Xứ Dừa phát triển Chương trình OCOP gắn với du lịch nông thôn
VHO- Bến Tre là địa phương có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch, đặc biệt là loại hình du lịch nông nghiệp nông thôn. Phát triển chương trình OCOP gắn với du lịch nông thôn được coi là một hướng đi mới trong phát triển kinh tế nông thôn tại Bến Tre.
Cùng với các tỉnh, thành phố trên cả nước, nhiều năm qua hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn của Bến Tre đã được khai thác và phát huy thế mạnh với nhiều loại hình và sản phẩm, dịch vụ du lịch như: Du lịch tham quan các vườn dừa, vườn cây ăn trái, du lịch trải nghiệm sống trong nhà dân và tham gia sinh hoạt với người dân; tham quan và trải nghiệm tại các làng nghề truyền thống, thưởng thức những món ăn đặc trưng gắn liền với cây dừa, tham quan và mua sắm các sản phẩm nông nghiệp đạt chuẩn OCOP.
Tại huyện Chợ Lách, mô hình làng văn hóa du lịch Chợ Lách là sản phẩm của chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) thuộc nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn hướng đến mục tiêu kiến tạo điểm đến du lịch đặc thù miệt vườn, kích thích sản xuất, nâng cao giá trị và quảng bá sản phẩm nông nghiệp. Làng văn hóa du lịch Chợ Lách được quy hoạch chi tiết trên cơ sở định hướng phát triển không gian du lịch, cảnh quan và quy hoạch cơ sở hạ tầng. Làng được xây dựng để trở thành “vương quốc” của cây giống, cây ăn trái và hoa kiểng. Diện mạo Làng Văn hóa du lịch Chợ Lách được xây dựng dựa trên những thế mạnh vốn có của vùng đất “cây lành, trái ngọt”, giàu truyền thống lịch sử, vùng đất hội tụ tiềm năng du lịch sông nước với hai con sông lớn là Hàm Luông và Cổ Chiên. Việc xây dựng và phát triển làng văn hóa du lịch Chợ Lách nhằm xây dựng điểm đến đặc thù miệt vườn của vùng đồng bằng sông Cửu Long có tính hấp dẫn, cạnh tranh cao của khu vực và quốc gia. Phát triển làng văn hóa du lịch Chợ Lách ngoài góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch còn đẩy mạnh đặc thù hóa sản phẩm du lịch cho Bến Tre nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
Còn ở huyện Châu Thành đã xây dựng được 2 sản phẩm OCOP du lịch đó là La Villa De Coco, Chi nhánh Công ty Lô Hội tại xã Phú Túc; xây dựng đạt lĩnh vực số 4 về du lịch của Bộ tiêu chí xã NTM kiểu mẫu đối với xã Phú Túc. Các loại hình, sản phẩm du lịch được các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh quan tâm xây dựng mang nét riêng trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên văn hóa sẵn có, đã tạo ấn tượng tốt đối với khách du lịch. Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Phạm Văn Sang cho biết: Huyện tập trung xây dựng và phát triển đa dạng sản phẩm từ du lịch sinh thái sông nước miệt vườn: du lịch tham quan vườn cây ăn trái, du lịch gắn với nông nghiệp. Từng bước kêu gọi đầu tư xây dựng các mô hình du lịch sinh thái ở các xã ven sông Tiền - Cồn Phụng - Cồn Quy tạo thành cụm du lịch liên hoàn, vừa có những đặc trưng chung của du lịch sinh thái, vừa có điểm nhấn đặc trưng, tạo sự khác biệt về ẩm thực, nghỉ dưỡng, homestay phục vụ du khách trong và ngoài nước. Xây dựng giá trị văn hóa ẩm thực của người dân xứ Dừa.
Trong khuôn khổ Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn được coi là một hướng đi mới trong phát triển kinh tế nông thôn. Trong đó, phát triển du lịch cộng đồng gắn với triển khai Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” đã bước đầu phát huy hiệu quả và thế mạnh tại Bến Tre. Định hướng phát triển du lịch gắn với khai thác giá trị văn hóa truyền thống, sản vật địa phương, phát huy sức mạnh cộng đồng, đã góp phần nâng cao tính hấp dẫn và đa dạng của điểm đến và sản phẩm du lịch tại địa phương. Với mục tiêu phát triển, quảng bá, giới thiệu và xúc tiến thương mại những sản phẩm OCOP của Bến Tre đến với cộng đồng, khách du lịch trong nước và quốc tế và đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn, ngày 12.6.2023, UBND tỉnh Bến Tre đã ban hành kế hoạch Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bến Tre giai đoạn 2023-2025.
Theo đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2025: Phát triển, chuẩn hóa các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn; phấn đấu có ít nhất một điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Đồng thời đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số;… Ít nhất 70% chủ cơ sở du lịch nông thôn được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch; 80% lao động du lịch nông thôn được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch, trong đó ít nhất 50% là lao động nữ; phấn đấu mỗi điểm du lịch có ít nhất một nhân viên thành thạo ngoại ngữ. Xây dựng cơ sở dữ liệu và bản đồ số các điểm du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt là thúc đẩy xây dựng các sự kiện giới thiệu, kết nối và phân phối sản phẩm OCOP đến du khách trong và ngoài nước thông qua các điểm du lịch, các nhà hàng, khách sạn trong hệ thống do Sở Du lịch quản lý… Nhằm phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn, đẩy mạnh quá trình thực hiện nông thôn mới, trong thời gian tới, Bến Tre sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mọi người dân, các tổ chức kinh tế xã hội thấy được lợi ích, giá trị kinh tế khi tham gia và thực hiện Chương trình OCOP gắn với hoạt động du lịch. Xây dựng các mô hình du lịch trải nghiệm tại nông thôn để người dân địa phương có thể học tập và nhân rộng. Thực hiện quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc biệt các sản phẩm đã được xếp hạng đạt chuẩn OCOP gắn với du lịch, đặc biệt quảng bá tại các sự kiện du lịch lớn của thành phố, quảng bá giới thiệu sản phẩm OCOP tại hệ thống nhà hàng, khách sạn của thành phố.
Việc khai thác các giá trị văn hóa truyền thống, sinh thái nông nghiệp ở khu vực nông thôn, trở thành các sản phẩm du lịch phục vụ du khách trong và ngoài nước trở thành điểm nhấn để thu hút khách, đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững. Bên cạnh đó, đem lại lợi ích nhiều mặt về kinh tế, xã hội cho khu vực nông thôn như góp phần đa dạng hóa ngành nghề nông thôn, tạo việc làm, thu nhập cho người dân bên cạnh các hoạt động sản xuất nông nghiệp truyền thống, đồng thời còn bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cộng đồng địa phương, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới bền vững.
TÙNG LÂM