Theo “dấu” làng nghề phố Hội
VHO - Ở những làng nghề truyền thống có tuổi đời hàng trăm năm của vùng đất di sản Hội An, thợ làm một nghề thường ở chung một làng, các nghề chịu ảnh hưởng ít nhiều của người Chiêm Thành. Một số nghề có nguồn gốc Thanh - Nghệ do di dân Thanh - Nghệ mang vào. Đặc biệt, một số nghề khai thác, sản xuất do chính cư dân địa phương sáng tạo nên.
Hiện nay, thành phố Hội An có 4 làng nghề và 1 phố nghề đèn lồng. Có 6 nghề đã được Bộ VHTTDL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là nghề gốm Thanh Hà; mộc Kim Bồng; trồng rau Trà Quế; khai thác yến Thanh Châu; đan võng ngô đồng Cù Lao Chàm; làm nhà tre, dừa Cẩm Thanh.

Các làng nghề đều có tuổi đời hàng trăm năm, được bảo tồn, phát huy, gìn giữ và đến nay người dân làng nghề vẫn sống được với nghề truyền thống, mở rộng, sáng tạo những giá trị lâu đời để tạo nên những sản phẩm tinh xảo, có giá trị trong đời sống hiện đại.

Đặc biệt, các làng nghề truyền thống của Hội An với những nét đặc trưng riêng có về cảnh quan sinh thái, không gian kiến trúc độc đáo, với các sinh hoạt văn hóa cộng đồng giàu bản sắc đã trở thành những điểm tham quan du lịch trải nghiệm hấp dẫn.

Làng gốm Thanh Hà (phường Thanh Hà) là điểm đến được khá đông du khách tìm đến trong lộ trình tham quan Hội An để cùng các nghệ nhân làng nghề trải nghiệm làm gốm thủ công.

Làng rau Trà Quế (xã Cẩm Hà) có 202 hộ dân tham gia hoạt động trồng rau với 326 lao động trực tiếp trên diện tích 18 hecta đất canh tác mang lại nguồn thu nhập ổn định.


Nghề khai thác yến sào Thanh Châu là làng nghề khai thác tổ chim yến trong các hang đá ở đảo Cù Lao Chàm, ra đời từ thế kỷ XVI dưới thời chúa Nguyễn.

Nghề làm nhà tre, dừa ở Cẩm Thanh phản ánh lịch sử hình thành, phát triển làng xã và các làng nghề, ngành nghề truyền thống ở xã Cẩm Thanh nói riêng và đô thị, thương cảng Hội An nói chung.

Dựa vào nguồn vật liệu sẵn có, cư dân địa phương đã sáng tạo trong việc gia công, lắp dựng nhà tre, dừa phù hợp với điều kiện, môi trường sống. Phương thức làm nhà tre, dừa mang đặc trưng riêng của vùng đất Hội An, thể hiện khả năng thích ứng của người dân trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Nghề đan võng ngô đồng xã đảo Tân Hiệp (Cù Lao Chàm, TP.Hội An) đã tồn tại và phát triển trong nhiều thế kỷ qua.

Hội An còn có phố nghề đèn lồng tại khu vực khối An Hội, phường Minh An với hơn 3.000 lao động tham gia chế tác, sản xuất. Nghề làm đèn lồng Hội An có từ khá lâu, nhưng thật sự hồi sinh khi Hội An tổ chức Hội Tết Trung Thu lần đầu tiên vào năm 1998.


Hội An đã được công nhận là thành phố di sản và là thành phố sáng tạo của UNESCO trên lĩnh vực Thủ công và Nghệ thuật dân gian. Đây là động lực để thành phố không ngừng đổi mới, sáng tạo và nỗ lực hơn nữa trong việc gìn giữ, bảo tồn làng nghề truyền thống.


Nhìn chung, công tác bảo tồn và phát huy giá trị các nghề/làng nghề truyền thống ở Hội An trong thời gian qua đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận.


Việc giữ gìn phát triển nghề/làng nghề truyền thống cũng góp phần quan trọng bảo tồn và giữ gìn nét văn hóa truyền thống đặc sắc của mỗi làng/xã; tạo cơ hội giao lưu văn hóa, phát triển kinh tế xã hội thông qua hoạt động du lịch - dịch vụ, góp phần quan trọng đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới ở Hội An.