Sức bật từ văn hóa bản địa

VHO- Cùng với những kỳ quan, di sản nổi tiếng của “vương quốc hang động”, Quảng Bình còn được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ giữa đại ngàn Trường Sơn và dọc theo hệ thống đường Hồ Chí Minh huyền thoại.

Sức bật từ văn hóa bản địa - Anh 1

 Phụ nữ người Bru - Vân Kiều chuẩn bị món ăn phục vụ du khách

Phát triển du lịch cộng đồng gắn với nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số đang được các địa phương ở tỉnh Quảng Bình quan tâm đầu tư tạo được sức hút với khách du lịch.

Xây dựng bản du lịch

Những ngày tháng 6, khi nắng trải vàng khắp miền biên giới ở phía tây tỉnh Quảng Bình, chúng tôi theo đường Hồ Chí Minh chạy dài như dải lụa giữa bạt ngàn màu xanh của núi rừng để đến những bản du lịch ở nơi vùng núi cao. Ở gần trung tâm xã Ngân Thủy (huyện Lệ Thủy), thung lũng bản Còi Đá và hệ thống hang Chà Lòi - nơi từng in dấu chân Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bộ đội trong những năm chiến tranh đã trở thành sản phẩm du lịch độc đáo ở miền tây Lệ Thủy.

Bản Còi Đá, xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy nằm ở giữa thung lũng rộng lớn, được bao bọc bởi các dãy núi đá vôi với nhiều hang động lớn nhỏ và những dòng suối trong xanh. Nếu như trước đây thung lũng bản Còi chỉ là đồng cỏ bỏ hoang thì nay đã trở thành nơi cắm trại của du khách để trải nghiệm thiên nhiên tươi đẹp và khám phá nét văn hóa độc đáo, thưởng thức các sản vật nổi tiếng của đồng bào Bru - Vân Kiều nơi đây. Đến hang Chà Lòi, du khách được chiêm ngưỡng vô vàn măng đá và thạch nhũ còn nguyên sơ tạo thành nhiều hình thù kỳ lạ như khơi gợi sự liên tưởng của mỗi người. Hang có dòng sông ngầm nước biếc xanh, mát lạnh và các hồ nước nhỏ, là nơi sinh sống của một số loài tôm, cá có màu trong suốt rất đặc biệt.

Là doanh nghiệp đang khai thác tour du lịch ở vùng dân tộc Bru - Vân Kiều sinh sống (ở xã Ngân Thủy), ông Trần Xuân Cương, Giám đốc Công ty Netin cho rằng, để phát triển bền vững du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phải dựa vào tài nguyên và cộng đồng. Theo đó, dân bản tham gia vào hoạt động du lịch bằng cách cung cấp sản vật địa phương để chế biến thành món ăn, biểu diễn các nhạc cụ truyền thống phục vụ khách tham quan. Bên cạnh đó, công ty phối hợp mở các lớp tập huấn, hướng dẫn cách chế biến và trình bày món ăn, kỹ năng, thao tác sử dụng các thiết bị bảo hộ khi du lịch khám phá mạo hiểm, hỗ trợ khuân vác cho khách… để tạo việc làm cho người bản địa.

Anh Hồ Văn San (36 tuổi, ở bản Còi Đá) là nhân viên Công ty Netin chia sẻ, trước đây mình sống dựa vào rừng, vất vả nhưng thu nhập không ổn định. Từ khi được vận động tham gia làm du lịch, đời sống của gia đình mình đã được cải thiện, thu nhập ổn định hơn. Còn với bà Hồ Thị Hương (người nấu ăn cho khách du lịch) phấn khởi cho biết, du khách rất thích thú với món ăn và sản vật của người dân bản địa.

Ngược ra phía bắc, theo tuyến đường 12A huyền thoại, du khách đến với bản Dộ - Tà Vờng ở xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa. Ở trên những ngọn đồi bát úp, dưới chân dãy Giăng Màn, bản Dộ - Tà Vờng đẹp như một bức tranh thủy mặc và ẩn chứa những huyền tích văn hóa đậm chất sử thi của người Mày (dân tộc Chứt). Từ trên cao nhìn xuống, giữa màu xanh thẫm của rừng già, xanh non của lúa rẫy, những ngôi nhà sàn của đồng bào người Mày trông thật bình yên. “Mày” - theo tiếng của tộc người này có nghĩa là đầu nguồn con nước.

Gìn giữ nét văn hóa gắn với phát triển du lịch

Trên địa bàn tỉnh Quảng Bình hiện có hai dân tộc thiểu số chính là Bru - Vân Kiều và dân tộc Chứt. Mỗi dân tộc và tộc người có giá trị văn hóa độc đáo riêng và có quá trình giao lưu, đan xen văn hóa nên tạo ra đa sắc màu văn hóa ở mỗi địa phương. Những giá trị văn hóa này cùng với tài nguyên thiên nhiên có giá trị lớn để phát triển kinh tế - xã hội nói chung và ngành du lịch nói riêng.

Ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình cho biết, trong số hơn 40 sản phẩm du lịch mà Quảng Bình đang khai thác, nhiều sản phẩm du lịch văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã bước đầu tạo được sức hút với khách du lịch trong nước và quốc tế như: Khám phá hang động thiên nhiên và tìm hiểu văn hóa cộng đồng người Bru - Vân Kiều; trải nghiệm thiên nhiên và văn hóa tại vùng đồng bào Rục ở Thượng Hóa; khám phá khe nước Trong, suối Tiên và chinh phục thác Cổng Trời; khám phá thiên nhiên Hóa Sơn - hang Rục Mòn...

Các chương trình tham quan di tích lịch sử, trải nghiệm văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trên tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại cũng là những sản phẩm du lịch đặc trưng của Quảng Bình. Một số lễ hội văn hóa độc đáo được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, như lễ hội đập trống của người Ma Coong ở huyện Bố Trạch; lễ hội trỉa lúa của người Bru - Vân Kiều ở hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy; hò thuốc cá huyện Minh Hóa, đã trở thành các sự kiện văn hóa, du lịch thu hút sự quan tâm của nhân dân và khách du lịch.

Sở Du lịch Quảng Bình cho biết thêm, tháng 6.2022, Tỉnh ủy Quảng Bình ban hành nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa, an ninh, trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, tỉnh xác định nhiệm vụ quan trọng là phát triển các sản phẩm du lịch tìm hiểu văn hóa - lịch sử; sản phẩm du lịch theo dòng lịch sử kết hợp với sinh hoạt lễ hội và văn hóa nghệ thuật dân gian; hình thành các điểm du lịch văn hóa tộc người.

Triển khai thực hiện nghị quyết này, Sở Du lịch Quảng Bình tổ chức chương trình khảo sát các sản phẩm du lịch ở các bản, làng có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nơi cư trú của các tộc người thiểu số còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa độc đáo. Từ đó, ngành du lịch Quảng Bình có kế hoạch, giải pháp phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống khu vực miền núi. 

 TÂN BÌNH

Ý kiến bạn đọc