Nam giới trong độ tuổi thanh, thiếu niên cũng là nạn nhân của mua bán người

THU SÂM; ảnh: TRẦN HUẤN

VHO - Chiều 7.6, trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, nam giới trong độ tuổi thanh, thiếu niên cũng là nạn nhân của mua bán người.

Nam giới trong độ tuổi thanh, thiếu niên cũng là nạn nhân của mua bán người - ảnh 1
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra về dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi)

"Qua tổng kết thực tiễn cho thấy, nạn nhân của mua bán người hiện nay không chỉ là phụ nữ và trẻ em gái như giai đoạn trước đây, mà nạn nhân còn là nam giới trong độ tuổi thanh, thiếu niên. Do đó, Ủy ban Tư pháp đề nghị cân nhắc bổ sung quy định về trách nhiệm của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tham gia phòng ngừa mua bán người vào dự thảo Luật", báo cáo do bà Lê Thị Nga trình bày nêu rõ.

Thẩm tra vào các nội dung cụ thể, Uỷ ban Tư pháp cho biết, dự thảo Luật quy định 2 loại chủ thể có thẩm quyền tiếp nhận, xác minh nạn nhân tự đến trình báo, gồm UBND cấp xã và cơ quan, tổ chức nơi gần nhất.

Trên thực tế nhiều trường hợp nạn nhân ngay sau khi tự giải cứu hoặc được người nhà, cơ quan, tổ chức ngoài nhà nước giải cứu trở về thường đi qua các cửa khẩu, đường mòn, lối mở hoặc đi qua đường biển và họ có xu hướng vào các Đồn biên phòng, tàu Cảnh sát biển để khai báo. Do đó, đề nghị cân nhắc bổ sung quy định Đồn biên phòng, Cảnh sát biển là cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, xác minh nạn nhân tự đến trình báo vào dự thảo Luật.

Nam giới trong độ tuổi thanh, thiếu niên cũng là nạn nhân của mua bán người - ảnh 2
Toàn cảnh phiên họp chiều 7.6

Về các biện pháp bảo vệ và thẩm quyền áp dụng, theo Uỷ ban Tư pháp, khoản 3 Điều 35 quy định 2 biện pháp bảo vệ, đó là: Bố trí nơi tạm lánh và các biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn hành vi xâm hại hoặc đe dọa xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và tài sản của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết.

"Ủy ban Tư pháp nhận thấy, mặc dù Điều 36 của dự thảo Luật đã có quy định về việc bảo vệ bí mật thông tin về nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, nhưng việc này phải được coi là một biện pháp bảo vệ và phải được quy định ở Điều 35. Hơn nữa, cách quy định này cũng thống nhất với quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tố cáo", bà Lê Thị Nga cho hay.

Về hỗ trợ nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại và hỗ trợ y tế, Ủy ban Tư pháp cho rằng tại Điều 38, bên cạnh các trường hợp cần thiết, dự thảo Luật cũng cần bổ sung trường hợp khi nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân có yêu cầu thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền cần tiến hành bố trí nơi ở, hỗ trợ nạn nhân.

Nam giới trong độ tuổi thanh, thiếu niên cũng là nạn nhân của mua bán người - ảnh 3
Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang trình bày Tờ trình về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi)

Ủy ban Tư pháp cũng cơ bản tán thành quy định ở Điều 39 nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân cần được chăm sóc y tế để phục hồi sức khỏe thì được hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh. Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, nạn nhân bị mua bán, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân thường là những người thuộc đối tượng yếu thế, nhiều trường hợp thuộc hộ nghèo, cận nghèo.

Do đó, Uỷ ban Tư pháp đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định về việc hỗ trợ nạn nhân bị mua bán được mua bảo hiểm y tế năm đầu tiên và năm liền kề (tương tự như hỗ trợ tiền học phí, tiền mua sách giáo khoa và đồ dùng học tập) vào dự thảo Luật, đồng thời có báo cáo đánh giá tác động về chính sách này để bảo đảm tính khả thi trên thực tế.

Về hỗ trợ vay vốn, quy định tại Điều 43, Ủy ban Tư pháp nhận thấy, theo quy định hiện hành về đối tượng vay ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội thì nạn nhân mua bán người không thuộc đối tượng cho vay. Trường hợp muốn được vay ưu đãi thì phải thuộc hộ nghèo hoặc cần Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từng trường hợp cụ thể.

Quy định như dự thảo Luật thì khi nạn nhân trở về nơi cư trú nếu không thuộc các đối tượng được hỗ trợ vay vốn theo quy định của pháp luật thì sẽ không được xem xét cho vay, không tạo điều kiện cho nạn nhân bị mua bán trở về có công ăn việc làm ổn định, sớm tái hòa nhập cộng đồng. Do đó, để bảo đảm tính khả thi, Ủy ban Tư pháp đề nghị bổ sung quy định chính sách tín dụng riêng của Ngân hàng Chính sách xã hội đối với nạn nhân bị mua bán trở về.

Nam giới trong độ tuổi thanh, thiếu niên cũng là nạn nhân của mua bán người - ảnh 4
Các đại biểu tại phiên họp

Ủy ban Tư pháp cho biết, Uỷ ban tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Phòng, chống mua bán người với những lý do được nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Trước đó, Quốc hội cũng đã nghe Thượng tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an trình bày tờ trình dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi). Về sự cần thiết phải ban hành Luật Phòng, chống mua bán người, quá trình triển khai thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011 thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực; tuy nhiên, sau 12 năm triển khai thi hành đã đặt ra yêu cầu cần thiết phải tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật này nhằm giải quyết những tồn tại, khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác phòng, chống mua bán người hiện nay và trong thời gian tới...

Mục đích của việc sửa đổi Luật là Hoàn thiện pháp luật phòng, chống mua bán người, tạo nhận thức thống nhất và đầy đủ về công tác phòng, chống mua bán người trong thời gian tới; nâng cao trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và của toàn xã hội trong công tác phòng, chống mua bán người góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người.

Dự thảo Luật gồm 8 chương, 66 điều. So với Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, dự thảo Luật giữ nguyên số chương, sửa đổi, bổ sung nội dung 52/58 điều, xây dựng mới 9 điều, bỏ 1 điều.