Bắc Ninh:

Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

QUỲNH HOA

VHO - Những năm qua du lịch Bắc Ninh có chuyển biến rất tích cực, các chỉ tiêu phát triển khá cao: Tốc độ tăng trưởng lượng khách và doanh thu năm 2023, 2024 đều đạt trên 40%; dự báo năm 2025 có thể còn cao hơn, nhiều địa danh văn hóa của tỉnh lọt top xu hướng tìm kiếm trên mạng...

Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn - ảnh 1
Giới thiệu di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh tại Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp với sự tham dự của nhiều đại biểu và bà con kiều bào Việt Nam sống tại Thủ đô Paris

 Những con số biết nói này chính là minh chứng rõ rệt cho hiệu quả của các chính sách, định hướng và hành động quyết liệt nhằm phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn (theo Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050).

 Định vị thương hiệu du lịch “Về miền Quan họ”

Nằm ở cửa ngõ phía Đông Bắc của thủ đô Hà Nội, thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Bắc Ninh có truyền thống lịch sử, văn hiến lâu đời, nơi hội tụ kho tàng di sản văn hóa đồ sộ và độc đáo. Đó là hơn 1.500 di tích lịch sử và công trình văn hóa đặc sắc tiêu biểu, đặc biệt dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Cùng với đó là nhiều di sản văn hóa phi vật thể, lễ hội, làng nghề truyền thống... là lợi thế, tiềm năng để tỉnh Bắc Ninh triển khai chiến lược phát triển du lịch với mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trở thành trung tâm văn hóa du lịch của cả nước.

Với di sản dân ca Quan họ được UNESCO công nhận năm 2009, Bắc Ninh xây dựng thương hiệu du lịch “Về miền Quan họ” nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước. Chiến lược này bao gồm việc tổ chức các chương trình biểu diễn dân ca Quan họ, trưng bày tranh dân gian Đông Hồ và các hoạt động văn hóa khác để quảng bá hình ảnh Bắc Ninh - Kinh Bắc.

Trong suốt 16 năm qua, tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều chủ trương chính sách bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đại diện của nhân loại. Theo đó, cùng với việc khôi phục lại không gian diễn xướng của các làng Quan họ gốc, phát triển các làng Quan họ thực hành, thành lập nhiều CLB quan họ, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với các làng Quan họ gốc, làng Quan họ thực hành, CLB Dân ca Quan họ; nghệ nhân, nghệ sĩ Dân ca Quan họ Bắc Ninh…

Đến nay trên địa bàn tỉnh có 44 làng quan họ gốc, 150 làng Quan họ thực hành, gần 400 CLB Dân ca Quan họ, với hàng chục nghìn người ở các độ tuổi tham gia, trong đó có hơn 600 người có khả năng truyền dạy.

Trên phạm vi cả nước và ở nước ngoài đã có hàng trăm CLB Dân ca Quan họ Bắc Ninh được thành lập và duy trì hoạt động thường xuyên. Điều đó cho thấy, dân ca Quan họ Bắc Ninh càng “danh thơm nức tiếng” và có sự lan tỏa mạnh mẽ.

Đặc biệt, MV ca nhạc “Bắc Bling” đã thành công vang dội, không chỉ ở con số đạt gần 200 triệu lượt xem mà còn giới thiệu được những hình ảnh đẹp tiêu biểu nhất về con người và di sản của quê hương Bắc Ninh, từ Quan họ, nón quai thao, con đê dọc triền sông với đám rước linh đình trong lễ hội, tục têm trầu, mời trầu cho đến những danh lam thắng cảnh đặc trưng của Bắc Ninh như chùa Dâu, đền Bà Chúa Kho, làng gốm Phù Lãng, tranh Đông Hồ… nhiều địa điểm văn hóa của Bắc Ninh đã được tìm kiếm tạo sức hút mạnh mẽ cho tỉnh.

Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn - ảnh 2
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn (thứ 2 từ phải sang) giới thiệu nghề làm tranh Đông Hồ với các đại biểu và đông đảo người dân, du khách tại không gian phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội)

Những hành động cụ thể

Từ định hướng quy hoạch phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Sở VHTTDL đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh Bắc Ninh; trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 406/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”; Chương trình hành động thực hiện Chiến lược tổng thể phát triển du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch phục hồi phát triển hoạt động du lịch sau đại dịch Covid-19...

Mới đây nhất, ngày 15.4.2025, tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Công điện số 34/CĐ-TTg (ngày 10.4.2025) của Thủ tướng Chính phủ về việc thúc đẩy phát triển du lịch, bảo đảm thực hiện tốc độ tăng trưởng kinh tế hai con số trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

Đánh giá về những khởi sắc trong phát triển du lịch của tỉnh, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Bắc Ninh Nguyễn Trung Khuê cho rằng, nguyên nhân mấu chốt là tỉnh tập trung vào việc xây dựng chiều sâu cho các sản phẩm, vừa tinh tế, vừa khác biệt, để tạo nên sức hút lâu dài.

Cụ thể năm 2024 toàn tỉnh đón khoảng 2,3 triệu lượt khách, doanh thu đạt 1.900 tỉ đồng; trong 6 tháng đầu năm 2025, Bắc Ninh đón trên 2 triệu lượt khách tổng doanh thu trên 2.000 tỉ đồng, riêng trong dịp nghỉ lễ 30.4 và 1.5 lượng khách đến Bắc Ninh đạt 75.000 lượt, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2024, doanh thu đạt 52 tỉ đồng.

Không chỉ giới thiệu, quảng bá hình ảnh, con người, di sản văn hóa Bắc Ninh qua Quan họ, qua MV “Bắc Bling”, qua các sản phẩm, chương trình xúc tiến du lịch... tỉnh còn mời gọi người dân, du khách trong và ngoài nước đến trải nghiệm thực tế bằng các tour du lịch miễn phí “Tinh hoa văn hóa Bắc Ninh - Sắc màu di sản”.

Tạo ấn tượng từ những ngày đầu mở tuyến, năm 2025 là năm thứ 2 tour du lịch miễn phí được tổ chức và đã đạt được tăng trưởng ngoạn mục. “Tinh hoa văn hóa Bắc Ninh - Sắc màu di sản” nhận được sự ủng hộ và đánh giá cao của đông đảo nhân dân và du khách thập phương, tạo sự lan toả rộng rãi.

Ban đầu Sở VHTTDL chỉ tổ chức 2 tour/ ngày (4 chuyến) nhưng để đáp ứng nhu cầu rất lớn của du khách, tỉnh Bắc Ninh đã tăng số lượng tour du lịch từ 2 lên 4 tour, tăng số lượng chuyến từ 4 lên 8 chuyến; chuyển từ đăng ký trực tiếp sang đăng ký online đối với các tour du lịch miễn phí; điều chỉnh, bổ sung các điểm du lịch mới... Lãnh đạo Sở VHTTDL Bắc Ninh cho hay, các tour du lịch miễn phí đều kín chỗ, mỗi tuần có khoảng 600 - 700 người đăng ký; lượng khách ngoài chương trình miễn phí cũng tăng cao.

Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn - ảnh 3
Du khách đến Bắc Ninh tham gia tour du lịch miễn phí “Tinh hoa văn hóa Bắc Ninh - Sắc màu di sản” ngày càng tăng

Phó Giám đốc Sở VHTTDL Nguyễn Trung Khuê cho biết, mục tiêu kế hoạch đến năm 2030 du lịch Bắc Ninh đón và phục vụ 4,5 - 5 triệu lượt khách, tổng thu đạt 4.500 tỉ đồng. Đồng thời, phát triển thêm từ 3 - 5 sản phẩm du lịch, tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm du lịch văn hóa.

Đặc biệt là phát triển dịch vụ, sản phẩm du lịch văn hóa, các tiện ích du lịch, ứng dụng công nghệ số; hoàn thiện hệ thống tour du lịch, điểm du lịch, từng bước tạo dựng thương hiệu, đầu tư phát triển từ 1 - 2 mô hình du lịch cộng đồng từ các làng Quan họ; hoàn thành cơ sở dữ liệu văn hóa du lịch của tỉnh...

“Để đạt được mục tiêu này, Bắc Ninh đã có chủ trương phát triển các khu du lịch trọng điểm và sản phẩm du lịch đặc trưng như khu du lịch núi Dạm tại TP Bắc Ninh, kết hợp giữa du lịch văn hóa, tâm linh và vui chơi giải trí hiện đại; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch như dân ca Quan họ, tranh dân gian Đông Hồ, các di tích lịch sử - văn hóa...

Bên cạnh đó là tăng cường hợp tác công - tư và thu hút đầu tư vào du lịch nhằm huy động nguồn lực xã hội hóa cho phát triển hạ tầng du lịch, dịch vụ và sản phẩm du lịch mới. Sự hợp tác này góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm và tăng sức cạnh tranh cho du lịch Bắc Ninh”, ông Nguyễn Trung Khuê chia sẻ.

Hiện nay, mô hình hợp tác công - tư (Lãnh đạo công - Quản trị tư) đã được thể hiện rõ nét trong các chương trình lễ hội lớn như Lễ hội Lim, Lễ hội kỷ niệm Lý Thái Tổ đăng quang, Festival Dân ca Quan họ…

Trong đó, Nhà nước giữ vai trò chỉ đạo, định hướng, kiểm soát chất lượng nội dung gắn với bản sắc văn hóa còn khâu tổ chức sự kiện, truyền thông, trải nghiệm dịch vụ lại được xã hội hóa, giao cho các đơn vị chuyên nghiệp thực hiện. Sự kết hợp này vừa đảm bảo tính truyền thống, vừa đưa vào yếu tố hiện đại, tạo nên sức sống mới cho lễ hội, thu hút lượng lớn du khách.

Theo các chuyên gia, để thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, du lịch Bắc Ninh cần biến văn hóa thành giá trị cốt lõi, nâng cấp trải nghiệm, hiện đại hóa cách truyền tải và kết nối di sản với công nghệ số, công nghiệp sáng tạo. Bắc Ninh có đủ tài nguyên, đủ bản sắc, điều còn lại là tư duy làm du lịch và tâm huyết từ trái tim của những người yêu văn hóa Kinh Bắc.