Thị trường khách Ấn Độ: Khó tính nhưng... chi tiêu cao

VHO- Với 1,4 tỉ dân, Ấn Độ là thị trường được đánh giá là “mỏ vàng” của du lịch Việt Nam và đang có tốc độ tăng trưởng cao. Vì thế, cần có những nghiên cứu kỹ lưỡng về xu hướng, nhu cầu, thị hiếu đi du lịch của khách du lịch Ấn Độ và những giải pháp phù hợp, khả thi thu hút khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam.

Thị trường khách Ấn Độ: Khó tính nhưng... chi tiêu cao - Anh 1

 Cần đưa ra nhiều giải pháp để thu hút khách đến từ đất nước có 1,4 tỉ dân Ảnh: HOÀI NAM

Với mục đích trên, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) tổ chức Hội thảo “Giải pháp thu hút khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam” nhằm lấy ý kiến các chuyên gia, doanh nghiệp về một số nội dung, xu hướng, nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch Ấn Độ khi du lịch nước ngoài đến Việt Nam.

Thị trường nguồn tiềm năng

Bà Đỗ Thị Thanh Hoa, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho biết: “Sau Hội thảo, nhóm chuyên gia đang thực hiện nhiệm vụ “Nghiên cứu thị trường khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam” sẽ cân nhắc tiếp thu, đề xuất với Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam giải pháp phù hợp, khả thi nhằm thu hút du khách Ấn Độ đến Việt Nam trong giai đoạn mới”.

Năm 2019, Việt Nam đã đón 169.000 lượt khách Ấn Độ. Tốc độ tăng trưởng khách của thị trường này rất cao (gần 28%), cao thứ 3 trong số các thị trường khách du lịch của Việt Nam, sau Thái Lan (46%, đạt 510.000 lượt) và Đài Loan (Trung Quốc) (gần 30%, đạt 927.000 lượt). Mặc dù tăng trưởng nhanh, nhưng số khách Ấn Độ đến Việt Nam còn khiêm tốn so với gần 5 triệu lượt khách Ấn Độ đến Đông Nam Á, 1,74 triệu lượt đến Thái Lan, 1,6 triệu lượt đến Singapore. Tức là khách Ấn Độ tới Việt Nam chỉ bằng 1/10 so với đến Thái Lan và Singapore.

Dự báo của Hãng thông tấn CNN cho thấy, lượng khách Ấn Độ đi du lịch nước ngoài sẽ phục hồi hoàn toàn trong năm 2024, đạt mức 28,5 triệu lượt khách trong năm 2025. CEO của trang thông tin du lịch Agoda dự báo rằng sẽ có sự tăng trưởng bùng nổ khách Ấn Độ đi nước ngoài và sẽ trở thành thị trường du lịch nước ngoài tăng trưởng nhanh nhất trong vài năm tới. Đây là thị trường nguồn tiềm năng mà quốc gia nào cũng mong muốn thu hút. Trang web đặt phòng Agoda cũng dự đoán, lượng khách Ấn Độ đến đến Việt Nam “tăng ít nhất 1.000% so với trước dịch”. Dữ liệu của Agoda chỉ ra lượt tìm kiếm tới Việt Nam của khách Ấn Độ tăng thêm 390% so với năm 2019.

Cần nắm bắt nhu cầu

Việt Nam được đánh giá là điểm đến khá mới mẻ đối với khách du lịch Ấn Độ, có nhiều thắng cảnh đẹp, khí hậu đa dạng, nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, ẩm thực phong phú, đa dạng. Người Ấn Độ rất quan tâm tới ẩm thực. Họ luôn tự hào về ẩm thực nước mình và nếu điểm đến nước ngoài không có ẩm thực Ấn Độ sẽ không hấp dẫn được họ. Du khách Ấn Độ chọn tới Việt Nam với nhiều lý do, trong đó Việt Nam là một điểm đến có mức chi tiêu rẻ hơn so với một số nước Đông Nam Á khác. Một chuyến du lịch đến Việt Nam rẻ hơn ít nhất 10-15%.

Bên cạnh đó, đối với nhiều người Ấn Độ, Việt Nam vẫn là một đất nước chưa được khám phá. Nơi đây cũng cho một trải nghiệm du lịch dễ dàng hơn đối với du khách Ấn Độ khi được cấp visa nhập cảnh ở sân bay. Đó là sức hấp dẫn của điểm đến. Nhiều công ty tổ chức tour du lịch Ấn Độ cho biết, ở Việt Nam dịch vụ rất đa dạng, chất lượng. Địa điểm du lịch thì từ biển đến núi hoặc thành phố vô cùng nhộn nhịp. Du khách Ấn Độ tìm kiếm các trải nghiệm văn hóa, ẩm thực mới và cả nhu cầu mua sắm. Đặc biệt, trong thời gian gần đây nổi lên xu hướng tổ chức đám cưới, tuần trăng mật, tiệc sinh nhật...

Ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ trì nhiệm vụ “Nghiên cứu thị trường khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam” chia sẻ: “Qua nghiên cứu các tài liệu, phỏng vấn sâu các chuyên gia, khách du lịch Ấn Độ thường thích khám phá những điểm đến mới. Họ yêu thích mua sắm, tham gia các hoạt động ngoài trời, tham quan các bảo tàng, di tích văn hóa, lịch sử. Bên cạnh sở thích ở những resort đẹp, khách Ấn Độ còn thích tiêu dùng, ăn uống, dự tiệc”.

Bên cạnh đó, người Ấn Độ đặt yếu tố gia đình vào vị trí quan trọng, họ thường đi du lịch với gia đình hoặc nhóm bạn bè mà ít khi đi du lịch một mình. Khách du lịch Ấn Độ sử dụng dịch vụ có mức trung bình khá, thường tính toán, suy xét kỹ lưỡng các lựa chọn về đi lại, ăn uống. Do ảnh hưởng bởi truyền thống văn hóa phân biệt đẳng cấp trong xã hội, khách Ấn Độ thích chọn dịch vụ theo kiểu ông bà chủ, được phục dịch. Đây là yếu tố khác biệt so với văn hóa đối đẳng của khách du lịch châu Âu. Thường xuyên ứng dụng và sử dụng công nghệ phát triển, người Ấn Độ thường tiếp nhận, tìm hiểu thông tin điểm đến, sản phẩm du lịch qua hệ thống các trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội trước khi đưa ra quyết định du lịch. Ngoài ra, các yếu tố an ninh, an toàn, đồ ăn phù hợp ảnh hưởng tới quyết định lựa chọn điểm đến của khách Ấn Độ.

Xu hướng, thị hiếu của khách du lịch Ấn Độ đi du lịch nước ngoài rất rõ ràng. Thị trường du lịch nước ngoài của Ấn Độ đã chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể và nhu cầu ngày càng tăng trong những năm gần đây. Du khách Ấn Độ tìm kiếm những trải nghiệm và điểm đến mới ngoài các điểm du lịch truyền thống. Khách du lịch Ấn Độ nằm trong số những người chi tiêu cao nhất thế giới cho mỗi chuyến thăm thực hiện ở nước ngoài. Họ chi tiêu nhiều hơn cho khách sạn, đồ điện tử và quà tặng.

PGS.TS Phạm Hồng Long, Chủ nhiệm Khoa Du lịch học Đại học KHXHNV Hà Nội) cho rằng, mặc dù khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam ngày càng tăng nhưng đến nay vẫn chưa có thống kê cụ thể, đầy đủ về nguồn nhân lực phục vụ thị trường khách này. Các con số thống kê chủ yếu liên quan tới đội ngũ hướng dẫn viên du lịch. Tuy nhiên, cập nhật đến tháng 8.2023 của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, cả nước hiện nay chưa có hướng dẫn viên tiếng Hindi nào. Đây sẽ là hạn chế lớn khi đón khách Ấn Độ. Và việc phát triển đội ngũ hướng dẫn viên tiếng Hindi và hướng dẫn viên tiếng Anh đáp ứng thị trường này là nhu cầu bức thiết.

Đại diện các doanh nghiệp hiện nay đang đón khách Ấn Độ tới Việt Nam cho rằng, Việt Nam đang rất thiếu nhà hàng có Chứng nhận Halal (chứng nhận xác nhận rằng các sản phẩm và dịch vụ đáp ứng các yêu cầu của luật Hồi giáo) phục vụ khách Ấn Độ và người theo đạo Hồi. Thiếu khách sạn có phòng cầu nguyện hoặc phòng khách sạn có mũi tên Qibla (mũi tên chỉ hướng cầu nguyện, rất quan trọng trong tín ngưỡng Hồi giáo).

Trước sự “bủa vây” của các điểm đến “đối thủ” trong khu vực Đông Nam Á, các doanh nghiệp du lịch Việt Nam đang rất cần có sự hỗ trợ về cơ sở dữ liệu đón khách Ấn Độ và chuẩn bị cơ sở vật chất kỹ thuật, hướng dẫn viên… để đón khách từ thị trường lớn nhất thế giới này. 

 NGUYỄN ANH

Ý kiến bạn đọc