Bảo tồn, phát huy nghề thủ công theo xu hướng xanh

VHO - Những ngày đầu năm 2024, chính quyền và người dân TP Hội An (Quảng Nam) đón nhận tin vui khi địa phương có hai nghề thủ công truyền thống vừa được ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Bảo tồn, phát huy nghề thủ công theo xu hướng xanh - Anh 1

 Sản phẩm võng ngô đồng được đan kỳ công, tỉ mỉ

 Song song với công tác bảo tồn nghề, Hội An cũng nỗ lực khơi mở, phát huy giá trị nội hàm để phát triển du lịch làng nghề theo hướng xanh, bền vững…
Tiếp thêm động lực bảo tồn nghề thủ công
Ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết, ngày 21.2 vừa qua, Bộ VHTTDL đã ban hành các Quyết định số 380, 381 về việc công bố danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia với hai nghề thủ công truyền thống là Làm nhà tre, dừa ở Cẩm Thanh và Đan võng ngô đồng ở Cù Lao Chàm. Đây niềm tự hào của cộng đồng Hội An và những người thực hành di sản, tiếp thêm động lực để bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ở Hội An nói riêng và di sản văn hóa Hội An nói chung.
Nghề làm nhà tre, dừa ở Cẩm Thanh phản ánh lịch sử hình thành, phát triển làng xã và các làng nghề, ngành nghề truyền thống ở xã Cẩm Thanh và đô thị - thương cảng Hội An. Dựa vào nguồn vật liệu sẵn có, cư dân địa phương nơi đây đã sáng tạo nên những tri thức liên quan đến việc gia công, lắp dựng nhà tre, dừa phù hợp với điều kiện, môi trường sống. Phương thức làm nhà mang đặc trưng riêng của vùng đất Hội An, không phải nơi nào cũng có được; từ kiểu dáng hình thức đến kỹ thuật xử lý nguyên liệu, kỹ thuật gia công, lắp dựng đều thể hiện sự sáng tạo, tính cần cù, ham học hỏi của những người thợ lành nghề.
Sự tồn tại và phát triển của nghề Làm nhà tre, dừa thể hiện khả năng thích ứng của người dân trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tạo nên cơ sở dữ liệu khoa học cho việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể phục vụ công tác bảo vệ, phát huy di sản nghề truyền thống tại địa phương nói riêng, Hội An nói chung. Đây cũng là kiểu mẫu phản ánh chân thực nhất về làng quê, làng nghề truyền thống để phục vụ công tác nghiên cứu khoa học về các lĩnh vực văn hóa, xã hội, kinh tế…
Trong khi đó, nghề Đan võng ngô đồng đã tồn tại và phát triển ở vùng biển đảo Cù Lao Chàm trong nhiều thế kỷ qua. Không chỉ mang giá trị vật chất đơn thuần, chiếc võng ngô đồng còn gắn liền với sự hình thành và phát triển của vùng đất Cù Lao Chàm, trong đó ẩn chứa những tâm tư, tình cảm của người dân xứ đảo. Sản phẩm là kết quả của quá trình lao động và sáng tạo liên tục của cư dân nơi đây. Trải qua quá trình tồn tại và phát triển lâu dài, những chiếc võng ngô đồng truyền thống đã trở thành sản phẩm văn hóa tiêu biểu, đặc trưng của đảo Cù Lao Chàm, là thành tố không thể thiếu trong đời sống văn hóa của cư dân địa phương.

Bảo tồn, phát huy nghề thủ công theo xu hướng xanh - Anh 2

 Tour du lịch trải nghiệm rừng dừa nước Cẩm Thanh

Khai mở giá trị làng nghề để phát triển du lịch xanh
TP Hội An vừa gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO ở lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian, đây là lĩnh vực gắn rất nhiều với kho tàng di sản văn hóa phi vật thể. Các giá trị từ làng nghề thủ công truyền thống chính là những sản phẩm du lịch có hàm lượng văn hóa cao, sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ làng nghề ở Hội An ngày càng được du khách yêu thích, lựa chọn làm quà lưu niệm.
Thời gian qua, nghệ nhân làng nghề, doanh nghiệp du lịch, cơ sở sản xuất… ở các làng nghề Hội An đang nỗ lực cùng với chính quyền, ngành du lịch giữ gìn, bảo tồn nghề truyền thống. Song song đó là nỗ lực khơi mở, phát huy giá trị nội hàm để phát triển du lịch làng nghề theo hướng xanh, bền vững.
Theo đại diện HTX Du lịch làng nghề Cù Lao Chàm, việc lồng ghép hoạt động sản xuất, trình diễn nghề đan võng gắn với phát triển du lịch văn hóa đã góp phần cải thiện sinh kế cho người dân xã đảo, thêm động lực để nghệ nhân bảo tồn, trao truyền nghề cho những người kế cận, tạo cơ hội để nghề được bảo tồn bền vững.
Sản phẩm võng ngô đồng truyền thống của cư dân Cù Lao Chàm là một dạng thức văn hóa dân gian, góp phần minh chứng cho sự tiếp cận, khai thác khá sớm nguồn tài nguyên rừng, nhằm thích ứng với địa hình biển đảo của cộng đồng cư dân nơi đây. Việc phát triển du lịch gắn với quảng bá, giới thiệu nghề đan võng thời gian gần đây là hướng đi đúng đắn và phù hợp. Phát triển du lịch văn hóa, trong đó có hoạt động trải nghiệm nghề Đan võng ngô đồng đem lại nguồn lợi cho địa phương, góp phần bảo tồn những nét đẹp văn hóa của dân tộc, giải quyết công ăn việc làm cho những lao động tại chỗ và cải thiện đời sống người dân.
Tại Cẩm Thanh, từ nhiều năm qua, các tour du lịch khám phá Rừng dừa nước Bảy Mẫu - Cẩm Thanh gắn với trải nghiệm đời sống sông nước, khám phá các di tích lịch sử, xem trình diễn và mua các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ dừa nước… phát triển mạnh mẽ. Việc công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia với nghề Làm nhà tre, dừa Cẩm Thanh là động lực để chính quyền, người dân ở đây bảo tồn nghề truyền thống, song song với giữ gìn môi trường, xây dựng các sản phẩm du lịch xanh, hạn chế tác động xấu đến hệ sinh thái rừng dừa, gắn với công tác bảo tồn, phát triển vùng nguyên liệu rừng dừa nước.
Ngoài việc sử dụng các giá trị di sản văn hóa phi vật thể của nghề trong lao động sản xuất, gìn giữ và phát huy, di sản văn hóa phi vật thể của nghề Làm nhà tre, dừa còn được trình diễn tại chỗ để phục vụ du khách tham quan và trong các hoạt động lễ hội, xúc tiến du lịch, làng nghề truyền thống, triển lãm trưng bày…; góp phần thúc đẩy sự phát triển làng nghề, giới thiệu quảng bá hình ảnh, đặc sản địa phương.
Được biết, TP Hội An hiện có hơn 50 nghề thủ công truyền thống. Ngoài hai nghề vừa được công nhận nói trên, trước đó Hội An cũng đã có bốn nghề được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, bao gồm: Khai thác yến sào Thanh Châu, Gốm Thanh Hà, Mộc Kim Bồng và Trồng rau Trà Quế. Cùng với đó, những sản phẩm du lịch văn hóa khai thác dựa trên giá trị làng nghề, gắn với câu chuyện nghề, trình diễn nghề, sản phẩm gắn với bảo vệ môi trường cũng đã được xây dựng, phát triển và ngày càng thu hút khách như học làm nông dân Trà Quế, khám phá Rừng dừa nước Cẩm Thanh, xem trình diễn đan võng ngô đồng và các sản phẩm từ ngô đồng, tham quan, trải nghiệm nghề tại làng gốm, làng mộc….
Các giá trị di sản văn hóa phi vật thể này là nguồn tài nguyên văn hóa, nguồn nguyên liệu mang nội hàm văn hóa cao cho quá trình phát triển của Hội An, đóng góp vào hoạt động du lịch, nuôi dưỡng, phát triển sự sáng tạo. 

 KHÁNH CHI

Ý kiến bạn đọc