Vui Tết cơm mới với người Lự

VHO - Thực hiện Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”, Sở VHTTDL tỉnh Lai Châu vừa tổ chức trưng bày chuyên đề Di sản Văn hóa dân tộc Lự gắn với Tết cơm mới tại Bản Thẳm, xã Bản Hon, huyện Tam Đường (Lai Châu).

Vui Tết cơm mới với người Lự - Anh 1

Thầy cúng thực hiện nghi lễ

Không gian trưng bày đã thu hút đông đảo sự quan tâm không chỉ của người dân địa phương mà còn của cả khách du lịch. Trưng bày bao gồm nhiều hoạt động giới thiệu văn hóa truyền thống của dân tộc Lự như trình diễn nghề đan lát, dân ca, dân nhạc, ẩm thực, trò chơi… trong đó nội dung chính là tái hiện nghi lễ Kin Khảu Máy (lễ cơm mới) của đồng bào.

Lễ cơm mới là một trong 3 lễ quan trọng nhất trong năm của người Lự ở Lai Châu bao gồm lễ cơm mới, lễ cúng trâu và lễ cúng rừng. Lễ cơm mới diễn ra trước Tết Nguyên đán, không có ngày cố định nhưng thường trong khoảng từ cuối tháng 10 đến đầu tháng 12 âm lịch hằng năm, tuy nhiên công tác chuẩn bị đã bắt đầu từ khi lúa chín. Lễ mừng cơm mới được tổ chức theo phạm vi từng hộ gia đình, ngay tại gian thờ trong nhà. Gia chủ tiến hành dâng lễ vật lên cúng linh hồn tổ tiên, cúng hồn lúa. Mâm lễ vật được chuẩn bị khá cơ bản, là những sản vật của đời sống nông nghiệp, chăn nuôi thường ngày như lợn, gà, xôi, bánh nếp, bánh chưng gù, rượu mới… Dù lễ vật đơn giản, nhưng đồng bào luôn dồn nhiều tâm huyết để chế biến. Muốn có mẻ bánh nếp ngon phải lựa những hạt gạo nếp dẻo thơm, ngâm qua đêm mới đem nghiền bột rồi hấp chín. Xôi cốm trong mâm lễ được đồ từ cốm non do gia đình thu hoạch đầu mùa. Hạt cốm non tượng trưng cho những đứa trẻ, cho sự sinh sôi nảy nở với hy vọng mùa màng bội thu, trẻ con khỏe mạnh. Ngoài ra, lễ vật dâng còn có các loại rau rừng, thịt thú rừng, côn trùng. Theo quan niệm của người Lự, côn trùng và thú rừng là loài phá ruộng, phá rẫy, vậy nên chế biến chúng thành đồ lễ cúng cơm mới như một hình thức dọa để mùa màng năm sau không bị thất thu.

Vui Tết cơm mới với người Lự - Anh 2

 Gùi lúa được trang trí bằng hoa rừng

Người Lự cho rằng hồn lúa rất nhát, bởi vậy khi cúng, người dân phải trang trí gùi lúa bằng hoa rừng thật đẹp, gọi hồn lúa vào gùi xong cần đậy kín lại bằng quạt thóc thì hồn lúa mới dám ăn cơm mới, để rồi phù hộ cho gia đình, bản làng trong mùa vụ năm sau. Cúng xong, gia chủ sẽ mời anh em họ hàng, bạn bè và láng giềng tới cùng ăn cơm như hình thức cùng chia sẻ lộc, may mắn tới những người thân thiết.

Kết thúc lễ cơm mới, gia chủ phải đan một lưới mắt cáo gọi là “ta leo”, cài lá xanh và cắm trước cửa để trừ các loại tà ma. Cắm “ta leo” với mong muốn ngăn điều dữ đến với gia đình, cầu phúc cho ông bà, cha mẹ khỏe mạnh, trường thọ, trẻ nhỏ hay ăn chóng lớn. Ngoài ra, sau lễ cơm mới còn có tục kiêng nhà - tức trong ba ngày tiếp theo, gia đình kiêng không vay mượn, buôn bán hay cho của.

Vui Tết cơm mới với người Lự - Anh 3

 Không gian trưng bày thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách

Đồng bào dân tộc Lự vẫn còn lưu giữ nhiều nét đẹp dân gian rất phong phú, điều đó thể hiện trong từng câu chuyện, lời ca, điệu nhạc, nghi lễ… nhưng cần được quan tâm và hỗ trợ lưu truyền một cách có hệ thống để tránh tình trạng mai một theo thời gian. Do đó, việc tổ chức các không gian trưng bày văn hóa là rất quan trọng, giúp khẳng định sức sống của văn hóa, lưu truyền cả trong và ngoài cộng đồng.

Theo Sở VHTTDL tỉnh Lai Châu, tỉnh đã quan tâm xây dựng hồ sơ để vinh danh các nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú, những người nắm giữ thực hành di sản, tiếp tục phát huy vai trò trong việc truyền dạy, phổ biến các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng, giữ gìn các nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Lự. Đồng thời việc bảo tồn văn hóa sẽ tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng hút khách, tăng thu nhập cho đồng bào. 

 HOÀNG LINH

Ý kiến bạn đọc