Chương trình giao lưu văn hóa, giới thiệu quảng bá du lịch Hồ Nam (Trung Quốc):
Ước hẹn Hồ Nam
VHO - Ngày 23.4, tại Hà Nội Chương trình giao lưu văn hóa, giới thiệu quảng bá du lịch Hồ Nam (Trung Quốc) với chủ đề “Tam tương tứ thủy, ước hẹn Hồ Nam” đã diễn ra trong không khí hữu nghị, mở ra triển vọng hợp tác mới giữa Việt Nam - Trung Quốc.

Tham dự sự kiện có Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh, Phó cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTTDL) Trần Hải Vân, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Nguyễn Mạnh Thản; đại diện các doanh nghiệp du lịch, hàng không Việt Nam, đại diện các cơ quan báo chí.
Về phía Trung Quốc có Phó chủ tịch tỉnh Hồ Nam Tưởng Địch Phi, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hà Vĩ, Tham tán Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội Hình Cửu Cường, Giám đốc Trung tâm văn hóa Trung Quốc tại Hà Nội và thành viên đoàn công tác của tỉnh Hồ Nam; đại diện các doanh nghiệp du lịch, hàng không Hồ Nam.
Cầu nối hữu nghị trên nền tảng giao lưu văn hóa, du lịch
Phát biểu tại sự kiện, ông Tưởng Địch Phi cho biết: “Tuần trước, Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước CHND Trung Hoa Tập Cận Bình đã có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam và đã có cuộc hội đàm thành công với Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm, tạo thêm động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc”.

Lãnh đạo hai nước đã đạt được sự nhất trí cao trong việc kiên định thúc đẩy sự nghiệp hữu nghị Việt - Trung, trên tinh thần “Ổn định lâu dài, hướng tới tương lai, láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện”, phát huy hơn nữa tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”, đẩy nhanh việc xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc mang ý nghĩa chiến lược.
“Điều này không chỉ định hướng cho sự hợp tác nhiều mặt trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế… mà còn mang đến những cơ hội hoàn toàn mới cho giao lưu văn hóa và du lịch 2 nước”, ông Tưởng Địch Phi nói.
Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng núi sông liền một dải, có nhiều nét tương đồng về văn hóa và sự đồng điệu trong tâm hồn.
Trong dòng chảy lịch sử, văn hóa hai nước đã có sự ảnh hưởng và giao thoa lẫn nhau, cùng giao lưu và học hỏi giữa các nền văn minh.
Theo ông Tưởng Địch Phi, điều này đã minh chứng cho mối quan hệ văn hóa sâu sắc giữa hai nước. Ngày nay, trong bối cảnh thời đại mới, sợi dây liên kết văn hóa này ngày càng bền chặt và đang tỏa sáng một sức sống mới.

Năm 2025 là năm kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc, đồng thời cũng là “Năm Giao lưu Văn hóa Việt Nam - Trung Quốc”.
Dưới sự chỉ đạo của những thành quả đạt được trong chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình, hợp tác văn hóa và du lịch giữa Việt Nam và Trung Quốc đang đứng trước những triển vọng vô cùng to lớn.
Đứng trước điểm khởi đầu lịch sử mới, để tăng cường giao lưu và hợp tác văn hóa du lịch giữa Hồ Nam và Việt Nam, ông Tưởng Địch Phi đưa ra ba đề xuất.

Thứ nhất, đẩy nhanh việc xây dựng cơ chế hợp tác chung. Nhân kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Trung, đẩy nhanh việc xây dựng cơ chế hợp tác văn hóa du lịch giữa 2 bên.
Thúc đẩy việc đơn giản hóa thủ tục thị thực, thống nhất thủ tục hải quan, củng cố nền tảng thể chế và cơ sở vật chất cho hợp tác khu vực, đồng thời thúc đẩy hợp tác cùng có lợi giữa hai bên phát triển lên một tầm cao mới.
Thứ hai, làm sâu sắc hơn sự hòa quyện của các yếu tố văn hóa cốt lõi. Khai thác sâu sắc hơn nữa mối liên kết văn hóa cách mạng giữa Hồ Nam và các điểm đến của Việt Nam, ví dụ như Hành trình nghiên cứu học tập về văn hóa cách mạng, thúc đẩy việc dịch thuật lẫn nhau giữa các tác phẩm kinh điển của 2 bên.
Thông qua sự đồng điệu về văn hóa, củng cố nền tảng ý dân cho việc xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc, hiện thực hóa sự học hỏi và giao lưu sâu sắc từ chia sẻ nguồn lực đến cộng hưởng tinh thần.
Thứ ba, thúc đẩy việc cùng nhau tạo dựng hệ sinh thái ngành Du lịch. Tích hợp các nguồn tài nguyên du lịch của cả hai bên, xây dựng các tuyến du lịch xuyên biên giới đặc sắc, hình thành hệ thống du lịch xuyên biên giới “một hành trình nhiều điểm đến”.
Mục tiêu là cùng nhau tạo dựng một môi trường mới cho việc tiêu dùng văn hóa và du lịch giữa Việt Nam, Trung Quốc và các nước ASEAN, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững và chất lượng.

“Muốn đi là có thể đi” - Hướng tới thuận lợi hóa du lịch 2 chiều
Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hà Vĩ đánh giá: “Du lịch từ lâu đã được xem là chiếc cầu nối hiệu quả giữa con người với con người, giữa nền văn hóa này với nền văn hóa khác”.
Trong những năm gần đây, hợp tác du lịch giữa Trung Quốc và Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành quả đáng khích lệ.
Sau giai đoạn gián đoạn do đại dịch, năm 2024 đã chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ của dòng khách Trung Quốc đến Việt Nam, đạt 3,7 triệu lượt. Riêng trong ba tháng đầu năm nay, Trung Quốc đã trở thành thị trường gửi khách quốc tế lớn nhất của Việt Nam.
“Chúng tôi tin tưởng rằng, với việc đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm và tài nguyên văn hóa - du lịch đặc sắc của tỉnh Hồ Nam, lượng du khách giữa hai nước sẽ không ngừng gia tăng, mở ra những triển vọng hợp tác rộng mở”, ông Hà Vĩ nói.

Ông Hà Vĩ cũng gợi ý việc các doanh nghiệp hai bên sẽ cùng nhau khai thác hiệu quả các “tài nguyên đỏ” và phía Trung Quốc sẽ tổ chức mời thanh niên Việt Nam đến Hồ Nam tham gia các chương trình “hành trình đỏ nghiên cứu, học tập”, góp phần tăng cường giao lưu, hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hai nước.
“Chúng tôi kỳ vọng rằng hai bên sẽ không ngừng tăng cường kết nối chính sách, thúc đẩy thuận lợi hóa thủ tục thị thực, nâng cao tần suất các chuyến bay giữa hai nước, để những chuyến du lịch “muốn đi là có thể đi” trở thành điều bình thường, dễ dàng và thuận tiện”, ông Hà Vĩ nhấn mạnh.
Song song với đó, ông Hà Vĩ mong muốn hai bên tiếp tục đổi mới mô hình hợp tác, cùng phát triển các tuyến du lịch theo chủ đề mới như: Du lịch đỏ, du lịch sinh thái, du lịch bằng xe đạp xuyên biên giới…
Từ đó xây dựng thương hiệu văn hóa - du lịch đặc sắc, mở rộng giao lưu nhân dân, tăng cường hợp tác thanh niên, tổ chức biểu diễn di sản văn hóa phi vật thể và các chương trình điện ảnh.

Những cơ hội hợp tác mới
Phát biểu tại Chương trình, Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho biết: "Trong chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, hai bên đã thống nhất cao về phương hướng lớn phát triển quan hệ song phương trong thời kỳ mới".
Trong đó, tiếp tục làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam -Trung Quốc.
Đặc biệt, du lịch, văn hóa và giao lưu nhân dân được hai bên khẳng định là một trong những trụ cột quan trọng, có vai trò thiết thực trong việc củng cố lòng tin, tăng cường hiểu biết và gắn kết nhân dân hai nước.
Hai bên nhấn mạnh việc triển khai hiệu quả Kế hoạch Hợp tác văn hóa và du lịch giai đoạn 2023-2027, thúc đẩy trao đổi đoàn các cấp, hợp tác quảng bá, phát triển sản phẩm du lịch, đào tạo nguồn nhân lực du lịch, cùng phối hợp tháo gỡ các rào cản kỹ thuật nhằm thuận lợi hóa việc đi lại giữa nhân dân hai nước.

Đáng chú ý, hai bên cũng khẳng định sẽ tăng cường phối hợp quản lý, vận hành hiệu quả Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) và Đức Thiên (Trung Quốc) - một mô hình hợp tác du lịch biên giới tiêu biểu.
“Trên nền tảng các định hướng chiến lược đó, hợp tác du lịch giữa hai nước đang được triển khai bài bản và hiệu quả, thông qua các cơ chế, thỏa thuận hợp tác đã được ký kết ở cấp Bộ và cấp địa phương”, ông Nguyễn Trùng Khánh nói.
Trong đó, các nội dung về chính sách, xúc tiến, đào tạo và giao lưu nhân dân tiếp tục được hai bên phối hợp thực hiện tích cực.

Theo Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh, trong thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong khuôn khổ Năm Giao lưu Nhân văn Việt - Trung 2025.
Ngành Du lịch hai nước đang tích cực tổ chức các hoạt động giao lưu, xúc tiến phong phú. Việt Nam dự kiến tổ chức hai đợt chương trình giới thiệu du lịch tại nhiều thành phố lớn của Trung Quốc, đồng thời phối hợp hỗ trợ các địa phương Trung Quốc tổ chức xúc tiến du lịch tại Việt Nam.
Đây không chỉ là những nỗ lực phục hồi du lịch sau đại dịch, mà còn là những hoạt động mang ý nghĩa nhân văn, góp phần tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thắt chặt tình cảm giữa nhân dân hai nước.

“Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam sẵn sàng đồng hành cùng tỉnh Hồ Nam nói riêng và các địa phương Trung Quốc nói chung trong việc phát triển các sản phẩm du lịch liên tuyến hấp dẫn”, ông Nguyễn Trùng Khánh khẳng định.
Trong đó, tập trung tổ chức các đoàn khảo sát, xúc tiến du lịch hai chiều; thúc đẩy mở rộng đường bay, cải thiện thủ tục visa và tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp lữ hành hai nước.
Cam kết này cũng chính là bước cụ thể hóa những định hướng hợp tác chiến lược đã được lãnh đạo cấp cao hai nước nhất trí, thể hiện tinh thần chủ động và quyết liệt của ngành du lịch Việt Nam trong việc thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc một cách thực chất, hiệu quả và bền vững.
“Tôi nhất trí với đề xuất của ông Tưởng Địch Phi, lãnh đạo tỉnh Hồ Nam và Đại sứ Hà Vĩ về những giải pháp tăng cường hợp tác, hoàn thiện hệ sinh thái giữa 2 nước, đưa khách du lịch tới các địa chỉ đỏ của 2 bên và cùng nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ du khách 2 nước”, ông Nguyễn Trùng Khánh nói.
Tại Chương trình, các đại biểu cũng đã xem các hình ảnh đặc sắc, nghe giới thiệu về sản phẩm văn hóa, du lịch Hồ Nam; Khu danh thắng Lương Sơn (Thiệu Dương, Hồ Nam); Tập đoàn sân bay Hồ Nam; Kế hoạch phát triển ra nước ngoài của Mango…
Trong khuôn khổ Chương trình cũng diễn ra Lễ ký kết hợp tác giữa: Tập đoàn sân bay Hồ Nam và Hãng hàng không Vietjet Air; Hiệp hội Du lịch Hồ Nam và Hiệp hội Du lịch Hà Nội; Công ty TNHH Tập đoàn Văn hóa du lịch Lang Sơn (Hồ Nam) và Công ty du lịch quốc tế Lợi Nguyên Đạt Việt Nam.