Bảo vệ quyền trẻ em trước nguy cơ bị bạo lực, xâm hại (Bài 3): “Học làm cha mẹ” để bảo vệ con

VHO- Hiện vẫn còn rất nhiều vụ việc bạo lực gia đình và xâm hại trẻ em chưa được phát hiện và xử lý kịp thời. Sự thờ ơ của một bộ phận người dân, trong đó có cả gia đình nạn nhân, đang là vấn đề bức bối của đạo đức xã hội. Để bảo vệ con trẻ, những bậc làm cha làm mẹ không chỉ có trách nhiệm xây dựng môi trường hạnh phúc trong chính gia đình mình, mà cần phải trang bị cho con các thông tin, kỹ năng để phòng tránh bị lạm dụng, xâm hại…

Bảo vệ quyền trẻ em trước nguy cơ bị bạo lực, xâm hại (Bài 3): “Học làm cha mẹ” để bảo vệ con - Anh 1

 Ngày hội Thế giới tuổi thơ lần thứ 23 tổ chức tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1.6.2023

 Trách nhiệm của gia đình đối với sự an toàn của trẻ

Tất cả trẻ em đều có quyền được bảo vệ khỏi bạo hành, bất kể bản chất hay mức độ nghiêm trọng của hành vi này, bởi mọi hình thức bạo hành đều có thể gây hại, giảm lòng tự trọng, tôn trọng nhân phẩm và cản trở sự phát triển của trẻ. Gia đình chính là trường học đầu tiên, trong đó ông, bà, cha, mẹ là những người thầy giúp hình thành nên nhân cách sống của mỗi con người. Do đó, muốn trẻ học được điều tốt thì người lớn trong gia đình cần phải là tấm gương sáng để trẻ noi theo.

ThS Nguyễn Thị Hiền, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, sự khuyết thiếu trong giáo dục gia đình đang trở thành nguyên nhân gia tăng tình trạng xâm hại trẻ em. Giáo dục tốt nhất cần được xây dựng trên nền tảng của sự yêu thương và gắn kết của mọi thành viên. Có thể khẳng định, tấm “áo giáp” bền chắc giúp cho trẻ em không bị xâm hại là chúng phải được sống trong một gia đình thuận hòa, hạnh phúc, các thành viên luôn quan tâm đến nhau, hy sinh cho nhau, không ngại thiệt hại về mọi mặt. Sựhạnh phúc của gia đình là tiền đề để hình thành nên nhân cách tốt đẹp cho những công dân của xã hội tương lai. Chính vì vậy, điều đầu tiên là các bậc cha mẹ phải không ngừng học hỏi, tiếp nhận tri thức mới để xây dựng văn hóa gia đình mang tầm thời đại, và điều căn bản chính là để nuôi dạy con cái thật tốt, có khả năng tự bảo vệ mình.

“Phòng bệnh tốt hơn là chữa bệnh, vì vậy việc giáo dục kỹ năng phòng tránh xâm hại trẻ em trong gia đình có vai trò đặc biệt quan trọng. Cần xác định rõ thời điểm giáo dục, đối tượng giáo dục; cách thức giáo dục và nội dung giáo dục mà cha mẹ cần truyền tải đến với các em, giúp các em ở các độ tuổi khác nhau từng bước hình thành được cách thức/bản năng phòng vệ riêng của bản thân trước các nguy cơ bị xâm hại, bạo hành”, bà Nguyễn Thị Hiền khẳng định.

Cha mẹ kiểm soát, áp đặt con cái quá mức, bắt con tuân theo các quy tắc mình đặt ra mà không biết lắng nghe, thấu hiểu cũng bị coi là bạo hành. Nghiêm trọng hơn, có những trường hợp con trẻ quá áp lực đã hành động dại dột, gây hậu quả khôn lường và nỗi đau không thể bù đắp cho người ở lại. Chỉ tính riêng năm 2022, nhiều vụ trẻ vị thành niên tự tử đã gây chấn động dư luận xã hội. Đó là trong cùng một ngày (1.4.2022), nam sinh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam nhảy lầu tự tử và nữ sinh lớp 8 ở TP Bắc Ninh phát hiện đã tử vong trong tư thế treo cổ tại phòng riêng. Trước đó là các trường hợp: Ba nữ sinh ở xãbiên giới huyện Kỳ Sơn, Nghệ An rủ nhau ăn lá ngón nhưng không chết vì được phát hiện kịp thời; Nữ sinh lớp 10 ở TP.HCM nhảy lầu nhưng may mắn được cứu sống; và còn rất nhiều chuyện đau lòng khác xảy ra, mà các nạn nhân đều đang ở lứa tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”!

TS Vũ Mạnh Lợi cho biết, nhiều nghiên cứu trên thế giới và ở Việt Nam đãchỉ ra rằng, hầu hết các vụ trẻ em tự tử đều là kết quả của sự tích tụ lâu dài các vấn đề sức khỏe tâm thần. Tuổi vị thành niên là giai đoạn phát triển đặc biệt trong cuộc đời mỗi người, ai cũng sẽ trải qua những thay đổi lớn về thể chất và tinh thần. Trong khi còn chưa trưởng thành, các em phải chịu sức ép rất lớn về việc học tập ở trường, sức ép của các kỳ thi, sự kỳ vọng của cha mẹ, ganh đua từ bạn bè, kể cả sự tiêu cực trong thế giới ảo…

Bảo vệ quyền trẻ em trước nguy cơ bị bạo lực, xâm hại (Bài 3): “Học làm cha mẹ” để bảo vệ con - Anh 2

 Tập huấn cho trẻ về kỹ năng tự bảo vệ mình

Học cách làm cha mẹ...

PGS.TS Trịnh Hòa Bình đưa ra lời khuyên với các bậc cha mẹ trong việc chăm sóc và bảo vệ con, đó là ngoài việc học cách chăm con về mặt dinh dưỡng, sức khỏe thì phải học làm cha mẹ bởi không phải tự nhiên mình sinh con ra là làm cha mẹ được ngay. Để học làm cha mẹ, các phụ huynh có thể chọn lọc những thông tin hữu ích trên mạng (website của những cơ quan uy tín, các trang Fanpage, kênh YouTube chính thống); tham khảo sách dạy chăm sóc con về tâm lý, tình cảm, phát hiện sớm những sang chấn; thông qua các khóa học; trải nghiệm cuộc sống hằng ngày khi tiếp xúc với con. Cho nên, trước khi đổ lỗi cho áp lực học tập quá nặng nề thì các phụ huynh phải tự cứu con mình trước bằng cách phòng ngừa sớm được để hiểu con hơn, để chăm sóc và bảo vệ con tốt hơn ngay trong chính gia đình của mình.

Trẻ em bị xâm hại thường ở độ tuổi nhỏ, năng lực nhận thức và tự vệ còn thiếu hụt. Chính bởi vậy, các bậc cha mẹ phải là người nắm vững những kỹ năng phát hiện và ứng phó với tình trạng trẻ em bị xâm hại như: Phát hiện sớm những bất thường ở trẻ; hỗ trợ tâm lý cho con; động viên để con chia sẻ, bày tỏ cảm xúc, vượt qua nỗi đau bị xâm hại kèm theo đó là kiến thức pháp luật về tố giác tội phạm... Hơn tất cả, tình yêu thương và sự dạy bảo ân cần từ gia đình sẽ tạo nên bức tường vững chắc giúp ngăn chặn và giảm thiểu tình trạng xâm hại trẻ em. Cha mẹ cũng phải là người chuẩn bị cho con kỹ năng tự bảo vệ, thoát hiểm khi gặp những đối tượng có hành vi xấu, dành nhiều thời gian tâm sự, trò chuyện với con để tạo sợi dây gắn kết giữa con cái và cha mẹ.

Để đối phó với nguy cơ trẻ bị xâm hại trên môi trường số, vai trò của gia đình, cha mẹ và trường học trong việc huấn luyện, giám sát, hướng dẫn trẻ sử dụng mạng xãhội an toàn, nhận biết các thông tin, video clip độc hại, không phù hợp, cách kiểm soát thông tin cá nhân lại càng trở nên quan trọng. Bên cạnh đó, gia đình phải luôn ở bên cạnh giám sát mọi hoạt động của trẻ khi chúng tham gia không gian mạng, điều đó sẽ là “bức tường lửa” hiệu quả nhất để bảo vệ và giúp các em đứng vững trước những cám dỗ của cả hai thế giới: Thực và ảo.

Quy tắc 5 ngón tay

Bảo vệ quyền trẻ em trước nguy cơ bị bạo lực, xâm hại (Bài 3): “Học làm cha mẹ” để bảo vệ con - Anh 3

Quy tắc 5 ngón tay

Ngón cái: Đại diện cho người thân thiết nhất (thành viên trong gia đình, ông bà, cha mẹ, anh chị em) bé có thể ôm hôn hoặc đồng ý để các thành viên trong gia đình ôm hôn và thể hiện tình yêu thương.

Ngón trỏ: Tượng trưng cho thầy cô, bạn bè ở trường hoặc họ hàng. Những người này có thể nắm tay, khoác vai hoặc chơi đùa cùng bé.

Ngón giữa: Là nhóm người quen như hàng xóm, bạn bè của bố mẹ - bé có thể bắt tay chào hỏi.

Ngón áp út: Người mới gặp lần đầu - bé chỉ có thể vẫy tay chào.

Ngón út: Chỉ những người hoàn toàn xa lạ hoặc người có cử chỉ thân mật, khiến trẻ cảm thấy lo lắng, bất an - trẻ hoàn toàn có thể bỏ chạy, hét to để thông báo cho mọi người xung quanh.

Ngoài ra, hãy nhắc nhở trẻ rằng “không ai có quyền yêu cầu con chạm vào vùng kín của mình”. Cha mẹ thường quên phần này, trong khi những kẻ lạm dụng tình dục thường bắt đầu hành vi lạm dụng khi yêu cầu trẻ chạm vào chúng. Các quy tắc an toàn được áp dụng mọi lúc, không chỉ với người lạ mà còn với người quen hoặc trẻ em khác, vì các nạn nhân có thể bị lạm dụng tình dục bởi những người quen và đáng tin cậy.

TRỌNG HOÀNG

HIỀN LƯƠNG

(Còn tiếp)

Ý kiến bạn đọc