Quảng Trị đẩy mạnh quảng bá du lịch

HOÀNG OANH

VHO - Quảng Trị - mảnh đất đầy tự hào với bề dày lịch sử và văn hóa, là nơi ghi dấu nhiều sự kiện trọng đại trong lịch sử dân tộc. Không chỉ sở hữu các di tích lịch sử quan trọng, Quảng Trị còn có tiềm năng phát triển du lịch với những thắng cảnh thiên nhiên tươi đẹp, ẩm thực độc đáo và sự mến khách của người dân địa phương.

Quảng Trị đẩy mạnh quảng bá du lịch - ảnh 1
Đua thuyền trên sông Bến Hải. Ảnh: DƯƠNG MINH TUẤN

 Để phát huy các giá trị vốn có và tạo sức bật mới cho ngành Du lịch, địa phương đã và đang tập trung mạnh mẽ vào các hoạt động quảng bá, xúc tiến nhằm phát triển du lịch nhanh, bền vững, từ quá khứ hướng đến tương lai.

Mảnh đất giàu truyền thống lịch sử và nền tảng văn hóa đặc sắc

Quảng Trị là một trong những địa phương giàu truyền thống lịch sử nhất của Việt Nam. Nơi đây từng là chiến trường ác liệt trong các cuộc kháng chiến, để lại những di tích có giá trị lớn như: Thành cổ Quảng Trị, địa đạo Vịnh Mốc, cầu Hiền Lương - sông Bến Hải... Những địa danh này không chỉ mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc mà còn là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế.

Ngoài ra, Quảng Trị còn có nền văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc thiểu số như Pa Kô, Vân Kiều, Tà Ôi với những lễ hội, phong tục và làn điệu dân ca độc đáo. Văn hóa dân gian hòa quyện với thiên nhiên, như điệu múa cồng chiêng dưới bóng rừng Trường Sơn hay những món ăn dân dã đó là bánh lọc Mỹ Chánh, bún hến Mai Xá, đã tạo nên sức hấp dẫn riêng biệt của Quảng Trị.

Quảng Trị đẩy mạnh quảng bá du lịch - ảnh 2
Hồ thủy điện Rào Quán. Ảnh: V.N.E

Trong những năm qua, Quảng Trị đã nỗ lực không ngừng trong việc quảng bá hình ảnh địa phương qua việc triển khai các chiến dịch quảng bá qua cơ quan báo chí chính thống, nền tảng số như website, mạng xã hội và các ứng dụng du lịch thông minh. Tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch như Lễ hội Vì Hòa bình, Lễ hội Nhịp cầu Xuyên Á, Ngày hội thống nhất non sông tại cầu Hiền Lương, Liên hoan ẩm thực… đã thu hút đông đảo du khách và nhà đầu tư. Quảng Trị cũng tích cực tham gia các hội chợ du lịch quốc tế, hợp tác quảng bá điểm đến tại các thị trường tiềm năng Thái Lan, Lào, Hàn Quốc.

Thực tế cho thấy, một số sản phẩm du lịch như: “Ký ức chiến tranh - Khát vọng hòa bình” gắn với Lễ hội Vì Hòa bình; “Bí ẩn miền đất thiêng”; chương trình “Tri ân Thành Cổ - Sưởi ấm dòng sông lửa - Khám phá đảo tiền tiêu Cồn Cỏ”; chương trình du lịch đêm Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn - Thành Cổ Quảng Trị - Bến thả hoa sông Thạch Hãn... thời gian qua đã tạo được sức hút với nhiều du khách.

Năm 2024, tổng lượng khách tham quan, du lịch đến Quảng Trị đạt trên 3 triệu lượt với 168.000 lượt khách quốc tế; tổng doanh thu du lịch xã hội đạt trên 2.400 tỉ đồng (tăng 31,8% so với năm 2023). Trong đó doanh thu lưu trú, lữ hành đạt trên 975 tỉ đồng (tăng 43,3% so với năm 2023). Ước tính, số lượt khách du lịch tới Quảng Trị đến năm 2025 là 3,25 triệu lượt, đạt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 35/2017/NQ-HĐND ngày 14.12.2017 của HĐND tỉnh về việc thông qua Đề án quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Trị đến năm 2025, định hướng đến 2030.

Quảng Trị đẩy mạnh quảng bá du lịch - ảnh 3
Thác Đỗ Quyên. Ảnh: V.N.E

Cần chiến lược quảng bá du lịch bài bản

Ông Phạm Hải Quỳnh, Viện trưởng Viện phát triển du lịch châu Á cho rằng, để thúc đẩy phát triển du lịch Quảng Trị, cần xây dựng thương hiệu du lịch Quảng Trị và đẩy mạnh truyền thông thương hiệu đó. Việc xây dựng thương hiệu là nền tảng quan trọng để quảng bá du lịch. Quảng Trị cần xác định rõ các giá trị cốt lõi và hình thành hệ thống các sản phẩm du lịch đặc trưng, có thế mạnh bao gồm: Du lịch lịch sử cách mạng, du lịch văn hóa, du lịch hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội, du lịch DMZ: Tôn vinh các di tích lịch sử như Thành cổ Quảng Trị, địa đạo Vịnh Mốc và tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại, cầu Hiền Lương, sông Bến Hải… Đồng thời, phát triển các tour du lịch tâm linh tại các địa điểm: Trung tâm Hành hương Đức mẹ La Vang, chùa Sắc Tứ Tịnh Quang; du lịch biển đảo tới Cồn Cỏ, Cửa Tùng, Cửa Việt; du lịch nông nghiệp, nông thôn tới các huyện Hướng Hóa, Đakrông…

Quảng Trị đẩy mạnh quảng bá du lịch - ảnh 4
Thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa. Ảnh: VÕ VĂN THANH

Tập trung khai thác du lịch sinh thái gắn với tiềm năng tại các địa danh như Suối nước nóng Klu, bãi biển Cửa Tùng, Cửa Việt, rừng Trường Sơn. Du lịch văn hóa và ẩm thực gắn với phát huy giá trị văn hóa dân gian của đồng bào các dân tộc thiểu số và ẩm thực đặc trưng như Bánh ướt Phương Lang, rau liệt Gio An, thịt trâu lá trơng, cháo cá Vạc giường...

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh quảng bá qua các kênh truyền thông hiện đại, tăng cường ứng dụng công nghệ số: Video, infographic, e-magazine và blog du lịch để quảng bá trên các báo điện tử có lượng độc giả cao và trên nền tảng mạng xã hội như YouTube, TikTok, Facebook, Zalo… Mời các KOLs, các blogger du lịch nổi tiếng trải nghiệm và quảng bá du lịch Quảng Trị qua các chuyến đi thực tế. Phát triển một nền tảng trực tuyến tích hợp thông tin điểm đến, lịch trình, dịch vụ đặt phòng, vé tham quan… liên tục cập nhật thông tin để phục vụ nhu cầu tìm kiếm, đặt dịch vụ của khách du lịch…

Tổ chức các sự kiện lớn để thu hút khách du lịch, quảng bá hình ảnh địa phương, kết nối các doanh nghiệp du lịch trên toàn quốc. Tổ chức định kỳ các festival du lịch, liên hoan âm nhạc, lễ hội ẩm thực… để giới thiệu các giá trị văn hóa, ẩm thực và tiềm năng du lịch. Kết nối các di sản của Quảng Trị với các điểm đến trong khu vực ASEAN. Ví dụ như hình thành hành trình “Con đường di sản Đông Dương”. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lữ hành quảng bá và phát triển sản phẩm du lịch đặc thù. Tập huấn kỹ năng phục vụ du lịch cho cộng đồng, nâng cao nhận thức về vai trò của du lịch trong phát triển kinh tế địa phương. Khuyến khích cộng đồng tham gia vào các hoạt động bảo tồn văn hóa, phát triển du lịch cộng đồng.

Quảng Trị đẩy mạnh quảng bá du lịch - ảnh 5
Trekking ở Quảng Trị. Ảnh: V.N.E

Định hướng phát triển du lịch Quảng Trị bền vững

“Để quảng bá du lịch hiệu quả và bền vững, Quảng Trị cần có tầm nhìn chiến lược dài hạn. Trong đó, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng: Phát triển giao thông, cơ sở lưu trú và dịch vụ hỗ trợ tại các điểm du lịch. Đẩy mạnh liên kết vùng qua việc hợp tác với các địa phương lân cận như Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam để xây dựng các tuyến du lịch liên kết hấp dẫn. Tập trung vào các sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường, giảm thiểu tác động tiêu cực đến hệ sinh thái”, ông Phạm Hải Quỳnh gợi ý.

Từ một vùng đất mang nặng dấu ấn quá khứ, Quảng Trị đang từng bước khẳng định vị thế của mình trên bản đồ du lịch. Tin rằng, với việc xây dựng chiến lược quảng bá bài bản, sự đầu tư đồng bộ và sự chung tay của cộng đồng, Quảng Trị hoàn toàn có thể trở thành điểm đến hấp dẫn, không chỉ giữ chân du khách mà còn tạo ấn tượng sâu sắc trong lòng mỗi người khi đến đây.

Ông Phạm Hải Quỳnh nhấn mạnh: “Sứ mệnh đưa du lịch Quảng Trị phát triển không chỉ là trách nhiệm của chính quyền địa phương mà cần có sự chung tay của toàn xã hội, để từ đó, những giá trị lịch sử, văn hóa và thiên nhiên của vùng đất này được bảo tồn và lan tỏa tới du khách trong và ngoài nước”. 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc