Phát triển du lịch gắn với các giá trị văn hóa lịch sử, di sản vùng Đông Bắc
VHO - Ngày 3.11, trong khuôn khổ Ngày hội VHTTDL vùng Đông Bắc lần thứ XI, tại thành phố Lạng Sơn diễn ra Hội thảo khoa học "Du lịch văn hóa vùng Đông Bắc - Khơi nguồn và phát triển”. Hội thảo thu hút sự tham dự đông đảo của các chuyên gia, nhà khoa khọc, nhà quản lý cùng các doanh nghiệp đến từ nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.
Nằm trong chuỗi các sự kiện Ngày hội VHTTDL các tỉnh Đông Bắc do Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức, Hội thảo được tổ chức nhằm trao đổi, phân tích, đánh giá thực trạng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống vùng Đông Bắc trong giai đoạn hiện nay.
Đồng thời, bàn luận thống nhất, đề xuất định hướng và giải pháp liên kết, khai thác tiềm năng, lợi thế du lịch để phát triển kinh tế địa phương vùng Đông Bắc trong thời gian tới.
Hội thảo có sự tham dự đông đảo của các chuyên gia du lịch đến từ các viện nghiên cứu các trường đại học, doanh nghiệp kinh doanh du lịch, cơ quan quản lý du lịch của các tỉnh, thành phố: TP.HCM, Bắc Giang Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Thái Nguyên…
Hội thảo gồm có hai nội dung, trao đổi, tham luận về phát triển du lịch văn hóa vùng Đông Bắc và sơ kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP.HCM và 9 tỉnh vùng Đông Bắc.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, trao đổi về thực trạng phát triển du lịch vùng Đông Bắc. Trong đó, các tham luận nhấn mạnh các vấn đề về môi trường và tài nguyên thiên nhiên trong phát triển du lịch; phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng vùng Đông Bắc; phát triển các chương trình du lịch văn hóa truyền thống và các sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm đời sống văn hóa vùng Đông Bắc.
Đồng thời, các chuyên gia, các nhà quản lý đã đề cập một số giải pháp đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực cho đội ngũ hướng dẫn viên và nhân viên ngành du lịch, đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch văn hóa; ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số hỗ trợ nâng cao trải nghiệm, quảng bá và quản lý du lịch văn hóa...
Tại Hội thảo, các đại biểu đều khẳng định giá trị tài nguyên du lịch nói chung và tài nguyên du lịch văn hóa văn hóa nói riêng của vùng rất đặc sắc của vùng Đông Bắc.
Vùng Đông Bắc sở hữu cảnh quan thiên nhiên đa dạng, kỳ vĩ, giúp nhiều địa phương trở thành những điểm đến du lịch hấp dẫn của du khách. Nơi đây cũng là nơi tập trung sinh sống của nhiều cộng đồng dân tộc ít người mang các sắc màu văn hoá khác nhau, đa dạng về bản sắc và cá tính độc đáo.
Tuy nhiên, hiện nay, phần lớn các địa phương trong vùng còn gặp nhiều thách thức, khó khăn trong việc xây dựng sản phẩm du lịch nói chung và sản phẩm đặc thù nói riêng trên cơ sở khai thác các giá trị văn hoá của địa phương.
Nhiều khu du lịch, điểm du lịch văn hoá chưa được đầu tư đúng tầm dẫn đến chất lượng sản phẩm du lịch thiếu sức hút. Nhiều chương trình du lịch văn hoá còn đơn điệu và trùng lặp, dịch vụ du lịch chất lượng thấp, ít hấp dẫn...
Các đại biểu đã đề xuất một số giải pháp phát triển bền vững du lịch văn hóa trong vùng Đông Bắc. Theo đó, cần tăng cường nhận thức phát triển du lịch văn hóa về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo tồn di sản văn hóa; gắn cộng đồng địa phương - chủ nhân thực sự của các di sản có được quyền làm chủ các di sản của mình, từng bước thu hút cộng đồng tham gia quản lý; vừa khai thác các lợi ích kinh tế do du lịch mang lại đồng thời vừa bảo tồn văn hóa địa phương.
Tăng cường triển khai các cơ chế chính sách trong bảo tồn, phát huy giá trị tài nguyên du lịch văn hóa. Ngoài ra, các tỉnh cần quan tâm xây dựng cơ chế, chính sách phát triển du lịch có khả thi nhằm kêu gọi các dự án đầu tư phát triển hạ tầng du lịch.
Cùng với đó, việc đổi mới và sáng tạo trong thiết kế sản phẩm du lịch để thu hút du khách đóng vai trò quan trọng trong phát triển du lịch bền vững. Việc thiết kế các sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường, thúc đẩy bảo tồn văn hóa địa phương và phát triển cộng đồng giúp ngành Du lịch phát triển mà không gây ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội và môi trường.
Bên cạnh đó, cần tăng cường xúc tiến, quảng bá và phát triển thương hiệu du lịch gắn với các giá trị văn hóa lịch sử, di sản. Xây dựng chiến lược dài hạn về đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch và bảo tồn, phát huy các giá trị di sản, trong đó tập trung đào tạo chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu, phát triển du lịch.
Đặc biệt, cần liên kết, hợp tác phát triển, khai thác giá trị tài nguyên văn hóa trong vùng. Liên kết phát triển du lịch văn hóa, xây dựng sản phẩm đặc trưng không bị trùng lặp, có chất lượng cao, tạo thế cạnh tranh và tạo thương hiệu cho toàn vùng...
Cũng trong khuôn khổ Hội thảo đã diễn ra Sơ kết hợp tác liên kết phát triển du lịch giữa TP.HCM với các tỉnh Đông Bắc giai đoạn 2024 – 2025.
Trong năm 2024, 9 tỉnh, thành phố, gồm TP.HCM, Bắc Kạn, Bắc Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc đã trao đổi thông tin nhằm xây dựng định hướng cho phát triển các sản phảm du lịch tại địa phương, khai thác hiệu quả các giá trị tài nguyên du lịch tự nhiên đa dạng và đặc trưng của vùng góp phần triển khai chương trình “Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển” của ngành du lịch và đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế xã hội của cả vùng nói riêng, cả nước nói chung.
Tuy nhiên, tại buổi sơ kết, các đại biểu cũng thẳng thắn thừa nhận hiệu quả hoạt động của Nhóm liên kết vẫn chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có. Cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch các địa phương vùng Đông Bắc chưa đáp ứng được phân khúc khách hàng hạng cao cấp từ thị trường TP.HCM.
Cùng với đó, công tác quản lý hoạt động liên kết du lịch chưa đồng bộ, nên việc liên kết để tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm du lịch của các tỉnh còn lỏng lẻo, rời rạc, sự liên kết mang tính chất đơn điệu, chỉ mới dừng lại ở những hoạt động mang tính bề nổi.
Chương trình liên kết, hợp tác vẫn còn mang tính hình thức, chưa tạo ra bước đột phá trong liên kết phát triển du lịch, các hoạt động nội dung hợp tác chưa được đổi mới.
Việc liên kết xây dựng tour du lịch gắn kết với các sự kiện của các địa phương chưa được phát huy và tạo ra các chương trình, sản phẩm mới; kết nối các tour, tuyến, khu du lịch chưa tạo sự liên kết dịch vụ khép kín các sản phẩm du lịch lẫn các dịch vụ du lịch nhằm kết nối các nguồn khách, tiết kiệm chi phí, tăng tính cạnh tranh cho du lịch của Vùng.
Doanh nghiệp du lịch các địa phương chưa thực sự gắn kết để tạo thành các chương trình du lịch mới, hấp dẫn, đặc trưng, phong phú nhằm quảng bá điểm đến, thương hiệu của mỗi địa phương.
Chất lượng dịch vụ chưa đồng đều gây ảnh hưởng đến trải nghiệm của du khách và làm giảm sức hút du lịch của cả vùng. Các hoạt động quảng bá và xây dựng thương hiệu du lịch tại điểm đến còn mang tính riêng lẻ từng địa phương, chưa có chiến lược quảng bá chung để tạo lan tỏa…
Do đó, để việc liên kết trong Nhóm đạt hiệu quả cao trong năm 2025, các đại biểu cho rằng cần tiếp tục phối hợp, chia sẻ kinh nghiệm quản lý nhà nước về du lịch; tích cực tổ chức và tham gia các hoạt động, sự kiện chung trong khuôn khổ hợp tác và các sự kiện hưởng ứng diễn ra trên địa bàn các tỉnh trong Nhóm.
Cùng với đó, các địa phương đẩy mạnh liên kết phát triển sản phẩm du lịch thông qua việc tổ chức hoạt động đổi mới sáng tạo; tham gia liên kết tiêu thụ các sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng của các tỉnh; tổ chức Famtrip xây dựng chương trình du lịch, tuyến du lịch liên kết vùng; tham gia đoàn khảo sát, học tập kinh nghiệm xây dựng mô hình điểm đến tham quan du lịch.
Đặc biệt, cần nghiên cứu xây dựng, làm mới các sản phẩm du lịch độc đáo, tiêu biểu của khu vực; tập trung nghiên cứu mở rộng thị trường khách du lịch và xây dựng chiến lược xúc tiến riêng cho từng sản phẩm, tour, tuyến liên kết; phối hợp thực hiện chương trình xúc tiến du lịch tại một số thị trường du lịch quốc tế trọng điểm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, châu Âu…