Bảo vệ trẻ em trước tác động của ngành công nghiệp thuốc lá

THẢO LAM

VHO - Tổ chức Y tế Thế giới nhấn mạnh: Ngày Thế giới không thuốc lá 31.5.2024 là diễn đàn để giới trẻ lên tiếng yêu cầu ngành công nghiệp thuốc lá ngừng việc nhắm tới trẻ em, thanh thiếu niên bằng những sản phẩm có hại cho sức khỏe.

Bảo vệ trẻ em trước tác động của ngành công nghiệp thuốc lá - ảnh 1
Nhiều tổ chức, cá nhân đồng loạt thay khung avatar hưởng ứng kêu gọi bảo vệ trẻ em khỏi tác động của ngành công nghiệp thuốc lá

 Đồng thời kêu gọi chính phủ các nước thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá mạnh mẽ, bảo vệ người trẻ khỏi tác động của việc quảng cáo thuốc lá, bao gồm cả việc tiếp thị qua mạng xã hội và các nền tảng kỹ thuật số.

 Hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31.5.2024 và Tuần lễ quốc gia không thuốc lá từ ngày 25-31.5.2024, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) sẽ triển khai chiến dịch truyền thông và kêu gọi thay frame avatar trên các kênh truyền thông của cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng tài khoản Facebook để giúp lan tỏa thông tin chiến dịch “Hãy nói không với thuốc lá”. Trước lời kêu gọi của Bộ Y tế, nhiều cá nhân đã đồng loạt thay khung avatar nhằm hưởng ứng chủ đề “Bảo vệ trẻ em trước những tác động của ngành công nghiệp thuốc lá”.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra hơn 8 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm. Trong đó, hơn 7 triệu người tử vong là do sử dụng thuốc lá trực tiếp và khoảng 1,2 triệu người là do hút thuốc lá thụ động. Hút thuốc lá cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và làm tăng mức độ nghiêm trọng của các bệnh về hô hấp. Bên cạnh tác hại cho sức khỏe, sử dụng thuốc lá còn gây tổn thất về kinh tế đối với các cá nhân, gia đình và xã hội, các tổn thất này bao gồm chi tiêu cho hút thuốc, chi phí khám, điều trị bệnh liên quan đến hút thuốc, giảm sút/mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm.

Trên toàn cầu, ước tính có khoảng 19 triệu thanh thiếu niên từ 13-15 tuổi (13 triệu bé trai và 6 triệu bé gái) hiện đang sử dụng thuốc lá, trong đó có khoảng 5 triệu thanh thiếu niên hút thuốc lá sống ở khu vực Đông Nam Á. Khảo sát ở hầu hết các quốc gia đều cho thấy tỷ lệ trẻ em từ 13-15 tuổi đang sử dụng các sản phẩm thuốc lá, đặc biệt là các sản phẩm mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng cao…

Bảo vệ trẻ em trước tác động của ngành công nghiệp thuốc lá - ảnh 2
Thuốc lá điện tử đang đầu độc giới trẻ

Tổ chức Y tế thế giới cho rằng, có mối liên quan rõ ràng giữa việc gia tăng tỷ lệ sử dụng các sản phẩm thuốc lá trong giới trẻ với việc tiếp cận họ thông qua quảng cáo, tiếp thị, đặc biệt trên các nền tảng kỹ thuật số và sử dụng lao động trẻ em trong việc mua bán, trồng cây thuốc lá.

Trong khi ngành công nghiệp thuốc lá truyền thống nhắm vào đối tượng trung tuổi thì ngành công nghiệp thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng lại nhắm vào giới trẻ. Nắm được đặc tính của lứa tuổi này là thích thể hiện, thích cái mới nên các chiến lược sản xuất, quảng cáo sản phẩm thuốc lá thế hệ mới đều được tính toán để thu hút người trẻ từ thiết kế, kiểu dáng, màu sắc, hương vị… Cụ thể, loại sản phẩm này được thiết kế nhỏ gọn, nhiều kiểu

 dáng theo “trend” như bật lửa, dây đeo chìa khóa, nhân vật hoạt hình, hộp sữa, kẹo, đồ chơi, USB, thỏi son. Theo các chuyên gia, có tới hàng nghìn hương vị được đưa vào dung dịch thuốc lá điện tử, và từ đây, mỗi năm có hàng trăm ngàn hương vị mới được pha trộn để đưa ra thị trường.

Với việc sử dụng thuốc lá điện tử ngày càng tăng, hàng ngàn trường hợp ngộ độc nicotine, cả vô tình (chủ yếu là ở trẻ nhỏ) và cố ý (trong thanh thiếu niên và người lớn) đã được báo cáo ở Mỹ, châu Âu và các quốc gia khác trong những năm gần đây. Số trường hợp ngộ độc liên quan đến sản phẩm thuốc lá điện tử được báo cáo cho các trung tâm kiểm soát chất độc của Mỹ đã tăng gấp đôi từ năm 2018 đến đầu năm 2023. Tại Úc, hơn 140 trẻ em dưới 4 tuổi đã tiếp xúc với nicotine vào năm 2022, trong đó có 17 trẻ dưới 12 tháng tuổi. Các bệnh viện ở Canada đã ghi nhận 68 trường hợp bị thương hoặc ngộ độc do sử dụng thuốc lá điện tử từ năm 2011-2019…

Tại Việt Nam, mặc dù thuốc lá điện tử chưa được cấp phép lưu hành nhưng đã được giới trẻ biết đến, sử dụng và mua bán. Chính sự dễ dàng này lại càng làm số lượng thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá tăng lên. Thậm chí, có em học sinh cho biết mình không sử dụng thuốc lá điện tử nhưng thỉnh thoảng cũng mua trên mạng vì hình dáng đẹp, in hình nhân vật hoạt hình hoặc thần tượng mình thích; thỉnh thoảng dùng tặng cho bạn bè. Bên cạnh đó, giá thành các loại thuốc được nhập lậu này khá rẻ, chỉ cần chi vài chục nghìn là đã có thể sở hữu được một sản phẩm thuốc lá điện tử. Ngoài ra, lượng tin bài quảng cáo, review trên các mạng xã hội khá lớn và công khai. Ông Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho hay, các công ty thuốc lá điện tử sẵn sàng chi mạnh tay để quảng bá sản phẩm của họ trên các phương tiện truyền thông xã hội hướng đến giới trẻ.

Trước những nguy cơ cũng như tác động của ngành công nghiệp thuốc lá tác động đến trẻ em, đã hai lần (vào tháng 10.2023 và tháng 3.2024), WHO khuyến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết cấm nhập khẩu, sản xuất, phân phối và bán các sản phẩm nicotine, hệ thống phân phối điện tử không chứa nicotine và các sản phẩm thuốc lá nung nóng, cũng như cấm quảng cáo, khuyến mại các sản phẩm này ở Việt Nam.