Phát triển du lịch gắn với bảo tồn di sản văn hóa, đa dạng sinh học
VHO - Các hoạt động du lịch đảm bảo nguyên tắc bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, tài nguyên thiên nhiên, khai thác lợi thế của từng địa phương là hướng đi chủ đạo mà ngành du lịch Quảng Nam.
Tại Hội thảo “Phát triển du lịch gắn với bảo tồn đa dạng sinh học Quảng Nam 2024” do Sở VHTTDL phối hợp Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam vừa tổ chức mới đây, nhiều ý kiến của đại biểu nhìn nhận, hoạt động du lịch, một mặt góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng; mặt khác, cũng là yếu tố làm biến dạng, làm thay đổi bản sắc văn hóa và lối sống truyền thống của cộng đồng, đồng thời có không ít tác động tiêu cực tới môi trường sinh thái.
Bên cạnh kết quả đã đạt được, phát triển du lịch ở nước ta thời gian qua nói chung và tại Quảng Nam nói riêng đã và đang đặt ra thách thức không nhỏ đối với việc bảo vệ các di sản và sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa, với yêu cầu bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển du lịch bền vững.
Sự phát triển nhanh chóng của du lịch ở một số khu vực, tình trạng quá tải điểm đến (overtourism) đã tác động tiêu cực đến các hệ sinh thái tự nhiên, làm vượt quá sức chịu tải của môi trường, gây ảnh hưởng đến các loài động, thực vật, làm mất môi trường sống, kiếm ăn cũng như làm suy giảm các giá trị đa dạng sinh học.
Trong khi đó, các sản phẩm được định hướng đầu tư, khai thác như du lịch sâm, dược liệu, du lịch dưới tán rừng, du lịch hồ thủy điện... trên địa bàn tỉnh Quảng Nam vẫn đang dừng ở mức khảo sát tiềm năng, công tác kêu gọi xúc tiến đầu tư, khai thác loại hình du lịch này đã được tích cực triển khai nhưng kết quả vẫn chưa được như mong đợi do còn nhiều bất cập về cơ chế, chính sách đầu tư, khai thác…
Chính vì thế, phát triển du lịch dựa vào thiên nhiên và đa dạng sinh học, bảo tồn phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống, khai thác thế mạnh của từng địa phương để tạo sản phẩm du lịch đặc trưng là góp phần phát triển du lịch bền vững, nâng cao tính cạnh tranh.
Ông Văn Bá Sơn- Phó Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Nam chia sẻ: Thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều nghị quyết chủ trương phát triển du lịch quan trọng, với quan điểm “bảo tồn để phát triển, phát triển để bảo tồn” và xây dựng bộ tiêu chí Du lịch xanh.
Đồng thời xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển du lịch là tập trung phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng có sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo nguyên tắc phát triển du lịch bền vững, theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, có trọng tâm, trọng điểm.
Phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, tài nguyên thiên nhiên, khai thác lợi thế của từng địa phương và hình thành các cụm điểm du lịch có tính liên kết tạo thành sản phẩm du lịch đặc trưng, đặc sắc của Quảng Nam.
Với quan điểm đó, ngành du lịch Quảng Nam đã bước đầu xây dựng được thương hiệu, hình ảnh “Quảng Nam – Điểm đến du lịch xanh”, được nhiều tổ chức trong và ngoài nước đánh giá cao, nhiều địa phương trong nước đến tham quan, học tập, chia sẻ kinh nghiệm.
“Đối với du lịch, đa dạng sinh học có ý nghĩa rất quan trọng vì môi trường lành mạnh là yếu tố then chốt đối với sức cạnh tranh của ngành du lịch”, ông Văn Bá Sơn- Phó Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Nam nhấn mạnh.
Bờ biển, núi, sông và rừng là những điểm thu hút chính đối với khách du lịch trên toàn thế giới. Đa dạng sinh học nằm ở trung tâm của các sản phẩm du lịch dựa trên thiên nhiên – chẳng hạn như ngắm động vật hoang dã, lặn biển hoặc du lịch trong các khu bảo tồn.
Du lịch kết nối con người với thiên nhiên, nó có thể thúc đẩy trách nhiệm bảo tồn và bảo vệ môi trường nếu được thực hiện một cách bền vững. Đa dạng sinh học là nguồn tài nguyên quan trọng để phát triển du lịch sinh thái, bền vững.
Ngược lại, các hoạt động du lịch bền vững góp phần gìn giữ, bảo tồn các giá trị dịch vụ hệ sinh thái, nâng cao ý thức gìn giữ, giúp bảo vệ môi trường sống của con người, đảm bảo sự hài hòa về môi trường sống cho các loài động, thực vật.
Đồng thời, du lịch bền vững giúp khai thác nguồn tài nguyên một cách khoa học, qua đó cung cấp những lợi ích kinh tế - xã hội, dịch vụ cho cộng đồng địa phương, cung cấp công ăn việc làm, cải thiện sinh kế và góp phần xóa đói giảm nghèo.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hải (Học Viện nông nghiệp Việt Nam) nhấn mạnh, du lịch bền vững giúp khai thác nguồn tài nguyên một cách khoa học, qua đó cung cấp những lợi ích kinh tế - xã hội, dịch vụ cho cộng đồng địa phương, góp phần cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập cho cộng đồng là cách tiếp cận hài hào và bền vững giữa con người với thiên nhiên.