Kỹ năng công nghệ giúp phụ nữ cân bằng giữa kinh doanh và gia đình
VHO - Phụ nữ vừa điều hành hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đang phát triển, vừa đảm nhận vai trò chăm sóc “không lương” trong gia đình. Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ các quan niệm về vai trò giới vẫn tiếp tục chi phối và khả năng tiếp cận công nghệ của phụ nữ.
Đây là một trong những phát hiện từ nghiên cứu “Vai trò của công nghệ số đối với công việc chăm sóc không lương của phụ nữ kinh doanh”, được công bố tại Tọa đàm “Nâng cao kỹ năng số cho phụ nữ: Cân bằng giữa phát triển kinh doanh và công việc chăm sóc gia đình”, do Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (Hội LHPN Việt Nam) tổ chức mới đây tại Hà Nội.
Phát biểu tại Tọa đàm, bà Dương Thị Ngọc Linh, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển cho rằng: “Phụ nữ chiếm một nửa dân số và phân nửa lực lượng lao động. Vì vậy, chuyển đổi số sẽ chỉ thực sự thành công khi họ tích cực tham gia vào tất cả các trụ cột của chuyển đổi số: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Đồng thời, phụ nữ cần được thụ hưởng lợi ích do chuyển đổi số mang lại. Sự tham gia bình đẳng của phụ nữ vào quá trình chuyển đổi số không chỉ nhằm đạt mục tiêu bình đẳng giới, mà còn mang lại lợi ích kinh tế và hiệu quả cho chuyển đổi số, khi quá trình này có sự tham gia của tất cả các nhóm đối tượng trong xã hội”.
Chia sẻ tại Tọa đàm, bà Trần Thị Thu Hà, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết: Hộ sản xuất kinh doanh do phụ nữ làm chủ chiếm hơn 50% tổng số hộ kinh doanh. Tuy nhiên, giống như nhiều nhóm phụ nữ khác, áp lực công việc nhà không lương là vấn đề lớn nhất đối với phụ nữ kinh doanh.
Về việc tiếp cận công nghệ số, nghiên cứu cho thấy, 96% phụ nữ có điện thoại di động, 19% tiếp cận với máy tính để bàn và laptop và 3% tiếp cận với máy tính bảng. Tuy nhiên, mục đích sử dụng các thiết bị số chủ yếu là để liên lạc, nhắn tin, gọi điện thoại hoặc giải trí, nghe nhạc, đọc tin tức... Chỉ có 17% phụ nữ sử dụng ngân hàng trực tuyến, 15% đặt hàng trực tuyến và 4% tìm kiếm thông tin. Rất ít chị em sử dụng thiết bị công nghệ số trong công việc kinh doanh hay gia đình.
Thực tế, phụ nữ sử dụng công nghệ số vẫn gặp phải nhiều thách thức. Một số thiết bị điện tử và công nghệ chưa được sử dụng phổ biến, một số dịch vụ chưa được cung cấp ở vùng nông thôn; năng lực sử dụng thiết bị của phụ nữ ở các độ tuổi khác nhau, đặc biệt là phụ nữ cao tuổi và phụ nữ ở khu vực miền núi, dân tộc ít người. Bên cạnh đó, còn có rào cản về quan niệm chăm sóc công việc nhà không lương, như cho rằng đó là “thiên chức” của phụ nữ, chăm sóc cha mẹ cao tuổi là thể hiện lòng hiếu thảo và người bán hàng online chỉ là người ở nhà nội trợ…
Do đó, các đại biểu cho rằng, cần tăng cường giáo dục kỹ năng số cho phụ nữ, cung cấp kiến thức và ứng dụng công nghệ số để tăng hiệu quả kinh doanh. Đồng thời, cần thu hút sự tham gia tích cực của trẻ em trai và nam giới vào các chương trình, sáng kiến thúc đẩy chuyển đổi tích cực về phân bổ công việc không lương trong hộ gia đình.