Ứng dụng công nghệ trong du lịch tại Việt Nam: Hạn chế và chưa đồng bộ
VHO- “3 năm vừa qua, Du lịch Việt Nam tăng trưởng với tốc độ kỷ lục, khách du lịch quốc tế đến tăng gấp đôi, từ 8 triệu (năm 2016) lên 15,5 triệu (năm 2018). Tuy nhiên, rất khó để đạt mức tăng trưởng 2 con số nếu không nắm bắt công nghệ, phát triển du lịch thông minh”, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam đánh giá tại Hội thảo Du lịch Việt Nam với Cách mạng công nghiệp 4.0 vừa diễn ra tại Hà Nội.
Du khách trải nghiệm thực tế ảo Đi tìm hoàng cung đã mất ở Huế
Để hổng ứng dụng du lịch trên các sàn giao dịch điện tử
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã đem thành tựu vượt bậc của công nghệ số tới mọi lĩnh vực, trong đó có ngành Du lịch. Công nghệ, trí tuệ nhân tạo giúp ngành Du lịch tạo ra nhiều sản phẩm mới hấp dẫn, kích thích tăng trưởng và phát triển du lịch bền vững. Các ứng dụng công nghệ giúp các đơn vị du lịch giảm thời gian, nhân lực, chi phí sản xuất, từ đó giảm giá thành các dịch vụ, mang lại lợi ích cho du khách…
Hiện có 2 loại hình doanh nghiệp liên quan đến du lịch đã tiếp cận với công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để phát triển, đáp ứng nhu cầu của du khách. Trong đó, các doanh nghiệp công nghệ thông tin chuyên nghiên cứu để đưa ra các ứng dụng mới cho ngành du lịch. Thời gian gần đây đã có thêm hàng chục công ty công nghệ thông tin cho ra đời các công cụ giúp những đơn vị du lịch thực hiện các giao dịch đặt phòng, đặt tour, thanh toán thuận lợi, nhanh chóng.
Nhiều công ty công nghệ đã tiến xa hơn với việc tạo ra sàn giao dịch cho các đơn vị du lịch giao dịch. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp làm du lịch cũng ứng dụng các công cụ công nghệ thông tin vào việc kinh doanh lưu trú, bán tour, dịch vụ, bán vé máy bay… nhằm đáp ứng nhu cầu đang ngày càng cao của du khách trong nước, quốc tế. Vì thế, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào phát triển du lịch là xu hướng tất yếu để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Ông Trần Bình Giang, Tổng giám đốc Công ty Tripi cho biết: “Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin ứng dụng dịch vụ của ngành Du lịch trên các sàn thương mại điện tử toàn cầu như: Alibaba, Amazon, Booking... Theo thống kê, tại Barcelona, nền tảng ứng dụng di động gắn liền với CN 4.0 ở rất nhiều ngành nghề, riêng ngành gọi xe trực tuyến có tỷ trọng 3 tỉ đô la Mỹ, Social Media 31 tỉ đô la Mỹ, du lịch trực tuyến là 600 tỉ đô la Mỹ. Mobile Travel là 200 tỉ đô la Mỹ... Tuy nhiên ở Việt Nam hiện nay các sàn thương mại điện tử hầu như để hổng lĩnh vực này”.
Sẽ tạo bước ngoặt trong quảng bá du lịch
Từ những hình ảnh, bài viết hay thông tin được “share”, “like”, “thả tim” qua facebook, twitter, instagram... về các địa điểm du lịch mới lạ với chất lượng dịch vụ tốt thông qua công nghệ 4.0 đã nhanh chóng tạo hiệu ứng đám đông, giúp gây dựng thương hiệu cho điểm đến, thậm chí đó còn là thương hiệu mang tầm vóc, quy mô toàn cầu. Rõ ràng, công nghệ 4.0 đã tạo ra “điểm chạm” không thể ngờ, mang đến những hiệu ứng rộng rãi, chia sẻ với tất cả mọi người, kích thích nhu cầu đi du lịch của người dân, tạo bước ngoặt trong quảng bá, kinh doanh du lịch... Nhưng cũng có thể “chạm rồi chia tay vĩnh viễn” nếu điểm đến không đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch hoặc để lại ấn tượng vô cùng xấu như trả tiền âm phủ cho khách du lịch nước ngoài ở Hà Nội năm 2018 hoặc vụ tàu Hoàng Phương 16 ở Cát Bà nhưng lại được quảng cáo là ở Hạ Long (Quảng Ninh) làm khách du lịch Australia choáng váng và điểm đến Việt Nam bị phơi bày không thương tiếc trên mạng xã hội và báo chí nước ngoài.
Nắm bắt được xu thế sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) mọi lúc mọi nơi, gần như vật bất ly thân trong các chuyến đi của khách du lịch, đặc biệt với các bạn trẻ, các doanh nghiệp về nền tảng du lịch trên điện thoại ở Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển để hoàn thiện, qua đó đem đến cho khách hàng những trải nghiệm tốt nhất qua công nghệ thực tế ảo (VR).
Mới xuất hiện vào những thập niên 90 trở lại đây, thực tế ảo miêu tả một môi trường mô phỏng qua màn hình máy tính hoặc trên các thiết bị chuyên dụng khác với hình ảnh chân thực, sắc nét, những âm thanh gần gũi như thật đem cả không gian thực tế hiện hữu trước mắt du khách. Công nghệ này là tiến bộ trong việc thay đổi trải nghiệm cho người dùng từ bị động chuyển sang chủ động, người dùng được tương tác và di chuyển cũng như chìm đắm trong không gian 3 chiều.
Không riêng gì Việt Nam, nhiều nước trên thế giới hiện nay đang áp dụng công nghệ thực tế ảo trong ngành du lịch-lữ hành. Chỉ cần tìm tên địa điểm mà bạn muốn tới, sau đó nhấp lệnh, mọi không gian như: Huế, Hội An, Tokyo, New York, Paris… hay thậm chí là dưới đại dương xanh thẳm hoặc đỉnh Everest cao vút biểu tượng cho sự chinh phục sẽ ở ngay trước mắt. Công nghệ thực tế ảo cung cấp cho khách hàng những hình ảnh trực quan về phòng nghỉ trong khách sạn, nhà hàng, các điểm tham quan với thời gian thực hiện, chi phí thấp, không giới hạn về phần cứng. Tuy nhiên hiện nay, việc sử dụng công nghệ thế giới ảo tại Việt Nam còn nhiều hạn chế và chưa đồng bộ tại nhiều địa danh.
Rõ ràng, du lịch trong cách mạng công nghiệp 4.0 cũng cần được phát triển một cách thông minh với sự hỗ trợ của công nghệ số. Một mặt phải tuyên truyền sâu rộng về lợi ích của dịch vụ chất lượng cao nhưng cũng phải đối mặt với thách thức khi áp dụng công nghệ số. Vì công nghệ có thể giúp mang lại lợi ích to lớn, tạo ra bước ngoặt trong làm du lịch song thiệt hại cũng sẽ rất khủng khiếp đối với doanh nghiệp nếu chưa từ bỏ được kiểu cách làm chụp giật, thiếu hiểu biết, dối trá… Bên cạnh đó, để phát triển một phần mềm sẽ tốn rất nhiều chi phí và đòi hỏi nhân lực chất lượng cao.
Ông Vũ Thế Bình nhấn mạnh: “Khi phát triển công nghệ thông tin (CNTT), ngành Du lịch cũng sẽ phải chuyển biến theo để thích nghi. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong triển khai, áp dụng công nghệ vào kinh doanh du lịch. Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh truyền thống của ngành Du lịch. Trong khi đó, 98% doanh nghiệp du lịch là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên đã có hàng nghìn doanh nghiệp đang loay hoay, lo lắng trong việc ứng dụng nhanh nhất công nghệ vào hoạt động của mình. Điều này đòi hỏi những doanh nghiệp làm CNTT phải hình thành những sản phẩm công nghệ đơn giản, dễ sử dụng với giá thành hợp lý để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp du lịch này”.
Tốt hay xấu, khiếm khuyết hay vẻ đẹp hoàn mỹ của điểm đến có thể sẽ được lan truyền với tốc độ tính bằng giây trên một thế giới phẳng. Vì thế, điều quan trọng nhất là sản phẩm và chất lượng dịch vụ phải tốt, đúng với những gì quảng bá. Chỉ khi song hành, trung thực được cả 2 kênh quảng bá và chất lượng sản phẩm, khiến cho du khách hài lòng, khi đó du lịch mới có thể phát triển bền vững.
NGUYỄN ANH