Xây dựng “Người Hà Nội thanh lịch, văn minh":
Phải chăng chưa đi đúng hướng?
VHO - Nhiều thách thức trong sự “đứt gãy” của lối sống Hà Nội, trong phẩm chất hào hoa, thanh lịch của người Hà Nội đang gây nhiều lo lắng trong câu chuyện xây dựng hệ giá trị chuẩn mực ở “chốn kinh sư muôn đời”.
Thay vì lối ăn nói nhỏ nhẹ, có duyên, nhiều cư dân sinh sống lâu năm trên mảnh đất kinh kỳ trở nên tùy tiện với tác phong ăn mặc buông tuồng, nói năng suồng sã, xả rác bừa bãi, “vô tư” vượt đèn đỏ, đi ngược chiều… Phần nào đó, Hà Nội hiện lên với một diện mạo nhếch nhác, xô bồ, có phần hỗn loạn ở một số đường phố, khu dân cư...
Mai một nhiều giá trị
TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) nhắc nhớ, nói về người Hà Nội có lẽ không ai có thể nói da diết hơn, hào hùng hơn Nguyễn Đình Thi thông qua nhạc phẩm “Người Hà Nội”, với những ca từ sâu lắng về “hồn núi sông ngàn năm”, điều nuôi dưỡng nên người Hà Nội. Có lẽ vì Nguyễn Đình Thi là người sinh ra và lớn lên bên Hồ Gươm, lại có một tâm hồn và tài năng đặc biệt nên mới cảm nhận được sự lớn lên thành người Hà Nội của mình bằng “hồn núi sông ngàn năm”, từ những gì gần gũi nhất, thật nhất và cũng lắng đọng nhất.
Vậy, “Người Hà Nội có gì đặc biệt? Người Hà Nội bước vào kỷ nguyên mới cần phát huy phẩm chất đã có và bổ sung những phẩm chất mới nào? Xác định điều đó không dễ, có lẽ phải bắt đầu từ truyền thống ngàn năm văn hiến…”, TS Nguyễn Viết Chức nhấn mạnh. PGS.TSKH Lương Đình Hải cho rằng, Hà Nội là địa phương đi đầu trong xây dựng các quy tắc ứng xử và chuẩn mực con người Thủ đô hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, sáng tạo. Nếu triển khai xây dựng các bộ chuẩn mực cho các chủ thể thì trước hết cần tập trung cho các chuẩn mực đạo đức. Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) Lương Đức Thắng nhấn mạnh, là trái tim của cả nước, những vấn đề đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Thủ đô, xây dựng tiêu chí người Hà Nội thanh lịch, văn minh được đặt ra cấp thiết. Tuy nhiên, ông Thắng lưu ý, cùng với quá trình phát triển đất nước, một số hệ giá trị cũng đã có những thay đổi. Điều đó cho thấy sự cần thiết phải làm rõ nội hàm từng hệ giá trị, bên cạnh những giá trị cốt lõi cần gìn giữ, phát huy thì còn có những hệ giá trị mới hoặc đã thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh, tình hình mới.
PGS.TS Bùi Xuân Đính, Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam khẳng định, xây dựng “Người Hà Nội thanh lịch, văn minh” là nhiệm vụ trọng yếu của Hà Nội. Nhìn vào sự phát triển của một địa phương, người ta không chỉ căn cứ vào sự tăng trưởng kinh tế, mà còn phải xem xét các khía cạnh xã hội và văn hóa, đặc biệt là con người. Đối với Thủ đô, yêu cầu xây dựng văn hóa, con người càng đòi hỏi mức độ cao hơn, sự kỳ vọng của người dân các địa phương mỗi khi về Hà Nội hoặc nắm bắt các thông tin về Hà Nội càng cao hơn. Nhấn mạnh việc xây dựng “Người Hà Nội thanh lịch, văn minh” được đặt ra từ lâu và Hà Nội đã, đang nỗ lực phấn đấu cho mục tiêu đó, tuy nhiên, cũng theo ông Đính, có một thực tế đã và đang diễn ra là, dù các văn bản, nghị quyết về xây dựng “Người Hà Nội thanh lịch, văn minh” khá nhiều, việc triển khai thực hiện cũng qua nhiều bước, nhiều “thời đoạn”, song kết quả vẫn chưa được như mong muốn. Các khía cạnh đời sống của Hà Nội đang nảy sinh nhiều bất cập mà nguyên nhân chủ yếu là từ phía con người, được đánh giá là “xô bồ”, “bác tạp”, “nửa tỉnh nửa quê, chẳng ra quê mà cũng chẳng là phố”… Thực trạng đó khiến cho nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đặt câu hỏi, phải chăng việc xây dựng “Người Hà Nội thanh lịch, văn minh” chưa đi đúng hướng, hay tiêu chí của “Người Hà Nội thanh lịch, văn minh” có điều gì chưa sát thực?
Kỷ nguyên mới và những yêu cầu mới
Theo TS Nguyễn Viết Chức, trong mọi hoàn cảnh lịch sử, người Hà Nội vẫn có những nét riêng tạo nên bản sắc của “chốn kinh sư muôn đời”. Chúng ta cần xác định, bước vào kỷ nguyên mới, những phẩm chất nào của người Hà Nội cần giữ gìn và phát huy, những phẩm chất nào cần bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu mới.
Cụ thể, ông Chức cho rằng, những bản lĩnh đó là: Tiên phong, Bản lĩnh, Sáng tạo, Bao dung. Người Hà Nội có được một tài sản lớn nhất trong kho tàng văn hóa dân tộc, lại được tiếp nhận những điều kiện tốt nhất về vật chất và tinh thần với tư cách là công dân Thủ đô, đầu não chính trị, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa - xã hội, vì thế, phải là người tiên phong trong mọi lĩnh vực của kỷ nguyên mới. Bên cạnh đó, muốn tiên phong, muốn sáng tạo phải có bản lĩnh. Trong kỷ nguyên mới, không cho phép lạc hậu trong tư duy cũng như tác nghiệp, vì thế sáng tạo là phẩm chất hàng đầu. Cuối cùng, bao dung không chỉ là phẩm chất vốn có của người Việt Nam, mà đặc biệt là phẩm chất của người Hà Nội.
Nêu một số biểu hiện đứt gãy trong lối sống Hà Nội, PGS.TS Bùi Xuân Đính lưu ý, tiêu chí “Người Hà Nội thanh lịch, văn minh” đã được tranh luận từ lâu, song dường như khi đưa ra tiêu chí, các cơ quan có trách nhiệm không lưu ý hoặc lưu ý không đúng mức những thói quen, tật xấu đang hằng ngày, hằng giờ hiện hữu, tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến hành xử của mỗi người, tác động đến việc xây dựng “người Hà Nội văn minh, thanh lịch” hiện nay. Các mặt hạn chế và những thói hư, tật xấu, đó là: Tính tùy tiện, dễ làm bừa, làm càn, làm vì lợi ích cá nhân mà không thấy lợi ích của người khác và của cộng đồng, làm vì lợi ích trước mắt, không nhìn thấy lợi ích lâu dài; thái độ coi thường pháp luật; tính vụ lợi; tính đố kỵ tiểu nông; tính bè phái, cục bộ. “Việc xây dựng “Người Hà Nội thanh lịch, văn minh” phải nhấn mạnh đến nội dung loại dần, tiến tới loại bỏ tới mức cao nhất những mặt hạn chế, tiêu cực này”, theo ông Bùi Xuân Đính.
Ông Đính lưu ý, xây dựng “Người Hà Nội thanh lịch, văn minh” cần có giải pháp tổng thể, đồng bộ về các mặt, song các giải pháp cần ưu tiên, cần coi trọng trước hết là xây dựng được ý thức, tác phong sống và làm việc theo pháp luật cho mọi công dân, đây là tiêu chí đầu tiên, cốt yếu của con người trong một xã hội văn minh. Bên cạnh đó là các yếu tố: Coi trọng giáo dục gia đình và đề cao trách nhiệm của gia đình trong giáo dục con cái theo các khuôn mẫu; coi trọng công tác tuyên truyền về những biểu hiện cụ thể của “Người Hà Nội thanh lịch, văn minh” bằng nhiều hình thức, ở nhiều môi trường khác nhau… PGS. TSKH Lương Đình Hải đề xuất, cần tổng kết kinh nghiệm việc xây dựng chuẩn mực của một số địa phương, lĩnh vực, ngành đã đi trước. Cần tiếp tục cho “địa phương hóa”, “lĩnh vực hóa”, “ngành nghề hóa” các hệ giá trị, các giá trị và chuẩn mực con người thành các tiêu chí sát hợp với địa phương, lĩnh vực, ngành, nghề ở từng thời kỳ. Cần tiếp tục triển khai một số hướng và nội dung nghiên cứu xác định các giá trị và triển khai xây dựng các giá trị, cần thiết, phù hợp với thời kỳ vươn mình của dân tộc. Thêm nữa, không thể cầu toàn, qua kinh nghiệm một số địa phương, Bộ, ngành thời gian qua đã xây dựng các quy tắc và chuẩn mực, tiêu chí, thì thấy các cấp ủy, lãnh đạo các cơ quan, địa phương cần mạnh dạn phác thảo các bộ chuẩn mực, quy tắc ứng xử, tiêu chí xây dựng và phát triển con người sát hợp với đặc điểm, tình hình của cơ quan, đơn vị, địa phương mình.
Theo PGS.TSKH Lương Đình Hải, quá trình tạo lập, xây dựng kinh đô, thủ đô là quá trình cư dân các nơi dù có muốn giữ và cố giữ các yếu tố văn hóa, cách sống của quê hương mình, nhưng để thành đạt, thành danh, đều phải “tráng một lớp men Thăng Long - Hà Nội”. Tức phải gọt giũa mình, phải học hỏi, tiếp thu những tinh hoa, tri thức, những nét hay đẹp, tinh tế của muôn phương, loại bớt, loại dần những “thô kệch” ở quê gốc. Hoặc, phải biết kết hợp những cái đẹp, cái hay ở mọi nơi, nâng lên một tầm mới.
Dù các văn bản, nghị quyết về xây dựng “Người Hà Nội thanh lịch, văn minh” khá nhiều, việc triển khai thực hiện cũng qua nhiều bước, nhiều “thời đoạn”, song kết quả vẫn chưa được như mong muốn. Các khía cạnh đời sống của Hà Nội đang nảy sinh nhiều bất cập mà nguyên nhân chủ yếu là từ phía con người, được đánh giá là “xô bồ”, “bác tạp”, “nửa tỉnh nửa quê, chẳng ra quê mà cũng chẳng là phố”...