Ninh Bình nỗ lực thu hút các nhà làm phim từ Hollywood và phát triển công nghiệp văn hoá

THUÝ HÀ, ảnh: TRÀNG AN

VHO - Tham gia Chương trình xúc tiến du lịch, điện ảnh Việt Nam tại Hoa Kỳ do Bộ VHTTDL tổ chức từ ngày 23-25.9, ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Ninh Bình cho biết: “Chuyến đi lần này rất ý nghĩa và hiệu quả khi tỉnh Ninh Bình đang xây dựng mục tiêu đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ”.

Ninh Bình nỗ lực thu hút các nhà làm phim từ Hollywood và phát triển công nghiệp văn hoá - ảnh 1
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh, Giám đốc Sở VHTT Ninh Bình Nguyễn Mạnh Cường và đại diện các doanh nghiệp trong tỉnh tham gia đoàn công tác của Bộ VHTTDL xúc tiến du lịch, điện ảnh tại Hoa Kỳ

“Chúng tôi cũng mong muốn, trở thành thành phố sáng tạo; một trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của cả nước và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương”, ông Nguyễn Mạnh Cường nói.

Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xác định rõ quan điểm “tập trung phát triển kinh tế nhanh và bền vững, với mô hình phát triển “xanh”, lấy du lịch và công nghiệp văn hóa làm mũi nhọn”.

Ninh Bình định hướng xây dựng và phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình là ngành kinh tế mũi nhọn, có thương hiệu và hình ảnh riêng gắn với tiềm năng, giá trị Cố đô Hoa Lư và Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An.

Ninh Bình nỗ lực thu hút các nhà làm phim từ Hollywood và phát triển công nghiệp văn hoá - ảnh 2
Bà Phạm Thu Hằng trao đổi với ông Nicholas Simon, Tổng giám đốc Indochina Productions về việc mời các đoàn làm phim Hollywood tới Ninh Bình

Trong đó, phát triển 4 nhóm sản phẩm du lịch chính: Nhóm sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử là nhóm sản phẩm du lịch đặc thù, mang thương hiệu riêng cho du lịch Ninh Bình; nhóm sản phẩm du lịch tham quan thắng cảnh thiên nhiên; nhóm sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe gắn với các khu nghỉ dưỡng cao cấp và các hệ sinh thái biển, rừng, các nguồn khoáng nóng; nhóm sản phẩm du lịch sáng tạo theo tư duy đột phá, có hàm lượng chất xám cao, tiết kiệm tài nguyên.

Phát triển 3 nhóm sản phẩm du lịch phụ trợ: Nhóm sản phẩm du lịch chuyên đề về khám phá tự nhiên, lễ hội, ẩm thực; nhóm sản phẩm du lịch liên ngành: du lịch MICE (gắn với sự kiện hội nghị, hội thảo), du lịch nông nghiệp, du lịch thể thao, du lịch giáo dục, du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm phim trường…; nhóm sản phẩm du lịch liên vùng.

Ninh Bình nỗ lực thu hút các nhà làm phim từ Hollywood và phát triển công nghiệp văn hoá - ảnh 3
Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường (Ninh Bình) và Công ty Indochina Productions ký kết thoả thuận hợp tác

Phương hướng phát triển các ngành công nghiệp văn hoá gắn với kinh tế sáng tạo, kinh tế di sản nêu rõ: Đến năm 2025 sẽ xác lập các điều kiện, tiền đề, nền tảng cho hình thành đồng bộ hệ sinh thái các sản phẩm công nghiệp văn hoá, kinh tế sáng tạo, kinh tế di sản từ thiết kế, sản xuất, phân phối, tiêu dùng, cơ chế bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, xây dựng thương hiệu và định giá thương hiệu; quy hoạch phát triển các ngành có lợi thế; đầu tư xây dựng một số hạ tầng kỹ thuật, thiết chế, sản phẩm công nghiệp văn hoá, kinh tế sáng tạo chủ lực; cơ cấu lại, chuyển đổi phương thức hoạt động một số lĩnh vực dịch vụ văn hoá theo định hướng công nghiệp văn hoá.

Giai đoạn 2026-2030, tạo đột phá đưa công nghiệp văn hoá, kinh tế sáng tạo, kinh tế di sản trở thành ngành kinh tế quan trọng đóng góp vào tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, cơ cấu lại nền kinh tế, quảng bá tiềm năng, sức mạnh mềm của tỉnh Ninh Bình. Định hình cơ bản các ngành, sản phẩm công nghiệp văn hoá, kinh tế sáng tạo và kinh tế di sản có lợi thế, sức cạnh tranh, giá trị thương hiệu cao trong khu vực và thế giới.

Ninh Bình nỗ lực thu hút các nhà làm phim từ Hollywood và phát triển công nghiệp văn hoá - ảnh 4

Phấn đấu đến năm 2030 các thiết chế văn hoá và hệ sinh thái công nghiệp văn hoá, kinh tế sáng tạo, kinh tế di sản được xây dựng theo hướng đồng bộ, hiện đại, thông minh. Định hình phát triển sản phẩm công nghiệp văn hoá, kinh tế sáng tạo, kinh tế di sản đặc sắc, có lợi thế, giá trị thương hiệu cao (như phim trường, truyền hình, điện ảnh; kinh tế thể thao; sản phẩm thị trường quà lưu niệm, quà tặng du lịch; tổ chức sự kiện, lễ hội; nghệ thuật đa phương tiện, nghệ thuật thị giác; thiết kế sáng tạo, kiến trúc, quảng cáo; bảo tàng, thủ công mỹ nghệ; phần mềm và trò chơi giải trí kỹ thuật số; kinh tế thương hiệu...).

Tầm nhìn đến năm 2050, trở thành một trung tâm lớn về công nghiệp văn hoá, kinh tế sáng tạo và kinh tế di sản của đất nước, có giá trị thương hiệu cao trong khu vực và trên thế giới, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách, giải quyết việc làm, khẳng định vị thế, sức mạnh mềm của đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo.

Ninh Bình nỗ lực thu hút các nhà làm phim từ Hollywood và phát triển công nghiệp văn hoá - ảnh 5

“Việc tổ chức sự kiện xúc tiến du lịch, điện ảnh tại thành phố Los Angeles, với kinh đô điện ảnh thế giới Hollywood đã giúp chúng tôi tiếp cận với các nhà sản xuất phim, đạo diễn, diễn viên, các công ty du lịch trong và ngoài nước. Tại đây, chúng tôi đã giới thiệu điểm đến, các dịch vụ, bối cảnh quay phim tại Ninh Bình, các chính sách cởi mở để thu hút nhà làm phim từ Hollywood…”, ông Nguyễn Mạnh Cường chia sẻ.

Ông cũng cho biết, khi tới khảo sát một số điểm tại thành phố Los Angeles, trong đó có khu phức hợp Warner Bros, một trong những phim trường lớn nhất thế giới, chúng tôi đã học hỏi được rất nhiều để sau này tính toán việc xây dựng phim trường tại Ninh Bình.

Ninh Bình nỗ lực thu hút các nhà làm phim từ Hollywood và phát triển công nghiệp văn hoá - ảnh 6

 

Với vai trò là doanh nghiệp du lịch Ninh Bình tham gia đoàn, bà Phạm Thu Hằng, đại diện Công ty TNHH Đầu tư Thương Mại và Dịch vụ Tràng An cho biết: “Tham gia các hoạt động của Chương trình xúc tiến du lịch, điện ảnh Việt Nam tại Hoa Kỳ (Vietnam Film Expo) lần này đặc biệt quan trọng với chúng tôi. Qua sự kiện này, chúng tôi mong muốn được cùng Bộ VHTTDL và Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, các đơn vị liên quan quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam thông qua điện ảnh nói chung và quảng bá điểm đến Ninh Bình nói riêng”.

“Với vai trò là đại diện cho doanh nghiệp địa phương tại Ninh Bình, đang tham gia trực tiếp vào việc đón và phục vụ khách du lịch, Ninh Bình cũng đã từng được các nhà làm phim Hollywood chọn là bối cảnh, chúng tôi đặc biệt quan tâm tới Chương trình này. Qua việc tiếp xúc với các nhà làm phim, đạo diễn, diễn viên, nhà tổ chức phim ở Hoa Kỳ, chúng tôi rất ủng hộ và chào đón các nhà làm phim, các đạo diễn từ Hollywood đến Việt Nam khám phá và chọn đất nước chúng tôi làm bối cảnh cho những bộ phim bom tấn”, bà Phạm Thu Hằng nói.

Ninh Bình nỗ lực thu hút các nhà làm phim từ Hollywood và phát triển công nghiệp văn hoá - ảnh 7

Bà Hằng cho biết, Công ty TNHH Đầu tư Thương Mại và Dịch vụ Tràng An, đơn vị đang đầu tư khai thác Quần thể danh thắng Tràng An sẽ cung cấp sự hỗ trợ toàn diện cho các nhà làm phim khi chọn nơi này làm bối cảnh cho các dự án phim mới.

Trong đó, cam kết hỗ trợ hậu cần và cơ sở hạ tầng: Các dịch vụ hỗ trợ tại các địa điểm quay phim sẽ được cung cấp miễn phí, bao gồm phương tiện di chuyển nội địa, ăn ở, lưu trú của đoàn làm phim.

Việt Nam là một đất nước có nền ẩm thực phong phú, đa dạng, tuy nhiên chúng tôi cũng đảm bảo được nhu cầu về các thực phẩm, đầu bếp có tay nghề nấu các món ăn Âu Á phù hợp với đoàn phim chọn địa phương là điểm đến.

“Chúng tôi cam kết hỗ trợ tối đa trong việc xin cấp phép quay phim, làm việc chặt chẽ với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng để đảm bảo các quy trình pháp lý được xử lý nhanh gọn và thuận lợi”, bà Hằng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Công ty TNHH Đầu tư Thương Mại và Dịch vụ Tràng An cũng sẽ cung cấp nhân sự địa phương chuyên nghiệp để hỗ trợ đoàn làm phim, từ hướng dẫn viên, hỗ trợ kỹ thuật cho đến hậu cần, đảm bảo quá trình quay phim diễn ra suôn sẻ.

“Chúng tôi cam kết cùng các đoàn làm phim bảo tồn môi trường tự nhiên trong quá trình làm việc, đồng thời mang đến sự hòa hợp giữa bảo tồn và phát triển bền vững”, bà Phạm Thu Hằng nói.