Cần tạo “vắc xin” bảo vệ trẻ em trong không gian mạng

VHO- Internet, mạng xã hội không chỉ là kênh cung cấp kiến thức, thông tin giải trí mà còn giúp mở rộng mối quan hệ xã hội, đặc biệt là kết bạn. Tuy nhiên, trẻ em, thanh thiếu niên lại trở thành đối tượng dễ bị tổn thương trên môi trường mạng bởi những nguy cơ tiềm ẩn như bị theo dõi, bị đánh cắp thông tin cá nhân, bị bắt nạt, bôi xấu, bị lợi dụng, xâm hại, tiếp nhận thông tin sai lệch…

Cần tạo “vắc xin” bảo vệ trẻ em trong không gian mạng - Anh 1
 

Cần trang bị kỹ năng cho trẻ em trước những nội dung không phù hợp trên mạng internet Ảnh: HOÀNG PHAN

 Trước thực trạng này nên “Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng” là một trong những nội dung trọng tâm của Tháng hành động vì trẻ em năm 2022.

Gia tăng rủi ro trực tuyến

Tại hội thảo “Định hướng truyền thông về Tháng hành động vì trẻ em và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng” diễn ra ngày 25.5 tại tỉnh Hòa Bình (do Cục Trẻ em, Bộ LĐ,TB&XH phối hợp với Tổ chức Plan International Việt Nam tổ chức) với sự tham dự của phóng viên nhiều cơ quan báo chí, các đại biểu đã chia sẻ về những nỗ lực của Việt Nam trong công tác bảo vệ trẻ em; lắng nghe những kinh nghiệm truyền thông thu hút giới trẻ về chủ đề bảo vệ trẻ em an toàn trên môi trường mạng.

Thông tin tại hội thảo cho thấy, tính đến tháng 2.2021, Việt Nam có 72 triệu tài khoản mạng xã hội và 68,72 triệu người dùng internet (chiếm 70,3% dân số). Do dịch bệnh Covid-19, ngày càng có nhiều người, bao gồm cả thanh thiếu niên sử dụng internet để học tập, làm việc, giao tiếp, giải trí và tiếp cận các dịch vụ. Điều này làm gia tăng rủi ro trực tuyến đối với trẻ em và thanh thiếu niên bao gồm bắt nạt trên mạng và bạo lực mạng trên cơ sở giới.

Phát biểu tại hội thảo, ông Đặng Quốc Việt, đại diện tổ chức Plan International Việt Nam chia sẻ, khảo sát do tổ chức Plan International Việt Nam thực hiện cho thấy chỉ có 10% trẻ em có kiến thức và kỹ năng an toàn khi sử dụng internet. Bối cảnh đó đòi hỏi phải hiểu sâu sắc về thực trạng và xác định những lỗ hổng về năng lực, hành lang pháp lý, môi trường văn hóa xã hội để đề xuất các biện pháp can thiệp phù hợp nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ em trên không gian mạng.

Đồng quan điểm, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em cho rằng, hiện nay công tác truyền thông và nhận thức về an toàn của trẻ em trên môi trường mạng đang có nhiều khoảng trống lớn chưa được lấp đầy. Vấn đề trẻ em không còn là vấn đề quyền con người mà còn là vấn đề hội nhập và phát triển kinh tế, nhiều quốc gia sẵn sang lập rào cản thương mại đối với những nền kinh tế bóc lột và lợi dụng trẻ em. “Luật Trẻ em đã quy định rất rõ trách nghiệm của từng cấp, Bộ, ngành, tổ chức trong bảo vệ trẻ. Trong đó, truyền thông phải đóng vai trò tiên phong trong nâng cao nhận thức, trách nghiệm của các bên liên quan trong bảo vệ trẻ em. Ngoài ra, truyền thông và các cơ quan chức năng cũng cần tôn trọng lắng nghe, xem xét, phản hồi ý kiến, nguyện vọng của trẻ em. Báo chí và truyền thông cũng cần giúp cho xã hội, các bậc phụ huynh nhận thức tốt và cập nhật các kiến thức kỹ năng chăm sóc, bảo vệ trẻ em bởi phụ huynh chính là nhân tố đóng vai trò quan trọng nhất để bảo vệ trẻ em. Ngoài ra cần tuyên truyền về kỹ năng tổ chức một môi trường sống an toàn. Việc phòng chống bạo lực gia đình, xâm hại tình dục cần có kỹ năng và sự chung tay của cả cộng đồng, chính quyền và gia đình”, Cục trưởng Cục Trẻ em nhấn mạnh.

Cần có những phương pháp khéo léo

Thanh thiếu niên là độ tuổi dễ tiếp cận internet, nhưng cũng dễ bị tổn thương, bị ảnh hưởng tiêu cực nhất. Sự xâm hại đến quyền riêng tư và bảo mật của các em có thể dẫn tới các hệ luỵ về cả thể chất lẫn tinh thần như xấu hổ, tự ti, bất an, mệt mỏi... Là người bố của 3 đứa con, nhà báo Hoàng Anh Tú (anh Chánh Văn của Báo Hoa học trò) cho rằng các phụ huynh không được buông lỏng, cần có những phương pháp khéo léo, tìm hiểu các dịch vụ giám sát trẻ khi sử dụng internet. “Cách sử dụng mạng internet của trẻ em bây giờ rất khác so với người lớn. Chúng thường truy cập vào các trang đích, hội nhóm chứ không lướt, dạo quanh thông tin như người lớn. Hơn nữa, chúng hoạt động ẩn mình, không sử dụng hình ảnh, tên thật, xóa lịch sử vào trang web… khiến cho cha mẹ muốn kiểm soát và bảo vệ trẻ trên mạng là hết sức khó khăn. Chính vì thế, báo chí cần cung cấp cho các bậc phụ huynh các kỹ năng giúp trẻ an toàn trên không gian mạng. Báo chí cũng cần giúp các bậc phụ huynh bài trừ, nhận diện các thông tin, nội dung “rác” trên mạng xã hội, gây ảnh hưởng xấu tới trẻ em để từ đó lên án, ngăn chặn các hiện tượng này. Thực tế, thời gian qua, một số đơn vị báo chí mải chạy theo các thông tin đem lại nhiều lượt theo dõi, lượt đọc mà quên đi trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên không gian mạng”, nhà báo Hoàng Anh Tú chia sẻ.

Đã đến lúc cần những liều “vắc xin” từ các cơ quan chức năng, truyền thông, gia đình, nhà trường để giúp trẻ em “miễn dịch” với các nguy cơ tiềm ẩn trên thế giới số, mang lại môi trường văn minh, tích cực trên các nền tảng để thanh thiếu niên có thể thỏa sức sáng tạo và chia sẻ quan điểm cá nhân. Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em cho rằng, trẻ dưới 18 tuổi chưa thể tự chịu trách nhiệm cho hành vi của mình cũng như không đủ kiến thức về những vấn đề bảo mật và quyền riêng tư này, nên cần sự trợ giúp của phụ huynh cũng như thầy cô giáo, người lớn có trách nhiệm xung quanh để giúp đỡ các em. Việc kết bạn với con trên mạng xã hội là một việc cần có sự tinh tế, chừng mực để sao cho con thấy mình là “người bạn” dễ dàng tâm sự, nhờ cậy, chứ không phải “sợ” mình. Thay vì kiểm soát, cấm đoán, phụ huynh có thể thường xuyên nhắc nhở con bảo vệ tài khoản, chia sẻ những tài liệu về quyền riêng tư. Ngoài ra, cha mẹ cần bổ sung kiến thức để khi con cần giúp đỡ là có thể gỡ rối cho các con. 

Nhằm đồng hành triển khai Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025”, tổ chức Plan International Việt Nam đã huy động được ngân sách cho dự án “Bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên an toàn trên môi trường mạng”, thực hiện tại hai tỉnh Kon Tum và Quảng Bình. Dự án được khởi động đầu năm 2022, dự kiến sau ba năm triển khai, hơn 9.000 trẻ em, thanh thiếu niên độ tuổi từ 10-18 tuổi sẽ được hỗ trợ tăng cường kiến thức và kỹ năng bảo vệ bản thân và những người khác khỏi các hình thức bị bắt nạt và bạo lực giới trên môi trường mạng.

QUỲNH HOA

Ý kiến bạn đọc