Lượng tìm kiếm quốc tế về Việt Nam tăng mạnh đầu năm 2025:

Triển vọng và thử thách cho ngành Du lịch

NGỌC TRUNG

VHO - Lượng tìm kiếm quốc tế về các điểm đến trong nước tăng cao là minh chứng cho sức hút của du lịch Việt Nam đồng thời phản ánh hiệu quả của các chiến dịch quảng bá và chính sách mở rộng thị thực. Với cơ hội lớn này, ngành Du lịch Việt Nam cần nhanh chóng triển khai các giải pháp đột phá để đón đầu xu hướng, thu hút thêm nhiều du khách quốc tế và nâng cao vị thế trên bản đồ du lịch thế giới.

Triển vọng và thử thách cho ngành Du lịch - ảnh 1
Lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam tăng mạnh đầu năm 2025

 Hiệu quả từ việc quảng bá

Ngay những tháng đầu năm 2025, ngành Du lịch Việt Nam đón nhận tín hiệu đầy lạc quan khi lượng tìm kiếm quốc tế về các điểm đến trong nước tăng trưởng mạnh mẽ. Theo thống kê từ Google Destination Insights, từ cuối tháng 11.2024 đến hết tháng 1.2025, số lượt tìm kiếm liên quan đến du lịch Việt Nam từ các thị trường nước ngoài tăng từ 15% đến 30% so với cùng kỳ năm 2024. Chưa dừng lại, trong nửa đầu tháng 2 năm nay, lượng tìm kiếm quốc tế tiếp tục tăng ở mức 30% - 45%.

Xu hướng này không chỉ phản ánh sự quan tâm ngày càng lớn của du khách quốc tế mà còn cho thấy hiệu quả của các chiến lược quảng bá du lịch mà Việt Nam đang triển khai. Đáng chú ý, những thị trường có mức tăng trưởng tìm kiếm cao nhất bao gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ và một số quốc gia châu Âu như Đức và Anh. Đây đều là những thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam, với lượng khách quốc tế ổn định trong nhiều năm qua. Ngoài ra, đứng ở vị trí thứ hai và thứ ba trong danh sách là Australia và Ấn Độ, hai thị trường tiềm năng còn dư địa rất lớn để tăng trưởng.

Có nhiều lý do góp phần tạo nên sự bùng nổ về lượng tìm kiếm quốc tế đối với du lịch Việt Nam. Trong đó các chiến dịch quảng bá thương hiệu hiệu quả để lại dấu ấn lớn. Tiêu biểu như chương trình xúc tiến quảng bá du lịch - điện ảnh Việt Nam tại Hoa Kỳ.

Đồng thời, ngành du lịch Việt Nam đẩy mạnh chiến lược tiếp thị số (digital marketing), tận dụng nền tảng mạng xã hội, các trang đặt vé, đặt tour trực tuyến và hợp tác với các blogger du lịch nổi tiếng để tăng cường quảng bá hình ảnh đất nước. Các chương trình quảng bá như “Vietnam - Timeless Charm” và “Live Fully in Vietnam” đã thu hút sự chú ý lớn từ du khách quốc tế. Ngoài ra, trong năm 2024, Việt Nam vinh dự nhận ba giải thưởng danh giá: “Điểm đến hàng đầu châu Á”, “Điểm đến di sản hàng đầu thế giới” và “Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á”.

Bên cạnh thương hiệu hấp dẫn, chính sách thị thực Việt Nam rất thuận lợi. Việc mở rộng danh sách các quốc gia được miễn thị thực và kéo dài thời gian lưu trú đã giúp du khách quốc tế dễ dàng tiếp cận Việt Nam hơn. Từ giữa năm 2023, Việt Nam đã áp dụng thị thực điện tử (e-visa) cho công dân của hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, đồng thời tăng thời gian lưu trú cho nhiều nhóm khách quan trọng.

Cơ hội và thách thức

Sáng 19.2, tiếp tục Chương trình kỳ họp bất thường thứ 9, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.

Đáng chú ý, Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu phát triển ngành vận tải hàng không và tạo điều kiện hơn nữa để thu hút khách du lịch nước ngoài; khẩn trương xem xét, quyết định giải pháp đơn phương miễn thị thực nhập cảnh có thời hạn cho công dân một số nước châu Âu, Trung Đông mang hộ chiếu phổ thông; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch; nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, dịch vụ.

Chủ trì cuộc họp Thúc đẩy du lịch “Một hành trình, ba điểm đến” Campuchia - Việt Nam - Lào diễn ra ngày 19.2, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong cũng đã chỉ ra: “Du lịch phải là một trong những ngành kinh tế đi đầu trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, vì khi du lịch tăng trưởng, các ngành kinh tế khác như vận tải, ăn uống… cũng tăng trưởng theo”.

Năm 2025, ngành Du lịch phấn đấu đón và phục vụ 22-23 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 120- 130 triệu lượt khách du lịch nội địa, đóng góp mạnh mẽ vào nền kinh tế quốc gia. Để đạt được mục tiêu này, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp du lịch và các địa phương nhằm tiếp tục phát huy lợi thế và khai thác hiệu quả cơ hội từ lượng tìm kiếm quốc tế tăng cao.

Với những tín hiệu tích cực từ lượng tìm kiếm quốc tế tăng mạnh đầu năm 2025, ngành Du lịch Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển đột phá. Các doanh nghiệp lữ hành cần chủ động triển khai các chiến lược tiếp thị hiệu quả, nâng cao chất lượng dịch vụ và đa dạng hóa sản phẩm để tận dụng xu hướng này. Đồng thời, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp và các đối tác trong ngành sẽ là yếu tố then chốt để nâng cao vị thế du lịch Việt Nam trên bản đồ quốc tế.

Sự chuẩn bị từ doanh nghiệp lữ hành

Phân tích sâu hơn về vấn đề này với Văn Hoá, ông Nguyễn Lê Phúc, PhóCục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho rằng đây là cơ hội để ngành Du lịch nước ta bứt phá và gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Để tận dụng hiệu quả xu hướng, các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam cần chủ động tận dụng cơ hội và triển khai một số nội dung. Thứ nhất là tăng cường quảng bá và tiếp cận khách quốc tế. Đẩy mạnh chiến dịch tiếp thị số trên các nền tảng mạng xã hội, đặc biệt hướng đến các thị trường có lượng tìm kiếm cao. Phối hợp với các OTA (Online Travel Agency) để tăng độ phủ thương hiệu.

Nội dung thứ hai PhóCục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đề cập đến là xây dựng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Thiết kế các tour trọn gói đáp ứng nhu cầu của từng thị trường (du lịch nghỉ dưỡng cho khách Mỹ, du lịch văn hóa cho khách Nhật, du lịch mạo hiểm cho khách Australia). Phát triển các trải nghiệm độc đáo như du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch ẩm thực để thu hút khách hàng thích trải nghiệm mới lạ. Cải tiến dịch vụ du lịch cao cấp (resort, du thuyền, golf, wellness tourism) để đón dòng khách có khả năng chi tiêu cao.

Thứ ba là cần nâng cấp dịch vụ và tiêu chuẩn hóa chất lượng. Đào tạo nhân viên về kỹ năng giao tiếp, phục vụ và hiểu biết văn hóa để nâng cao trải nghiệm khách hàng. Ứng dụng công nghệ (AI Chatbot, ứng dụng di động, dịch vụ thanh toán số) để hỗ trợ khách hàng hiệu quả hơn.

Chuẩn hóa chất lượng dịch vụ theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm tăng uy tín và cạnh tranh với các nước trong khu vực. Thứ tư, tăng cường liên kết, hợp tác với các hãng hàng không để có gói ưu đãi vé máy bay kết hợp tour. Kết nối với các công ty du lịch nước ngoài để xây dựng mạng lưới đối tác và mở rộng thị trường. Tạo các combo liên kết với khách sạn, nhà hàng, dịch vụ vận chuyển để tối ưu trải nghiệm khách hàng.

Cuối cùng, ông Phúc nhấn mạnh: “Chuyển đổi số và cá nhân hóa dịch vụ đóng vai trò quan trọng trong thu hút khách quốc tế. Trong đó, ứng dụng AI và dữ liệu để phân tích hành vi khách hàng và đề xuất gói du lịch phù hợp. Tối ưu hóa website và kênh bán hàng trực tuyến để dễ dàng tiếp cận khách quốc tế. Phát triển chương trình khách hàng thân thiết để tăng tỷ lệ khách quay lại”. 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc