Bạo lực đối với phụ nữ: Người trẻ đấu tranh mạnh mẽ hơn
VHO- Cuộc điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy ngoại trừ tình trạng bạo lực tình dục, tỷ lệ bạo lực ở tất cả các hình thức đều thấp hơn so với năm 2010.
Một vụ bạo lực gia đình xảy ra tại quận Long Biên, Hà Nội
Nhưng điều đáng nói là gần như tất cả phụ nữ (90,4%) bị chồng bạo lực thể xác hoặc tình dục đã không tìm sự giúp đỡ từ các đơn vị cung cấp dịch vụ chính thức, chủ yếu là do sợ bị tai tiếng, kỳ thị và phiền hà. Điều này cho thấy bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam vẫn còn bị che giấu.
Nhiều điểm sáng
Bộ LĐ,TB&XH và Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019. Cho đến nay, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới đã thực hiện thành công điều tra quốc gia lần thứ hai về bạo lực đối với phụ nữ, đặc biệt sử dụng phương pháp điều tra đa quốc gia về tình hình sức khỏe của phụ nữ và bạo lực gia đình của Tổchức Y tế Thế giới (WHO). “Điều tra này là để giúp chúng ta hiểu hơn về những điều đã thay đổi và chưa thay đổi kể từ cuộc điều tra lần thứnhất vào năm 2010, cũng như những việc cần phải thực hiện nhằm thúc đẩy bình đẳng giới vàxóa bỏbạo lực trên cơ sởgiới ởViệt Nam”, bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng BộLĐ,TB&XH chia sẻ.
Gần 6.000 phụ nữ trong độtuổi từ 15 - 64 được phỏng vấn tại cuộc điều tra lần thứ 2 và kết quả cho thấy điểm sáng của nghiên cứu là ngoại trừ bạo lực tình dục, tỷ lệ bạo lực đối với phụ nữ ở tất cả các hình thức năm 2019 đều thấp hơn so với năm 2010 và sự thay đổi tích cực này có lẽ đang diễn ra ở nhóm phụ nữ trẻ.
“Vết sẹo này là do anh ấy dùng dao rựa chém. Con dao rựa này là dao chặt mía nên rất sắc. Anh ấy chém tôi khi tôi đang mang bầu bé thứ hai. Anh ấy cắt đứt gân ở mắt cá chân nên tôi phải đi bệnh viện khâu nối. Vết sẹo trên lưng tôi là anh ấy đánh tôi lúc tôi đang ngủ. Tôi đã bị gãy xương. Tôi tự mua thuốc uống. Chiều hôm đó tôi vẫn đến trường đi dạy. Tôi đạp xe bằng một chân. Mất ba tháng tôi mới lành vết thương. Nói chung dấu vết bạo lực của anh ấy ở trên khắp cơ thể tôi. Mặt tôi nhìn giống như tấm bản đồ với nhiều đường, rãnh. Anh ấy đã chém và làm gãy chân, tay”, chị Hoàng Thị Mai (54 tuổi, Hà Tĩnh) nói về bạo lực của người chồng 20 năm trước.
Đó là câu chuyện của người phụ nữ 54 tuổi, ngày nay tình trạng bạo lực thể xác đã có xu hướng thay đổi khi phụ nữ trẻ tuổi hơn đã biết tự bảo vệ mình. Báo cáo năm 2019 cho thấy tỷ lệ phụ nữ bị bạo lực trong đời và bạo lực hiện thời của nhóm phụ nữ có trình độtiểu học hoặc không đi học đều cao hơn so với nhóm phụ nữ có trình độtrung học phổ thông, cao đẳng hoặc đại học vàtrên đại học. Báo cáo chỉ rõ, phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác trong đời năm 2019 (26,1%) ít hơn so với năm 2010 (31,5%).
Giảm nhưng vẫn bị che giấu
Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam cho biết: “Sau gần 10 năm kể từ cuộc điều tra lần thứ nhất, các kết quả thu được cho thấy cả những thay đổi tích cực và những tồn tại hạn chế. Thay đổi tích cực đang diễn ra rõ nét ở nhóm phụ nữ trẻ tuổi, họ không cam chịu và mạnh mẽ hơn trong đấu tranh với bạo lực. Những người cótrình độ học vấn cao có tỷ lệ bị bạo lực cũng thấp hơn và điều này cho thấy học vấn có ý nghĩa rất quan trọng, giúp phụnữtựtin hơn, mạnh mẽ và độc lập hơn trong cuộc sống. Tuy nhiên, nhiều phụnữvẫn cónguy cơ cao bị bạo lực. Tình trạng bạo lực với phụ nữ vẫn được che giấu do định kiến giới còn khá phổ biến trong xã hội. Sự im lặng, kỳ thị của cộng đồng và“văn hóa đổ lỗi” là những rào cản khiến người bị bạo lực không dám lên tiếng và tìm kiếm sự giúp đỡ. Trẻ em cũng là nạn nhân, dễ gặp rủi ro hơn trong cuộc sống khi trẻ phải sống trong gia đình mà mẹ của mình bị bạo lực”.
Tỷ lệ phụ nữ bị chồng bạo lực tình dục trong đời năm 2019 là 13,3%, cao hơn so với năm 2010 (9,9%). Điều này đặc biệt đúng ở nhóm phụ nữ trẻ ở độ tuổi từ 18 - 24 (13,9% năm 2019 so với 5,3% năm 2010), đặc biệt có 4,4% phụ nữ cho biết họ đã bị lạm dụng tình dục trước tuổi 15. “Mặc dù điều này phản ánh sự gia tăng của tình trạng bạo lực nhưng cũng có thể là kết quả của sự thay đổi xã hội mà ở đó phụ nữ cởi mở hơn khi nói về chủ đề tình dục và bạo lực tình dục. Trong tương lai cần có nghiên cứu và phân tích sâu hơn để xác định được đúng xu hướng này”, ông Phạm Quang Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, BộKH&ĐT nêu quan điểm.
Theo bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, nếu không giải quyết vấn đề bạo lực đối với phụ nữ thì Việt Nam không có cách nào đạt được Mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030. Việt Nam chỉ còn 10 năm để thực hiện điều đó. Mặc dù nghiên cứu năm 2019 cũng cho thấy những điểm sáng tích cực cần đề cập trong các chương trình nghị sự và chính sách. Ngoại trừ tình trạng bạo lực tình dục, tỷ lệ bạo lực ở tất cả các hình thức năm 2019 đều thấp hơn so với năm 2010. Điều này thể hiện rõ ràng hơn ở thế hệ trẻ, đồng thời sự thay đổi về chuẩn mực giới ở nhóm người trẻ tuổi theo hướng tiến bộ. Điều này có nghĩa rằng chúng ta phải đầu tư đúng hướng vào nhóm người trẻ tuổi để lên tiếng, đẩy mạnh sự thay đổi trong xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ.
NGUYỆT MINH