Nhân lực có chất lượng cao đang là thách thức lớn đối với du lịch Việt Nam
VHO - Diễn ra chiều 12.4, trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế - VITM Hà Nội 2024, Hội thảo quốc tế “Đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực du lịch chuẩn quốc tế trong giai đoạn hiện nay” do Liên chi hội đào tạo du lịch Việt Nam (HHDL Việt Nam) và các đơn vị liên quan tổ chức thu hút sự tham gia của hơn 100 diễn giả, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nghiệp du lịch.
GS.TS Đào Mạnh Hùng, Chủ tịch Liên chi hội đào tạo du lịch Việt Nam phát biểu đề dẫn Hội thảo
Cơ sở đào tạo chưa đưa ra được tiêu chuẩn của đầu ra
Hội thảo đã chỉ rõ thực trạng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam; bối cảnh trong nước và quốc tế đối với phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam đạt chuẩn quốc tế; đề xuất nhiều giải pháp đào tạo đạt chuẩn quốc tế trong giai đoạn hiện nay.
Trong phát biểu đề dẫn Hội thảo, GS.TS Đào Mạnh Hùng, Chủ tịch Liên chi hội đào tạo du lịch Việt Nam có đánh giá tổng quan về tình hình du lịch Việt Nam với vấn đề đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực du lịch trong giai đoạn hiện nay.
Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước hiện có 195 cơ sở đào tạo du lịch gồm: 65 trường đại học có các khoa du lịch; 55 trường cao đẳng (có 10 trường cao đẳng chuyên đào tạo du lịch trong đó có 8 trường trực thuộc Bộ VHTTDL); 71 trường trung cấp và 4 trung tâm đào tạo nghề. Có 2 cơ sở đào tạo trực thuộc doanh nghiệp là Trường Cao đẳng nghề khách sạn du lịch quốc tế Imperial đào tạo theo mô hình Hotel college và Trường Trung cấp du lịch - khách sạn Saigontourist của Tổng công ty Du lịch Sài Gòn.
Các cơ sở đào tạo du lịch hiện nay theo các loại hình sở hữu có: Công lập và ngoài công lập, đầu tư trong nước và các cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài; Hình thức tổ chức đào tạo chính quy và không chính quy, các hệ ngắn hạn và dài hạn. Với số lượng các chương trình đào tạo gồm: 55 ngành, 123 chuyên ngành, nghề du lịch và liên quan đến du lịch.
Các cơ sở đào tạo du lịch trong toàn quốc đã chủ động xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo. Thời gian qua, với sự thay đổi trong quy định về đào tạo, có những đổi mới trong quy định mã ngành đào tạo.
Cả nước có khoảng trên 2.000 giáo viên, giảng viên du lịch và cán bộ quản lý, phục vụ đào tạo các cấp (giáo viên, giảng viên du lịch chiếm khoảng 73%, cán bộ quản lý, phục vụ đào tạo chiếm khoảng 27%) và 2.579 đào tạo viên du lịch (đã có chứng chỉ đào tạo của Hội đồng cấp chứng chỉ du lịch Việt Nam).
Giảng viên, giáo viên cơ hữu là 1.400 người, chiếm khoảng 70% và giảng viên thỉnh giảng là 600 lượt người, chiếm 30%. Giáo viên, giảng viên ở độ tuổi dưới 30 tuổi chiếm khoảng 29% và ở độ tuổi từ 31-50 tuổi chiếm 60%. Hầu hết các giảng viên, giáo viên đều biết ngoại ngữ (có khoảng 100 người biết 2 ngoại ngữ trở lên) và tin học. Trong số giảng viên, giáo viên du lịch có 2 giáo sư, 11 phó giáo sư, 36 tiến sĩ, 210 thạc sĩ và 5 chuyên gia, nghệ nhân. Các cơ sở đào tạo du lịch trong toàn quốc đã chủ động xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo phục vụ nhu cầu thực tiễn.
Hàng năm các cơ sở đào tạo du lịch cho tốt nghiệp ra trường được khoảng 20.000 sinh viên học viên trên khoảng 22.000 học sinh tuyển dụng đầu vào. Trong đó có khoảng 1.800 sinh viên đại học, cao đẳng chuyên nghiệp, 2.100 sinh viên cao đẳng nghề du lịch, khoảng 18.200 học viên hệ trung cấp, ngoài ra còn có khoảng 5.000 sơ cấp và đào tạo truyền nghề dưới 3 tháng.
Vấn đề phát triển nhân lực, đặc biệt nhân lực có chất lượng cao đang là thách thức đối với du lịch Việt Nam trước yêu cầu của tình hình mới. Đây cũng là vấn đề đặt ra trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch Việt Nam một cách bền vững. Trong khuôn khổ Diễn đàn du lịch ASEAN (ATF), so với các nước trong khu vực, thì chất lượng dịch vụ du lịch Việt Nam nói chung và tại các trung tâm du lịch lớn vẫn còn hạn chế.
Báo cáo của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, theo đánh giá của các chuyên gia, chất lượng, năng suất lao động trong ngành du lịch và khách sạn tại Việt Nam còn thấp. Cụ thể, năng suất lao động tại khách sạn ở Việt Nam chỉ bằng 1/15 so với Singapore, 1/10 so với Nhật Bản và 1/5 so với Malaysia. Lao động ngành du lịch có nguy cơ bị cạnh tranh việc làm ngay tại Việt Nam bởi nhân lực từ các nước ASEAN như: Thái Lan, Philippines và Malaysia.... Hiện nay, lao động Philippines, Thái Lan, Indonesia, Singapore đến Việt Nam để làm việc khá nhiều, hầu như khách sạn 4-5 sao đều có lao động nước ngoài.
Qua khảo sát tại các cơ sở đào tạo du lịch hiện nay ở nước ta cho thấy một số vấn đề cần quan tâm đó là: Chương trình đào tạo của chúng ta chưa thống nhất, mã ngành đào tạo chưa cập nhật, chưa thực sự đáp ứng nhu cầu của xã hội. Chưa áp dụng triệt để các tiêu chuẩn kỹ năng nghề trong việc xây dựng chương trình đào tạo.
Tuy nhiên, chương trình đào tạo du lịch ở các cấp độ đều thiếu tính đồng nhất, đặc biệt đối với các cơ sở không đào tạo chuyên ngành Du lịch mà chỉ tham gia đào tạo 1 hoặc 2 chuyên ngành. Vì thế, chúng ta cần thống nhất dưới sự quản lý của Bộ VHTTDL, các cơ sở mở mã ngành đào tạo cần tham khảo ý kiến của Bộ chủ quản và có sự thống nhất giữa Bộ VHTTDL, Bộ GDĐT và Bộ LĐTBXH.
Ông Đào Mạnh Hùng cho rằng cần tránh trường hợp mở mã ngành đào tạo du lịch tràn lan không có sự quản lý của cơ nhà nước, việc mở mã ngành đào tạo Du lịch phải đảm bảo các yêu cầu tối thiểu như: Cơ sở vật chất phục vụ cho giảng dạy và học tập, lực lượng giảng viên đúng ngành nghề, có trình độ cao cả về lý thuyết và thực hành, chương trình giảng dạy phải phù hợp… Vấn đề tự chủ của các trường cũng cần phải có tiêu chuẩn cụ thể tham chiếu.
Chất lượng của đội ngũ giảng viên còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu tiêu chuẩn giảng viên, phần lớn số lượng giáo viên, giảng viên ở các trường có đào tạo về du lịch được đào tạo từ các ngành khác.
Phần lớn các cơ sở đào tạo chưa đưa ra được tiêu chuẩn của đầu ra. Vì thế, cần phải có sự cam kết với xã hội: Sinh viên, học sinh sau khóa học tốt nghiệp ra trường sẽ đảm nhận được những công việc gì, đến mức độ chất lượng như thế nào? Khi nào các cơ sở đào tạo chưa có sự cam kết đó là chưa khẳng định được thương hiệu cho mình.
Ông Urs Eberhardt- Giám đốc Khu vực Đông nam Á (Trường BHMS Thụy Sỹ) tham luận về nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế hiện hành
Nghịch lý đào tạo, học không đi đôi với hành
Bên cạnh đó, phương pháp giảng dạy tại nhiều trường du lịch còn nặng về lý thuyết, coi nhẹ hay lẩn tránh thực hành trong khi việc đào tạo nghề Du lịch cần ưu tiên cho thực hành ở tỉ lệ cao. Đây là dấu hiệu của chất lượng giảng viên yếu và cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy không đảm bảo, học sinh sinh viên không được thực hành nghề nghiệp dẫn đến khi ra trường các doanh nghiệp phải đào tạo lại sau khi nhận người vào làm, và như vậy tấm bằng chưa phải là chìa khóa vào đời cho các em.
Nghịch lý là, khi đào tạo thì đòi hỏi phải có thực hành, nhưng khi đi kiến tập và thực tập tại các cơ sở thì thì sinh viên khó có thể tiếp cận được với công việc thực tế bởi nhiều quy định ràng buộc. Nên dẫn tới tình trạng suốt thời gian thực sinh viên vẫn không có khả năng tiếp cận với thực tế nghề nghiệp và tích lũy được kinh nghiệm cho bản thân.
Sự mất cân bằng trong đào tạo giữa lý thuyết và thực hành ở các bậc học cũng cần được quan tâm thích đáng. Ở hai bậc học này, việc đào tạo theo truyền thống trên giảng đường ít được gắn với thực hành. Vì vậy, mặc dù ngồi trên ghế nhà trường 3-4 năm nhưng có không ít sinh viên không có kỹ năng xử lý công việc. Nhìn chung, phần thực hành vẫn là một trong những vấn đề khó khăn rất lớn đối với việc giảng dạy du lịch ở các bậc học...
Hầu hết các ý kiến của doanh nghiệp cũng như các cơ sở đào tạo trong các chương trình hội thảo chuyên ngành đều thống nhất ở hai vấn đề cơ bản: Đào tạo du lịch hiện nay đang ở trong tình trạng thiên về lý thuyết mà thiếu thực hành; khả năng tiếp cận thực tế và thích nghi với môi trường làm việc kém; giao tiếp cơ bản trong công việc chưa đạt yêu cầu đặc biệt là việc sử dụng ngoại ngữ.
Để đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực Du lịch chất lượng cao, triển khai tốt nghị quyết số 08 của Đảng về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, ông Đào Mạnh Hùng cho rằng, công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch cần chú ý một số vấn đề trọng tâm.
Trong đó, cơ quan quản lý nhà nước cần nhanh chóng thống nhất và đưa ra chương trình chung cho các cơ sở đào tạo với tiêu chí bám sát tiêu chuẩn kỹ năng nghề , tăng cường tỉ lệ thực hành, ngoại ngữ và tin học thí điểm đào tạo một số ngành nghề bằng tiếng Anh. Xây dựng khung chương trình đào tạo tiên tiến, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu xã hội. Tăng cường hơn nữa việc hợp tác quốc tế trong đào tạo.
Xây dựng mối liên hệ có trách nhiệm giữa các cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp du lịch, trên cơ sở nhu cầu của việc làm, đơn đặt hàng từ các các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo xây dựng chỉ tiêu, tiêu chí đào tạo hàng năm. Các doanh nghiệp tạo điều kiện cho sinh viên thực hành tại cơ sở của mình, từ đó triển khai việc kiểm tra, tuyển dụng nhân viên sau khóa học.
Đội ngũ giảng viên Du lịch cần phải có chế độ bồi dưỡng nâng cao tay nghề, trình độ sư phạm, kỹ năng thực hành, giao tiếp học hỏi các cơ sở đào tạo tiên tiến trong và ngoài nước, có sự trao đổi lựa chọn lực lượng giảng viên giữa các cơ sở đào tạo với nhau thông qua Hội đồng hiệu trưởng.
Hàng năm cần tổ chức Hội thi Sinh viên Du lịch toàn quốc, tiến tới Hội thi tay nghề Du lịch ASEAN từ đó tìm ra được những tài năng của sinh viên và giảng viên các cơ sở đào tạo. Từ Hội thi có thể tìm ra những tài năng, những kinh nghiệm quý giá trong đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực Du lịch du lịch, lựa chọn bổ sung cho đội ngũ giảng viên có tay nghề cao của các Trường đào tạo Du lịch.
Tăng cường hoạt động của Hội đồng Hiệu trưởng các trường đào tạo Du lịch với tiêu chí bám sát thực tiễn, trao đổi, liên kết hỗ trợ lẫn nhau một cách có trách nhiệm giữa các trường chuyên đào tạo Du lịch và các trường có tham gia đào tạo Du lịch, tham mưu trực tiếp cho cơ quan quản lý nhà nước về chính sách chế độ và các giải pháp trước mắt và lâu dài cho sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực du lịch.
Cần thành lập tổ chức quốc gia kiểm định chất lượng và cấp chứng chỉ nghề cho lao động ngành Du lịch để trên cơ sở đó sắp xếp đúng vị trí công việc và mọi chế độ cho người lao động.
Tổ chức đánh giá ngoài theo tiêu chuẩn quốc tế cho các Trường đào tạo Du lịch. Thành lập các trung tâm bồi dưỡng tay nghề chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế tại các vùng miền để kịp thời cung cấp bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu cho các cơ sở du lịch.
Tăng cường trang thiết bị tin học trong các cơ sở đào tạo, xây dựng các bài giảng bằng công nghệ 4.0 cho tất cả các chuyên ngành, song song với việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ sử dụng công nghệ cao cho lực lượng giảng viên.
PGS.TS Lê Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Đào tạo (Bộ VHTTDL) điều phối phiên thảo luận 2
Cần có chuẩn mực, tiêu chí về đào tạo chuẩn quốc tế
Phân tích những vấn đề còn tồn tại, hạn chế trong đào tạo nguồn nhân lực du lịch; xu hướng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch chuẩn quốc tế tại Việt Nam, PGS.TS Dương Đức Thắng, Trưởng khoa Du lịch (Trường Đại học Công nghệ Đông Á) cho biết: Công tác đào tạo theo phương thức truyền thống hiện không còn phù hợp với tiêu chuẩn, đòi hỏi ngày càng cao của ngành Du lịch. Nhân lực du lịch hiện nay không chỉ thông thạo ngoại ngữ mà còn phải sử dụng tốt công nghệ, các kỹ năng xây dựng sản phẩm theo tiêu chuẩn chất lượng cao. Trong khi đó, nhiều sinh viên được đào tạo tại các khoa du lịch khi ra trường thậm chí không cạnh tranh được với những sinh viên học ngoại ngữ do yếu kỹ năng giao tiếp với người nước ngoài. Đây là thực tế đáng buồn”.
Trong phiên thảo luận 2, dưới sự điều phối của PGS.TS Lê Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Đào tạo (Bộ VHTTDL), các chuyên gia đã thảo luận về du lịch trong bối cảnh hiện tại và vấn đề đặt ra đối với ngành Du lịch; hoạt động liên kết đào tạo nguồn nhân lực du lịch chuẩn quốc tế trong giai đoạn hiện nay; Giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số trong các trường đào tạo nghề du lịch tại Việt Nam.
Tại hội thảo, các chuyên gia cũng nêu vấn đề cần phải có những chuẩn mực riêng trong đào tạo nhân lực chuẩn quốc tế để các cơ sở đào tạo có định hướng xây dựng phương thức đào tạo phù hợp.
PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, Việt Nam có 3 xu hướng đào tạo, đó là: Thực hành, nghiên cứu quản lý, hoặc kết hợp 2 hình thức này. Hiện nay, chưa có chuẩn mực, tiêu chí về đào tạo chuẩn quốc tế, đó là cái khó để các trường xây dựng mô hình đào tạo phù hợp. Tuy nhiên, các trường có thể tuân thủ các quy định về kiểm định đào tạo quốc tế với chuẩn mực như mạng lưới các trường đại học ở châu Á, châu Âu.
Ngành Du lịch Việt Nam đang đặt ra nhiều yêu cầu cao trong phát triển du lịch, thu hút khách quốc tế nhiều hơn trong thời gian tới, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp nhiều hơn cho GDP. Vì thế, hơn lúc nào hết, công tác đào tạo nhân lực chuẩn quốc tế càng trở nên cấp bách, cần được quan tâm ngay từ đầu vào.
NGUYỄN ANH