Việt Nam quyết tâm ngăn chặn nạn mua bán người
VHO- Tối ngày 29.7, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bộ Công an tổ chức Lễ phát động hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” và “Ngày toàn dân phòng chống mua bán người” (ngày 30.7) với chủ đề “Sử dụng và lạm dụng không gian mạng” nhằm lan toả thông điệp của chương trình và khẳng định cam kết của Chính phủ và nhân dân Việt Nam quyết tâm ngăn chặn nạn mua bán người.
Tham dự lễ phát động có Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc - Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (Ban chỉ đạo 138/CP); bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cùng đại diện các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo 138/CP, lãnh đạo UBND TP Hà Nội, các Bộ, ngành Trung ương và một số tổ chức quốc tế tại Việt Nam…
Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga phát biểu tại lễ phát động
Phát biểu tại lễ phát động, bà Hà Thị Nga cho biết, mua bán người luôn là vấn đề nóng, không chỉ với mỗi quốc gia mà đã trở thành vấn nạn toàn cầu. Theo báo cáo về tình trạng mua bán người toàn cầu của Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc năm 2018, cứ 10 nạn nhân được phát hiện thì có 7 nạn nhân là nữ, trong đó 5 phụ nữ và 2 trẻ em gái. Số nạn nhân mua bán người tăng lên hàng năm; từ dưới 20 nghìn người năm 2003 đến khoảng 49 nghìn người năm 2018, số nạn nhân nữ chiếm khoảng 65% (trong đó 19% trẻ em gái) với nhiều hình thức bị mua bán, trong đó 50% bị bóc lột tình dục, 38% lao động cưỡng bức và một số trở thành nạn nhân của các hoạt động phi pháp khác.
Trong bối cảnh phát triển của công nghệ thông tin và những tác động kinh tế - xã hội từ dịch bệnh Covid-19 trên phạm vi toàn thế giới, Internet và công nghệ số đã làm cho tội phạm mua bán người có thêm công cụ và thủ đoạn để lừa bán người một cách nhanh chóng hơn, tiết kiệm chi phí hơn và khó bị phát hiện hơn. Trước thực trạng này, với vai trò là thành viên Ban chỉ đạo 138 của Chính phủ và nhiệm vụ được phân công trong Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hội LHPN Việt Nam đã phát huy thế mạnh của tổ chức, phát huy tính ưu việt của công nghệ số, mạng xã hội để đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người.
“Trong thời gian tới, tình hình mua bán người sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, các cấp Hội LHPN Việt Nam sẽ tích cực thực hiện tốt các phong trào thi đua, cuộc vận động và các chỉ tiêu, trong đó tập trung chỉ tiêu hỗ trợ 80% nạn nhân bị bạo lực, bị mua bán trở về được tiếp cận ít nhất một dịch vụ trợ giúp xã hội. Tôi kêu gọi các cấp Hội Phụ nữ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động phòng, chống mua bán người, phối hợp chặt chẽ với ngành công an và các ngành, các cấp, các tổ chức chủ động, kịp thời phát hiện, tố giác tội phạm, tư vấn, hỗ trợ cho nạn nhân. Đặc biệt, cần tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ, người dân về sử dụng mạng xã hội an toàn để giảm thiểu nguy cơ mua bán người nói riêng và các loại tội phạm nói chung trên không gian mạng”, Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam kêu gọi.
Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh về các giải pháp phòng chống tội phạm mua bán người
Nhấn mạnh về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về phòng, chống tội phạm mua bán người, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc cho rằng, các cơ quan chức năng cần xác định công tác phòng, chống tội phạm mua bán người là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên và lâu dài, cần thực hiện mọi nơi, mọi lúc, mọi địa bàn; kết hợp chặt chẽ giữa chủ động phòng ngừa với tích cực phát hiện, đấu tranh, xử lý nghiêm minh, kịp thời tội phạm mua bán người; đưa nội dung phòng, chống mua bán người vào chương trình hoạt động, nội dung chỉ đạo thường xuyên của cơ quan, đơn vị.
Đồng thời, mỗi người dân cần tự giác, tích cực tham gia phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm mua bán người; hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân bị mua bán tái hòa nhập cộng đồng; nâng cao tinh thần cảnh giác, tự bảo vệ bản thân và người thân trong gia đình trước những phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người, nhất là đối với các phương thức, thủ đoạn đã được làm rõ, khuyến cáo.
Chủ đề của Ngày thế giới phòng, chống mua bán người năm nay được Liên Hợp Quốc xác định là "Sử dụng và lạm dụng không gian mạng” nhằm khuyến nghị các quốc gia tăng cường hoạt động phòng ngừa và nâng cao nhận thức về sử dụng internet và mạng xã hội an toàn, giúp giảm nguy cơ mua bán người trên không gian mạng, đồng thời tăng cường hợp tác nhằm phát triển các giải pháp bền vững dựa trên công nghệ để hỗ trợ phòng, chống mua bán người. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc quyết tâm cao của cấp uỷ, chính quyền các cấp, các ngành, đoàn thể, các tổ chức quốc tế và sự quan tâm, chung tay của toàn xã hội, cuộc chiến phòng, chống mua bán người sẽ tiếp tục đạt được những kết quả thiết thực hơn nữa, để mỗi người dân, trong đó có phụ nữ và trẻ em, luôn có quyền được sống trong bình an, hạnh phúc.
Toạ đàm của đại diện các cơ quan liên quan đến tình trạng và phòng chống mua bán người
Q.HOA