Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình: Nhân lên nét đẹp văn hoá ứng xử

VHO- Nhìn lại kết quả sau 2 năm Bộ VHTTDL triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình thí điểm tại một số tỉnh, thành thấy rõ hiệu quả đối với những hộ gia đình tham gia đăng ký thực hiện, cũng như với mọi tầng lớp trong xã hội thông qua công tác truyền thông.

Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình: Nhân lên nét đẹp văn hoá ứng xử - Anh 1

 Một bức ảnh trong triển lãm online Gia đình - Tổ ấm yêu thương

 Kết quả đó cho thấy, đây là một cách làm hiệu quả mang lại sự bền vững có tính chất lâu dài để ổn định hạnh phúc gia đình cũng như góp phần xây dựng một xã hội văn minh, hạnh phúc.

Không chỉ là văn bản

Tính từ thời điểm Bộ VHTTDL ban hành Kế hoạch số 4747/KH-BVHTTDL ngày 19.10.2018 Tổ chức thực hiện thí điểm “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình sau đó thực hiện triển khai thí điểm ở 12 tỉnh, thành phố. Đã có những địa phương như: TP.HCM, Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Thái Bình, Quảng Ninh... đã lồng ghép việc thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình vào nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, đoàn thể, trường học hoặc trong các sinh hoạt cộng đồng của các câu lạc bộ, nhà văn hóa. Nhiều địa phương không chỉ kết hợp việc tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, truyền hình, báo chí, cổ động mà còn tổ chức hội thi, cuộc thi gia đình hạnh phúc... Từ những sinh hoạt cộng đồng, những cuộc thi với sự tham gia của từng đối tượng như công chức viên chức nhà nước, công nhân, phụ nữ, Đoàn Thanh niên, thiếu niên... đã thu hút sự tham gia sôi nổi của nhiều thành phần khác nhau.

Có thể thấy sự đa dạng, phong phú về hình thức thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình đã mang lại điều quan trọng, đó là mỗi người tham gia đều có ý thức hơn về việc giữ gìn hạnh phúc trong gia đình của họ, ý thức hơn về cách hành xử trong gia đình. Ông Trương Bá Trạng, Phó Giám đốc Sở VHTTDL An Giang nhận định: “Việc tuyên truyền, thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình đã tác động tới hành vi và nhận thức của các thành viên trong các gia đình tham gia thí điểm, đồng thời mang lại hiệu quả rõ rệt, điều tiết các mối quan hệ trong mỗi gia đình. Bên cạnh đó góp phần ngăn chặn các tệ nạn xã hội, các vấn đề như tảo hôn, bạo lực gia đình, phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương…”.

Ngoài các tỉnh, thành được lựa chọn thí điểm, nhiều địa phương cũng đã chủ động thực hiện theo hướng dẫn của Bộ VHTTDL bằng nguồn ngân sách địa phương. Qua 2 năm triển khai thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, công tác quản lý nhà nước về gia đình đã được các cấp chính quyền địa phương quan tâm hơn, hoạt động có hiệu quả hơn, có sự chuyển biến tích cực về nhận thức trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Các gia đình tích cực thực hiện tốt theo hướng dẫn của cán bộ phụ trách công tác gia đình ở cơ sở. Từ thực tế của việc triển khai Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình cho thấy địa phương nào có sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và có sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể, sự đồng tình hưởng ứng mạnh mẽ của nhân dân thì nơi đó đạt được nhiều kết quả tốt.

Tuy nhiên, có một số nơi, lãnh đạo cấp cơ sở, ngành, đơn vị chưa thật sự quan tâm, coi việc triển khai Bộ tiêu chí chỉ mang tính hình thức, chỉ chú trọng tới việc tổ chức lễ phát động và đăng ký rất khí thế nhưng khi triển khai thì lại thờ ơ, thiếu trách nhiệm, không có sự chủ động, sáng tạo để mang lại tác dụng thật sự.

Lời giải nào cho việc thực hiện

Qua trao đổi với nhiều cán bộ làm công tác gia đình ở các tỉnh, thành phố thì việc thực hiện triển khai Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình gặp nhiều khó khăn cả về nhân lực và kinh phí. Kinh phí sự nghiệp chi cho công tác gia đình còn hạn chế; bộ máy tổ chức lĩnh vực gia đình ngày càng bị thu hẹp ở cơ sở, hầu hết là kiêm nhiệm. Hầu hết các địa phương chưa có cộng tác viên cơ sở, người đứng đầu chưa quan tâm do chưa nhận thức đúng và đầy đủ về tầm quan trọng của công tác gia đình đối với sự ổn định và phát triển xã hội. Sự chồng chéo giữa công tác gia đình của ngành VHTTDL với các nhiệm vụ trách nhiệm của các ngành khác như công tác chăm sóc trẻ em, người cao tuổi đối với các Bộ, ngành, đoàn thể chưa có sự thống nhất trong chỉ đạo dẫn tới việc triển khai Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình chưa đạt hiệu quả cao.

Trước thực tế này, cơ quan quản lý nhà nước về công tác gia đình phải có sự gặp gỡ trao đổi và đi đến thống nhất về việc triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình đối với đại diện các Bộ, ngành liên quan để có sự phối hợp thực hiện từ trung ương đến địa phương. Đơn cử như việc phối hợp giữa Bộ VHTTDL cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã có chương trình phối hợp “Đẩy mạnh các hoạt động văn hoá, gia đình, thể thao và du lịch”, sự phối hợp này đã gắn kết một cách hiệu quả các công tác gia đình và đặc biệt là việc triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình.

Bên cạnh việc phối hợp liên ngành, liên Bộ giữa các cấp trung ương và địa phương thì rất cần sự đầu tư về nhân lực và kinh phí để triển khai công tác gia đình nói chung và việc tuyên truyền Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Từ các ý kiến trao đổi của những địa bàn thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình và ý kiến từ một số hội thảo của các chuyên gia, trên cơ sở rà soát lại các tiêu chí đã được nêu trong các Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Trẻ em, Luật Người cao tuổi… Bộ VHTTDL cần nghiên cứu và bổ sung hoàn thiện các tiêu chí khi ban hành Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trên phạm vi cả nước. 

 THUÝ HIỀN

Ý kiến bạn đọc