Vĩnh Long:

Tìm giải pháp phát triển sản phẩm quà lưu niệm du lịch

THÙY TRANG

VHO - Hiệp hội Du lịch tỉnh Vĩnh Long phối hợp Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật; Sở KH&CN; Sở VHTTDL Vĩnh Long và Cty Tân Hiệp Phát II tổ chức Hội thảo “Phát triển sản phẩm cho thị trường quà tặng, quà lưu niệm du lịch đặc trưng Vĩnh Long”.

Tìm giải pháp phát triển sản phẩm quà lưu niệm du lịch  - ảnh 1

Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long (bên phải) xem các sản phẩm quà tặng du lịch được làm từ gốm đỏ Vĩnh Long

Phát biểu tại hội thảo, TS Phan Văn Phùng - Phó Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Trường ĐH Cửu Long cho rằng, cần phải tìm ra các yếu tố tác động đến mức chi tiêu của du khách, để từ đó phát triển thị trường quà lưu niệm theo nhu cầu cũng như thị hiếu của du khách và khai thác tốt nhất nguồn thu từ các mặt hàng quà lưu niệm.

Ngoài ra, muốn xây dựng và phát triển sản phẩm quà tặng lưu niệm phải có một ban ngành riêng biệt, cụ thể để quản lý hệ thống các sản phẩm quà tặng lưu niệm trên cả hai phương diện kinh tế và du lịch.

Theo chuyên gia, cơ quan ban ngành cần quy hoạch phát triển quà tặng lưu niệm đặc trưng và thể hiện tính thương hiệu theo từng địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

Bên cạnh đó, đầu tư và phát triển quà lưu niệm đặc trưng của từng địa phương bằng cách tăng cường khai thác, kết hợp các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm từ các làng nghề truyền thống nhằm khôi phục và phát huy các làng nghề truyền thống; đồng thời, đa dạng nhiều sản phẩm quà tặng lưu niệm của địa phương.

Tổ chức thiết kế sản phẩm quà lưu niệm và quà tặng là những thiết kế sản phẩm mô phỏng, cách điệu theo các sản phẩm văn hóa đặc trưng, các công trình kiến trúc, danh lam thắng cảnh,... để ứng dụng vào sản xuất sản phẩm trên các chất liệu đa dạng và kích cỡ khác nhau phục vụ nhu cầu quà tặng của du khách.

Tìm giải pháp phát triển sản phẩm quà lưu niệm du lịch  - ảnh 2

Bà Hồ Thanh Thảo, ngụ TP Vĩnh Long giới thiệu sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm du lịch

Bên cạnh đó, người dân địa phương cần có ý thức tự giác, tham gia các buổi họp của cơ quan địa phương để nắm bắt thông tin, chính sách, chiến lược phát triển du lịch được áp dụng.

“Mọi người dân cần phải chung tay giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, văn hóa địa phương trong con người, trong sự thân thiện của hoạt động buôn bán để xây dựng hình ảnh đẹp trong mắt du khách”, TS Phan Văn Phùng nói.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, giới thiệu các tiềm năng, những sản phẩm quà tặng lưu niệm du lịch đặc trưng của tỉnh cùng những giải pháp phù hợp để các sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm thật sự thu hút du khách khi đến tham quan du lịch tại Vĩnh Long.

Các chuyên gia đưa ra nhiều giải pháp gắn kết hiệu quả chuỗi giá trị du lịch, góp phần tăng chi tiêu du khách khi đến địa phương, quảng bá nét văn hoá truyền thống của quê hương Vĩnh Long đến bạn bè trong nước và quốc tế.

Ông Thái Văn Tào, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật cho biết, qua hội thảo này sẽ góp phần nâng cao năng lực và phát huy vai trò của các hội, các tổ chức, đơn vị, chính quyền địa phương cùng tham gia.

Qua đó tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, nhằm liên kết, phối hợp các cấp, các ngành, doanh nghiệp trong tổ chức các hoạt động thúc đẩy phát triển du lịch của địa phương.

“Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật, Hiệp hội Du lịch sẽ phối hợp các ngành, các tổ chức, cá nhân đề xuất bước đầu với tỉnh về lựa chọn quà tặng và quà lưu niệm. Đồng thời cũng sẽ tiếp tục xây dựng các mối liên kết với các tổ chức, cá nhân để mở rộng hoạt động nghiên cứu và ứng dụng, phát triển sản phẩm du lịch…”, ông Thái Văn Tào cho biết.

Tìm giải pháp phát triển sản phẩm quà lưu niệm du lịch  - ảnh 3

Sản phẩm vẽ tranh trên nền gốm đỏ góp phần giữ gìn làng nghề truyền thống và quảng bá các di tích lịch sử, địa điểm nổi tiếng của tỉnh Vĩnh Long

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho hay, Đề án phát triển du lịch đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 của tỉnh Vĩnh Long xác định và tập trung sản phẩm du lịch gồm sản phẩm đặc sắc, dịch vụ chuyên nghiệp, môi trường vệ sinh xanh, sạch, đẹp, an toàn và thân thiện.

Việc phát triển sản phẩm du lịch cần mang tính đặc thù, tạo điểm nhấn đặc trưng của từng địa phương và có tính liên kết cao; ưu tiên các ý tưởng phát triển sản phẩm du lịch phù hợp với thị trường và du khách.

Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh đề nghị thời gian tới, các cấp, các ngành và địa phương trong tỉnh cần quan tâm hỗ trợ phát triển và quy hoạch vùng nguyên liệu sản phẩm du lịch.

Chú trọng hỗ trợ quảng bá và xúc tiến sản phẩm làng nghề trên các kênh thương mại điện tử. Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chính sách cho nghệ nhân làng nghề truyền thống.