Tiềm năng và thách thức trong phát triển du lịch mạo hiểm tại các vườn quốc gia Việt Nam

THÙY TRANG

VHO - Ngày 22.3, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM tổ chức Hội thảo khoa học “Phát triển du lịch mạo hiểm tại các vườn quốc gia ở Việt Nam”.

Tiềm năng và thách thức trong phát triển du lịch mạo hiểm tại các vườn quốc gia Việt Nam - ảnh 1
Các đại biểu chia sẻ tại Hội thảo

Tham dự Hội thảo có PGS.TS Triệu Thế Hùng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá và Xã hội của Quốc hội; các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các trường ĐH, viện nghiên cứu; Ban Quản lý các vườn quốc gia (VQG) ở Việt Nam; các doanh nghiệp lữ hành kinh doanh du lịch mạo hiểm ở các VQG trong cả nước,…

Hội thảo nhằm lắng nghe ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý về thực trạng khai thác du lịch mạo hiểm và tiềm năng phát triển du lịch mạo hiểm ở các VQG của Việt Nam hiện nay.

Trên cơ sở đó, đưa ra định hướng chiến lược, các giải pháp, các mô hình khai thác có hiệu quả loại hình du lịch mạo hiểm ở các VQG.

Hội thảo là một nội dung của đề tài cấp Bộ “Phát triển du lịch mạo hiểm ở các vườn quốc gia” do Trường ĐH Văn hóa TP.HCM thực hiện nghiên cứu.

Đây cũng là sự kiện hướng tới chào mừng 50 năm ngày thành lập Trường ĐH Văn hoá TP.HCM (1976-2026).

PGS.TS Triệu Thế Hùng cho rằng: Trên thế giới, du lịch mạo hiểm luôn được xem là một loại hình hấp dẫn, có đóng góp lớn vào nền kinh tế du lịch và giúp quảng bá hình ảnh đất nước.

Tại Việt Nam, du lịch mạo hiểm đang dần trở thành xu hướng được ưa chuộng và có nhiều cơ hội phát triển.

Các VQG Việt Nam, với hệ sinh thái đa dạng và cảnh quan hùng vĩ, sở hữu tiềm năng lớn để phát triển loại hình du lịch này. Nhiều địa phương đã bắt đầu xây dựng các sản phẩm du lịch mạo hiểm, bước đầu tạo dựng được những thương hiệu du lịch nổi bật.

Tiềm năng và thách thức trong phát triển du lịch mạo hiểm tại các vườn quốc gia Việt Nam - ảnh 2
PGS.TS Triệu Thế Hùng - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá và Xã hội của Quốc hội, phát biểu tại Hội thảo

Theo Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá và Xã hội của Quốc hội, Việt Nam có thuận lợi trong việc phát triển du lịch mạo hiểm nhờ vào hành lang pháp lý đầy đủ, bao gồm Luật Du lịch 2017, Luật Thể dục thể thao 2006 (sửa đổi, bổ sung 2018) và các văn bản pháp lý khác liên quan.

Quan điểm của Đảng và Nhà nước cũng khuyến khích phát triển các ngành du lịch, trong đó có du lịch mạo hiểm, nhằm thúc đẩy nền kinh tế du lịch Việt Nam.

PGS.TS Lâm Nhân - Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, Chủ nhiệm đề tài cho biết: Du lịch mạo hiểm là một phân khúc đặc biệt trong ngành du lịch, kết hợp giữa yếu tố khám phá, phiêu lưu và thử thách với thiên nhiên.

Những năm gần đây, du lịch mạo hiểm đã phát triển mạnh mẽ trên thế giới và tại Việt Nam, trở thành một xu hướng quan trọng trong ngành công nghiệp du lịch. Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển du lịch mạo hiểm nhờ địa hình đa dạng gồm núi, biển, rừng và hệ thống sông suối phong phú.

Một số điểm đến nổi bật cho du lịch mạo hiểm bao gồm trekking ở Sapa, leo núi tại Hà Giang, lặn biển ở Phú Quốc hay dù lượn tại Đà Lạt. Tuy nhiên, bên cạnh tiềm năng, ngành du lịch mạo hiểm ở Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều thách thức.

PGS.TS Phạm Hồng Long - Trưởng khoa Du lịch, Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng cho rằng: Du lịch mạo hiểm đang phát triển mạnh tại nhiều VQG Việt Nam nhờ vào địa hình đa dạng và thiên nhiên hoang sơ.

Các hoạt động chủ yếu gồm trekking, leo núi, thám hiểm hang động, chèo thuyền kayak, quan sát động vật hoang dã... Tuy nhiên, hầu hết các hoạt động du lịch này còn tự phát, thiếu kiểm soát và gây nguy cơ mất an toàn và tác động tiêu cực đến môi trường.

“Mặc dù có tiềm năng lớn, du lịch mạo hiểm tại các VQG đối mặt với nhiều thách thức về chính sách, cơ sở hạ tầng, an toàn và bảo vệ môi trường”, ông Long nhấn mạnh.

Tiềm năng và thách thức trong phát triển du lịch mạo hiểm tại các vườn quốc gia Việt Nam - ảnh 3
Đoàn khảo sát đề tài cấp bộ “Phát triển du lịch mạo hiểm tại các vườn quốc gia ở Việt Nam” thực hiện khảo sát tại VQG Bidoup - Núi Bà, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: DƯƠNG VĂN CHĂM

PGS.TS Bùi Thanh Thủy - Trưởng khoa Du lịch, Trường ĐH Văn hoá Hà Nội, cho rằng việc phát triển du lịch mạo hiểm trong các VQG cần gắn với mục tiêu bảo vệ môi trường.

Bà nhấn mạnh du lịch mạo hiểm cần chú trọng trách nhiệm của du khách đối với môi trường tự nhiên. Bên cạnh đó, cần xây dựng chiến lược bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào địa phương. 

“Cần xây dựng các chương trình du lịch với hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc, tổ chức lễ hội dân gian và lớp truyền nghề. Tăng cường giáo dục về văn hóa, lịch sử cộng đồng và tổ chức giao lưu văn hóa.

Đồng thời, tái đầu tư từ doanh thu du lịch và tài trợ để bảo vệ, duy trì giá trị văn hóa bản địa và phát triển hạ tầng”, PGS.TS Bùi Thanh Thủy nêu ý kiến.

TS Nguyễn Hữu Nam - Tổng Giám đốc DFK Việt Nam, thành viên đề tài cấp Bộ, chia sẻ về góc nhìn tài chính đối với việc ứng xử với đa dạng sinh học và văn hóa bản địa trong du lịch.

Ông nhấn mạnh rằng dù là du lịch mạo hiểm hay du lịch khám phá, mọi loại hình du lịch đều phải gắn liền với văn hóa giáo dục. Những người làm du lịch cần có trình độ chuyên môn và văn hóa để bảo tồn những giá trị này cho thế hệ tương lai.

Nghiên cứu về Công viên địa chất Đắk Nông, ThS John Joshua Coward, chuyên viên Viện Nghiên cứu Giáo dục về môi trường, đại diện Trung tâm RCE British Columbia và North Cascades tại ĐH Simon Fraser, chia sẻ rằng: Công viên địa chất Đắk Nông mang đến cơ hội độc đáo để trải nghiệm sự kết nối mạnh mẽ giữa thiên nhiên và văn hóa.

Tiềm năng và thách thức trong phát triển du lịch mạo hiểm tại các vườn quốc gia Việt Nam - ảnh 4
ThS John Joshua Coward

Việc tích hợp đa dạng sinh học, câu chuyện và kiến thức bản địa một cách hợp lý có thể tạo ra những trải nghiệm phong phú, bảo tồn di sản và trao quyền cho cộng đồng địa phương.

Ông nhấn mạnh rằng giải quyết điểm yếu và tận dụng điểm mạnh sẽ đảm bảo sự phát triển du lịch bền vững và nhạy cảm về văn hóa tại khu vực này.

Trong quá trình nghiên cứu, ông đặc biệt chú ý đến giá trị đa dạng sinh học và tự nhiên được thế giới bảo vệ. Ông cũng chia sẻ về sự giao thoa của các nền văn hóa bản địa với thiên nhiên, điều này đã trở thành nguồn cảm hứng lớn khi ông tham gia vào dự án này.

ThS Chu Phạm Minh Hằng, giảng viên khoa Văn hoá dân tộc thiểu số, Trường ĐH Văn hoá TP.HCM, đã khảo sát du khách và cán bộ quản lý tại các VQG Việt Nam để đánh giá thực trạng và tiềm năng phát triển du lịch mạo hiểm.

Nghiên cứu thu thập dữ liệu từ 100 phiếu khảo sát đối với cán bộ trong ngành và 500 phiếu từ du khách, nhằm phản ánh đánh giá khách quan về các dịch vụ và những khó khăn, thuận lợi tại bốn VQG.

Kết quả cho thấy du lịch mạo hiểm tại các VQG đối mặt với nhiều thách thức. Tài nguyên thiên nhiên chưa được khai thác hiệu quả, với 67% cán bộ quản lý và 65.6% du khách cho rằng đây là vấn đề lớn.

Tài nguyên du lịch nhân văn cũng chưa được phát huy, khiến du khách mong đợi nhiều hơn về yếu tố văn hóa và lịch sử. Cơ chế chính sách còn bất cập, chi phí dịch vụ cao, thiếu nhân sự chất lượng và hạ tầng yếu, ảnh hưởng đến trải nghiệm du lịch...

Bà Hằng cho rằng, để phát triển bền vững, cần cải thiện hạ tầng, đào tạo nhân sự chuyên nghiệp, đa dạng hóa dịch vụ, tăng cường quảng bá và có chính sách hỗ trợ linh hoạt. Chú trọng đến an toàn du khách sẽ nâng cao chất lượng trải nghiệm và thu hút du khách.

Tiềm năng và thách thức trong phát triển du lịch mạo hiểm tại các vườn quốc gia Việt Nam - ảnh 5
Đoàn nghiên cứu thực hiện khảo sát tại vườn quốc gia Phước Bình, tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: DƯƠNG VĂN CHĂM

PGS.TS Lâm Nhân phân tích rằng một vấn đề lớn trong du lịch mạo hiểm là thiếu hệ thống quản lý an toàn và đào tạo hướng dẫn viên chuyên nghiệp. Nhiều công ty chưa có quy trình đánh giá rủi ro đầy đủ, dẫn đến cắt giảm tiêu chuẩn an toàn để tối đa hóa lợi nhuận, gây nguy cơ cho du khách.

Để phát triển du lịch mạo hiểm an toàn và bền vững, cần áp dụng mô hình quản lý rủi ro động, đào tạo hướng dẫn viên về kỹ năng sinh tồn, sơ cứu, quản lý rủi ro và tâm lý du khách, cùng hợp tác với tổ chức quốc tế về huấn luyện an toàn.

Các doanh nghiệp cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng và yêu cầu bảo hiểm du lịch cho du khách.

Doanh nghiệp cần phát triển sản phẩm mạo hiểm thân thiện với môi trường, bảo tồn hệ sinh thái và khuyến khích du khách tham gia bảo tồn, với mô hình du lịch mạo hiểm kết hợp sinh thái, như trekking kết hợp khám phá văn hóa tại các vườn quốc gia.

PGS.TS Triệu Thế Hùng chia sẻ, hệ thống pháp luật hiện nay thiếu chi tiết và một số luật đã trở nên lạc hậu, gây khó khăn cho sự phát triển du lịch mạo hiểm. Ông cho rằng cần phải sửa đổi, bổ sung các đạo luật để tạo ra một hành lang pháp lý thông thoáng và cập nhật với thực tế.

Tiềm năng và thách thức trong phát triển du lịch mạo hiểm tại các vườn quốc gia Việt Nam - ảnh 6
Đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

Đồng thời, ông cũng chỉ ra rằng các vấn đề về thể chế và nguồn nhân lực du lịch vẫn còn thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng, cần nâng cao trình độ quốc tế.

Với vai trò là Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá và Xã hội của Quốc hội, PGS.TS Triệu Thế Hùng cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến và đề xuất từ hội thảo để hoàn thiện chính sách pháp luật, đặc biệt là các quy định về du lịch mạo hiểm, nhằm mục tiêu tạo ra một hệ thống pháp lý rõ ràng, giúp doanh nghiệp đầu tư và hoạt động thuận lợi hơn.