5 “bí kíp” rút ngắn khoảng cách với con tuổi teen

HƯƠNG GIANG

VHO - Xã hội hiện đại ngày càng bận rộn, khi con cái chịu sức ép học hành, tình cảm, quan hệ giao tiếp, thì cha mẹ gánh trên vai áp lực cơm – áo – gạo – tiền, sự hòa hợp với người thân, đồng nghiệp, cấp trên, đối tác...

Trong buổi tọa đàm về hôn nhân – gia đình năm 2024, một chuyên gia tâm lý học đã chia sẻ rằng: “Khi chúng ta đang ở đỉnh cao của việc phát triển sự nghiệp cũng là lúc con cái cần sự quan tâm của cha mẹ nhất”. Bạn có đồng tình với ý kiến này không? Khó khăn của bạn chính là trong khi bản thân bận rộn như vậy, vẫn không thể lơ là con cái.

Khi con còn nhỏ, thuê giúp việc là giải pháp. Khi con lớn, học hành có thể mời giáo viên, phát triển trí tuệ thể chất có thể mời chuyên gia, nhưng về tâm lý tình cảm nếu con nhận được sự thấu hiểu và đồng ý kết nối với cha mẹ thì xin chúc mừng, bạn đã có thành quả lớn nhất của đời mình.

Dưới đây là những “bí kíp” chúng tôi xin chia sẻ với mong muốn giúp bạn đến gần hơn với các con đang bước vào độ tuổi trưởng thành.

5 “bí kíp” rút ngắn khoảng cách với con tuổi teen - ảnh 1

  Cha mẹ và con cái hãy làm nhiều việc cùng nhau

“Cùng nhau” là một cụm từ quan trọng trong mối quan hệ gia đình. Tôi muốn nhấn mạnh điều đó. Người phụ nữ trong gia đình bạn có thể đang vui vẻ bỗng trở nên thâm trầm rồi cáu gắt, không phải vì cô ấy vất vả cả ngày, cũng không vì cô ấy đang mệt mỏi, chỉ đơn giản là cô ấy đã tất bật nấu cả bữa cơm nhưng không có ai giúp cô ấy bê ra khỏi bếp và sắp xếp bàn ăn.

Từ đầu đến cuối cũng chỉ có một mình. Các con cũng vậy, phải vượt qua những cảm xúc tiêu cực một mình, nỗ lực một mình và cả ở nhà một mình, không phải lúc nào chúng cũng muốn như vậy.

Con mong muốn một chuyến du lịch cùng gia đình, con cũng mong muốn những buổi sinh hoạt lớp có bố hoặc mẹ đồng hành, con muốn cùng bố trò chuyện về hình tượng người đàn ông lý tưởng, muốn cùng mẹ đi chọn những món đồ cá nhân nhỏ xinh...

Bạn đã làm được mấy điều cho con, đã hướng dẫn cho con được những gì, đã cùng con đến thăm hỏi bao nhiêu người họ hàng nếu không phải dịp lễ Tết.

Có khi nào bạn tự hỏi: Bạn và con, chúng ta đang tận hưởng cuộc sống cùng nhau hay chỉ đơn giản là tồn tại và chạy dateline cùng nhau? Sáng nào cũng giục giã: Nhanh lên con. Chiều về lại hối hả: Biết mấy giờ rồi không?

Có khi nào bạn đi chậm cùng con, quan sát những điều con đang làm và cùng “đu đưa” với chúng trong giai điệu nhịp nhàng của cuộc sống.

Tôn trọng không gian riêng tư và những bí mật

Nếu điều kiện cho phép, hãy chuẩn bị cho con một không gian riêng phục vụ việc học tập và sinh hoạt của chúng, những đã trẻ sẽ biết ơn bạn và đánh giá cao sự thấu hiểu cha mẹ dành cho chúng.

 Cha mẹ hãy chấp nhận và làm quen với việc con chúng ta mỗi ngày đang lớn lên, trưởng thành một cách nhanh chóng. Chúng có nhu cầu riêng tư, độc lập về hành động, chúng giữ suy nghĩ, cảm xúc, các mối quan hệ bạn bè cho riêng mình.

Để có được sự tin tưởng từ con, cha  mẹ hãy hết sức tế nhị, không nên xâm phạm vào không gian này nếu không có lý do chính đáng. Khi tôi đang đề cập đến vấn đề này cũng là lúc người bạn của tôi đang nhắn những dòng tin vô cùng đau khổ kể về sự xa cách của con với gia đình cô ấy. Mọi chuyện bắt nguồn từ việc họ đã đặt camera trong phòng ngủ của con.

“Ngay từ lần đầu tiên con bé khóa trái cửa phòng, chị đã vô cùng lo lắng đến mức mất kiểm soát. Chị đã điên cuồng đập cửa, gặng hỏi con lý do, thậm chí áp đặt rằng con đóng cửa để làm điều gì sai trái mặc cho con bé đã ra sức giải thích: Con đóng cửa chỉ để ngủ vì em bé hay mở cửa chạy vào phòng”.

Những suy nghĩ về việc con có thể đóng cửa để sử dụng chất gây nghiện hoặc để tự tử cứ quẩn quanh trong đầu người. Cuối cùng để bản thân an tâm hơn cô ấy đã cho người lắp camera trong phòng con.

Hàng ngày đi làm, thỉnh thoảng cô ấy lại mở ứng dụng ra quan sát con có nhà không, con đang làm gì. Ngồi xem phim cùng chồng cô ấy vẫn biết con ở trong phòng học bài hay trò chuyện với bạn.

Dần dần, việc đặt con trong tầm quan sát đã thỏa mãn nhu cầu quản lý con của vợ chồng họ, ngay đến việc hỏi thăm con cô ấy cũng không còn thấy cần thiết bởi những gì muốn biết đã tỏ tường hết rồi.

Cho đến ngày con bé thi đại học, con không chọn ngành công an giống mẹ, cũng không chọn kinh doanh giống bố mà lựa chọn Đại học thể dục thể thao Bắc Ninh. Con chuyển vào sinh hoạt tại ký túc xá, chỉ về thăm nhà vào cuối tuần.

Điều đó trở thành cú sốc vô cùng lớn với cả gia đình. Đứa con gái trong tay mình, hàng ngày vẫn ngoan ngoãn dạ thưa, sáng đi học chính, chiều về học thêm... hôm nay dám liều mình tự quyết một việc trọng đại khiến bố mẹ trở tay không kịp.

Trước khi xách hành lý vào trường, con nói với mẹ: “Con mệt rồi mẹ ạ, con muốn tự do”. Cô ấy chỉ biết ôm mặt khóc nức nở.

Lắng nghe và chia sẻ tế nhị

Tôi tin rằng ai cũng có nhu cầu chia sẻ nỗi lòng, chỉ là mình có tìm được người phù hợp và đủ tin tưởng để thoải mái giãi bày với họ hay ko.

Tôi vẫn nhớ mấy năm trước bài hát “Tâm sự với người lạ” của Tiên Cookie mới ra mắt đã trở thành bài hát được nghe nhiều nhất trên các bảng xếp hạng. Đơn giản vì bài hát phù hợp với tâm trạng nhiều người, họ cảm thấy an toàn khi chia sẻ câu chuyện của mình với người lạ.

Không bị phát xét, không bị bàn tán, đơn giản chỉ là kể xong là trút được gánh nặng trong lòng, hai người đi hai hướng, không phiền lụy đến ai. Nên chăng, cha mẹ đôi khi hãy lắng nghe con chia sẻ, chỉ đơn giản lắng nghe thôi cũng đã là sự giúp đỡ với con bạn rồi.

Con chịu chia sẻ với bạn cũng đã là thành công của bậc làm cha mẹ. Và sẽ tuyệt vời hơn, nếu bạn đủ khéo léo để đưa ra một vài lời khuyên dựa trên kinh nghiệm của bạn và nói rõ với con rằng “con có thể tham khảo” thay vì ép con nghe theo.

Đứa trẻ được sinh ra bởi một người tinh tế như bạn, chắc chắn sẽ biết mình nên làm gì. Hãy đặt niềm tin ở con, bạn nhé.

Hạ thấp cái tôi của bạn xuống một chút

Cha mẹ và con cái cần những cuộc trao đổi thẳng thắn trước những công việc hệ trọng của gia đình. Thẳng thắn không có nghĩa là quát vào mặt nhau. Bạn hãy nói rõ suy nghĩ của bạn và cho phép con nói lên quan điểm của con.

Bạn biết đấy, thảo luận không áp đặt luôn là lựa chọn lý tưởng. Nếu con đúng và bạn nhận thấy mình đang sai, đang nhầm lẫn hãy vui vẻ chấp nhận và bày tỏ sự khen ngợi đối với chính kiến của con.

Đừng tự ái, đừng cố lập luận và lấy quyền làm cha mẹ để chuyển bại thành thắng, lũ trẻ sẽ nhanh chóng nhận ra sự độc đoán và tránh xa bạn ở những lần trò chuyện sau.

Bản thân tôi là một ví dụ, đứng trước kỳ thi đại học mẹ luôn muốn tôi lựa chọn trường Y để trở thành một bác sĩ, một công việc vừa có ích cho gia đình vừa danh giá với xã hội.

 Tuy nhiên, với một đứa đầu óc thiên về các môn xã hội như tôi, việc đỗ vào trường Y là quá tầm với, tôi chẳng biết phải làm sao để thoát khỏi chiếc vòng kim cô mẹ đã đội lên đầu mình.

Tôi sinh ra tâm lý ỳ trệ, lầm lì ôn luyện chờ đến ngày thi. Tôi cũng lặng lẽ đăng ký thêm một vài nguyện vọng khác nhưng không thông báo cho gia đình. Trong đầu tôi lúc ấy dần hình thành rõ nét suy nghĩ: Bố mẹ không hiểu mình mà chỉ muốn mình làm theo những điều họ cho là đúng.

Cuộc đời học sinh của tôi không hề hạnh phúc như bạn bè cùng trang lứa, nó vô định và nặng nề...

Cho đến giờ, bố mẹ tôi vẫn giữ thói quen can thiệp khá sâu vào cuộc sống của tôi. Mẹ muốn tôi ăn những đồ mẹ cho là tốt, đi tắm giặt giờ nào, cắm hoa gì cũng nằm trong sự tư vấn của mẹ.

Tôi đã chọn cho mình một cuộc sống độc lập, sống với những điều mình cho là hợp lý và lờ đi những lời tư vấn mang tính áp đặt của bố mẹ.

Và những cuộc đối thoại của chúng tôi rất ít khi diễn ra, hoặc luôn kết thúc bằng sự tức giận của bố, sự hờ hững của tôi và sự gò ép của mẹ về thời gian, âm lượng bởi mẹ lo lắng rằng hàng xóm nghe được sẽ điều tiếng về gia đình tôi.

Đó là lý do tại sao tôi ngày càng xa cách bố mẹ mặc dù tôi yêu mến họ vô cùng.

Làm gương thực tế hơn giáo điều

Cha mẹ làm gương cho con chính là phương pháp giáo dục tốt nhất. Thay vì nhắc con đi tắm và ngủ sớm bạn hãy thiết lập thói quen đó cho chính bản thân mình.

Hãy từ bỏ thiết bị điện tử và nghỉ ngơi sớm mỗi ngày. Cố gắng duy trì lối sống lành mạnh và kể cho con bạn cảm giác sảng khoái khi mọi việc được thực hiện khoa học đúng kế hoạch và lộ trình.

Ngay cả việc bạn luôn thể hiện niềm tin vào con, sáng suốt bảo vệ con trước những điều được cho là không công bằng với chúng, bỏ qua sĩ diện với những người xung quanh cũng là điều đáng để lũ trẻ ngưỡng mộ bạn.

Chúng cũng sẽ thấy bản thân được tiếp thêm nghị lực để yêu thương và bảo vệ gia đình, con cái sau này. Bạn nghĩ xem, nếu chúng ta cứ lặp đi lặp lại những giáo điều hết ngày này qua ngày khác, thì bao nhiêu điều đọng lại trong đầu con bạn.

Nêu gương cũng là một cách dạy bảo hiệu quả bởi cá con sẽ thấy chúng được áp dụng ngay trong những tình huống thực tế hàng ngày.

Chưa bao giờ việc giáo dục con được coi là dễ dàng nhất là trong xã hội hiện đại với sự bùng nổ  công nghệ thông tin. Thời đại mà những đứa trẻ dễ dàng học được thói hư tất xấu ngay khi chúng chỉ ở nhà cả ngày, thời đại các gia đình chạy đua với thời gian để kiếm kế sinh nhai.

Nhưng tôi tin rằng, bản năng làm cha mẹ của chúng ta luôn mạnh mẽ, nó khiến ta đủ nhạy bén, đủ yêu thương để nhận diện cảm xúc và hành vi của con mình.

Mong bạn đừng chùn bước, luôn cố gắng động viên bản thân mình không ngừng nỗ lực gần gũi và hiểu thêm về con mỗi ngày. Với phương pháp đúng đắn, dần dần con sẽ mở lòng với bạn.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc