn đe đối với các hành vi vi phạm này.

Cùng với đó, cũng cần bổ sung nội dung về biện pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục về quyền của thai nhi và bà mẹ mang thai; nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của việc mua bán thai nhi, giúp giảm thiểu các hành vi vi phạm và tạo một môi trường xã hội lành mạnh, bảo vệ tốt hơn cho thai nhi và bà mẹ mang thai.

Cần truy cứu trách nhiệm hình sự đối với trường hợp mua bán thai nhi - ảnh 5
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương góp ý vào khái niệm “mua bán người” tại khoản 1 Điều 2 của dự thảo Luật. Đại biểu bày tỏ băn khoăn về khái niệm này vì thực tế hiện nay ngoài mua, bán người, còn xảy ra tình trạng mua bán thai nhi.

“Theo quy định pháp luật, khi thai nhi được sinh thành công, đứa trẻ ra đời thì hành vi đó được xem xét xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự về tội mua bán người dưới 16 tuổi. Tuy nhiên, nếu trong trường hợp đứa trẻ không được sinh ra do các rủi ro khi mang thai, nhưng đã có hành vi thoả thuận đặt hàng, trao đổi thai nhi trước đó thì hành vi này được xem xét, xử lý như thế nào”, đại biểu băn khoăn.

Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị tiếp tục hoàn thiện khái niệm “mua bán người” trong dự thảo Luật để bao quát được hết các hành vi xảy ra trên thực tế, từ đó có các biện pháp, chế tài thích đáng.

Phát biểu giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) được ban hành sẽ là một bước phát triển trong hoạt động lập pháp của Nhà nước ta nói chung và trong lĩnh vực phòng, chống mua bán người nói riêng, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các cơ quan chức năng trong đấu tranh phòng, chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, đặc biệt kiềm chế gia tăng tội phạm buôn bán người, góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế xã hội đất nước, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.

Cần truy cứu trách nhiệm hình sự đối với trường hợp mua bán thai nhi - ảnh 6
Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang giải trình tại phiên thảo luận

Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cảm ơn các đại biểu Quốc hội đã quan tâm, có những ý kiến đóng góp sâu sắc đối với dự án Luật khi thảo luận tại tổ và tại hội trường. Các ý kiến của các đại biểu Quốc hội đều thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm cao để hoàn thiện dự thảo Luật. Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ báo cáo Chính phủ và phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra của Quốc hội, nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng để chỉnh lý, hoàn thiện quy định trong dự thảo Luật về các khái niệm mua bán người, nạn nhân, chính sách của Nhà nước về phòng, chống mua bán người, về phòng ngừa mua bán người, tiếp nhận, xác minh, xác định, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.

Bộ trưởng Bộ Công an mong muốn, trong thời gian tới, các tổ chức chính trị xã hội, các đại biểu Quốc hội và nhân dân tiếp tục quan tâm, cho ý kiến với dự án Luật. Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ phối hợp cùng cơ quan thẩm tra, các cơ quan hữu quan tiếp thu tối đa, giải trình thấu đáo, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, qua thảo luận có 24 ý kiến phát biểu, các ý kiến của đại biểu Quốc hội ngắn gọn đi thẳng vào các vấn đề trọng tâm. Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội thể hiện sự đồng thuận cao về sự cần thiết sửa đổi luật và đóng góp nhiều ý kiến cụ thể, thẳng thắn, tâm huyết, thiết thực.

Với tinh thần trách nhiệm cao, các đại biểu đã phân tích, đánh giá sâu sắc thực tiễn tình hình, những tồn tại, vướng mắc và đề xuất phương án chỉnh lý hoàn thiện nhiều nội dung, nhiều điều khoản của dự thảo luật cả về kết cấu, khái niệm, thuật ngữ, nội dung, văn phong và kỹ thuật lập pháp. Bộ trưởng Bộ Công an thay mặt cơ quan soạn thảo đã phát biểu ý kiến.

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, ngay sau phiên họp này, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ tổng hợp đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và có báo cáo gửi các vị đại biểu Quốc hội; gửi các cơ quan để nghiên cứu tiếp thu hoàn thiện dự thảo luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Thường trực Ủy ban Tư pháp phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan có liên quan khẩn trương nghiên cứu tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo luật; tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến chuyên gia để trao đổi làm rõ thêm các nội dung cụ thể thảo luận, nhất là các vấn đề được nhiều vị đại biểu Quốc hội quan tâm phát biểu ý kiến. Trên cơ sở đó, hoàn thiện dự thảo luật và Báo cáo tiếp thu giải trình để trình Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách; sau đó tiếp tục hoàn thiện dự thảo gửi xin ý kiến các Đoàn Đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức có liên quan trước khi hoàn chỉnh để trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10.2024.